;
Phật Niết Bàn hơn hai ngàn năm trăm năm, thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhiều phát minh mới của các nhà khoa học, giúp con người nhận thức về xã hội và vũ trụ theo phương pháp khoa học có logic, có thực nghiệm chứ họ không chấp nhận những gì mơ hồ thiếu thực tế.
Do đó, tôn giáo muốn đồng hành lâu dài với con người trong xã hội, tôn giáo cần tích cực tham gia vào những hoạt động xã hội, trở về với hiện thực cuộc sống và cố gắng giải quyết những vấn đề của nhân gian mà Phật giáo không là một ngoại lệ. Ngôi nhà Phật pháp bền vững theo thời gian hay không là trách nhiệm của tứ chúng.
Vai trò cư sĩ là một trong những hàng ngũ đệ tử của Phật, ngoài việc bản thân tu học, còn phải biết hộ pháp đúng, hộ trì Tăng Ni vững tiến, đúng hướng, an định trong sứ mệnh phụng sự chúng sanh, đưa đạo Phật trí tuệ, từ bi được tỏa sáng.
1. Vai trò Tứ chúng trong đạo Phật
Xã hội Phật giáo là xã hội bao gồm người xuất gia và tại gia. Người xuất gia là người từ bỏ đời sống gia đình, sống vô gia đình với chí hướng theo Phật tìm cầu giác ngộ và đem sự giác ngộ đến mọi người; người tại gia là những người tin và làm theo lời Phật dạy. Như vậy, đối tượng giáo dục của Phật giáo là con người, bao gồm 4 chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nam cư sĩ và nữ cư sĩ.
Các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni giữ vai trò kế thừa và truyền bá Phật pháp, còn cư sĩ tại gia, tức Ưu bà tắc, Ưu bà di hay còn gọi là cận sự nam, Cận sự nữ giữ vai trò hộ trì Phật pháp, hỗ trợ chúng xuất gia tu hành đúng như chánh pháp, góp phần chính yếu cho sự thịnh suy của đạo Phật, theo lời Phật dạy: “Ở đây, sau khi Như Lai nhập diệt, các Tỳ kheo, các Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống tôn trọng và quy thuận bậc Đạo Sư, sống tôn trọng và quy thuận giáo pháp, sống tôn trọng và quy thuận Tăng chúng, sống tôn trọng và quy thuận học giới, sống tôn trọng và quy thuận lẫn nhau.
Đây là nguyên nhân chánh pháp được tồn tại lâu dài sau khi Như Lai viên tịch” (A.III.247).
2. Thế nào là hộ pháp?
Hộ pháp tức là hộ trì Tam Bảo bao gồm Phật bảo, Pháp bảo, và Tăng bảo.
a. Hộ trì Phật bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng Đức Phật là bậc giác ngộ chân lí, bậc đã giải thoát, bậc kính trong chánh pháp. Do vậy, sự hộ trì Phật bảo cũng được gọi là hộ pháp. Người cư sĩ hộ trì Phật bảo bằng bốn hình thức sau đây:
1- Giữ vững niềm tin đối với Đức Phật, không có hoài nghi sự giác ngộ của Ngài.
2- Hằng tán dương Đức Phật và hoan hỷ người khác tán dương Đức Phật.
3- Thường xuyên lễ bái Đức Phật qua hình, tượng, xá lợi.
4- Xây dựng đền tháp, tôn thờ Phật cảnh trang nghiêm để tôn vinh Đức Phật. Nếu không có khả năng tự mình làm thì ủng hộ người khác cùng làm.
b. Hộ trì Pháp bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng giáo lí của Đức Phật là pháp đem đến sự an vui cho chúng sanh thiết thực hiện tại, lợi ích tương lai, và thoát khỏi luân hồi. Giữ vững giáo pháp cho đúng tinh thần chánh pháp, không để bị mai một, bị sai lệch văn cú ý nghĩa lời Phật dạy. Đó gọi là hộ pháp.
Người cư sĩ hộ trì Pháp bảo bằng năm hình thức sau đây:
1- Giữ vững niềm tin đối với giáo pháp, không có hoài nghi về hiệu năng hướng thượng của Giáo pháp.
2- Siêng năng học hỏi giáo pháp, thọ trì đúng chánh pháp, không mê tín dị đoan, không xu hướng ngoại đạo.
3- Hoan hỷ cúng dường đến các vị Tỳ kheo, Sa di là bậc đa văn, những vị học pháp, hành pháp và duy trì giáo pháp.
4- Có sự ưu tư trong việc chấn hưng Phật pháp khi thấy có dấu hiệu bị suy thoái, bị phá hoại.
5- Tùy khả năng của mình, hỗ trợ chư Tăng kết tập kinh điển, in ấn sách kinh, mở trường lớp Phật học…
a. Hộ trì Tăng bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng Tăng chúng là những vị đệ tử thừa hành giáo lí của Đức Phật, truyền thừa Phật pháp tồn tại trong thế gian ngay khi Đức Phật còn tại thế và sau khi Phật Niết Bàn.Tăng chúng còn là Giáo pháp còn, do đó sự hộ trì Tăng bảo cũng là hộ pháp.
Người cư sĩ hộ trì Tăng bảo bằng năm hình thức sau đây:
1- Có niềm tin vững chắc nơi Tăng chúng, không vì lý do một vài phần tử cá nhân xấu mà mất niềm tin với Tăng chúng.
2- Thường xuyên hộ độ cúng dường các nhu cầu vật chất đến chư Tăng.
3- Luôn luôn bảo vệ uy tín và thanh danh cho Tăng chúng.
4- Quan tâm đến sự an nguy thịnh suy của Tăng chúng, đồng vui cộng khổ với chư Tăng.
5- Đối xử với Tăng chúng bằng sự kính trọng và nhu thuận.
3. Trách nhiệm hộ pháp của cư sĩ trong thời hiện đại
Người cư sĩ đúng nghĩa, trước tiên phải biết tôn kính Tam Bảo, chứ không phải tôn sùng Tam Bảo, tha thiết đến chùa chỉ để lạy lục, cầu xin và thần tượng hóa Phật như một vị Thần, vị Thánh có thể ban phước giáng họa hoặc tụng kinh thuần thành với mưu cầu phước báu mà không hề hiểu lời Kinh là để học và hành trì những lời Phật dạy.
Hoặc giả tôn sùng bằng cách quyên góp, sưu tầm hình tượng Phật, Bồ tát bằng những chất liệu quý hiếm thế gian mọi giá để đạt kỷ lục và cho đó là thể hiện lòng tôn kính. Vì tạo hình tượng Phật trang nghiêm để chiêm ngưỡng, nhắc nhở, giáo dục về mặt tinh thần, hướng đến nếp sống hướng thượng đúng như tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật.
Pháp thân luôn hiện bày khắp nơi để Phật pháp được lưu truyền vững chắc ăn sâu trong tâm thức mọi người, và việc hộ pháp được phát huy triệt để duy trì mạng mạch giáo Pháp Phật.
Cũng vậy, đối với Pháp, người cư sĩ thể hiện thái độ tôn kính chứ không tôn sùng cho rằng pháp Phật, Pháp môn mình đang hành trì là siêu việt nhất, khiến phát sinh tà kiến, đố kị, gây chia rẽ nội bộ Phật giáo dẫn đến sự mất đoàn kết qua các cổng thông tin như youtube, Facebook, hoặc tránh ủng hộ pháp tà nguỵ giả danh Phật giáo.
Đối với Tăng, là những vị đang trong thời gian tu hành để tiến đến giải thoát, chúng ta tôn kính, quán xét đức hạnh của vị ấy để làm gương cho mình nương, không tôn sùng như thần tượng, đến khi các vị ấy không hoàn hảo như mình mong đợi khiến tâm thất vọng và đánh mất niềm tin vào Tam Bảo mà mình đã có quá trình dày công hun đúc trên con đường tìm đến đạo…
Bởi các vị cũng còn là phàm Tăng, chưa phải là Thánh Tăng, dĩ nhiên không tránh khỏi lỗi lầm và nghiệp dĩ của thân. Nếu các vị ấy có sai phạm thì đã có Giới luật của Phật chế tài, không vì một cá nhân mà có những lời lẽ bất kính đến Tăng đoàn, Giáo hội. Người cư sĩ, chỉ cần một phản ứng bộc phát thiếu cân nhắc, dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.
Không phải không có lí do khi Đức Phật định danh vài trò của người cư sĩ là cận sự. Nghĩa của cận sự là gần gũi phụng sự Phật pháp chứ không phải gần gũi chư Tăng Ni như là người thân, bà con, bạn bè… khiến cho các vị ấy phải dao động, ảnh hưởng đến tiến trình tu hành và uy tín với đại chúng.
Không ít những cư sĩ thường có suy nghĩ làm công quả chốn già lam, phục vụ tu sĩ là để gieo trồng phước báu. Căn bản là không sai nhưng đến với mưu cầu phước báu vị lai mà bỏ bê gia đình (chồng, vợ, con cái, cha mẹ…), trốn việc nhà thì kết quả sẽ ngược lại, vì vô hình chung gieo những hạt giống phiền não đến người thân của mình và họ sẽ mất thiện cảm với Đạo, vì cho rằng chùa là nơi những người trốn lánh việc đời, và người thân của họ đang bị các vị Tu sĩ khuyến dụ.
Khía cạnh tế nhị hơn, khi quá thân gần một vị Tăng sẽ phát sinh nhiều tình cảm vui, buồn, yêu ghét, giận hờn… sinh tâm chấp thủ và phân biệt thầy tôi, thầy kia, nọ… khiến vị Tăng cũng khó tránh tâm lí phiền não nhất định. Chính vì vậy, gần gũi chư Tăng là việc hết sức tế nhị, là phương tiện quyền xảo, một khi thực thi thì ít nhiều đều có lợi ích đôi bên (Tăng, tục) nhưng cũng coi chừng lợi bất cập hại. Tăng sĩ thì nhiễm thói đời của cư sĩ, và cư sĩ lại xem thường, ngã mạn đối với chư Tăng.
Bàn về sự cúng dường, người cư sĩ cần phải hiểu đúng đắn từ cúng dường để đừng biến tướng cúng dường thành cung ứng. Cúng dường có nghĩa là cung dưỡng, tức cung cấp nuôi dưỡng các Tu sĩ để các vị ấy an tâm tu hành, truyền bá chánh pháp, giúp chúng sanh giải thoát bớt những khổ đau tinh thần chứ không phải cung ứng nhu cầu đòi hỏi của các Tăng Ni.
Như khi Phật chưa thành đạo, Ngài đã nhận sự cúng dưỡng bát cháo sữa của nàng mục nữ Sujata, vượt qua cơn đói lã do thực hành tu khổ hạnh. Vì bản chất hạnh tu của người Tăng sĩ, vốn là hạnh “ăn xin” (khất sĩ). Trên xin giáo pháp của chư Phật để nuôi dưỡng thiện tâm, dưới xin chúng sanh vật thực để nuôi dưỡng cái thân tứ đại.
Thân tứ đại có khỏe, thì tâm mới an, mới có thể tu hành đắc đạo. Người cư sĩ hộ pháp cung cấp cho các vị tu hành bốn thứ: quần áo, ăn uống, đồ dùng ngủ nghỉ, thuốc men, cũng tức là gieo nhân bố thí, tạo duyên với những người có đạo hạnh.
Tuy nhiên, nếu không khéo, vô hình chung là tác nhân khiến các vị ấy phạm giới, dể duôi, giải đãi trên con đường đạo, nhất là đối với các vị Tăng Ni trẻ khi cung dưỡng những vật dụng quá xa xỉ, hiện đại, khó tránh khỏi đàm tiếu dị nghị cho rằng đạo Phật nói thiểu dục tri túc mà làm thì ngược lại.
Người cư sĩ trong thời hiện đại ngoài việc học hỏi giáo lý thông suốt, còn phải thực hành giáo pháp, ứng dụng giáo pháp vào đời sống thực tiễn. Khi nào còn người thực hành theo giáo pháp thì khi đó Phật pháp còn tồn tại, bởi thế vai trò thừa tự pháp không chỉ là trách nhiệm của giới xuất gia, mà ngay người cư sĩ phải thực thi những điều căn bản:
– Không làm các điều ác: Người cư sĩ không làm điều tội lỗi như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói chia rẽ, nói độc ác, nói vô ích, tham lam, sân hận và tà kiến.
– Làm những điều thiện: nghĩa là người cư sĩ thiết tha những điều thiện làm những điều thiện như bố thí, trì giới, tu tiến, cung kính, phục vụ, thính pháp, nói pháp, hồi hướng phước, tuỳ hỷ phước và cả chánh kiến
– Thanh lọc nội tâm: nghĩa là người cư sĩ luôn tâm niệm hàng ngày rèn luyện nội tâm, thanh lọc thân khẩu ý và muội lược tham sân si.
Tu tập và hành trì mỗi ngày tâm hành giả được hoan hỷ, an lạc là đã hộ trì Chánh pháp. Niệm Phật, nhớ Phật, niệm Kinh nhớ lời dạy của Phật là hộ trì Phật pháp. Hộ trì Phật pháp là hộ trì trong lòng mình và trong lòng mình có Phật thì Phật sẽ chỉ đạo cho lời nói, suy nghĩ và hành động của mình trở thành Chánh pháp.
Ngoài việc tinh tấn thực hành giáo pháp, thực hành bố thí cúng dường, hỗ trợ các phương tiện và điều kiện sống cho Tăng đoàn, không gian tu, giữ gìn những phương tiện có liên quan đến Tam Bảo như kinh điển, chùa chiền, thanh danh đạo Phật…
Bên cạnh đó, người cư sĩ trí thức có trình độ kiến thức nên phát tâm phiên dịch nhiều kinh điển, tham gia giảng dạy Phật pháp, nghiên cứu và xuất bản nhiều tài liệu về Phật giáo nhằm phổ biến lời dạy của Đức Phật đến mọi người.
Như đã trình bày trên, ngày nay chúng ta sống trong một thế giới được mệnh danh là “hiện đại”, mọi lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng bởi nền phát triển tiên tiến của khoa học kỹ thuật. Sự tác động quá lớn của nền khoa học kỹ thuật đã ảnh hưởng đối với niềm tin tôn giáo căn bản dưới áp lực của khoa học hiện đại và không còn được chấp nhận bởi những người trí thức và những người hiểu biết am tường.
Chùa chiền bây giờ không chỉ hình ảnh những người già, cuối đời tìm bình an chốn cửa Phật với niềm tin thô sơ và cầu nguyện, thực hành tín ngưỡng tâm linh; mà còn có những trí thức trẻ tìm hiểu Phật học, khi mà nhu cầu nghiên cứu, học hỏi giáo pháp vi diệu của Đức Phật đang phổ biến hiện nay
Phật giáo cần hệ thống hóa khoa học vững chắc, được xây dựng trên một đức tin kiên cố; vì bởi Tôn giáo là vấn đề tâm linh, nhưng đồng thời cũng phải bao trùm cả khoa học thì con người trong thời đại khoa học mới thấy không mâu thuẫn và an lòng hướng về nó.
Nên vai trò hộ pháp của người cư sĩ ngoài sự tu tập của bản thân, có trình độ kiến thức cao trong xã hội và am tường sâu sắc giáo lý nên chăng, ghé vai gánh sức cùng chư Tăng Ni chia sẻ những tham luận hội thảo về Phật giáo, dịch thuật, giảng dạy… khi mà người cư sĩ hữu duyên được thừa tự Pháp và là để có thể là cánh tay nối dài chánh pháp Phật thì phải thể hiện đúng đắn vị trí của người cư sĩ trong cả hai vai trò hộ pháp và thừa tự pháp.
Thư mục tham khảo
1. Thích Đức Nghiệp, 2007, Luận hộ pháp và Phật giáo với khoa học, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
2. Lê Mạnh Thát, 2006, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Lang, 2000, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB. Văn học Hà Nội.
4. Lê Mạnh Thát, 2002, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, NXB. TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Long (Tâm Hoa)