;
- Đức Phật đã dành trọn đời mình cho mục đích giáo hóa độ sinh không ngừng nghỉ. Trên đôi chân trần ấy, ngài đã vân du khắp các vùng lưu vực sông Hằng để thuyết pháp. Kinh tạng, cũng như Luật tạng ghi lại quá nhiều trường hợp đức Phật giáo hóa.
- Trưởng lão Tăng kệ thuật lại câu chuyện một ngày nọ, đức Phật đã hóa độ một người bất hạnh tại một nghĩa trang để rồi sau đó trở thành một vị A La Hán.
- Một câu chuyện khác được ghi lại trong Tăng Chi Bộ Kinh, Tôn giả Mục Kiền Liên bị hôn trầm thụy miên trầm trọng trong một ngôi làng, đức Phật đã đến và hướng dẫn phương pháp để Tôn giả thoát khỏi tình trạng này.
- Trưởng Lão Tăng Kệ và Ni kệ cho chúng ta một danh sách dài chư vị Tỳ kheo và Tỷ kheo ni, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Đức Phật, đạt được các cấp độ trong Thánh quả giải thoát. Và ngài cũng thuần hóa những người khác bằng cách dạy phương pháp giáo dục dần dần để đưa họ vào đạo nhằm kiến tạo sự an lạc hạnh phúc đích thực.
- Sự tận tụy cống hiến trọn đời của đức Phật cho sứ mệnh hoằng dương chánh pháp, giáo hóa độ sinh là vô cùng, vô tận. Có những lúc thân thể của ngài đau lưng, hay mệt mỏi, không thể tiếp tục bài giảng của mình, trong trường hợp như vậy, đức Phật bảo Tôn giả Xá Lợi Phất hoặc Tôn giả A nan tiếp tục hoàn thành phần còn lại của bài giảng. Lúc đó, ngài nằm xuống theo thế sư tử ngọa, nghiêng hông bên phải, chánh niệm, rõ ràng có ý thức, và nghe pháp.
- Ngay cả một vài phút trước khi nhập niết bàn, mặc dù đã quá mệt mỏi, nhưng ngài cũng đã hóa độ cho Tu Bạt Đà La giác ngộ và chứng đắc thánh quả, trở thành vị đệ tử cuối cùng của ngài.
- Không chỉ giáo hóa cho chúng xuất gia, hàng Phật tử tại gia, đức Phật còn giáo hóa cho các vị vua trở thành vị anh quân hộ trì Tam bảo tích cực. Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) trở thành người đệ tử trung kiên của đức Phật trong suốt ba mươi bảy năm cho đến khi băng hà. Con trai của vua Bimbisara, A Xà Thế (Ajatasattu) sau khi ăn năn hối cải vì tội giết vua cha cũng hồi đầu quy y tam bảo trở thành vị vua Phật tử anh minh hết lòng ngưỡng mộ đức Phật và hộ trì Phật pháp,
- Nhất là trong kì kết tập kinh điển lần thứ nhất tại hang Thất diệp sau khi đức Phật nhập niết bàn ba tháng. Gần nhất là mối quan hệ giữa đức Phật với vua Ba Tư Nặc (Pasenadi)-người được xem như là một đối tác có giá trị trong các cuộc đàm luận về triết lý giữa chính trị và Phật học.
- Đức Phật không bao giờ ép ai phải theo ngài mà chưa tin và hiểu. Do vậy, tông chỉ của đạo Phật là đến để hiểu chứ không phải đến để mà tin. Niềm tin chỉ được xác tín khi đã tìm hiểu và lựa chọn kỷ càng. Thành ra, trong lịch sử truyền giáo, đạo Phật chưa bao giờ gây chiến tranh mà luôn mang thông điệp từ bi, bất bạo động và hòa bình cho nhân loại.