;
"Sáng kiến "xanh" này là loại hình khấn vái lần đầu tiên được áp dụng ở những ngôi chùa của Trung Quốc, vừa giúp giảm lượng người trong mùa cao điểm, vừa giảm nguy cơ chen lấn xô đẩy và hỏa hoạn", một Phật tử làm việc ở chùa Guiyuan nói.
Ngôi chùa Guiyuan được xây dựng năm 1658, nằm ở quận Hán Dương, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, và được bao quanh bởi nhiều khu dân cư. Tết Âm lịch năm 2010, lượng khách tham quan và người dân đi lễ chùa là 600.000 người khiến chính quyền thành phố phải huy động 4.000 nhân viên cảnh sát bảo vệ trong khu vực này đề phòng trường hợp hỏa hoạn, chen lấn và tắc đường.
Năm nay, dù giá vé vào chùa đã tăng gấp đôi từ 10 nhân dân tệ (1,6 USD) một người lên 20 tệ trong dịp đầu năm nhưng lượng khách đi lễ chùa vẫn không hề giảm. Trong hai tuần qua, lượng người đến chùa đã tăng vọt. Hôm 27/1, tức ngày mồng 5 Tết Nhâm Thìn, chùa Guiyuan đã đón 360.000 người đến thắp hương và khấn vái Thần Tài.
Để giảm lượng người chen lấn ở chùa vào dịp lễ Tết, ban quản lý Guiyuan đã nảy ra sáng kiến hợp tác với chi nhánh China Mobile, mạng viễn thông hàng đầu Trung Quốc, tại Hồ Bắc, cung cấp dịch vụ cầu phúc bằng cách gửi tin nhắn qua mạng.
Mỗi tin nhắn không quá 8 ký tự có giá 3 nhân dân tệ (0,5 USD), còn các tin nhắn dài hơn 8-20 ký tự có giá 10 nhân dân tệ (1,6 USD). Trong khi đó giá thông thường, mỗi tin nhắn điện thoại chỉ mất chưa quá 0,15 tệ. Người gửi viết tin nhắn gồm những điều họ cầu khấn kèm số điện thoại di động người nhận. China Mobile sẽ chuyển những ước nguyện đó đến người nhận. Từ 8h sáng đến 5 giờ chiều, các tin nhắn được hiện thị trên một màn hình LED ở góc phía tây nam của chùa. Các nhà sư sẽ dựa vào đó để tụng kinh cầu khấn. Hơn 30.000 người đã thử nghiệm dịch vụ mới lạ này. Họ phải là thuê bao của China Mobile tại tỉnh Hồ Bắc.
Yang Guo, một nhân viên thuộc chi nhánh China Mobile ở Hồ Bắc chịu trách nhiệm giám sát dịch vụ này, cho biết trong hai tuần qua, đã có hơn 1.000 tin nhắn được gửi đi mỗi ngày. Dịch vụ này sẽ tiếp tục duy trì cho đến sau mùa lễ hội mùa xuân.
Yang Meiqin, 49 tuổi, người địa phương, cho biết bà đã nhận được một tin nhắn chúc phúc từ một người bạn. Bà rất thích ý tưởng này và đã đến chùa Giyuan để xem nhà chùa thực hiện nó như thế nào.
Chen Meng, 37 tuổi, cũng nhận được lời nguyện cầu những điều may mắn từ một người bạn cô quen khi đến thăm chùa tuần trước. Chen rất xúc động trước thành ý của người bạn và cảm thấy rằng nhà chùa đang cố gắng gìn giữ những tín ngưỡng tốt đẹp giữa nhịp sống hối hả của xã hội Trung Quốc hiện đại và thu hút sự quan tâm nhiều hơn từ thế hệ trẻ.
Tuy nhiên Li Jian, 28 tuổi, lại không đồng tình với sáng kiến này. Anh nói rằng dịch vụ gửi tin nhắn đã làm mất đi sự thanh tịnh của Phật giáo, làm mất đi sự linh thiêng của những lời nguyện cầu và khiến việc khấn vái cầu phúc đầu năm không còn là hoạt động tín ngưỡng nữa.
Ông Zhang Tongyou, 63 tuổi, một người dân Bắc Kinh theo Phật giáo hơn 20 năm nay, nói rằng ngôi chùa không nên thu phí để nhận các tin nhắn. "Những ngôi chùa khác có thể làm tin nhắn, nhưng đừng thu phí nếu muốn giảm lượng người đi lễ chùa trong những dịp cao điểm", ông nói.
Wei Chi, một Phật tử tại gia đồng thời làm việc cho chùa Famen, tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, cho rằng các nhà chùa không nên thu lợi nhuận từ những người đến cúng bái. Theo ông Wei, gần 60.000 người đã đến với ngôi chùa Famen hôm 23/1, ngày đầu tiên của năm mới Nhâm Thìn. Riêng trong ngày đó, khách viếng thăm không phải trả chi phí vào cửa, còn lại các ngày trong năm, giá vé lên đến 120 tệ (19 USD) một người.
Một nhân viên của chùa Lingyin ở Hàng Châu, Chiết Giang, đông Trung Quốc, cho rằng các ngôi chùa có thể tự quyết định xem họ có đủ nguồn lực kỹ thuật và tài chính để áp dụng dịch vụ gửi tin nhắn cầu khấn hay không và nên thu phí hay miễn phí dịch vụ này.
"Chùa Lingyin chúng tôi có đủ kinh nghiệm giải quyết vấn đề đông người và không cần phải yêu cầu mọi người ở nhà gửi tin nhắn đến", ông nói.
Anh Ngọc Theo VNE