;
Phật tử tham dự khóa tu Phật thất tại chùa Hoằng Pháp (TPHCM) - Hình minh họa.
Một nhóm sinh viên đến chùa để tìm hiểu về đạo Phật và kiến trúc
chùa nhằm phục vụ cho chương trình học. Có một em tự giới thiệu mình là tín đồ của đạo Thiên Chúa. Tôi không biết những tín đồ đạo Thiên Chúa có tự hào về tôn giáo của mình hay không, và tự hào đến mức nào, nhưng qua những người tôi đã gặp, họ rất thẳng thắn tuyên bố là tín đồ của Chúa. Trong khi đó, những người theo đạo Phật thì dường như thích giấu đi tôn giáo của mình.
Không kể những người theo đạo ông bà (mà ông bà thì theo đạo Phật), những người đi chùa và có thiện cảm, niềm tin nơi Phật pháp, mà ngay cả những người quy y Tam bảo hẳn hoi, khi khai trong sơ yếu lý lịch vẫn điền ở mục tôn giáo là “không” (điều này khiến cho việc thống kê số lượng tín đồ đạo Phật trên thế giới không được chính xác). Tôi cũng không hiểu vì sao Phật tử chúng ta lại ngại nói về tôn giáo, ngại nói mình là Phật tử. Chẳng lẽ những người Phật tử nghĩ rằng việc theo một tôn giáo là đáng xấu hổ, hay cản trở sự thăng tiến của họ trong công việc?
Tôi nghĩ rằng người Phật tử cần hiểu đúng về tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Có lẽ do quan niệm cũ trước đây, rồi hình thành tâm lý cho rằng theo tôn giáo là yếu đuối, ủy mị và mê tín; rằng tôn giáo chỉ có cúng kiếng và cầu nguyện cho nên chỉ thích hợp với người già.
Đó là cái nhìn rất sai lầm về tôn giáo, nhất là Phật giáo. Một người đi theo một tôn giáo nào đó tức là xác định nhân sinh quan của mình. Nhân sinh quan là đường hướng, là lẽ sống, là lý tưởng và ý nghĩa của đời người.
Con người sống không thể không có nhân sinh quan. Sống mà không có nhân sinh quan thì như lục bình trôi sông, nước lớn trôi lên, nước ròng trôi xuống. Người không có nhân sinh quan là người sống mà không có lý tưởng, ai nói gì cũng nghe, cũng tin và chỉ quanh quẩn trong những nhu cầu vật chất và giải trí bình thường ở hiện tại.
Quy y Tam bảo không chỉ là để tìm sự che chở của Phật-Pháp-Tăng mà trên hết là xác định nhân sinh quan của mình, rằng mình sẽ sống theo lý tưởng của đạo Phật, lấy Phật pháp làm kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động của mình.
Phật giáo là một tôn giáo cổ (trước cả Thiên Chúa giáo và Hồi giáo) nhưng tư tưởng của Phật giáo không hề cổ mà ngược lại rất hiện đại. Nói như nhận định được cho là của nhà vật lý học người Đức Albert Einstein, rằng “Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo". Phật giáo không đòi hỏi phải xét lại mình để cập nhật những khám phá mới của khoa học. Phật giáo cũng không cần từ bỏ bất cứ quan điểm nào của mình để đi theo khoa học. Bởi, Phật giáo bao gồm khoa học và vượt xa khoa học”.
Đó là vì những vấn đề mà Đức Phật đặt ra gần 3 thiên niên kỷ trước vẫn không hề bị lỗi thời trong thời đại ngày nay. Đó là vấn đề khổ đau và phương pháp diệt trừ khổ đau, vấn đề tà kiến và chánh kiến, từ bi và trí huệ, yêu thương và hiểu biết, và nhất là chủ trương con người phải dựa vào chính bản thân mình để giải quyết các vấn đề của con người trên tinh thần duyên sinh vô ngã mang tính toàn cầu như hiện nay. Những vấn đề như thế có gọi là mê tín, là ủy mị được không?
Có một số tôn giáo mà giáo lý của họ không được các nhà khoa học đánh giá cao như Phật giáo, hoặc ở một vài giai đoạn lịch sử của họ đã có những hành vi có lỗi với nhân loại, ấy vậy mà tín đồ của họ không hề e dè tuyên bố mình là tín đồ của tôn giáo đó.
Còn Phật giáo là một tôn giáo mà có thể nói là hoàn hảo cả về giáo lý lẫn hành trì thì chúng ta phải vô cùng tự hào tuyên bố mình là Phật tử mới phải, vì mình đã may mắn hơn những người khác gặp được Phật pháp và lấy Phật pháp làm lẽ sống của đời mình.
Phật tử chúng ta luôn làm điều gì đó để cúng dường Đức Thế Tôn. Và tôi cho rằng tự hào mình là Phật tử là một trong những cách cúng dường vô cùng ý nghĩa.