;
Muttodaya (Un Coeur Libéré/A Heart Releazed/Con tim giải thoát)
Từ bản chất tâm thức nguyên sinh trong sáng và rạng ngời
thế nhưng đã bị các thứ ô nhiễm tâm thần biến thành u mê
(Pabhassaramidam bhikkhave cittam tanca kho agantukehi upakkilesehi upakkilittham)
Ajahn Mun
Hoang Phong chuyển ngữ
Ajahn Sao (1861-1941) Ajahn Mun (1870-1949) Ajahn Chah (1918-1992)
Lời giới thiệu của người dịch:
Bài chuyển ngữ dưới đây được trích từ một quyển sách mang tựa Con tim giải thoát (A Heart Released) của nhà sư Thái Lan Ajahn Mun (1870-1949). Ajahn Mun và thầy của ông là Ajahn Sao (1861-1941) là những người đã tái lập "Truyền thống tu trong rừng", một phép tu thật khắc khổ và nghiêm túc, nêu cao lý tưởng của một cuộc sống khất thực không nhà của thời kỳ khi Đức Phật còn tại thế. Vị đại sư Ajahn Chah - mà người Thái tôn thờ như người cha sinh ra mình - thuộc thế hệ thứ hai của truyền thống này, và vị thầy của ông không ai khác hơn là Ajahn Mun.
Ajahn Chah xuất gia năm 14 tuổi nhưng ba năm sau thì ông trở về giúp cha trong việc đồng áng. Sau đó ông lại xuất gia và được chính thức thụ phong tỳ kheo năm 21 tuổi. Ông rất chuyên cần, chăm lo học tập kinh điển, thiền định và tiếng Pa-li. Thế nhưng trong suốt năm năm trời tu tập ông không tìm thấy một con đường nào khả dĩ có thể giúp mình thăng tiến, trong khi đó thì nơi làng quê cha ông ngả bệnh và qua đời. Ông quyết định rời chùa, sống khất thực, ngủ dưới các gốc cây trong rừng và đi bộ suốt 400 cây số xuống tận miền nam nước Thái. Ông xin tá túc trong một ngôi chùa nhỏ, và chính trong ngôi chùa này ông nghe đồn là có một vị thấy rất uyên bác là Ajahn Mun trên miền bắc Thái, thế là ông lại ôm bình bát ngược về phương bắc để tìm vị sư này.
Trong ngôi chùa của nhà sư Ajahn Mun, người tỳ kheo trẻ Ajahn Chah lại tiếp tục ra sức tu học, luyện tập thật chuyên cần cả ba phép tu là giới, định và tuệ, thế nhưng đường như có một cái gì đó vẫn chưa được khai thông trong ông. Một hôm ông hỏi thầy mình là Ajahn Mun rằng: "Kinh sách thật hết sức sâu sắc, tinh tế và chi tiết, thế nhưng phải làm thế nào để mà mang ra ứng dụng". Nhà sư Ajahn Mun trả lời rằng: "Mặc dù kinh sách thật phong phú và chi tiết, thế nhưng thật ra thì cốt lõi của tất cả những thứ ấy cũng hết sức là đơn giản: khi nào phát huy được sự chú tâm thì tất sẽ nhận thấy các thứ ấy hiện ra ở bên trong tâm thức mình..., và con đường tu tập đích thật cũng sẽ mở ra cho mình ở chính tại nơi ấy". Câu trả lời đơn giản và ngắn gọn ấy không ngờ đã khiến cho Ajahn Chah bừng tỉnh và nhận thấy Con Đường mà mình khổ công tìm kiếm bỗng vụt hiện ra với mình. Tu tập cũng chỉ đơn giản là cách tinh khiết hóa và biến cải tâm thức của chính mình mà thôi.
Những gì mà Ajahn Mun - và sau này là Ajahn Chah - giảng dạy dều thật hết sức đơn giản, trực tiếp và dễ hiểu, nhưng không phải vì thế mà kém phần súc tích và sâu sắc. Ajahn Mun không viết lách gì cả mà những lời giảng của ông được các đệ tử ghi chép và lưu lại sau này. Một tập sách chép tay gồm 17 bài giảng đã được hai đệ tử của ông gom góp vào các năm 1944-45, tức là vào một thời kỳ nhiễu nhương và căng thẳng trong toàn vùng Đông Nam Á trước khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt. Tập sách này sau đó được một nhà sư trong giáo hội Thái Lan ấn tống và mang tựa là Muttodaya (A heartt released/Con tim giải thoát). Tựa sách bằng tiếng Pal-li này là do một nhà sư có tiếng thời bấy giờ là Chao Khun Upali đề nghị. Năm 1995 nhà sư người Mỹ Thanissaro Bhikkhu dịch quyển sách này từ tiếng Thái sang tiếng Anh, và sau đó vào năm 2009 đã được một nữ cư sĩ người Pháp rất tích cực và uyên bác là bà Jeanne Schut dịch sang tiếng Pháp. Độc giả có thể tham khảo các bản dịch này trên các trang mạng:
- tiếng Anh: http://www.accesstoinsight.org/lib/thai/mun/released.html
- tiếng Pháp: http://www.buddhachannel.tv/portail/spip.php?article9609
Nhìn tấm hình cánh chim hải âu in trong bản dịch tiếng Pháp của bà Jeanne Schut (http://www.dhammadelaforet.org/sommaire/mun/coeur_libere.pdf), người dịch bỗng thoáng xúc cảm mà xin ghi vội mấy dòng thơ sau đây:
Thổi lên,
Thổi lên, Đạo Pháp ơi!
Hãy hóa thành ngọn gió.
Căng cánh buồm,
Bao con tim lạc hướng.
Ô kìa!
Đôi cánh chim lộng gió.
Bạt ngàn,
Bạt ngàn,
Ngọn gió của nghìn khơi!
Dưới đây là bản chuyển ngữ bài giảng của nhà sư Ajahn Mun:
Từ bản chất tâm thức nguyên sinh trong sáng và rạng ngời
thế nhưng đã bị các thứ ô nhiễm tâm thần biến thành u mê
"Này các tỳ kheo, từ nguyên thủy cái tâm thức ấy thật trong sáng và rạng ngời, thế nhưng chỉ vì các thứ ô nhiễm và uế tạp len vào biến nó thành u mê, và làm cho các tia sáng rạng rỡ của nó không sao hiển hiện lên được"
Người ta thường so sánh các lời giảng này của Đức Phật với bài thơ dưới đây:
Một gốc cây to tỏa rộng sáu nghìn cành.
Mỗi ngày hàng trăm con tắc kè hoa thật to leo lên,
Mỗi ngày hàng nghìn con tắc kè hoa thật bé bò lên.
Nếu người chủ không canh chừng,
Thì chúng sẽ kéo theo thêm bè bạn. ngày càng thêm đông.
Sau đây là cách hiểu về bài thơ này: Nếu bỏ đi ba số không của con số 6.000 thì gốc cây chỉ còn lại sáu cành, biểu trưng cho sáu cửa ngõ của giác cảm (gồm ngũ giác và tri thức. Phật Giáo xem tri thức là một giác quan tương tự như các giác quan khác. Đối tượng cảm nhận của giác quan tri thức là các xúc cảm và tư duy) mở ra cho những con tắc kè bò vào. Những con tắc kè là những thứ "giả mạo" (contrefaits/contrefeits/các con tắc kè với màu da biến đổi và hình thù quái dị, biểu trưng cho những gì không thuộc bản chất của chính mình), không phải là những gì đúng thật. Các thứ ô nhiễm không hề mang tính cách đích thật. Chúng chỉ là hàng trăm hay hàng ngàn thứ từ ngoài chui vào [qua các cửa ngõ của giác cảm]. Nào chỉ có thế đâu, các thứ ô nhiễm chưa kịp hiện ra sẽ tiếp tục hiện ra, và ngày càng nhiều hơn khi mình chưa tìm thấy được một giải pháp khả dĩ có thể biến cải được bản chất của tâm thức mình.
Tâm thức rạng ngời hơn bất cứ một thứ gì khác, thế nhưng chỉ vì các thứ giả mạo - tức những thứ ô nhiễm tạm thời len vào bên trong nó - đã khiến cho nó trở nên u mê. Nó đánh mất các tia sáng rạng ngời của nó, tương tự như mặt trời bị mây che khuất. Không nên nghĩ rằng mặt trời chạy theo các áng mây! Mà phải hiểu rằng chính các áng mây trôi ngang đã che khuất mặt trời.
Chỉ khi nào người hành thiền thấu hiểu được sự kiện ấy (có nghĩa là những gì từ bên ngoài chui qua sáu cửa ngõ giác quan cũng chỉ là những thứ ô nhiễm tạm thời làm cho tâm thức bị u tối và khiến cho các tia sáng rạng rỡ của nó không sao hiển hiện lên được), thì khi đó họ mới có thể xác định chúng một cách sâu sắc hơn hầu loại bỏ chúng (khi nào còn nhận thấy các giác cảm trên thân xác cũng như các tư duy và xúc cảm trong tâm trí là "của mình", là "cái tôi" của mình hay là "chính mình", thì khi đó mình sẽ còn bám víu vào chúng và vẫn còn tiếp tục bị buộc chặt vào thế giới hiện tượng đầy khổ đau này), như đã được giải thích trong phần 9 trên đây (người dịch sẽ chuyển ngữ phần 9 này trong một dịp khác, bài chuyển ngữ này là phần 10 trong số 17 phần của quyển sách). Chỉ khi nào đã biến cải được tâm thức mình nhằm giúp mình đạt được thể dạng nguyên sinh của nó, thì khi đó các thứ ô nhiễm mới bị tẩy sạch. Nói một cách khác là các thứ giả mạo sẽ không còn xâm chiếm được tâm thức nguyên sinh của mình nữa, bởi vì các chiếc cầu nối liền các thứ ấy với tâm thức mình đã bị phá sập (sáu cửa ngõ của giác cảm đã được chủ động và khép lại). Dù cho tâm thức vẫn còn tiếp xúc với các mối lo toan thế tục, thế nhưng các sự tiếp xúc ấy cũng chẳng khác gì như những hạt nước lăn trên tàu lá sen (không thể nào làm cho ngũ giác ngưng hoạt động và tâm thức ngưng vận hành được, nguời hành thiền vẫn tiếp tục sống với thân xác mình và những gì hiện ra trong tâm thức mình, thế nhưng các sự tiếp xúc ấy cũng chỉ như những giọt nước mưa rơi lên một tàu lá sen mà thôi. Các giọt nước ấy chỉ có thể quay tròn trong chiếc lá hoặc rơi ra ngoài, nhưng không thể làm thấm ướt được chiếc lá. Người hành thiền vẫn tiếp tục sống với thế giới, cảm nhận được thế giới, thế nhưng tất cả những gì chuyển động trong thế giới không thể lôi cuốn họ, bám vào thân xác họ hay len vào tâm thức họ được).
Bures-Sur-Yvette, 23.11.14
Hoang Phong chuyển ngữ