;
Kinh Pháp cú (Dahammapada) là những câu kệ tụng được trích ra từ trong các lời Đức Phật dạy. Hoặc các bài kệ ngắn trong các kinh, hoặc qua những lần nhân có lời thưa hỏi trong các cảnh ngộ, tình huống khác nhau của chư Tỷ kheo, Phật tử, mà Đức Đạo Sư thuyết giảng, chỉ dạy. Vì vậy, Pháp cú thường là những bài kệ, lời dạy ngắn gọn, từ 4 đến 6 câu - được đệ tử Phật ghi chép, gom góp lại, tùy theo ý nghĩa mà sắp xếp thành tác phẩm.
Kinh Pháp cú đã được chuyển dịch nguyên bản Pali sang nhiều thứ tiếng ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ… Tại nhiều nước, Pháp cú được xem là bộ “Kinh nhật tụng” – “sách nhập môn cho những người sơ học, và là tạng thâm áo của người đã thâm nhập” (1) . Ở Trung Quốc, bản dịch Pháp cú của Pháp sư Liễu Tham từ tiếng Pali được phổ biến rộng rãi từ năm 1950 là bản dịch Pháp cú thứ 5 (Bản dịch lần thứ nhất không còn bản lưu, bản dịch lần thứ 2 được lưu bố vào năm 224 TL). Ở Việt Nam, Hòa Thượng Viên Giác, cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu đã dịch bản Pháp cú từ chữ Hán của Pháp sư Liễu Tham vào năm 1959. Gần đây, có bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu (từ bản Pali) - bổ sung thêm cho sự nghiên cứu, cầu học của mọi người.
Bên cạnh yếu tố lời kinh ngắn gọn, dễ đọc tụng, dễ nhớ, Kinh Pháp cú còn đề cập đến hầu hết các vấn đề vừa là cốt lõi của Đạo, vừa có tính phổ quát, thực tế, gần gũi, liên quan hết sức mật thiết tới cuộc sống thường nhật của tất cả mọi giới - xuất gia hay tại gia, Phật tử hay không Phật tử…
Đặc tính siêu việt của kinh Pháp cú đã được nhiều nhà Phật học ghi nhận là những tư tưởng nòng cốt trong Đạo, những lời dạy thâm áo, sâu xa của Đức Phật đã được diễn đạt, giảng giải hết sức cụ thể, trong sáng, dễ hiểu với mọi trình độ, căn cơ của con người - đi thẳng vào tâm trí người đọc - và lưu lại âm vang lâu dài, có lực tác động rất mạnh mẽ.
Để dạy loài người mở rộng tâm từ, xóa bỏ tận gốc sự thù hận, để đạt được an vui, hạnh phúc thật sự, chân chính - Đức Bổn Sư đã khuyến cáo: “Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù. Đó là định luật của ngàn thu.” (PC 5 - Phẩm Song Yếu - Yamakavaggo)
Khuyến dạy những kẻ giải đãi, buông lung, sa đọa vào các đường ác, hình ảnh “con ngựa gầy hèn” và “con tuấn mã” là một so sánh mà ai ai cũng có thể tin hiểu: “Tinh tấn giữa đám người buông lung, tỉnh táo giữa đám người mê ngủ; kẻ trí như con tuấn mã thẳng tiến, bỏ lại sau con ngựa gầy hèn.” (PC29 - Phẩm Không Buông Lung - Appamadavaggo)
Tâm tưởng phàm phu bình thường vì cứ mãi “xoay vần theo ngũ dục” nên chẳng biết, chẳng lo. Nói theo kiểu “hiện đại” là “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ” hay “chưa đi trong mưa, chưa biết lạnh”. Câu PC 34 (Phẩm Tâm - Cittavaggo) đã dạy: “Như cá bị quẳng lên bờ, sợ sệt vùng vẫy thế nào, thì cũng như thế; các ngươi hãy đem tâm lo sợ phấn đấu để mau thoát khỏi cảnh ác ma!”. Cá lìa xa nước, quẳng lên bờ vùng vẫy cố thoát, để tìm sự sống… Đó là một cảnh tượng rất gần gũi với tất cả nhưng cũng rất bi thiết trong suy nghĩ của chúng ta.
Giá trị đích thực của con người là ở Đức Hạnh, ở Trí Tuệ, ở sự thực hành Phật pháp trong cuộc sống, chứ chẳng phải ở cái bề ngoài, ở lời nói suông. Lấy đóa hoa làm ví dụ, PC 51 (Phẩm Hoa - Puphavaggo) phô diễn: “Như thứ hoa đẹp chỉ phô trương màu sắc mà chẳng có hương thơm, những người chỉ biết nói điều lành mà không làm điều lành, chẳng đem lại lợi ích.”
Hai ví dụ “đêm rất dài” và “đường rất xa” của “người mất ngủ” và “kẻ lữ hành”, cho người đọc như thấy rõ “dòng luân hồi dai dẳng, khó nhọc, gian nan” của con người: “Đêm rất dài với người mất ngủ, đường rất xa với kẻ lữ hành. Cũng thế, dòng luân hồi sẽ tiếp nối mãi với kẻ ngu si không minh đạt chánh pháp.” (PC 60 - Phẩm Ngu - Balavaggo)
Pháp cú dẫn dắt người thọ trì thâm nhập vào ý nghĩa sâu xa, thâm áo, bằng sự diễn giải cụ thể, bằng cách so sánh bình dị - nhanh chóng, khiến cho người đọc tỉnh ngộ : “Người tưới nước lo dẫn nước, thợ làm cung tên lo uốn cung tên, thợ mộc lo nảy mực đo cây, còn người Trí thì tự lo điều phục lấy tâm mình.” (PC 80 - Phẩm Hiền Trí - Panditavaggo)
Tính giáo dục phổ quát còn thể hiện rõ ở sự diễn đạt từ cụ thể đến trừu tượng; đối chiếu, so sánh, tỷ dụ từ dễ đến khó - như một câu tục ngữ, một câu ca dao bình dân nhưng tư tưởng thì thật là thâm thúy, sâu thẳm - tùy theo căn cơ, trình độ của mỗi người, đều lãnh nhận giác ngộ, được lợi ích thiết thực: “Tụng đến ngàn câu kệ vô nghĩa, chẳng bằng một câu kệ có nghĩa lý, nghe xong tâm liền tịch tịnh.” (PC 101 - Phẩm Ngàn -Sahassavaggo)
Có thể nói, hầu như những vấn nạn, những thắc mắc, ưu tư trong cuộc sống, những điều căn bản bước đầu thâm nhập vào Đạo, đều đã được đề cập trong kinh Pháp cú. Những điều thiết yếu ấy lại được trình bày dưới nhiều hình thức rất cụ thể, gợi hình, gợi cảm, tác động một cách trực tiếp đến người thọ trì, đọc tụng. Kinh Pháp cú là bộ kinh “dẫn đường” cho người sơ học, mà “mở lối” cho người đã thâm nhập: “Sống lâu trăm tuổi mà không thấy pháp vô thường sanh diệt, chẳng bằng chỉ sống một ngày mà thấy pháp sanh diệt vô thường.” (PC 113 - Phẩm Ngàn - Sahassavaggo)
Trong đời sống thường nhật, ý tưởng khinh thường “điều ác nhỏ” thật là phổ biến, nhưng đó chính là nguyên nhân dẫn tới “điều ác lớn”, để con người thọ lãnh nghiệp báo khổ đau triền miên. Lời dạy PC 121 (Phẩm Ác – Papavaggo) là một thức tỉnh, cảnh báo cho tất cả: “Chớ khinh điều ác nhỏ cho rằng chẳng đem lại quả báo cho ta”. Phải biết giọt nước nhểu lâu ngày cũng đầy bình. Kẻ ngu phu sở dĩ đầy tội ác bởi chứa dồn từng khi ít mà nên!”
Tất cả những lời dạy trong kinh Pháp cú như đã nói, đều đã đạt được yếu tính: Dễ đọc tụng, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thọ trì. Vì dễ hiểu nên người đọc mới cảm thấy hứng thú - phấn khởi; có niềm tin vui rồi mới có thể nhớ được lâu; có ấn tượng sâu trong tâm khảm, mới có thể dẫn tới hành động - đem lại lợi ích cho mình, cho người một cách thiết thực…
Kinh Pháp cú gồm 26 phẩm, 324 câu (theo bản dịch của cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu), nhưng trong bài ghi nhận ngắn này, chỉ đề cập tiêu biểu được rất ít để dẫn chứng. Nhân đây, chúng tôi cũng xin có một đề nghị nhỏ với Giáo Hội PGVN - THPG Tp HCM, lịch bloc năm 2002 nên cho in thêm một tờ ngày có một lời kinh Pháp cú đã được chọn, để mỗi ngày chúng ta có thể học thuộc một câu; mong phổ biến rộng rãi hơn - mọi người đều nhận được pháp nhũ quý báu từ kinh Pháp cú.
Chúng tôi xin mượn lời cảm nhận của cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu về kinh Pháp cú, để tạm kết thúc bài ghi nhận ngắn này: “…Tôi tin rằng những lời dạy giản dị mà thâm thúy trong kinh Pháp cú có thể làm cho chúng ta mỗi khi đọc đến thấy một niềm siêu thoát lâng lâng tràn ngập tâm hồn; và những đức tính Từ Bi Hỷ Xả - bình tĩnh, lạc quan vươn lên tỏa rộng giữa những ngang trái, hẹp hòi, khổ đau, điên đảo của cuộc thế vô thường…” (2)
(Vô Ưu số 11, tháng 01-2002)
(1) Bài tựa của pháp sư An Thụan viết cho bản kinh pháp cú Hán Văn.
(2) Kinh pháp cú – HT Thích Thiện Siêu dịch viện NCPHVN- 1993