;
2. Truyền thống Tâm lý học A-tỳ-đàm, biểu tượng bởi những nhà tư
tưởng như An Huệ, Pháp Hộ (Dharmapàla), Huyền Trang, và Vinìtadeva.
Trong khi nhánh thứ nhất tập trung vào những vấn đề nhận thức luận và
luận lý, thì nhánh thứ hai chuyên nghiên cứu những phân tích về
A-tỳ-đạt-ma một bộ luận đã được ngài Vô Trước và Thế Thân phát triển từ
trước. Hai nhánh này hoàn toàn không tách rời nhau, và nhiều luận sư
Phật giáo đã trước tác nhiều luận giải góp phần cho cả hai nhánh này
ngày càng phát triển. Chẳng hạn như ngài Trần Na, ngoài những tác phẩm
về Nhân minh Luận lý học ra, ngài còn viết luận giải về A-tỳ-đạt-ma
Câu-xá luận của ngài Thế Thân. Điều thống nhất của hai trường phái là sự
quan tâm sâu sắc về tiến trình nhận thức, nghĩa là phân tích tư duy,
nhận thức của chúng ta như thế nào. Trường phái trước tiếp cận với Nhân
minh Nhận thức luận, trong khi trường phái sau theo khuynh hướng tâm lý
học và trị liệu. Cả hai cùng xem những vấn đề căn để của con người là
nhận thức sai lầm cần phải được điều chỉnh.
Một vài tư tưởng căn
bản của Du già hành tông, đến thời kỳ trường phái A-tỳ-đạt-ma thì bị tấn
công khắc nghiệt bởi những trường phái Phật học khác, đặc biệt là ý
niệm về a-lại-da thức, bị xem là hơi giống ý niệm về àtman (bản ngã
thường hằng, bất biến) và ý niệm về prakrti (bản thể tiên thiên, mọi
linh hồn, cảm giác cùng vật chất đều phát sinh từ đó). Cuối cùng, những
luận điểm phê bình quá kiên cố đến nỗi trường phái A-tỳ-đạt-ma bị co
lại. Đến cuối thế kỷ thứ VIII, luận điểm phê phán ấy bị lu mờ vì tư
tưởng của trường phái Nhân minh Luận lý học và trường phái lai tạp kết
hợp giữa giáo lý Du già hành tông và tư tưởng Như Lai tạng
(tathàgatagarbha). Trường phái Nhân minh Luận lý học từng bước tránh
được sự phê phán bằng cách dùng thuật ngữ citta-santàna, “dòng thức”
thay cho a-lại-da thức, vì chung quy nó hoàn toàn có ý nghĩa giống nhau,
dễ phản đối vì “dòng thức” biểu tượng cho một bản ngã cụ thể. Mặt khác,
trường phái lai Như Lai tạng không xa lạ gì với việc nhận ý niệm về ngã
vào trong giáo lý của trường phái mình, chẳng hạn, ho đã định nghĩa một
cách chính xác Như Lai tạng là “thường, lạc, ngã, tịnh”(19). Thực vậy,
nhiều kinh văn xiển dương tư tưởng Như Lai tạng cho rằng sự thừa nhận ý
niệm về ngã như là một biểu hiện cho sự thành tựu tối thượng. Trường
phái này nỗ lực đồng nhất tư tưởng Như Lai tạng và a-lại-da thức thành
một. Kinh văn cứ điểm của trường phái lai này là kinh Lăng Già, Thật
tính luận(20), và với Trung Hoa là Đại thừa khởi tín luận.
Vào
thế kỷ thứ VI – VII, Phật học Trung Hoa chói sáng nhờ cuộc sánh vai của
Du già hành tông. Sự chia chẻ chủ yếu giữa các phiên bản kinh luận chính
thống Du già hành tông và phiên bản của trường phái lai Như Lai tạng,
sau cùng được ổn định vào thế kỷ thứ VIII qua sự ủng hộ các kinh văn của
trường phái lai Như Lai tạng, mà sau này tất cả đều trở thành hệ thống
kinh luận của Phật giáo Đông Nam Á. Tư tưởng Du già hành tông cũng được
nghiên cứu và xếp loại ở Tây Tạng. Dòng Ninh Mã (Nyingma), giáo pháp Đại
Cứu Cánh (Dzog Chen) đã y cứ trên bản dịch tiếng Hán tương ưng của
trường phái Như Lai tạng. Dòng Cách lỗ (Gelugpas) chia tư tưởng Du già
hành tông thành nhiều nhánh nhỏ và xem đó là giáo lý mở đầu để tiến vào
nghiên cứu tư tưởng của Đại thừa Quy mâu luận chứng phái(21), mà dòng
Cách lỗ xếp vào giáo lý Phật giáo Tối thượng thừa. Tuy vậy, người Tây
Tạng có khuynh hướng xem truyền thống Nhân minh Luận lý học khác biệt
hẳn với Du già hành tông, thay vào đó, họ thường gọi trường phái này là
Kinh lượng bộ hoặc Thí dụ bộ (Sautràntika).
II. Du già hành tông không phải là chủ nghĩa duy tâm siêu hình
Trường
phái được gọi là Du già hành tông (tu tập, thực hành Du già(22)) vì
tông này cung cấp một cơ cấu nhận thức cũng như phép tu tập trị liệu để
dẫn đến chỗ cứu cánh của Bồ tát đạo, được gọi là giác ngộ. Thiền định
được dùng như sự thể nghiêm, qua đó hành giả có thể nhận ra phương thức
hoạt dụng của tâm. Du già hành tông tập trung vào những vấn đề của thức
từ nhiều lối tiếp cận khác nhau, gồm thiền định, tâm lý học phân tích
(tâm phân học), nhận thức luận (cach nhận ra cái biết của mình, hoạt
dụng của tri thức ra sao, lấy gì để công nhận giá trị của tri thức),
phương pháp nhận thức qua kinh luận và phân tích về nghiệp.
Giáo lý
Du già hành tông được tóm tắt trong thuật ngữ vijnapti-màtra, có nghĩa
là “tất cả chỉ là sự biểu hiện của thức” (thường được dịch là duy thức
hoặc duy tâm), thuật ngữ này đôi khi được hiểu như là biểu tượng cho một
dạng duy tâm siêu hình. Du già hành tông có chiều hướng bị hiêu lầm là
một dạng duy tâm siêu hình, chủ yếu vì giáo lý của nó đi theo hướng tiền
đề bản thể luận hơn là như sự cảnh báo trước của nhận thức về những vấn
đề của nghiệp. Du già hành tông tập trung vào sự nhận biết và y thức
phát sinh từ sự phân tích về nghiệp, không phải nhờ vào những suy luận
siêu hình. Có hai yếu tố nên làm sáng tỏ để giải thích vì sao Du già
hành tông không phải là một dạng duy tâm siêu hình:
- Ý nghĩa của thuật ngữ duy tâm.
- Sự khác biệt quan trọng giữa phương pháp nhận thức triết học của người Ấn Độ và người phương Tây.
1. Về thuật ngữ duy tâm:
Thuật
ngữ duy tâm trở nên thịnh hành trong thời kỳ của Kant(23) (mặc dù nó
được dùng sớm hơn bởi một người khác, đó là Leibniz(24)) để gọi một
trong hai trường phái phát sinh như là sự phản ứng lại triết học
Cartesian(25). Descartes(26) đã chỉ rõ có hai nền tảng mà thực thể phân
đôi trong vũ trụ: sự mở rộng (thế giơi vật thể trong không gian) và tư
tưởng (thế giới tâm thức và ý tưởng). Theo đó, mỗi phái đối nghịch chọn
thực thể này hay thực thể khác làm bản thể siêu hình cho phái mình. Các
nhà duy vật cho rằng chỉ có vật chất là thưc tại tuyệt đối, thế nên cho
tư tưởng và tâm thức đều phát sinh từ các thực thể vật chất (hóa chất,
não trạng v.v...). Chủ nghĩa duy tâm phản đối lại rằng tâm và ý tưởng
của nó là thực tại tuyệt đối, và thế giới vật chất đều phát sinh từ tâm
(chẳng hạn như linh hồn của Thượng đế, nhận thức tồn tại của
Berkeley(27), hoặc từ ý tưởng tiên thiên v.v...). Chủ nghĩa duy vật bị
hút về hướng giải thích mang tính cơ giới và vật chất, lý do tại sao và
bằng cách nào mà vạn vật tồn tại, trong khi chủ nghĩa duy tâm có khuynh
hướng tìm kiếm mục đích – đạo đức cũng như duy lý – để giải thích sự
hiện hữu. Duy tâm có nghĩa là chỉ riêng do tâm, thường được hiểu qua
nghĩa ý niệm tư tưởng (eidos) của Plato vào thời đó, mệnh danh duy tâm
là siêu việt hẳn thế giới vật chất, thế giới cảm giác, miễn là hình thái
(eidos) ấy có ý nghĩa và mục đích. Trong khi chủ nghĩa duy vật được
củng cố bằng những tiến bộ khoa học vật chất, có được sự công nhận rộng
rãi hơn, thì những người nghiêng về mục tiêu tâm linh và thần học ngày
càng quay sang hướng duy tâm như là một sự phản ứng(28).
Xu thế
chủ đạo của triết học phương Tây từ thời Plato và Aristotle là đã xem
bản thể học và siêu hình học như là sự theo đuổi rốt ráo của triết học,
với vai trò của nhận thức luận nhỏ bé hơn so với việc đáp ứng sự thể
nhập và chứng minh cho sự tận tụy theo đuổi tinh thần bản thể học của
con người. Vì nhiều thứ bị phê phán như là hình thái quá độ của triết
học – như chủ nghĩa hoài nghi, thuyết duy ngã, lối ngụy biện – có thể
hoặc bị gán cho là xuất phát từ những vấn đề nhận thức luân tích cực,
nhận thức luận thường bị nghi ngờ, và trong vài hệ thống thần học được
xem hoàn toàn không cần thiết cho sự thọ nhận đức tin. Bản thể học là
chủ yếu, và nhận thức luận hoặc là thứ yếu, hoặc là có thể xem như không
có.
2. Sự khác nhau giữa Ấn Độ và phương Tây khi tiếp cận triết học:
Trong
triết học Ấn Độ, người ta tìm thấy sự đảo ngược về vấn đề này. Nhận
thức luận (pramànavàda) là chính yếu, trong cả hai ý nghĩa, nó phải được
xem là ưu tiên hơn trong mọi thử thách đối với bất kỳ mọi nỗ lực mang
tính triết học khác, và giới hạn của lời tuyên bố siêu hình của con
người luôn luôn được ấn định bất khả xâm phạm bởi thông số lập nên do
nhận thức của mỗi người. Trước khi con người có sự thỉnh cầu, họ phải
đặt lời thỉnh cầu ấy trên cơ sở nó có thể được chứng minh. Người Ấn Độ
thừa nhận rằng nếu có người muốn phản bác đối thủ với một quan điểm mới,
trước tiên họ phải tìm ra một nhận thức chung làm nền tảng cho cuộc
tranh luận. Không như vậy, sẽ không có cuộc tranh luận đầy ý nghĩa diễn
ra.
Vì bản thể luận (prameya) của mỗi người tùy thuộc vào nhận thức
luận của họ cho phép, nên nhiều trường phái triết học Ấn Độ cố gắng gom
mọi thứ vào danh sách những phương tiện tri thức giá trị để tạo thuận
tiện cho tuyên bố của trường phái mình. Chẳng hạn Ấn Độ giáo, cho kinh
điển của họ là phương tiện giá trị của trí thức; nhưng các trường phái
khác, như Phật giáo và Kỳ Na giáo, lại từ chối uy thế kinh điển của đạo
Hindu. Thế nên, nếu một tín đồ đạo Hindu tranh luận về đạo Phật hay Kỳ
Na giáo, thì họ không thể cầu khẩn uy lực từ kinh điển đạo Hindu, mà họ
phải tìm kiếm một nhận thức luận chung làm cơ sở. Đối với Phật giáo thì
có thể dùng nhận thức và suy luận, còn trong trường hợp tín đồ Kỳ Na
giáo, thì chỉ dùng suy luận. Tất cả mọi trường phái ngoại trừ Kỳ Na giáo
đều chấp nhận nhận thức là một phương tiện của tri thức, có nghĩa tri
giác là cần thiết (nếu nó có phẩm tính không mê muội, không ảo tưởng,
v.v...). Đó là những cái gì hiện thời không được thấy nhưng trên nguyên
tắc cái thấy có thể nhận biết được qua suy luận. Dù không thực sự thấy
được lửa, nhưng người ta biết chắc có lửa trên đồi khi thấy khói ở vị
trí đó, vì lửa và khói đều là những thực tế có thể thấy được trên nguyên
tắc, và một vật được thấy cần phải có tương quan hiện hữu giữa khói và
lửa, nghĩa là nơi nào có khói thì nơi đó có lửa. Lẽ nào khi một người ở
sát gần với lửa, mà họ lại không chắc chắn thấy được lửa. Người ta không
thể nào có suy luận hợp lý về cái mà không thể nào nhận thức được,
chẳng hạn như con kỳ lân(29), vì không có mối tương quan thiết yếu để
thấy được, thế nên người ta không thể suy luận ra có một con kỳ lân trên
đồi. Khả năng nhận thức, do vậy, là thành phần không thể thiếu được của
cả nhận thức lẫn suy luận, và vì thế, đối với Phật giáo, đều thuộc về
nhận thức đúng đắn. Để được xem là “thực” (dravya) theo tiêu chuân của
Luận lý học Phật giáo, một vật phải biểu lộ ra một tác dụng có thể thấy
được. Các trường phái Phật giáo tranh luận với nhau về vật thể hiện hữu
thực sự hay không khi nó biểu hiện ra cái tác dụng có thể thấy được này
(quan điểm của Kinh lượng bộ – Sautràntika), hoặc là có thể xem là hiện
hữu thực sự nếu nó biểu hiện ra tác dụng có thể thấy được này vào một
khoảnh khắc nào đó trong quá trình tồn tại của nó (quan điểm của Nhất
thiết hữu bộ(30)). Nhưng tất cả đều đồng ý rằng một vật phải có hiệu quả
của kiến duyên (kàrana) để có thể được coi là có thật. Điều này giúp
giải thích điểm trọng tâm của ý và thức cho lý thuyết Du già hành tông.
Trường
phái Nhân minh Luận lý học của Du già hành tông vạch ra một sự phân
biệt rõ nét giữa nhận thức và suy luận. Nhận thức có liên quan đến tri
giác duy nhất, tạm thời, những chi tiết trừu tượng. Suy luận thuộc về
ngôn ngữ, thế giới của ý niệm, vì ngôn từ chỉ có nghĩa và truyền thông
được trong chừng mực nó chỉ định rõ và góp phần vào thành phần phổ cập
cùng được chia sẻ và hiểu được bởi người sử dụng ngôn ngữ. Sự suy luận
đúng hay sai tùy theo mức độ chính xác hay nhầm lẫn tương ứng với phần
tri giác. Nhưng dù khi ngôn ngữ chân xác, thì nó vẫn chân xác chỉ trong
sự tương quan với cảm giác mà nó tương ứng. Ngược lại, tri giác (và chỉ
có tri giác) thì vượt qua ngôn ngữ. Tri giác không bị che phủ bởi ngôn
ngữ hoặc sự khẳng định mang tính lý thuyết (samàropa) là nhận thức đúng
đắn và chính xác, là không phỏng chừng, là chân thực (paramàrtha). Trong
khi điều này như thể có liên quan với những tuyên bố siêu hình về những
phạm trù như chất tử và vũ trụ, cảm giác và ngôn ngữ, nhưng thực ra đó
là một yêu cầu chúng ta nên nhận thức sự vật như chúng đang hiện hữu mà
không áp đặt bất kỳ một khẳng định siêu hình hay một cơ cấu nhận thức
nào khác. Chính kinh nghiệm và tri thức, chứ không phải siêu hình, đang
bị lâm nguy. Vấn đề là vượt lên sự miêu tả, không vì nhận thức là cái gì
đó không thể tiết lộ, nó ở bên ngoài hay phía sau kinh nghiệm của con
người, mà vì nó là cảm giác rất thô trong kinh nghiệm của con người mà
thực tại tạm thời đơn nhất của nó không thể giảm đi tính phổ quát, tính
vĩnh cửu của ngôn ngữ hoặc là của ý niệm. Để lý giải luận điểm này như
là môn siêu hình học đặc thù thì vẫn còn bị mắc trong bẫy định thức khái
niệm, và do vậy nên đánh mất tiêu điểm của nó.
Môn nhận thức
luận liên quan rất rộng rãi đến triết học Ấn Độ, điều này đặc biệt đúng
với triết học Phật giáo. Nhiều kinh luận Phật giáo khẳng định rằng dù có
tri thức cao cũng chẳng làm gì được với bản thể học, rằng chú tâm vào
phạm trù hiện hữu hay không hiện hữu (asti-nàsti, bhàvàbhàva) của vật
thể la một hành vi mê lầm. Điển hình là họ hoán chuyển những đề mục quan
trọng – như tính Không và Niết bàn – từ cái nhìn bản thể học, bằng cách
tuyên bố rõ ràng đây chẳng có gì để làm với hiện hữu hoặc không hiện
hữu, với co hoặc không; và họ còn cảnh báo thêm rằng đây không phải là
sự phóng túng tưởng tượng về một cảm quan cao hơn về tồn tại hoặc hiện
hữu thành những đề mục như thế để rồi bị đồng nhất vào hoặc bị phủ nhận.
Mục tiêu của đạo Phật không phải mong lập nên cấu trúc về một bản thể
học hoàn chỉnh hơn. Thay vì vậy, mục tiêu chủ yếu của đạo Phật luôn luôn
là chuyển hóa vô minh. Vì thế, nên người Phật tử thường dừng lại sự suy
đoán về bản thể học và siêu hình (tarka), cho nó là vô ích hoặc nguy
hiểm. Nhận thức chân chính (Thánh trí; s: samyag-jnàna) khi nào cũng
được tán dương. Ngay cả những nhà Trung quán, vốn đặt vấn đề tính khả
thi khá nhiều về Nhận thức luận Phật giáo, cũng khẳng định rằng chúng ta
phải biết đâu là những sai lầm và hiệu chỉnh liền ngay phương pháp nhận
thức. Nói rõ ra, Phật giáo quan tâm đến cái thấy (seeing), chứ không
phải cái hiện hữu (being); có nghĩa là quan tâm đến nhận thức học hơn là
bản thể học.
Đáng chú ý là không một kinh văn nào của Du già
hành tông Ấn Độ nào mà không từng tuyên bố rằng thế giới được tạo ra bởi
tâm. Họ tuyên bố vậy vì chúng ta nhầm lẫn phóng ảnh cái hiểu của mình
về thế giới vì chính thế giới, nghĩa là đem cấu trúc tinh thần của mình
làm thế giới. Thuật ngữ về lĩnh vực này cũng nhiều như sự phân tích về
nó: kalpanà (phân biệt), parikalpa và parikalpita (biến kế, biến kế sơ
chấp), abhùta-parikalpa (tạp – tưởng tượng một vật ở một nơi mà nó không
hiện hữu), prapanca (hý luận)... chỉ xin đề cập chừng đó thôi. Nhận
thức đúng đắn (Thánh trí) được định nghĩa là sự chuyển hóa mọi chướng
ngại ngăn che khiến ta không nhận ra lý nhân duyên sinh theo đúng như
thực (yathà-bhùtam). Đối với Du già hành tông, những nhân duyên này là
có thể nhận thức được, không phải là siêu hình; nó là những tướng trạng
tâm ý thức mà qua đó, cam giác và tư tưởng biểu hiện, chứ không phải mưu
toan siêu hình của một Đấng sáng tạo hoặc của một thực thể bất khả tri.
Điều nhận biết được qua nhận thức chân chính, nói chính xác là chân như
– tathatà, mà Đức Phật thường chỉ ra ngay không cần qua trung gian. Nay
chỉ cần gọi bằng một từ là duy thức – prajnapti-màtra.