;
Vừa qua, các trang mạng giải trí đã lan truyền đoạn phim một thí sinh được cho là "một sư thầy" ở Nam Định dự thi chương trình truyền hình "thách thức danh hài" thu hút sự quan tâm của dư luận. Trang thông tin điện tử chính thức chương trình giải trí này cũng cho biết rằng đây là lần đầu tiên có một "sư thầy" tham gia. Ban giám khảo, là các diễn viên hài, cũng tỏ ra lúng túng trước trường hợp đó.
Việc một người trong pháp phục của tu sĩ lên sân khấu tấu hài là một hình ảnh phản cảm, đi ngược lại với hình ảnh đại diện cho Tăng bảo - người hướng dẫn tâm linh, tu học Phật pháp cho tín đồ.
Người đàn ông muốn..làm danh hài bước lên sân khấu, người dẫn chương trình tỏ ra bất ngờ, lúng túng, còn người xem có cảm tình với Đạo Phật lại muốn..."độn thổ".
Bởi vậy không ngạc nhiên lắm khi có các bình luận rằng không thể chấp nhân vì việc làm đó trái với giới luật, những quy định về oai nghi dành cho người xuất gia. Hiện tượng một vài vị trong hình thức tu sĩ tham gia biểu diễn trên sân khấu, tham gia các sự kiện mang tính giải trí, trình diễn trong phim ca nhạc, cả hầu đồng... không phải là mới mà đã và đang diễn ra đây đó. Phật học đời sống đã nhiều lần phản ánh mạnh về các hiện tượng này.
Trong thông tư 339/TT.HĐTS của trung ương giáo hội "về việc hướng dẫn sinh hoạt tu hoc các tự viện GHPGVN" với nội dung chính "vấn đồ hoạt động tôn giáo", một nội dung phụ đi kèm là khuyến cáo việc sử dụng công nghệ thông tin, mà không thấy nói gì tới hiện tượng đó.
Dầu chỉ là một vài cá nhân, nhưng như cha ông ta thường ví tác hại của nó trong thành ngữ "con sâu làm rầu nồi canh", đôi khi chỉ vì con sâu mà làm mất giá trị của nồi canh ngon. Cũng vì một vài hình ảnh tu sĩ không ý thức được vai trò của mình, tùy tiện và tự phát vô tư tham dự mọi việc của cộng đồng theo sở thích cá nhân, cứ nghĩ là vô hại, nhưng ảnh hưởng xấu của nó đến hình ảnh của tăng đoàn nói riên và Phật giáo nói chung là không hề nhỏ, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin, công nghệ giải trí bùng nổ như hiện nay.
Mới đây, Trung ương giáo hội cũng đã có văn bản hướng dẫn thành lập các ban công tác kiểm Tăng, tuy nhiên nội dung chính cũng chỉ đề cập đến nạn sư giả danh hình thức tu sĩ Phật giáo , khất thực phi pháp, mà chưa thấy việc xử lý những tu sĩ không giữ tư cách - oai nghi tế hạnh, chuẩn mực trong ứng xử của người xuất gia như thế nào.
Người viết nhớ lại một nhận định trước đây của chư vị giáo phẩm tiền bối trong phong trào chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX: "Tăng bảo là hiện thân cụ thể cho tinh thần vô thượng của đạo Phật. Tăng bảo còn, Phật giáo còn; Tăng bảo bị suy đốn thì Phật giáo bại vong! Đó là một sự hiển nhiên mà lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng. Vì vậy, nơi nào có những hàng Tăng bảo có thực tài, thực đức thì nơi ấy Phật giáo được tồn tại một cách xứng đáng với danh nghĩa của nó".
Đó cũng là nhận thức, suy nghĩ của tín đồ, số đông về mối tương quan đặc biệt giữa hình ảnh của người tu sĩ (Tăng, Ni) và Phật giáo.
Người viết cũng nhớ lời của cố HT. Thích Thiện Siêu, nguyên phó Chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN trong một đạo từ rằng: núi thiêng là bởi tỏng núi có hổ, có sư tử. Chùa thiêng là bửi trong đó có các vị Tăng (Ni) tinh tấn tu học, nhiệt tâm hướng dẫn tín đồ.
Với ý nghĩa như trên, rất mong Giáo hội có những hướng dẫn, động thái cụ thể, có biện pháp dứt khoát và phát ngôn kịp thời đối với những cá nhân có hành vi không phù hợp với tư cách tu sĩ, nhằm điều chỉnh làm gương cho số đông. Đó cũng là cách giữ gìn hình ảnh đẹp cho Phật giáo, cho Giáo hội, củng cố niềm tin của số đông đối với Tăng bảo - một trong ba ngôi báu là biểu tượng đức tin của Phật tử.
*Tựa đề do BBT Người Phật Tử đặt lại.
Thích Tâm Hải
Theo: Tuần báo Giác Ngộ ra ngày 06/11/2015.
Nguồn: phathocdoisong.com/van-de-tu-cach-tu-si.html
**************************************************************
Không nên đưa hình ảnh tu sĩ Phật giáo lên tấu hài
Trong bài viết này, xin phép không dẫn lại những trường hợp cụ thể. Chỉ mong tiếng nói chung này làm các tác giả kịch bản, đạo diễn và diễn viên tấu hài lưu ý, không nên đưa hình ảnh người tăng sĩ Phật giáo lên sân khấu tấu hài nữa, bất kỳ trong trường hợp nào.
Phản ánh hiện thực cuộc sống, đưa hình ảnh người tu sĩ Phật giáo, mà xã hội thường gọi là ‘nhà sư” lên sân khấu, lên màn bạc điện ảnh cũng là chuyện bình thường, nếu đó là những tác phẩm chính kịch.
Tuy nhiên, đối với hài kịch, thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Nhân vật trong hài kịch là nhân vật hề. Mà đã xây dựng hình tượng nhân vật người tu sĩ Phật giáo là nhân vật hề, thì trong đó, đã hàm chứa sự bất kính, xem thường, thậm chí có thể là nhạo báng, chế giễu..
Chúng ta có bao giờ thấy người tu sĩ Thiên Chúa giáo Ca tô, cho dù là một sư huynh, một ma xơ được đưa lên sân khấu tấu hài chưa? Theo chủ quan chúng tôi, câu trả lời là chưa!
Trước đây, hình ảnh người tăng sĩ Phật giáo trên tấu hài chỉ thấy ở sân khấu hài hải ngoại. Tuy nhiên, đạo diễn đã có ý thức pha loãng đi, dụng ý để khán giả hiểu đó là sư cũng được, không phải là sư cũng được. Như thế tránh được những lời chất vấn, vì đạo diễn có thể dễ dàng trả lời đó không phải là sư..
Trong những trường hợp như vậy, nhân vật hề không cạo tóc, không mặc áo tràng (chỉ mặc áo dài khăn đóng), tức là không phải sư về mặt hình thức. Nhưng trong lời nói, cử chỉ, hành động, công việc… thì lại là sư. Anh hề gõ mõ, tụng kinh, cầu siêu, niệm Nam mô, bái lạy…, tự xưng là “thầy”.
Những nghệ sĩ tấu hài trong nước (tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên) trước đây chưa làm cái chuyện có phần bất kính đối với người tu sĩ Phật giáo như thế.
Ở đây, có lẽ cần đi vào chuyên môn một chút. Ở nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, người đạo diễn được coi là tác giả tác phẩm, có quyền hạn rộng rãi và có trách nhiệm hàng đầu đối với tác phẩm (tác phẩm nghệ thuật sân khấu là vở diễn trên sàn diễn, tác phẩm nghệ thuật điện ảnh là phim chiếu trên màn ảnh, không phải là kịch bản trên giấy). Người đạo diễn có thể thay đổi trang phục diễn viên chỉ đạo diễn xuất, tạo hiệu ứng lập lờ nơi khán giả, hiểu sao cũng được.
Mới đây, trong một vở tấu hài của một hệ thống truyền hình cáp ở TPHCM, khán giả thấy một nhân vật có hình tướng một vị sư xuất hiện.
Vì là sư tấu hài, tức sư hề, nên tất nhiên nhân vật sư không thể ăn vận pháp phục trang nghiêm tề chỉnh được. Nhân vật đội mũ ni che đầu (nhưng không cạo tóc), mặc áo vạt khách (vạt mẻ) loại áo chỉ mặc trong chùa, nhưng đến nhà một “Thánh cô”. Hình ảnh trang nghiêm của một vị có hình tướng sư không còn nữa.
Trong vở diễn, nhân vật có hình tướng sư có lúc bị phép thuật làm cho co giật, nhảy múa lung tung, quờ quạng tạo hiệu quả gây cười..
Cùng diễn với nhân vật thủ vai có hình tướng sư là 2 cây hài gạo cội Bảo Quốc và Mỹ Chi. Tất nhiên, mục đích cao nhất của tấu hài là làm bật ra tiếng cười. Vì thế, diễn xuất của những diễn viên càng thiện nghệ bấy nhiêu, thì nhân vật có hình tướng sư trở nên khôi hài bấy nhiêu.
Một trong những yếu tố tạo nên cái hài ở hài kịch là sự mâu thuẫn. Một vị tăng sĩ bản chất trang nghiêm, nay trở nên đối nghịch với bản chất trang nghiêm bao nhiêu thì yếu tố tấu hài tăng lên bấy nhiêu.
Vấn đề nằm ở chỗ này, khi đưa nhân vật có hình tượng sư lên sàn diễn hài kịch. Đã hài kịch thì đương nhiên là gây cười. Mà đã gây cười thì không thể tránh khỏi bất kính, xúc phạm.
Đó là chưa nói đến các từ ngữ nhà Phật được dùng một cách bừa bãi. Chưa đến nỗi đưa Phật lên sàn diễn tấu hài, nhưng ‘Mô Phật” được thay bằng những bổ ngữ khác, “Mô Rùa” chẳng hạn! Điều này cũng tương tự như những show tấu hài hải ngoại.
Mong rằng những điều như vậy không còn xuất hiện trên sân khấu tấu hài, đặc biệt là trên truyền hình, lãnh vực có nhiều khán giả.
Minh Thạnh
Kết
Cần gì phải ghi vào thanh quy hay gì gì đó, giới luật mà Đức Phật chế định rất rõ ràng, người cư sĩ còn biết nói chi là tu sĩ (hàng xuất gia) ! Ngay người cư sĩ thọ BÁT QUAN TRA tức chỉ 8 giới cũng đã có giới cấm: KHÔNG ĐÀN CA HÁT XƯỚNG, nói chi người đã xuất gia! Loại tu sĩ đó cần tống cổ chúng ra khỏi Tăng, ra khỏi chùa!
Tâm Thiện
Đó là yêu quái đang hiện hình. Phản bác bôi nhọ để chót lợi cho mình .
Thích 1 Trả lời 10/30/2019 2:23:22 PM