;
Từ khi Đức Phật thành Đạo dưới cội Bồ-đề ở Bodhgaya, với lòng đại từ bi, Ngài đưa giáo pháp vào đời cứu đời thoát khổ đau. Từ bài thuyết giảng cho hai vị thương gia có dịp ghé ngang Bồ-đề Đạo tràng cho đến lần chuyển pháp luân đầu tiên cho nhóm Kiều Trần Như gồm năm vị, giáo dục Phật giáo đã khởi sự. Việc thành lập giáo đoàn là do nhân duyên chư Tỳ-kheo đầu tiên có trí tuệ hơn người, có nghiệp quả thiện lành do tu tập từ bao đời sống quá khứ. Tuy vậy, giáo pháp của Đức Phật là nhằm cứu chúng sanh nói chung, cứu mọi người và nhất là cứu số đông quần chúng tại gia và cả những người không phải là Phật tử. Điều này cũng có nghĩa là giáo dục Tăng Ni không đủ để làm nên giáo dục Phật giáo. Phật giáo phải mở rộng giáo dục đến mọi người, ở mọi lứa tuổi. Cơ sở giáo dục Phật giáo phải là các trường lớp, các trung tâm giáo dục, các hoàn cảnh có đông người dự họp v.v…
Có thể nói, cũng như các Ban ngành khác trong Giáo hội, Giáo dục Tăng Ni đã có sự phát triển khá mạnh so với các thời kỳ lịch sử của đất nước ta. Chỉ trong 30 năm phát triển kể từ ngày thành lập, ngành Giáo dục Tăng Ni đã có 4 Học viện Phật giáo, 8 lớp Cao đẳng, 31 trường Trung cấp và rất nhiều lớp Sơ cấp Phật học ở khắp các tỉnh thành. Chỉ trong nhiệm kỳ VI vừa qua, đã có 2.210 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cử nhân Phật học, 1.732 Tăng Ni sinh đang theo học chương trình Cử nhân; 1.127 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cao đẳng Phật học và 814 vị Tăng Ni sinh đang theo học; 2.430 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Trung cấp Phật học và 3.254 Tăng Ni sinh đang được đào tạo; 2.500 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Sơ cấp Phật học và trên 1.600 Tăng Ni sinh đang theo học. Sự phát triển cơ sở vật chất, nhân sự của ngành Giáo dục Tăng Ni hiện nay là khá mạnh mẽ. Về chất lượng giảng dạy và học tập tuy có đôi phần sai biệt giữa các trường lớp nhưng nhìn chung là khá tốt để có thể có lực lượng Tăng Ni trẻ kế tục sự nghiệp giáo dục của các thế hệ đi trước. Đây là sự đào tạo các Tỳ-kheo có khả năng Phật học và giảng Pháp với các phẩm chất đạo đức cao đẹp. Các vị này lại đào tạo thế hệ sau và thuyết giảng Phật pháp cho hàng tại gia. Nếu chỉ như thế thì ngành Giáo dục Tăng Ni đóng vai trò của ngành Hoằng pháp và có những đóng góp cho ngành Hướng dẫn Phật tử. Ba ngành chuyên môn này lại thiếu sự kết hợp cho nên giáo dục Phật giáo chưa được phát triển mạnh.
Phật giáo đang phát triển tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại các nước phương Tây. Các trường Đại học khoa học xã hội đều có khoa Phật học. Tại nhiều trường, trẻ em có giờ tập thiền, nhiều trang web có chương trình Phật học cho trẻ em. Ví dụ trang web Buddhism Religion của Mandy Barrow (Woodlands Junior School Kent website) đưa ra một nội dung Phật học dành cho trẻ em dưới dạng hỏi đáp, chuyện kể về Đức Phật, về giáo lý căn bản của Ngài…
Trước đây tại Việt Nam, hệ thống trường Bồ Đề của Phật giáo phát triển khá mạnh ở một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam. Trường gồm các lớp tiểu học và trung học, dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và có thêm một số tiết Phật học. Sau năm 1975, hệ thống trường Bồ Đề ngưng hoạt động. Hệ thống này không thể thực hiện được gì nhiều về giáo dục Phật giáo nhưng ít ra cũng có ảnh hưởng ít nhiều đối với quần chúng nhân dân, nhất là đối với giới Phật tử. Tuy vậy, so với các trường do Thiên chúa giáo tổ chức thì còn kém xa.
Hiện nay tại Thái Lan, số nhà trẻ và mẫu giáo của Phật giáo Thái Lan rất nhiều, trải đều khắp nơi; cộng thêm với các trường trung tiểu học dạy theo chương trình nhà nước và đăng ký giảng dạy theo cung cách Phật giáo gồm tất cả khoảng trên dưới 20 ngàn cơ sở có đăng ký hoạt động. Dĩ nhiên chúng ta không nóng vội với quyết định triển khai giáo dục Phật giáo nhưng chúng ta có thể chuẩn bị và tiến hành từ từ mục tiêu này. Sau đây là một số ý kiến đề nghị:
- Ngành Hoằng pháp cần mở rộng các buổi giảng pháp, phân định thính chúng theo từng thành phần tuổi tác, chú trọng đến thanh thiếu niên, tổ chức nhiều buổi giảng cho sinh viên học sinh tự nguyện đến nghe tại các tự viện và các hội trường bên ngoài.
- Giáo hội cần giúp đỡ ngành Gia đình Phật tử phát triển mạnh hơn, thu hút đoàn viên đông đảo hơn. Gia đình Phật tử cần nghiên cứu để thực hiện các nội dung hấp dẫn, lành mạnh, vui tươi, bổ ích hơn.
- Ngành Hướng dẫn Phật tử cũng cần có những hoạt động mạnh hơn, các khuôn hội Phật giáo cần tăng cường chất lượng các sinh hoạt để tạo được đặc trưng của ngành, nếu không thế thì chỉ là sự trợ giúp cho ngành Hoằng pháp, không đủ tầm vóc là một chuyên ngành Hướng dẫn Phật tử.
- Các nhà nuôi dạy trẻ mồ côi, đường phố, khuyết tật… các công tác từ thiện xã hội cần phát triển mạnh, như một thể hiện từ bi trong giáo dục Phật giáo.
- Cần có kế hoạch quan trọng, có tầm vóc về việc tổ chức nhà giữ trẻ, mẫu giáo. Đây là điều vô cùng cần thiết cho việc giáo dục trẻ thơ mang tính hiền thiện. Những năm đầu đời của trẻ là thời gian dễ gây ấn tượng về niềm tin, sự thuần hậu. Các em sẽ giữ mãi hình ảnh các thầy cô Tăng Ni săn sóc dạy dỗ, nhớ mãi các ảnh tượng Phật, những chuyện kể và những bài ca Phật giáo. Lớn lên, các em sẽ là những Phật tử thuần thành. Tốt đẹp và cần thiết bao nhiêu nếu ở vùng sâu, vùng xa, làng mạc… có nhà giữ trẻ, mẫu giáo cho con em những người lao động nghèo suốt ngày làm lụng ở nương rẫy, đồng áng… không thể chăm sóc con mọn. Nếu có thể, cung cấp bữa ăn trưa miễn phí cho các em, đỡ cho kinh tế gia đình eo hẹp của các em.
- Từ việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo, Giáo hội tiến đến việc xin mở các trường Tiểu học dạy theo chương trình của Nhà nước, có thêm một tiết giáo lý mỗi tuần và đặc biệt, áp dụng các phương pháp của giáo dục Phật giáo như Thái Lan đã làm. Dần dần, Giáo hội tiến đến việc tổ chức các trường Trung học theo hình thức và nội dung như trên.
- Trong khi khá nhiều các trường Đại học trên thế giới đều có khoa Phật học, nước ta vốn có truyền thống Phật giáo lâu đời lại không có khoa này. Giáo hội nên đề nghị nhà nước mở một số khoa Phật học tại các Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Giáo hội có thể cung cấp giảng viên Phật học vì hiện nay đã có trên 100 Tăng Ni có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ và con số này sẽ tăng lên nhiều trong vài năm sắp đến.
- Một trường Sư phạm là điều cần thiết. Ban Giáo dục Tăng Ni cần đào tạo các giáo viên giảng dạy tại các trường Phật học, trước mắt là các trường Trung cấp Phật học. Đây là lực lượng nòng cốt để kế tục sự nghiệp Giáo dục Tăng Ni nói riêng và Giáo dục Phật giáo nói chung. Để thích ứng với nền giáo dục quốc gia, chúng ta nên mời các giáo sư, giảng viên Đại học Sư phạm giảng dạy tại các trường này.
- Dĩ nhiên, ngành Giáo dục Tăng Ni cũng phải không ngừng được cải tiến nếu muốn đóng góp hữu hiệu vào nền Giáo dục Phật giáo.
Vấn đề cần bàn thêm ở đây là kinh phí tổ chức. Chúng ta không tổ chức một cách quy mô rầm rộ mà chỉ dần dần thực hiện từng phần của kế hoạch. Ví dụ, tổ chức nhà trẻ ở làng xã chỉ cần cơ sở nhỏ, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, thu nhận chừng hai ba chục em nhỏ thì kinh phí không bao nhiêu. Các Ban Trị sự Tỉnh, Thành, Ban Đại diện Phật giáo Quận Huyện có thể chọn thí điểm thực hiện rồi sau đó phát triển dần. Dần dần phát triển có lẽ là phương châm hành động của chúng ta về giáo dục Phật giáo. Giáo hội có 45 triệu Phật tử, hơn 40 ngàn Tăng Ni, đủ mạnh để thực hiện kế hoạch giáo dục. Lại nữa, nếu chúng ta giảm bớt đôi phần chi phí về xây chùa, dựng tháp, đúc tượng, tổ chức lễ lạc hoành tráng để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo thì đó cũng là một Phật sự quan trọng cần thiết trong sự nghiệp phát triển Giáo hội./.