;
Lễ Hằng thuận được bắt đầu bằng nghi thức chư Tôn Đức Tăng và quý vị Phật tử, quý quan viên hai họ khởi thân niệm Phật cầu gia hộ, niệm hương sau đó là quí vị chư Tôn đức tăng, cô dâu và chú rể cùng hai họ đã có một thời kinh "Nghi thức Lễ Thành Hôn"một bản kinh thuần Việt được biên soạn nhằm nỗ lực phổ quát hóa nghi thức này. Nghi thức này sử dụng phần trọng tâm của Kinh Thiện Sinh do TT. Thích Nhật Từ dịch từ bộ Trường A Hàm. Đây là một bản kinh có khả năng soi sáng đời sống gia đình và xã hội với các chuẩn mực đạo đức. Tính hợp thời của bản kinh này được xem là siêu việt thời gian và phù hợp với các nền văn hóa lớn trên thế giới.
Giây phút thiêng liêng nhất của buổi lễ là lễ trao nhẫn cưới: Chiếc nhẫn là nhịp cầu nối của tình yêu, trách nhiệm mà hai bên cùng cam kết thực hiện, là tượng trưng cho ý nghĩ tình chồng nghĩa vợ tròn đầy. Chú rể Trung Hiếu đã phát nguyện trước ngôi Tam Bảo: "Xin nhận người con yêu thương nhất là em Trịnh Thị Trức Như làm vợ, con xin đeo nhẫn cưới cho vợ của con và nguyện sống đời yêu thương, trọn đời hạnh phúc, chung thủy và là người chồng tốt cùng vợ của con đi mãi trên mỏi nẻo đường đời''. Đáp từ là lời hứa của Trúc Như cũng nguyện trước ngôi Tam Bảo sẽ cùng chồng thương yêu nhau đi hết trọn cuộc đời.
TT.Thích Nhật Từ đã trao giấy chứng nhận lễ Hằng thuận và quà cho đôi tân hôn.
Đại diện cho hai họ, mẹ chú rể đã có đôi lời chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ với những lời rất giản dị chân thành: "Ba mẹ thành tâm chúc phúc cho hai con, chúc hai con bình an và hạnh phúc. Hai con hãy giữ đúng lời cam kết trước ba ngôi Tam Bảo hôm nay và những lời hướng dẫn thật sâu sắc của Thượng tọa giành cho hai con, hai con hãy nương vào đó để làm hành trang trên bước đường hoàn thiện nhân cách, đạo đức để làm trọn trách nhiệm một người vợ, người chồng và bổn phận của dâu hiền rể thảo".
Kết thúc lễ Hằng thuận, TT. Thích Nhật Từ đã có đôi lời căn dặn đôi vợ chồng trẻ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân với 6 nội dung sau:
1) Hôn nhân là một khế ước tình yêu mang tính xã hội: Hôn nhân là một cuộc chạy đua Marathon, cả hai cùng chạy, không có người thắng, người thua để vượt qua mọi khó khăn trên bước đường đời;
2) Nối kết truyền thống văn hóa Việt Nam và văn hóa gia đình: để từ đó tiếp nhận được giá trị văn hóa sâu sắc và có ý nghĩa;
3) Chung thủy là hạnh phúc bền vững trong hôn nhân: với 4 yếu tố dẫn đến hạnh phúc bền vững- Không so sánh chồng và vợ với người nam, nữ nào khác, hài lòng và biết đủ- Quán niệm tình thân và huyết thống- Xem người khác giới chỉ đơn thuần là một con người- Tìm các niềm vui và giá trị khác để thay thế;
4) Sống tôn trọng và hài hòa;
5) Trách nhiệm với con cái: Cha mẹ phải là thầy cô giáo của con em mình, tránh tình trạng cho rằng giáo dục đạo đức cho con em mình đó là trách nhiệm của nhà trường là một sai lầm, phải giáo dục đạo đức cho con em mình ngay từ nhỏ để khỏi phải hối hận về sau;
6) Đời sống tinh thần: Trong thời hiện đại, phần lớn thời gian chúng ta chú trọng đến việc làm sao kiếm ra tiền mà ít chú trọng đến đời sống tâm linh. Hãy mỗi ngày bỏ ra ít nhất là một giờ đọc các bài kinh triết lý của đức Phật, nhờ đó chúng ta có thể giải quyết được những nỗi khổ niềm đau gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.
Vâng! Ai bảo đến chùa là không được nói chuyện tình yêu và hôn nhân mà đâu đó nhiều người quên rằng đức Phật lại là người nói về tình yêu và hôn nhân nhiều nhất so với tất cả các tôn giáo khác. Nếu đọc vào bản Kinh Thiện Sanh nói về bổn phận của người vợ và người chồng, chúng ta mới thấy đức Phật dạy về tình yêu và hôn nhân sâu sắc đến nhường nào. 26 thế kỷ trôi qua và mãi mãi về sau nó vẫn có giá trị và phù hợp trong mọi thời đại, lại được ứng dụng qua đôi lời hướng dẫn ngắn gọn của TT.Thích Nhật Từ, thiết tưởng nó không phải chỉ dậy cho đôi vợ chồng trẻ Trung Hiếu - Trúc Như mà cho tất cả những ai muốn đời sống hôn nhân hạnh phúc đến đầu bạc, răng long.
Một lễ Hằng thuận chắc chắn sẽ để lại một dấu ấn không thể quên của đôi vợ chồng Trung Hiếu - Trức Như và những người cùng có mặt tham dự.