;
>Sống để làm tròn trách nhiệm làm người (5)
Chữ “tu” có lẽ là một chữ đã có từ lâu lắm trong danh từ của người Trung Hoa và Việt Nam. Thế mà cho đến ngày nay rất còn nhiều người, cả trong giới Phật tử lẫn người ngoài còn quan niệm chữ “tu” một cách mập mờ, lệch lạc... Ít ai hiểu được chữ tu một
cách đúng đắn, toàn diện. Người đứng ở khía cạnh này của chữ “Tu” công kích người đứng ở khía cạnh kia, người cho mình tu như thế này là đúng, kẻ khác bảo như thế là sai. Người này cho rằng quan niệm của mình là phải, kẻ nọ cho rằng như thế là quấy, ai cũng giữ quan điểm của mình nên sinh cãi vã tranh chấp, cuối cùng không ai biết đâu là phải trái, đâu là chánh tà, đâu là hay dở, đâu là tốt xấu, đâu là đúng sai….
Để cho tất cả mọi người có một ý niệm đúng đắn, toàn diện, rõ ràng về ý nghĩa chữ tu, quý Phật tử sẽ nhìn thấy một cách tổng quát, và lựa chọn một pháp tu thích hợp với mình là “Biết chọn đường tu”. Người Phật tử trên con đường tu học có thể biết rõ được ai là kẻ đang lầm đường lạc lối, ai là người đi đúng con đường Phật đạo.
Tu là một tiếng có nguồn gốc chữ Hán, dịch nghĩa thông thường là “sửa” tạm gọi đầy đủ là tu sửa. Tu có ba phương diện: tu tâm, tu thân và tu bổ. Nghĩa chữ “Tu” rất rộng, có thể áp dụng cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Đã nói là “sửa” thì bất luận những cái gì xấu xa hư dở đều phải sửa đổi lại cho được tốt đẹp.
Sửa cái dở thành hay: Như bỏ hút thuốc, cờ bạc, rượu chè, đàng điếm, hưởng thụ quá đáng, biết điều hòa cho có chừng mực trở lại gọi là tu. Thuở còn nhỏ chúng ta làm gì biết hút thuốc, uống rượu, lớn lên chúng ta mới bắt chước tập tành lâu ngày trở thành thói quen. Bây giờ chúng ta đã học hỏi Phật pháp biết đó là hư dỡ, tốn tiền làm tổn hại đến gia đình người thân, chúng ta quyết chỉ chí chừa bỏ nhờ vậy gia đình đảm bảo được an sinh đời sống mà ngày càng sống tốt hơn.
Sửa xấu thành tốt: Như chúng ta chừa bỏ sát sinh hại vật, gian tham trộm cướp lường gạt của người khác, trốn thuế, quảng cáo sai sự thật, cân non, đong thiếu, nói dối hại người trở lại thành chân thật, bố thí, giúp đỡ sẻ chia với tất cả mọi người là tu. Khi chưa gặp Phật pháp chúng ta làm đủ thứ điều xấu xa tội lỗi nhằm mục đích vơ vét về cho riêng mình, gia đình mình, bằng nhiều thủ đoạn. Nay ta biết tu rồi chẳng những không lường gạt của người khác mà ta còn tìm cách giúp đỡ, sẻ chia khi gặp những mãnh đời bất hạnh.
Sửa tà theo chánh: Như bỏ mê tín, dị đoan, xin xăm, bói quẻ, coi tướng coi tay, xem phong thủy tốt xấu, đốt giấy tiền vàng mã, ông lên bà xuống, trở về với Phật pháp chân chính tin sâu nhân quả, làm lành hưởng phước, làm ác chịu khổ đau là tu. Phật pháp giúp cho chúng ta thấu hiểu rõ ràng về lý nhân quả, như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, chỉ có những người vì quá tham lam nên mong cầu đủ thứ, chính vì vậy họ ỷ lại vào Phật, Bồ tát mà cầu khẩn van xin để rồi đánh mất chính mình.
Sửa quấy trở lại phải: Như con cái bất hiếu với cha mẹ, anh em không sống vui vẻ thuận thảo với nhau, vợ chồng bất hòa, trở lại biết thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, biết kính trên nhường dưới, biết cảm thông và tha thứ cho nhau, là tu. Ngày xưa khi chưa biết tu ta không biết thúc liễm thân tâm để cho ý nghĩ xấu chi phối rồi phát sinh ra lời nói gian dối mà dẫn đến hành động không tốt để làm hại gia đình, người thân.
Sửa vọng thành chơn: Như bỏ thói quen điêu ngoa xảo trá, gian dối lường gạt hại người trở lại sống với tâm chân thật, là tu. Tâm chân thật được hiển lộ qua sự thấy và nghe, khi thấy chỉ là thấy mà vẫn thường biết rõ ràng mọi hình ảnh sự vật, màu sắc xanh, trắng, đỏ, vàng. Khi nghe chỉ là nghe mà không dính mắc vào âm thanh lớn nhỏ, dễ chịu hay không dễ chịu nhờ vậy ta luôn sống với tính nghe thường hằng.
Sửa phiền não thành Bồ-đề: Như chừa bỏ tham lam, ích kỷ, sân giận, si mê, ganh ghét tật đố, thù hận trở lại thành vô lượng trí tuệ từ bi giúp người cứu vật bằng tình người trong cuộc sống cho đến khi giác ngộ giải thoát, là tu.
Trong thời khoa học, văn minh và vật chất thịnh hành con người khó mà tu vì bộn bề công việc, áp lực cuộc sống nặng nề bởi nhu cầu ngày càng nhiều? Người nói như vậy nghĩ rằng, chỉ trong thời đại hoang sơ, lạc hậu con người ta mới dễ tu, thật ra con người càng văn minh, tiến bộ càng phải tu nhiều hơn, nếu không sẽ đánh mất chính mình mà làm thiệt hại cho người khác. Mặc dù, vật chất càng thịnh con người càng khó tu, chính vì vậy chúng ta càng phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn, để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Vật chất càng phát triển mạnh, thì tinh thần cần phải được ổn định bằng cách tin sâu nhân quả, tin chính mình là Phật, nhờ vậy ta biết điều hòa chừng mực mà không bị dòng đời cuốn trôi.
Rồi có người quan niệm rằng già mới tu, chứ còn trẻ phải vui chơi hưởng thụ tu chi cho khổ? Họ xem nhà chùa như một nhà dưỡng lão, dành riêng cho ông già, bà cả hoặc cho những người lỡ vận, lỡ thời, sa cơ thất thế. Họ cho rằng tu hành là để an hưởng cảnh già trong khi chờ chết, chứ người trẻ tu làm gì, để ở ngoài đời hưởng thụ không sướng sao? Họ không ngờ rằng, người già hay trẻ gì cũng cần phải tu hết, trẻ mà biết tu thì sống có nhân cách đạo đức, nhờ vậy làm tròn trách nhiệm bổn phận đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.
Có nhiều người còn quan niệm rằng chỉ có những người tật nguyền, bệnh hoạn, côi cút mới tu, chứ còn khỏe mạnh, làm ăn được mà tu cái gì? Chúng ta nói như thế, vô tình cho rằng nhà chùa là một bệnh viện, một nhà tế bần để cho những kẻ bị đời sa thải, vào chùa để nương nhờ tấm thân. Họ không ngờ rằng tu là rất cần thiết cho tất cả mọi người, vì chúng ta biết tu nên không bao giờ giết hại, trộm cướp, lường gạt, nói dối để làm hại người khác bằng nhiều hình thức.
Tu là phải xuất gia như chư Tăng ni mới đúng, chứ còn ở tại gia mà tu cái gì? Những người nói như thế vô tình hiểu lầm rằng tu chỉ dành riêng cho người xuất gia thôi! Tu có nghĩa là sửa, sửa xấu thành tốt, sửa sai thành đúng, chúng ta sửa được càng nhiều chừng nào thì mình càng được bình yên, hạnh phúc, có thiệt hại gì cho ai đâu?
Người đời, dù sống trong hoàn cảnh nào, ai cũng mong muốn làm sao mình được an vui, và bình yên hạnh phúc. Chính vì vậy mà ai cũng cần phải tu hết. Chúng ta không những lo tu dưỡng thân tâm, mà còn phải lo tu bổ sửa sang lại nhà cửa, gieo trồng vun xới lại ruộng vườn hoang phế, sửa chữa lại đường sá cầu cống hư sập... vv, như thế đều gọi chung là “Tu” cả. Tóm lại, mỗi cá nhân, bất luận lớn bé, già trẻ, trai gái, giàu nghèo, sang hèn, đều phải lấy việc rèn luyện thân tâm, sửa sang lại những vật sở hữu vật chất liên quan đến đời sống con người.
Có nhiều người nói: “Đã tu rồi, sao còn bệnh đau uống thuốc?” Người tu theo đạo tiên thường phô trương rằng họ có phép thuật trường sanh bất tử, dùng sức nội công, luyện thần khí làm cho thân không già, không bệnh và sống lâu. Xưa nay chúng ta chỉ nghe nói như thế, chứ chưa thấy ai tu tiên mà sống trên 120 tuổi.
Nhưng theo lời Phật dạy thì thân này là giả tạm, vô thường không thật có, đủ duyên thì sống thọ làm lợi ích cho nhiều người mà không quan trọng tuổi tác. Điều quan trọng là dù sống một ngày mà làm lợi ích cho nhiều người hơn sống 100 năm mà chẳng giúp gì được cho ai. Mọi sinh vật trên đời đều phải đi theo quy luật sanh, già, bệnh, chết. Chính xác thân của đức Phật cũng không vượt ra ngoài bốn trạng thái ấy, nên ngài đã vào Niết bàn năm 80 tuổi, huống chi là những người thường như chúng ta?
Rồi cho đến một số Phật tử, cho rằng pháp môn tu của mình là số một đúng theo lời Phật dạy, còn bao nhiêu pháp môn của người khác là thấp, là sai. Người tu theo pháp môn tịnh độ, họ cho cho rằng đúng chánh pháp và tu như thế thì Phật A Di Đà mới rước về cõi tây phương cực lạc. Người trì chú cho rằng pháp môn của họ là tối thắng nên bài xích các pháp môn khác. Người tu thiền thì nói đó là gốc của đạo Phật, còn bao nhiêu pháp môn khác đều vô bổ, chẳng đưa đến đâu cả. Người tu theo hạnh Bồ-tát làm việc lợi tha, từ thiện xã hội,... vv, cho như thế mới là tu, và phản đối các lối tu khác.
Các quan niệm, thái độ trên đều là hiểu theo kiểu phiến diện hẹp hòi, vì chưa hiểu rốt ráo mục đích của đạo Phật. Chúng ta phải hiểu đạo Phật tùy bệnh cho thuốc, chúng sinh vì nhiều bệnh nên Phật cho thuốc hợp với bệnh đó, tất cả phương pháp đều là phương tiện ban đầu để từng bước giúp ta đến chỗ giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, giống như nước trăm sông đều đổ về biển cả.
Rồi có nhiều người cho rằng tu sẽ làm cho con người nhu nhược, yếu đuối dễ bị người ta lấn áp, bóc lột, nếu ai cũng tu, thì sẽ mất nước. Nói như thế chúng ta vô tình người tu chẳng khác nào cục đất, ai muốn làm gì thì làm. Thật ra, càng tu càng sáng suốt đâu có phải là khiếp nhược, yếu đuối, mà trái lại là hùng dũng phi thường. Phật giáo đời Trần là một minh chứng hùng hồn có một không hai trong thế giới loài người, đã bao lần đánh tan quân xâm lược ngoại bang.
Một gia đình có tu thì kính trên nhường dưới, anh chị em sống vui vẻ thuận thảo với nhau, cùng san sẻ giúp đỡ cho nhau. Trái lại, một gia đình thiếu tu, thì cha mẹ thường xung đột bất hòa gây tranh cãi chửi mắng đánh đập nhau, con cái bơ vơ, anh em ly cách, chồng vợ chia lìa. Một xã hội có tu, thì dân chúng được an cư lạc nghiệp, nhà không cần đóng cửa, của rớt ngoài đường không mất, mọi người đều giúp đỡ lẫn nhau và sống vui vẻ hài hòa. Trái lại, một xã hội không tu thì trộm cướp hoành hành, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ, giàu bóc lột nghèo, tệ nạn xã hội tràn lan, nước nhà loạn lạc.
Vấn đề tu rất quan trọng, cho nên ai cũng phải tu, bất luận là tôn giáo hay thể chế chính trị nào. Đã sống làm người là phải tu, để chúng ta sống làm việc và hòa hợp, nhờ vậy giảm bớt việc làm tổn hại cho nhau. Vậy chúng ta muốn gia đình hạnh phúc, đất nước hòa bình an lạc thì chúng ta cần phải biết tu dưỡng thân tâm.
Pháp môn của Phật nhiều không kể xiết, thì sự tu hành của người Phật tử cũng tùy theo tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh khác nhau. Chúng tôi sẽ tuần tự nói đến các lối tu, từ thấp đến cao của người Phật tử. Trước tiên là quy y, thọ giới, thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật, ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, sám hối, làm chùa, tạo tượng, đúc chuông, bắc cầu, làm đường, bố thí... vv, làm các việc này đều gọi chung là tu cả.
Thân và tâm liên quan mật thiết với nhau, ý suy nghĩ rồi mới phát ra lời nói kế đến là thân mới hành động, nếu đi theo chiều hướng tốt đẹp thì giúp người cứu vật, ngược lại làm tổn hại chúng sinh. Chính vì vậy chúng ta phải cẩn trọng trong việc đối nhân, xử thế, sao cho được hài hòa niềm nở một cách chân thành… đều gọi là biết cách tu hành trong cuộc sống.
Tu hành là một việc quan trọng nhất của đời người, nếu thiếu tu con người sẽ tranh giành giết hại lẫn nhau vì quyền lợi riêng tư. Quần áo rách ta đem vá lại, đồ vật trong nhà hư hỏng ta đem ra sửa lại. Bất kể là những gì liên quan đến đời sống chúng ta nếu hư ta đều phải tu sửa lại. Huống hồ là những ý nghĩ xấu rồi phát sinh ra lời nói cho đến hành động sai phạm, lầm lỗi của con người thì chúng ta càng phải tu sửa lại không cho niệm xấu ác dấy lên, để làm hại người khác.
Nguyễn Thị Hợi
Bài viết với lời văn giản dị dễ hiểu nội dung rất đời thường mà rất có giá trị sát thực với mọi đối tượng.Chân thành cảm ơn.
Thích 2 Trả lời 10/18/2014 7:21:03 AM