;
Tên gọi "Chùa Một Cột": "Không có gì sai mà phải đổi tên chùa"
Trùng tu, tôn tạo Chùa Một Cột: Tại sao lại chậm chạp, e dè?
Ngày 2/5, Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa Diên Hựu- Một Cột đã gửi văn bản đến UBND TP Hà Nội và một số cơ quan báo chí về việc cần thiết trùng tu tôn tạo chùa Một Cột và cho rằng: “Kể từ hôm nay (tức 2/5/2013), sau 30 ngày nữa không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.
5 năm dự án vẫn trên giấy
Mùa mưa đã đến, đứng trước nguy cơ ngập lụt và thấm dột, để không tái diễn cảnh tượng phải mặc áo mưa, đội nón… yêu cầu của Trụ trì chùa Một Cột là chính đáng.
Báo điện tử Tổ Quốc đã có loạt bài phản ánh về sự chậm trễ của Hà Nội trong việc trùng tu chùa Một Cột: Ngày 23/11/2009, UBND quận Ba Đình đã có quyết định số 2692/QĐ-UBND về việc tu bổ, tôn tạo chùa Diên Hựu- Một Cột và giao cho BQL Dự án quận Ba Đình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư với kinh phí hơn 31 tỷ đồng. Sau đó gần nửa năm, ngày 15/4/2010, UBND thành phố Hà Nội có Thông báo số 110/TB-UBND đề nghị quận Ba Đình phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, sân vườn, hệ thống thoát nước của khu di tích; đồng thời xin ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa để khắc phục hiện tượng dột mái nhà Tam Bảo, mái chùa Một Cột…Việc chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đã được thực hiện trước thềm kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, song công tác trùng tu chùa Một Cột sau thời gian đó vẫn vẫn dừng lại ở việc “lấy ý kiến”.
Sau đó, qua tìm hiểu của phóng viên, thông tin được biết là dự án sẽ triển khai vào năm 2012 và hoàn thành vào đầu năm 2013. Thế nhưng, đến lúc này, các bước tiến hành trùng tu ngôi cổ tự vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong khi đó, ngôi chùa nằm ở vùng trũng, nên chịu ảnh hưởng rất nặng mỗi khi trời mưa.
Trong thời gian này, trụ trì chùa Diên Hựu- Một Cột đã nhiều lần gửi đơn tới các cơ quan chức năng kiến nghị, rồi cũng nhiều cuộc họp, đợt kiểm tra hiện trạng chùa. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, vướng mắc nhất là thủ tục tiến hành dự án. Vì UBND quận Ba Đình dự kiến tổ chức 3 hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, nhằm thống nhất phương án bảo tồn tối ưu cho ngôi chùa cổ. Song, dự án rục rịch gần 5 năm nhưng hội thảo cần thiết vẫn chưa diễn ra. Và ai cũng hiểu, nếu không có ý kiến của các nhà lịch sử, các nhà nghiên cứu thì việc trùng tu ngôi chùa là không thể. Sự vô lý này diễn ra nhiều năm, khiến ngôi chùa vẫn phải đối mặt với sự xuống cấp.nguoiphattu.com
Vào thời điểm khi ngôi chùa chuẩn bị đón Bằng Kỷ lục là Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á (ngày 12/11/2012), chúng tôi được ông Đỗ Viết Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, cho biết: để có phương án trùng tu chùa đúng nhất, nhằm phát huy giá trị di tích đặc biệt này, UBND quận Ba Đình sẽ tiến hành hội thảo khoa học về chùa Một Cột- Diên Hựu vào cuối tháng 11/2012, và từ đó, sẽ báo cáo trình lên UBND TP Hà Nội, xin ý kiến của Bộ VHTTDL. Tiếp đó sẽ có hội thảo về trùng tu cho chùa Một Cột. Thế nhưng, cho đến nay, một cuộc hội thảo liên quan đến ngôi chùa này vẫn chưa được tổ chức.
Bài học Trăm Gian còn đó
Trao đổi với chúng tôi về cơ sở để trùng tu chùa Một Cột- Diên Hựu, GS Lê Văn Lan cho biết, "chúng ta còn lưu giữ được nhiều hình ảnh, tài liệu về chùa Diên Hưu, chùa Một Cột từ đầu thế kỷ XX nên việc trùng tu chùa không đáng lo ngại về việc thay đổi hiện trạng”.
Trong khi đó, theo Đại đức Thích Tâm Kiên, kinh phí trùng tu chùa Một Cột-Diên Hựu dù lớn nhưng lại không phải là mối lo, vì với phương thức xã hội hóa, nhiều phật tử hảo tâm đã sẵn lòng đóng góp để ngôi chùa được trùng tu, tôn tạo xứng tầm. Cây cột đá lớn làm cột trụ cũng được thợ đá đảm bảo đáp ứng kỹ thuật.
Không thiếu kinh phí, không lo cơ sở kỹ thuật, vậy vì sao, việc trùng tu một ngôi chùa giữa trung tâm thủ đô, có kiến trúc và vị trí đặc biệt trong đời sống người Hà Nội lại chậm trễ như vậy?
Sự chậm trễ này khiến vị trụ trì phải lên tiếng như một “tối hậu thư” rằng ““Kể từ hôm nay (tức 2/5/2013), sau 30 ngày nữa không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.
Ai cũng hiểu, nếu tự ý hạ giải là trụ trì chùa Một Cột đã vi phạm luật Di sản. Tuy nhiên, cũng cần xem lại vì sao, dự án trùng tu chùa Một Cột vì sao lại quá chậm trễ. “Tuyên bố” một cách "cực chẳng đã" này khiến không ít người nhớ lại nỗi đau từ bài học tự ý phá dỡ ở chùa Trăm Gian (Hà Nội), Hà Nội đã từng kỷ luật các cơ quan quản lý nhà nước về di sản thế nhưng, sự chậm trễ vẫn tái diễn.
Để tìm hiểu quan điểm của UBND quận Ba Đình trước lá đơn này, chúng tôi liên lạc với ông Đỗ Viết Bình nhưng không được bắt máy. Liên lạc với ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH TTDL), thì được biết: Cục Di sản chưa nhận được văn bản của Đại đức Thích Tâm Kiên về việc tu bổ tôn tạo chùa Diên Hựu- Một Cột. Ông Hùng cũng khẳng định, nếu nhà chùa tự ý hạ giải là vi phạm pháp luật!
Sự “sốt ruột” của trụ trì chùa Một Cột cũng tương tự trụ trì chùa Trăm Gian. Để hạn chế những nỗi đau như vụ việc chùa Trăm Gian, cần sự phối hợp của các cấp, các cơ quan quản lý di sản Hà Nội. Được biết, ngày 8/5 tới, UBND Quận Ba Đình sẽ có cuộc trao đổi với trụ trì chùa Một Cột về vấn đề này. Hy vọng, sau sự quyết liệt của nhà chùa, Hà Nội sẽ đẩy nhanh các biện pháp để thực hiện trùng tu ngôi chùa có giá trị đặc biệt của Thủ đô cũng như cả nước./.
Bài & ảnh: Hà An - Theo Toquoc