;
Ngưỡng bạch Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích thượng Trí –hạ Quang !
Vì sao đã tắt giữa bầu trời
Vẫn biết Ngài không mãi ở đời
Hương lòng quyện với niềm thương tiếc
Nguyện Ngài cõi Phật ngự thảnh thơi…
Suốt thời gian kể từ khi hay tin Ngài viên tịch, con vướng bận một số công việc phải hoàn thành gấp và nhất là trước khi năm 2019 kết thúc, thế nên bảy tuần Thất vừa qua, dù lúc nào hình ảnh Ngài cũng thường trực trong con, nhất là vào `hai thời công phu và tĩnh tâm sáng chiều, con vẫn khắc khoải, chưa an tâm để hướng đến Ngài trọn vẹn, viết đôi điều về Ngài.
Với niềm kính ngưỡng vô biên đối với Ngài, hôm nay con gác lại mọi duyên khác, chú tâm ghi lại nơi đây những dòng chữ kỷ niệm, cung tiễn bậc Ân sư. Tất nhiên, Ngài không cần điều đó, nhưng con lại cần điều đó, có được một lần thổ lộ bao nhiêu nỗi niềm với Ngài, khi hướng đến Giác linh Ngài, để góp phần giúp cho các thế hệ sau hiểu rõ hơn về công đức và hành trạng của một bậc Tổ sư Phật giáo Việt Nam như Ngài, trước lễ chung thất của Ngài.
Khi con mới xuất gia vào Tu viện Nguyên Thiều Bình Định, hai cuốn Kinh sách đầu tiên mà con được giao cho học đó là : Kinh Nhật Tụng và Sa Di Giới và Sa Di Ni Giới (Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải). Học thuộc Kinh Nhật Tụng là để thuận tiện dễ dàng cùng tụng Kinh, tu tập, dẫn Lễ với đại chúng tại Chánh Điện, còn học kỹ sách Ngài biên soạn chú giải : “Sa Di Giới và Sa Di Ni Giới” trong đó có “Quy Sơn Cảnh Sách Văn” là để khuyến hàng xuất gia phát bồ đề tâm để sống trọn vẹn xứng đáng đời sống của bậc xuất trần thượng sỹ, “Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu” giúp cho hành giả chánh niệm tỉnh giác trong mọi sinh hoạt thường ngày, trở về sống với hiện tại, ý thức việc mình đang làm, “Phần Kính Phụng Di Giáo” là chắt lọc những gì thiết tha, tinh túy nhất mà hàng đệ tử Phật luôn tâm niệm hành theo, Đức Phật đã ân cần dạy bảo trước khi nhập Niết Bàn, “Sa Di Luật Nghi Yếu Lược” gồm 22 mục 62 đoạn bao quát hầu hết phương diện sinh hoạt, lễ nghi, phép tắc của một người xuất gia, nên làm hoặc không nên làm như thế, như thế thì mới đúng phẩm chất tu sỹ. Đây cũng là cách huân dưỡng thiền vị, sao cho mọi lời nói, cử chỉ, uy nghi đều thấm nhuần khuôn phép, an nhiên, vững chãi, thảnh thơi, không buông lung, lay động, thô tháo, một hình ảnh chân thiện mỹ trong cuộc sống để xứng hàng Tăng bảo cho Phật tử nương nhờ tu học.
Có câu: “Sơ phát tâm xuất gia giả thành Phật hữu dư” (cái tâm xuất gia ban đầu ấy thừa năng lực để giúp hành giả thành Phật). Giai đoạn xuất gia ban đầu ấy, chí xuất trần của con mạnh mẽ lắm, con ngày đêm học thuộc lòng 4 phần trên trong sách “Sa Di Luật Nghi Yếu Lược” do Ngài soạn dịch, chú giải, con học và viết hết từng chữ Hán trong đó nữa kính cẩn và chuyên chú trong một thời gian khá ngắn. Bất cứ trong khi chấp tác trong vườn chùa, đi đâu, làm gì, con cũng có những mảnh giấy nhỏ ghi chép từng phần trong sách đó của Ngài để học. Con kính phục văn phong dịch của Ngài: sát nghĩa, rõ ràng, trong sáng, gồm thâu đầy đủ ý nghĩa, dễ hiểu. Thật là :
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (Hồ Dzếnh)
Cuốn sách đó gắn liền với người tu sỹ trong cuộc sống hàng ngày, sách tấn mọi người trên bước đường Đạo và tạo nền tảng vững chắc để thăng hoa, giải thoát. Mỗi người xuất gia muốn lãnh thọ giới Pháp: Sa Di/Sa Di Ni, Tỳ Kheo/Tỳ Kheo Ni,… đều nắm thật chắc qua quyển sách này, tuy có vài bản dịch khác nhưng không đạt chất lượng như quyển sách này của Ngài.
Đó là ấn tượng đầu tiên và không thể phai mờ về công trình biên dịch Kinh Sách của Ngài. Trong suốt bao hành trình tu học từ khi xuất gia đến nay, càng học hành nghiên cứu, chọn lựa và ứng dụng Pháp môn tu tập, giảng dạy Đại học Phật Giáo và chia sẻ giáo pháp đến Phật tử, thực hiện công việc dịch thuật Kinh sách Phật Giáo, con càng ngày càng gắn bó với Ngài và việc làm của Ngài hơn. Nay đọc kỹ lại “Trí Quang Tự Truyện”, ôn lại cuộc đời, hành trạng, đạo nghiệp của Ngài và những tác phẩm Ngài biên soạn, dịch, cước chú, sáng tác,…con càng kính ngưỡng gương sáng của một bậc xuất trần thượng sỹ và những bài học quý giá có thể được đúc kết từ cuộc đời Ngài như sau :
1.Sinh ra trong một gia đình thuần kính Tam bảo, xứ địa linh nhân kiệt, hấp thụ một nền tảng giáo dục Nho học vững chắc từ thuở ấu thơ :
Về gia cảnh và giai đoạn đầu đời, Ngài đã mô tả trong “Trí Quang tự truyện” như sau :
“Tôi người Quảng bình, 1 trong 3 nơi mà Huyền trân công chúa mới đáng là
thành hoàng”, “Mẹ tôi rất thích nghe bài sám Lương hoàng, người Đức phổ, cùng làng với bổn sư, và tổ sư của tôi (là người Đắc ân, trú trì quốc tự Linh mụ. Cả cha mẹ cùng qui y ngài nầy, làm Phật tử tại gia (đồng sư với bổn sư của tôi). Cha tôi tâm đắc nhất nên tự phiên âm chữ Nôm bản “Truyện Phật Thích ca” của Từ bi âm, thích thú đọc lớn, ngâm nga hoài, nhất là những lúc một mình, và khi mất đã tự đặt sách ấy trên ngực, 2 tay giữ lấy. Nhánh ba họ Phạm làng Diêm điền là gia tộc của tôi, theo Phật từ lâu, nhưng thật sự là ông nội và cha tôi. Cha tôi khi bán thế xuất gia thì làm đệ tử ngài Đắc quang (Tăng cang Linh mụ) em ruột ngài Đắc ân. Danh hiệu long vị là “Người dòng phái đại tổ sư Nguyên thiều, pháp danh Hồng nhật, pháp tự Tâm nguyên, đắc pháp với pháp húy Huyền đàm đại sư.”
Như vậy đủ thấy, cha mẹ và dòng họ Ngài có duyên sâu sắc với Tam Bảo đến cỡ nào. Ngài có duyên với Phật Giáo từ bao đời trước nên có duyên cộng hưởng quyến thuộc với Cha – Mẹ Ngài tốt như vậy, để Ngài sớm thừa hưởng tâm linh, nếp Đạo của Cha Mẹ. Cha mẹ của Ngài hết sức quan tâm đến việc học hành của con cái : “Năm lên 7, mẹ tôi chuẩn bị đâu vào đó, rồi nghiêm mặt đến nỗi anh Minh và tôi không dám hó hé, nhưng tôi có cảm giác là lạ, và mẹ ra lịnh “sáng mai đi học”! Khai tâm cho anh em tôi là tiên chỉ của làng. Mậu thực phu từ. Mẹ tôi soát vở học luôn, bằng cách đếm trang vở, nhìn chữ son đồ nét mực đen, rồi bảo tôi trước, “học gì đọc cho mẹ nghe”!
Thời Pháp Thuộc đó (1930 – 1954), học chủ yếu với chữ Nho và Tây học (tiếng Pháp), Ngài đã đầu tư học rất vững vàng chữ Hán, đó là nền tảng để sau này Ngài vào học các Trường Phật Học dễ hơn và dịch thuật Kinh Sách từ nguồn Hán Tạng sau này : “Tất cả vốn liếng chữ Nho, chữ quốc ngữ và trọn chương trình Cơ thủy hồi đó, do sở Học chính Đông dương biên soạn, chúng tôi được học cả. Trừ chữ Tây.”
“Cha tôi bảo để kiểm tra đã. Và kiểm tra nghiêm ngặt, bằng khá nhiều cách. Nhất là kiểm tra học lực chữ Nho của tôi. Cha tôi khá vui, nhưng bảo mẹ tôi, con nó mới học một nửa,. Một nửa cần phải học Ta phải dạy cho con. Đó là học làm đất: đất vườn, đất nương, đất ruộng.”
Nhân duyên thù thắng đến lúc 15 tuổi, Ngài được Cha và Mẹ vì có nhiều xúc cảm khi nhìn thấy hình ảnh đẹp của những vị Tu Sỹ hoằng Pháp, khuyến khích con mình chính là Ngài xuất gia. Vì muốn góp phần xương minh Chánh Pháp mà chỉ định người con, cho dù trước đó muốn vị này ở nhà thừa tự, kế thừa dòng họ, đi xuất gia. Chúng ta tri ân công đức và sự cân nhắc nặng nhẹ, đặt việc Đạo Pháp nặng hơn việc nhà của Ông – Bà, nếu không có 2 cụ thì làm sao có được một vị Tu Sỹ Thích Trí Quang chói sáng trên bầu trời Phật Giáo Việt Nam?
“Mẹ tôi một hôm đi chợ về, ngay trên cầu Đá, gặp 2 vị giảng sư từ Phổ minh về tỉnh hội. Phong cách 2 vị gây chú ý đậm cho mẹ tôi. Về, mẹ nói liền với cha, và anh em chúng tôi được nghe cả. Rằng nhà mình theo Phật lâu đời mà chưa có ai như 2 thầy ấy. Phải làm sao cho có. Tôi thành mục tiêu, dầu trước đó đã chọn làm thừa tự ông bà. Thế rồi công nguyên Phật giáo 2482 (1938), quãng 10 giờ đêm giao thừa, tôi được thay đổi hoàn toàn: đầu cạo sạch tóc, mặc áo nhật bình màu khói hương. Há hốc ra, nhưng tôi lại khoái chí. Một lát, Tâm, 1 bạn học Nho với tôi, cũng lù lù đến với bộ cánh như tôi. Lần nầy thì cha tôi ra lịnh, ôn tồn thôi, “2 đứa đi tu”!
Ngài rất có hiếu với Cha, Mẹ. Tuy không được ở gần gũi chăm sóc nhưng lòng Ngài luôn canh cánh hướng về cầu nguyện cho song thân. Phụ thân Ngài an nhiên thâu thần thị tịch là tấm gương sống động cho Ngài bời vì hoàn cảnh gia duyên, phụ thân Ngài chưa hoàn toàn xuất gia được mà tinh tấn tu học đến ngày ra đi được như thế thì Ngài tự liên tưởng đến mình phải sống an lạc, lợi ích, ra đi nhẹ nhàng thanh thản hơn nữa.
Mẫu thân là nguồn động lực vô biên để Ngài dốc hết tâm sức vào công việc dịch thuật, vì Mẹ muốn Ngài dịch được nhiều Kinh Sách cho Phật Giáo : “Dầu chưa phải lúc, ở đây vẫn nên nói rõ về sự biên dịch kinh sách Phật giáo của tôi. Vì điều nầy mới đích thực là thị hiếu và chí hướng bình sinh của đời tôi, là mong ước của mẹ tôi. Nên, dầu cơ hội có chùa lớn và đệ tử nhiều, tôi có không ít, nhưng tôi khước từ không đắn đo. Chỉ tạm trú hết Từ đàm thì Ấn quang, thì Già lam, ở đâu, đầu óc tôi chỉ nghĩ đến, ngay trong lúc ăn, phải dịch chữ nầy, câu kia, đoạn nọ, sao cho đúng ý và nghe được.”(TQTT)
Đọc đến đoạn sau này, chúng ta cảm thông được nỗi lòng cao cả và hy sinh thật sự của những người Mẹ, dù rất thương con mình, muốn con ở gần mình, nhưng phải cho phép con ở Chùa, xuất gia, lo Phật sự, vì tình chung mà gác lại tình riêng:
“Sau đó, 2499 (1955), khi bờ cõi mất thống nhất, mẹ tôi, cũng một mình, bảo tôi, “con đi mà trả nghĩa cho Phật”. Đi cho thẳng, đừng đè bụi đè bờ mà châm vô! Mẹ cắn răng, ngậm nước mắt, giục tôi đi đi. Tôi đi trong nước mắt, và, cho đến nay, 89 tuổi rồi, vẫn không đủ can đảm về nhìn mộ của Mẹ.” (TQTT)
Với một vị tu sỹ có lương tâm, có hiếu, đành phải gạt lệ ra đi, theo tiếng gọi thiêng liêng đạo pháp, để lại Mẹ già còm cõi, cô đơn phía sau lưng, với bao tháng năm dài mòn mỏi đợi chờ, vậy liệu tu sỹ đó có nỡ buông lung phóng dật sống cho qua ngày qua tháng, mà không lo tu học xứng đáng với tấm lòng cao cả của người Mẹ hay không? Đó cũng là một động lực rất lớn để Ngài tinh tấn ngày đêm không mệt mỏi với chánh đạo để không phụ lòng kỳ vọng cao cả của Mẹ.
2.Trải qua quá trình tu học trọn vẹn và thành tựu cao nhất tại các môn trường Phật Học Viện thời đó :
Không phải ngẫu nhiên mà Ngài trở thành bậc Tăng tài, đóng góp trên nhiều phương diện khác nhau, tất cả là thành quả của quá trình tôi luyện lâu dài. Có câu : “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Sau khi có nền tảng tốt từ gia giáo và thế học, Ngài xuất gia và khổ luyện với một vị Minh Sư ý thức sâu sắc trách nhiệm “tiếp dẫn hậu lại, báo Phật ân đức” và giáo dục Phật Giáo :
“Ngài Hồng Tuyên gốc Đức phổ, làng ngoại tôi. Cháu các ngài Đắc ân (Trú trì chùa Linh mụ) và ngài Đắc quang (Tăng cang Linh mụ) nổi tiếng với cái danh “Ký quốc ân” (Thư ký tổ đình Quốc ân). Người cao, thanh, tay quá gối, rất thông minh. Từng là học đồ cao trọng của ngài Trà am. Tính tự trọng rất cao, cũng rất cao sự biết người, biết ta. Tiếp nhân đãi vật rất có phong thái cổ kính, lồng trong phong thái ấy là sự tiêu sái, dễ cảm mến. Sau nầy, khi đã thử thách, bảo tôi “dạy” lại kinh luận đã học. Ngài học rất nghiêm, ngồi thấp, bảo tôi ngồi cao. Cho đến nay, tôi chưa gặp ai lý giải và lĩnh hội được như ngài. Thích nhất là Kim cang và Nhiếp luận. Trọng nhất là Di giáo. Ngài đòi làm bài, và làm nghiêm túc, dĩ nhiên bằng Hoa văn. Bài thật tuyệt. Học như vậy, suốt mùa an cư 2486 (1942) Và nói, học như vậy ăn rau lang trừ cơm cũng được. Lại bảo tôi, ông làm thầy giỏi, nhưng tính nóng. Nhược điểm ấy ráng mà bỏ.”
Ngài Hồng Tuyên đã truyền trao nhiều kinh nghiệm và sở đắc cho Ngài, lại như một lớp sư phạm đề nghị Ngài “đứng lớp, dạy lại”. Ngài Hồng Tuyên sớm giúp Ngài ý thức “làm Thầy”, nhận ra khuyết điểm, ưu điểm để khắc phục, phát huy với trách nhiệm hoằng Pháp, luôn tâm niệm : tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Sau khóa tu học giáo dục tại bổn tự đó là 6 năm tu học ở Phật Học Viện, đây là cơ duyên thù thắng để Ngài lãnh hội tinh hoa của Phật Pháp và là hành trang vững chắc cho Đạo Nghiệp sau này :
“6 năm tiếp theo PL. 2483-2488 (1939-1944) tôi được vào Phật Học Viện của Tổng Hội Phật Học, vốn là sơ đẳng. Viện thành lập năm 2477 (1933), chủ yếu do hòa thượng Giác tiên (khai sơn chùa Trúc lâm) và bác sĩ Tâm minh (Lê đình Thám, đệ tử ngài). Ban đầu đặt tại Trúc lâm, kế tại Quan công, sau mới tại Báo quốc. tôi học tại đây, băng 4 năm của cấp sơ đẳng. Viện trưởng, Thân giáo sư chính yếu, là hòa thượng Trí độ, nguyên là học đồ của ngài Thập tháp, sau, gần hết học kỳ, thầy thọ Bồ tát giới với ngài Đắc quang. Về thế học, cấp sơ đẳng được bổ túc theo chương trìng Cơ thủy, cấp trung đẳng học thêm triết học.
Về Phật học, là chính yếu, thì nay đủ cả 4 cấp: sơ đẳng 6 năm, trung đẳng, cao đẳng và siêu đẳng, mỗi cấp 2 năm, cọng 12 năm tất cả. Tôi học 2 năm sau của sơ đẳng. Khi lên cao đẳng thì thu gọn siêu đẳng vào đó. Học xong cuối năm quí mùi 2487 (1943) làm lễ tốt nghiệp ngay đầu năm sau, 2488 (1944). Nói tổng quát, từ sự thuộc lòng 2 thời công phu đến Đại trí luận và Du già sư địa luận, Viện dạy rất liên tục và nghiêm cẩn, đào tạo tăng tài hoàn chỉnh.
Nhược điểm là học hơi nhiều về Duy thức học của hệ Giới hiền – Huyền tráng; nhất là thiếu Sử truyện Phật giáo, mà trong đó, có bậc hoằng Pháp và hộ Pháp, rất cần cho sự nung nấu hạnh nguyện của học tăng. Trong thời gian gần xong học kỳ, tôi “bị” viết bản thảo vài ba dịch phẩm và tác phẩm của Thân giáo sư, lại phải “tập dạy” nhiều môn cho các lớp sơ đẳng và trung đẳng mà viện mới mở. Mấy việc nầy giúp tôi không ít, có số điểm cao nhất khi thi tốt nghiệp, lại giúp tôi, sau đó, dịch và viết kinh sách cho đến nay.”
Khi chưa tốt nghiệp mà Ngài đã “viết bản thảo vài ba dịch phẩm và tác phẩm của Thân giáo sư, lại phải “tập dạy” nhiều môn cho các lớp sơ đẳng và trung đẳng mà viện mới mở”. Ngài đã có căn sâu, trí sáng mà gặp thuận duyên tu học nơi Phật Học Viện nữa cho nên hình thành một nền tảng, nội lực rất vững chắc.
Ngài đã thủ Khoa khi tốt nghiệp, lúc đó Ngài mới có 21 tuổi (1944). Trường hợp Ngài giống như một vị Lạt Ma tái sanh ở Tây Tạng, từ nhỏ đến lớn học liên tục, bài bản, mọi thứ với cường độ cao, đến 21 tuổi thì xong mọi chương trình Phật Học như vậy sẽ có được nhiều năm tháng, thời gian cống hiến cho Đạo Pháp sau khi học. Với nền Giáo Dục Phật Giáo Việt Nam hiện nay, nhiều Tăng Ni Sinh hơn 30 tuổi mà chưa tốt nghiệp Cử Nhân Phật Học, vậy thì quãng đời sinh hoạt và cống hiến sau khi ra Trường thu ngắn lại.
3. Ngoài nội điển, Ngài tự nghiên cứu đào sâu và bác thông ngoại điển, những kiến thức cần thiết góp phần định hướng cho hướng đi của dân tộc Việt Nam :
Đối với một vị Sa Di sơ cơ thì có luật giới hạn về việc nghiên cứu ngoại điển như ghi trong Mục : “Tập Học Kinh Điển Đệ Bát” (Thứ 8, Học Tập Kinh Điển), trong đó nêu rõ: “Sa di bản nghiệp vị thành, bất đắc tập học ngoại thư, tử, sử, trị thế điển chương” (Sa di mà việc chính chưa thành thì không được học tập sách vở của dị giáo, của tư tưởng gia, của sử truyện, của chính trị.) và “Bất đắc tập học ngoại đạo thư, trừ trí lực hữu dư, vị dục tri nội ngoại giáo thâm thiển giả, khả dĩ thiệp liệp, nhiên vật sanh tập học tưởng” (Không được học tập sách ngoại đạo, trừ trí lực có thừa, vì muốn biết sự sâu cạn của nội giáo và ngoại giáo, thì có thể đọc qua, nhưng không sanh ý tưởng học tập).
Thế nhưng Ngài là trường hợp đặc biệt với “trí lực hữu dư” Ngài cần mở mang kiến thức trên nhiều lĩnh vực để đối thoại với các nhà lãnh đạo, hướng đạo cho các cuộc “cách mạng xã hội” đi đúng hướng, có ảnh hưởng đến cả vận mệnh dân tộc. Sau này khi ra thăm Ngài Huyền Quang ở Chùa Phước Quang, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi tôi cũng thấy Ngài đọc Lê Nin toàn tập dày cộm để trên bàn và nhiều tài liệu chính trị, xã hội khác. Đối với các Ngài là cần thiết để làm việc đối ngoại, thương thuyết, đấu tranh cho quyền lợi của Phật Giáo, bởi vì Chánh Pháp phải gắn liền với cuộc sống thế gian :
Đời không Đạo là đời loạn khổ
Đạo không đời, đâu chỗ nhiệm mầu?
“Ngoài viêc tụng kinh, tôi phải đọc rất nhiều sách báo Phật giáo, đặc biệt là Hải triều âm. Sách quốc ngữ cũng đọc, đáng kể là Phật giáo triết học của Phan văn Hùm, là Tuệ giác đức Phật mà nay quên dịch giả. Tồi tệ nhất là Phật giáo đại quan của Phạm Quỳnh. Ngoài ra, tôi đọc được không chỉ 1 lần, tiểu phẩm thánh Cam địa, sách quốc ngữ. Tiểu phẩm chiếm trọn sự ngưỡng mộ của tôi, ảnh hưởng đến tôi không ít. Tôi lại đọc được, do “nghệ sĩ” Vân đàm cho mượn, một số sách của Thương vụ ấn quán Tàu dịch và in, đa số là sách đọc chuyền tay của Đông kinh nghĩa thục.
Trong số có 2 bộ đáng kể, là Thế giới sử cương và Cách mạng tháng mười. Bộ sau giúp tôi hiểu Biện chứng duy vật chính thống. Bộ nầy tôi càng đọc vì tác giả Goóc-ki tỏ ra không ưa Phật giáo. Trong những năm 1940 – 1944, tôi nghĩ khá nhiều về thế cuộc hồi đó. Tôi khẳng định ví trí “tăng sĩ Phật giáo” của tôi. Nhưng tôi suy nghĩ sự đô hộ của người Pháp. Tôi nhờ anh Minh mượn tài liệu chính thức. Bản tường trình sự cần thiết thành lập Mặt trận Việt minh của Trường Chinh, nội dung nói rõ quan điểm “giải phóng dân tộc” làm tôi chú ý…” (TQTT)
Chúng ta nên nhớ một người nổi tiếng là đại trí thức như Phạm Quỳnh mà còn bị Ngài chê như vậy. Phạm Quỳnh (17/12/1892 – 6/9/1945) là một học giả, nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn, từng làm đến chức Thượng thư Bộ Học và cuối cùng giữ chức vụ Thượng thư Bộ Lại (1944-1945) – chức quan cao nhất của triều đình, đứng đầu các bộ (như Thủ tướng). Tự bản thân chất lượng của tác phẩm khẳng định giá trị chân thật của nó chứ không phải mạc, hiệu của người viết quyết định uy tín và giá trị của tác phẩm. Nếu không khéo thì “Thế trí biện thông” là một trong Bát Nạn trở ngại việc tu học Phật Pháp, khác xa với Trí Tuệ Phật Giáo.
Ngày nay cũng có rất nhiều môn ngoại điển cần thiết, tùy theo mỗi tu sỹ có sở trường, hạnh nguyện và chiều hướng áp dụng phục vụ thế nào thì có thể theo học và nghiên cứu chuyên sâu : Giáo Dục Học, Triết Học, Tôn Giáo Học, Quản Trị Hành Chánh, Tâm Lý Học, Văn Hóa Học, Công Nghệ Thông Tin,…để đối chiếu so sánh, mở mang kiến thức, giúp Đạo, độ đời.
4.Công phu hành trì miên mật tạo nên đạo lực thâm sâu và có Pháp hộ trì :
Trí Tuệ Phật Giáo bao gồm 3 mặt : Văn – Tư – Tu. Phật Giáo không phải là triết thuyết suông mà là con đường tu tập, thực hành, thể nghiệm. Nếu như Tăng Ni Sinh nào đó ở trong môi trường Phật Học Viện, lấy lý do “học nhiều”, “học vượt” rồi mệt mỏi, đối với hai thời công phu chỉ trả bài, lấy lệ vì sự kiểm tra của Ban quản chúng thì hãy xem lại tấm gương của Ngài. Học nhiều ư? Ai dám bảo là đang học nhiều hơn Ngài thời đó? Hành trì ư? Hãy xem lời Ngài thổ lộ trong “Trí Quang Tự Truyện” :
“Khi còn học ở Phật học viện, tôi tụng kinh rất nhiều. Thường quì luôn trên 2 giờ, theo lối quì của Nhật. Mắt rất rõ. Tiếng cao, trong, dài. Lạy siêng lắm, không biết mệt là gì. Mỗi lần tụng kinh, lạy ít nhất 108 lạy. Sự lạy nầy chỉ thua bổn sư mà thôi. Tụng tại chánh điện Báo quốc, không tán, không dùng chuông mõ. Pháp hoa thường 2 buổi, bất thường là 1 buổi. Hoa nghiêm 80 cuốn, thường là 5 cuốn mỗi lần, vì kinh đóng hay đựng hộp đều có số ấy.
Cỡ như thế, Hoa nghiêm 60 cuốn và 40 cuốn, tôi tụng hết. Đại phương tiện báo phụ mẫu trọng ân kinh tụng 2 lần. Đặc biệt là Đại bát niết bàn, chỉ tụng 2 lần bản dịch của ngài Đàm mô sấm, sau nầy mới đọc được bản dịch của cao tăng Pháp hiển. Còn thường tụng là Pháp hoa và Hoa nghiêm bản 80 cuốn. Dời lên Kim sơn, tôi vẫn được thường tụng. Về Phổ minh thì hay lạy Vạn Phật với bổn sư. Pháp lực đã độ trì cho tội, rất rõ, trong bao phen suýt mất mạng.”
Chúng ta hãy thành thật quán xét lại mình, xem cả đời tu học của mình đã có giai đoạn nào tinh tấn hành trì như Ngài vậy chưa? Hành trì như vậy chắc chắn là theo nguyện lực của Ngài, hành trì riêng, chớ không chỉ đơn giản là đáp ứng hai thời công phu như đại chúng. Có niềm tin vững chắc, tha thiết với Giáo Pháp, hành thâm Pháp thì mới thâm nhập Kinh Tạng, khai mở Trí Tuệ và được Pháp bảo hộ. Tâm tư cần phải tập trung, chuyên nhất, chánh niệm, đối với Giáo Pháp phải trân quý, đào sâu, hành trì, suy tư, thể nghiệm, “nguyện hiểu nghĩa chân thật của Phật” chứ không phải đơn giản là tâm tư phan duyên, chi phối trăm ngàn nẻo, học phớt lớt, theo phong trào, uể oải, ngủ gục, cho qua Trường Lớp, vay mượn láp ráp đối phó, “cưỡi ngựa xem hoa” như tình trạng một số thành phần tu sỹ còn nặng nghiệp khác.
5.Cải thiện nền Giáo dục Phật giáo Việt Nam, thống nhất Phật giáo Việt Nam và thành lập các hạ tầng cơ sở, chi nhánh rộng khắp :
Ngài hoạt động mạnh kể từ giữa thế ký trước (XX), thời Pháp thuộc, phong kiến, chấn hưng Phật Giáo. Đây là một việc làm cần thiết để tạo nên một Giáo Hội Phật Giáo thống nhất toàn quốc, sinh hoạt cho đúng thể cách và có những chương trình hoằng Pháp đồng bộ và sâu rộng đến quần chúng toàn quốc nhiều hơn. Dấu chân hoằng pháp của Ngài sớm in trên mảnh đất Thăng Long để hoàn thiện chương trình Giáo đục Phật giáo tại đó: “Quãng hè 1946, thầy Tâm chính, cũng là bạn học ở Kim sơn, thay lời các vị lãnh đạo Phật giáo ở miền Bắc, vào Huế mời được Thân giáo sư Trí độ, lại mời tôi theo ngài, ra lập Phật học viện tại Quán sứ, tổ chức đầy qui mô và thiện chí.” (TQTT)
Ngài sinh ra trong thời cận đại, hoàn cảnh cuộc sống nhân dân Việt Nam lúc ấy khó khăn : chiến tranh, đói khát,… Phật Giáo thì nặng về tín ngưỡng nhân gian, tản mác, co cụm, thiếu liên kết, hệ thống. Chính trong những hoàn cảnh khó khăn trùng trùng ấy, bản lãnh, đại nguyện, khả năng cùa Ngài mới thể hiện trọn vẹn để thống nhất Phật Giáo Việt Nam, kết nối liên lạc và hỗ trợ sinh hoạt Phật sự từ Trung Ương đến địa phương ba miền :
“Tôi xin phép trình bày ý kiến. Nên bàn việc thành lập Tổng hội Phật giáo Việt nam, rồi từ đó mà bàn việc liên hệ Liên minh Hữu nghị Phật tử Thế giới. Liên hệ chứ không trực thuộc. Thí dụ, Liên minh có thế nào thì Tổng hội không tự nguyện chung số phận. Ai, nhất là hòa thuợng Tố liên, cũng tán thành. Và đồng thanh bảo tôi chủ tọa cuộc họp. Họp nửa giờ thì xong, với nghị quyết sau đây:
1. Nay thành lập Tổng hội Phật giáo Việt nam, tạm hạn cuộc 6 tập đoàn Phật giáo có đại biểu tham dự và ký tên trong cuộc họp nầy.
2. Cuộc họp nầy bái thỉnh đại lão hòa thượng Tịnh khiết (đương kim pháp chủ tăng già miền Trung) làm Tổng hội chủ lâm thời. Lại công cử hòa thượng Trí thủ (đương kim Hội trưởng Phật học miền Trung) làm trưởng ban Đại hội chính thức.
3. Trân trọng tái xác nhận tôn chỉ và mục đích của Phật giáo là phụng sự Phật pháp (bằng giáo hạnh cực tinh thuần) và phục vụ nhân loại (bằng từ bi không vụ lợi).
4. Đại hội chính thức phải tổ chức một năm sau cuộc họp nầy, vào ngày Phật đản truyền thống 8/4 tại Từ Đàm, Huế. Chi phí: yêu cầu 2 tập đoàn miền Trung đài thọ.
5. Đại biểu chính thức: 15 vị cho mỗi miền. Người tham quan: không hạn chế.
Gần giờ giới nghiêm. Tôi xin đình họp để kịp về. Và lo nhiều hơn mừng - dầu cái tiếng “Thống nhất Phât giáo” đã reo lên.”
Sáng sớm 8/4 2495 (1951), Đại hội Phật giáo Việt nam khai mạc tại Từ đàm, Huế. Pháp thiều “Phật giáo Việt nam”, lần đầu tiên, được hát lên. Sau 3 ngày làm việc, 1 Hiến chương cho Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam được chấp nhận, 1 nghị quyết tán thành Liên minh Hữu nghị Phật tử Thế giới được công bố. (TQTT).
“Nói chuyện cũ, trước cả năm PL 2495 (1951), tôi đề nghị đổi và đã đổi được, trước là Phật học thành Phật giáo, sau Sơn môn thành Giáo hội. Chữ sau khó mà dễ, chỉ phải tra cứu rất kỹ, và tham khảo các vị chuyên môn nổi tiếng về Luật, Sử và Triết. Chữ đầu dễ mà lại khó, không khó vì gì mà vì một gã trí thức mới biết nghĩa 2 chữ Phật học, Phật giáo. Thật ra gã không biết chữ Phật học của Hội là lấy từ đại nguyện vương của ngài Phổ hiền, “bát giả thường tùy Phật học”, có nghĩa thường tu học theo Phật. Ấy thế nhưng, một tài liệu công an mà tôi được mật cho, công an buộc một huynh trưởng khai rằng tôi đổi Phât học ra Phật giáo là chuẩn bị tranh cử tổng thống.”
Vào năm 1951, Ngài chỉ mới có 28 tuổi mà đã chủ tọa cuộc họp, vạch ra và thực hiện các kế hoạch thống nhất Phật Giáo, soạn Hiến Chương cho Giáo hội và đổi được chữ “Sơn Môn Phật Học” trở thành “Giáo hội Phật giáo”,…. Cái lứa tuổi 28 này, hiện nay, hầu hết Tăng Ni sinh còn đang học Cử nhân Phật học. Vậy đó, với Ngài, tài không đợi tuổi!
6.Vai trò then chốt của Ngài trong phong trào Phật Giáo đấu tranh bất bạo động cho quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng vào năm 1963 và cho đến năm 1975 :
Sau khi thất bại tại Điện Biên Phủ, Pháp đàm phán hiệp ước trao trả hoàn toàn độc lập cho Việt Nam. Ngày 16/6/1954, Quốc trưởng Bảo Đại gặp Ngô Đình Diệm tại Pháp. Ông Diệm đồng ý trở về nước làm Thủ tướng theo lời mời của Vua Bảo Đại với điều kiện Vua Bảo Đại phải đồng ý để chính phủ do ông thành lập được toàn quyền về chính trị và quân sự. Quốc Trưởng Bảo Đại đồng ý với yêu cầu này, sau đó ông Diệm về nước và chính thức được bổ nhiệm làm thủ tướng.
Ngày 7/7/1954, Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ mới với nội các gồm 18 người. Ông Ngô Đình Diệm có anh ruột là Ngô Đình Thục là Tổng giám mục. Suốt 9 năm cầm quyền chính trị, nhà Ngô đã có nhiều chính sách nhằm triệt hạ Phật Giáo và đưa Thiên Chúa Giáo đến chỗ phát triển rực rỡ huy hoàng, quốc giáo tại Việt Nam. Trải qua 9 năm như vậy, cho đến năm 1963 bao nhiêu biến cố lớn xảy ra với Phật giáo, “tức nước vỡ bờ”, những giọt nước tràn ly. Đó là những trang lịch sử tang thương máu và nước mắt của Phật Giáo Việt Nam, những ấn tượng có một không hai, bi thương, không phai mờ, ghi lại trong “Trí Quang tự truyện” :
“Thế nhưng, cờ Phật Giáo thì dính gì ở đây mà thành vấn đề? Đúng! cờ Phật Giáo không dính gì ai cả. Tại ai tự tạo ra vấn đề “cờ Phật Giáo” mà thành chuyện. Vùng Huế và Quảng trị ai cũng biết Tổng giám mục Thục ưng làm Hồng y giáo chủ. Tòa Thánh điều tra, thấy Phật đản thì Quốc lộ Huế - Quảng trị đầy cờ Phật giáo, lớp tư gia 2 bên đường treo trước cửa, lớp cắm trên xe mà chạy. Kiệu Lavang thì trái lại.
Toà Thánh bảo thế là không thích đáng. Đức Thánh cha nói thế chứ ngài đâu có bảo mà đức Tổng giám mục bắt tất cả các hộ, đặc biệt là các hộ công chức, phải kê danh sách theo tờ khai gia đình mà làm con chiên. Và đợi đến Phật đản thì bắt triệt bỏ cờ Phật Giáo là xong”
5 biểu ngữ cho phong trào Phật Giáo tranh đấu ở Huế để được phép treo cờ Phật Đản PL 2507 – DL 1963 như sau :
“Tôi nói chỉ cần 5 biểu ngữ thôi: cần cho 5 hàng dàn ngang, và mỗi hàng có 6 cái tính chiều dọc, tất cả cho chính diện sân chùa. Những chỗ còn lại, và 3 mặt đường thì tự do. Năm biểu ngữ qui định như dưới đây:
1. Phật giáo Việt nam bất diệt!
2. Phản đối triệt cờ Phật giáo
3. Tại sao xúc phạm Phật đản?
4. Phản đối chính sách chính phủ
5. Cầu nguyện hòa bình, hòa bình”
Ngài quyết định lên đài truyền thành Huế cho đồng bào Phật tử biết về hiện trạng Phật Giáo Việt Nam bị sách nhiễu vô lý, Ngài ghi:
“Phật đản hàng năm, Phật giáo Huế vốn có một buổi phát thanh, phát lại âm thanh đại lễ khi sáng, như tiểu đoạn 12/3 đã ghi. Phật đản năm nay có diễn từ mở đầu, không soạn trước, của tôi. Tôi nói, trái với quyết định của chính quyền, suốt đêm nay lễ đài Phật đản tại các tự viện và các khuôn hội, vẫn bị xúc phạm càng trầm trọng, cho đến gần sáng. Do đó, Tổng trị sự Phật Giáo miền Trung quyết định mở cuộc “Vận động của Phật Giáo”, công khai bày tỏ nguyện vọng “không được triệt cờ Phật Giáo”. Chính quyền không cho, mà không thông báo, buổi phát thanh truyền đạt đại lễ nầy.”
Đúng vào cái tuổi 40 (1963), bản lãnh và tài năng của Ngài lên đến đỉnh điểm, với Bi – Trí – Dũng, sống là cho Đạo Pháp, sẵn sàng chết vì Đạo Pháp, “con dốc lòng vì Đạo hy sinh”, Ngài thật năng động, cả quyết, đi đầu phong trào, như voi lâm trận không sợ cung tên, như một vị nguyên soái giữa xe tăng đại bác, đạn bom, tánh mạng của Ngài mong manh hơn bao giờ hết, thật là : “ngàn cân treo sợi tóc” khi buộc phải ở tư thế đương đầu với chính quyền gia đình trị và kỳ thị Tôn Giáo của nhà Ngô :
“Tôi mở một buổi thuyết trình về cuộc vận động ấy. Hội 5 văn phòng Phật Giáo tại Huế làm 1 văn phòng điều hành cuộc vận động, do hòa thượng Trí thủ làm trưởng ban. Tôi viết và ký 1 điệp văn gửi Tổng thư ký LHQ, thông báo Nam Việt nam “vi phạm nhân quyền”. Bắt đầu việc gởi điệp văn đến LHQ, mật và gấp. Nội dung tôi nói Nam Việt nam “vi phạm nhân quyền”. Sự vi phạm ấy gồm có xúc phạm Phật đản 2507, triệt cờ Phật Giáo Thế giới, khủng bố trắng Phật tử bất bạo động bằng chiến xa.
Thỉnh cầu ngài Tổng thư ký LHQ tra xét và bảo vệ “hiến chương nhân quyền”. Điệp văn được chuyển mau chóng, chu đáo, do ông bạn của tôi, bác sĩ W. Đến việc thuyết trình. Tôi thảo và ký thư mời nhân sĩ trí thức Huế, nhất là ngành đại học và tư pháp. Nội dung nói, giữa chính quyền và Phật Giáo đang có vấn đề. Phật Giáo chúng tôi không có phương tiện truyền thông tối thiểu. Chúng tôi khẩn thiết mời quí vị đến, và nghe cho, sự trình bày của chúng tôi. Chủ ý duy nhất là xin quí vị nghe cho. Còn phán quyết là quyền tuyệt đối của quí vị”
Năm điều Ngài đưa ra trong Tuyên ngôn Phật giáo tranh đấu lúc đó thật là xác đáng, phản ánh đúng tinh thần Từ Bi – Trí Tuệ của Phật Giáo, nhằm làm thức tỉnh chính quyền nhà Ngô và kêu gọi sự hậu thuẫn của lương tâm thế giới :
“Kế đó, tôi dùng ít phút kể lại đại để của việc đã qua, giải thích chính yếu của Tuyên ngôn, rồi trịnh rọng xác định mấy điều sau đây.
Một, Phật Giáo tự giới hạn, chỉ phản đối chính sách ngược đãi Phật Giáo của chính phủ. Phật Giáo không bước qua những địa hạt khác, nhất là địa hạt quyền chức chính quyền.
Hai, tuyệt đối sử dụng phương cách “bất bạo động”
Ba, Phật Giáo không mưu độc tôn, không cầu độc tôn, nên không thấy ai, kể cả Tcg, là đối nghịch.
Bốn, Phật Giáo không mưu hại ai, không thiên ai để hại ai. Nếu thất bại, Phật Giáo coi là sự thất bại của chân lý trước bạo lực, không phải thất bại như bạo lực kém bạo lực.
Năm, sau hết, nhưng quan trọng nhất, là Phật Giáo thỉnh cầu các bậc lãnh đạo thực thể đối trận, đừng khai thác gì về cuộc vận động của Phật Giáo. Vì làm như vậy thì đối phương quí vị lấy cớ để hại Phật Giáo mà thôi.
Sau buổi thuyết trình, tối đó, tôi viết lại thành bản Phụ đính tuyên ngôn của Phật Giáo.” (TQTT)
Rồi sau đó, Ngài vào Saigon, phối hợp với các Cụ Tâm Châu, HT Thiện Hoa, Thiện Minh, Chánh Trí Mai Thọ Truyền,…. vận động và chỉ đạo cuộc tranh đấu Phật Giáo, trong đó nổi bậc có hình ảnh Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu. Ngài đã giải thích về tính chính đáng, cao cả của việc tự thiêu, chứ không phải theo kiểu nói vô lương tâm, láo xược, xỉa xói của bà Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu) là Giáo Hội Phật Giáo thích :”nướng người”. ( She labelled it a "barbecue" and stated, "Let them burn and we shall clap our hands”, “‘Let them burn and we shall clap our hands.’ And ‘if the Buddhists wish to have another barbecue, I will be glad to supply the gasoline and a match.’”
(https://www.youtube.com/watch?v=d_PWM9gWR5E) (Để họ - GHPG- nướng người và chúng ta sẽ vỗ tay. Nếu hàng Phật tử muốn có một vụ “nướng người” nữa thì tôi sẽ vui lòng cung cấp cho họ xăng và hộp quẹt – Trần Lệ Xuân), Ngài giải thích :
“Lạy bồ tát rồi, tôi phải nói sự tự thiêu theo giáo lý. Sự ấy được nói đến trong 2 chỗ là kinh Pháp hoa và kinh Phạm võng. Chỗ nào cũng nói tự thiêu có 2 ý nghĩa. Thứ nhất, tự thiêu là tự thử thách về chí nguyện, nung nấu chí nguyện ấy cho dũng mãnh, kiên cường. Thứ hai, tự thiêu là sử dụng sắc thân mà phụng sự Phật pháp và phục vụ quần sinh. Tự thiêu là do nguyên lực, tin chắc chí nguyện của mình có thể cảm hóa rất lớn. Pháp nạn 1963, và sau nầy, có nhiều vụ tự thiêu. Nhưng phải nói nhất là bồ tát Quảng đức và tôn giả Quảng hương. Mở đầu, nhưng bồ tát Quảng đức tự thiêu rất tự tại, đường đường đủ mọi nghi lễ. Tôn giả Quảng hưong, trái lại, tự thiêu ngay sau khi thiết quân luật, cực kỳ khó khăn. Vậy mà tôn giả làm được, rất ư gian nan.”
Ngày 11-06-1963, cuộc tự thiêu đã diễn ra hoàn hảo, nghiêm túc và hùng tráng làm rung động thế-giới. Nhục thân của Hòa-Thượng được đưa về quàn taị chùa Xá-Lợi, ngay chính Giảng Đường để các Tăng, Ni, Phật tử và mọi người tới viếng, tụng kinh cầu siêu, trang nghiêm và xúc động. Mấy ngày sau, nhục thân của Ngài được liệm trong quan tài bằng gỗ thật tốt và đưa đi hỏa thiêu ở An Dưỡng Địa, Phú-Lâm, Chợ Lớn. Lửa cháy mạnh, khói bốc cao, mọi người niệm Phật rất chân thành.
Sự kiện tự thiêu của Thích Quảng Đức là một tiếng chuông kêu gọi hàng triệu con người ở miền Nam, miền Trung vùng lên bất chấp cường quyền, áp bức để cùng nhau xuống đường đấu tranh chống lại sự tàn bạo của chế độ Ngô Đình Diệm. Hành động tử vì đạo của Bồ tát Thích Quảng Đức đã gây ra một làn sóng dâng trào khắp nơi, trong nước và công luận quốc tế. Hàng triệu trái tim con người thổn thức trước hình ảnh của Thích Quảng Đức và nguyện cầu cho linh hồn của Thích Quảng Đức được siêu thoát và Phật Giáo Việt Nam sớm qua tai kiếp.
Hàng loạt các hãng truyền thông, báo chí trong và ngoài nước lần lượt đưa tin tức và hình ảnh của Thích Quảng Đức đang ngồi trong ngọn lửa rực cháy với những bình luận ngợi ca khâm phục làm rung chuyển Lầu Năm Góc, Tổng Thống Mỹ, Đại Sứ Hoa Kỳ Tại Việt Nam, khiến họ âm thầm hỗ trợ cho một cuộc đảo chánh trong hàng tướng tá của Việt Nam Cộng Hòa, làm lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.
Ngài Trí Quang khẳng định: “Do công phu tu hành có định lực kiên cố của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã kết tinh thành Xá Lợi, trái tim này sẽ cứu Phật Giáo Việt Nam, cần phải bảo tồn và gìn giữ”
Tối ngày 20-8-1963, được tin mật báo nhà Ngô sẽ phá chùa,Ủy ban Tranh đấu Bảo vệ Phật Giáo ra lệnh cất “trái tim bất diệt” vào tủ sắt của Hội Phật Học.
Ngài Trí Quang và Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo là những người phác thảo, đứng đàng sau tất cả những biến cố lớn, những phong trào đó. Sau đó, Ngài biết tánh mạng mình bị đe dọa nên tìm cách vào Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Saigon lúc đó để tỵ nạn :
“Khi Ủy Ban Liên Phái họp, không ai muốn không bị bắt, là ai cũng muốn đem khổ hạnh của mình, thành tựu nguyện vọng của Phật giáo, chứ không phải cầu may hay áp dụng khổ nhục kế. Riêng tôi, với “cái tội khởi xướng”, tôi biết và chính quyền cũng không ngần ngại gì mà không cho biết, chờ đợi tôi là cỗ máy đoạn đầu đài, nói nôm na là máy chém, đừng có ảo vọng gì khác.”…
“Tôi nói với anh tài xế, anh có thể ra bến tàu cho chúng tôi hít thở thật mạnh một chút được không? Được. Ra bến tàu, gần đến đầu đường Hàm nghi, tôi nói phiền anh ghé vào tiệm thuốc cho tôi mua vài viên thuốc cảm. Anh ghé vào, vui vẻ. Không biết ngẫu nhiên hay sao mà lại chỉ có 1 hiệu thuốc mở cửa. Chúng tôi xuống, nói với anh tài xế, anh quay xe để rồi chung ta đi. Nói vậy, nhưng tôi đi thẳng, qua trước cửa tòa đại sứ Mỹ.
Từ khoá :
thích trí quang
ngài trí quang
ghpgvn tỉnh thừa thiên huế
pháp nạn 1963
tu viện nguyên thiều
hòa thượng hồng tuyên
chùa quốc ân
chùa phổ quang quảng bình
bồ tát thích quảng đức
di huấn của ht thích trí quang
TIN LIÊN QUAN