;
Tổ đường Trung tâm văn Hóa Phật giáo Hà Tĩnh.
Theo tập tục văn hóa truyền thống, Tết đến xuân về cũng là những ngày đoàn viên bên nhau, thăm hỏi sức khỏe, kể cho nhau những điều đã diễn ra trong một năm. Ở chốn thiền môn dù không đa đoan duyên sự, không hơn thua thành tích nhiều như ở thế gian, nhưng đáp ứng nhu cầu của các hoạt động phụng sự xã hội, đạo pháp nên có những lo toan, tương tác nhất định với cuộc sống và ngày cuối năm cũng mong sum họp chia sẻ thăng trầm.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm chia sẻ với Tăng ni Phật giáo Hà Tĩnh ngày cuối năm.
Phật giáo Hà Tĩnh trải qua một chặng đường dài vắng bóng trên bản đồ Phật giáo Việt Nam. Từ khoảng thập niên 60 đến năm 90 trên vùng đất này chỉ còn lại một số ít ngôi chùa, như Hương Tích, Quỳnh Viên, Kim Dung…và nhiều ngôi chùa khác bị hoang hóa hư hỏng nặng, chỉ duy nhất chùa Hương Tích lúc đó mỗi năm có vài ba đoàn Phật tử hành hương về đây chiêm bái lễ Phật. Cả tỉnh Hà Tĩnh lúc bấy giờ còn duy nhất một nhà sư (Sư Kiệm) bậc chân tu phạm hạnh nhưng Ngài cũng bị ép buộc rời khỏi chùa Hương Tích và cô lập với Phật tử “không được” làm gì, nên mỗi tháng Ngài tự tổ chức đi phóng sanh xem như hành động duy trì pháp hành thiện cho các Phật tử tín đồ. Mọi việc tu học, thuyết pháp, đi chùa đông người bị xem là tổ chức truyền bá “mê tín”. Ai từng là người trong cuộc nghiệm lại thấy một thời đầy bi ai, tan tác đau lòng cho Phật giáo nơi đây.
Một khoảng thời gian dài tín đồ Phật tử Hà Tĩnh lạc lõng, bơ vơ như rắn không đầu quay cuồng trong “cơn khát” Phật pháp, cùng lúc này tà giáo bùng phát mạnh, gây hệ lụy và ảnh hưởng nặng nề cho Phật giáo để lại dư âm không tốt còn trên vùng đất này.
Mãi đến mùa Phật đản năm 1997, lần đầu tiên một vị sư từ thủ đô Hà Nội thuê xe khách chở Phật tử và các vật dụng phục vụ nghi thức tắm Phật để tổ chức lễ Phật đản cho vùng đất Hà Tĩnh đánh dấu Phật giáo nơi đây bắt đầu được hồi sinh…vị ấy là Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm.
TT. Thích Bảo Nghiêm và cư sĩ Phật tử trong lễ ra mắt Ban Đại diện Phật Giáo tỉnh Hà Tĩnh - tiền thân GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh.
Sau bao tháng năm thầm lặng dấn thân cống hiến cho đạo pháp nơi vùng đất khó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cùng một số ít Chư tôn đức Tăng đã “dọn lối đắp đường” để đến lúc này, tức tháng 02/2021, Giáo hội Phật giáo Hà Tĩnh đã tròn 15 năm tuổi, trải qua 03 kỳ Đại hội, toàn tỉnh hiện có hơn 81 Tăng ni, hàng trăm ngồi chùa khang trang sạch đẹp, uy nghi, có các đạo tràng Phật tử thường xuyên về công quả tu học, là tỉnh trong cả nước có hẳn một Trung tâm Văn hóa Phật giáo để tổ chức các hoạt động Phật sự, thiện sự riêng biệt một cách bề thế tiện nghi, hình ảnh màu áo lam tín đồ Phật tử hiện hữu khắp nơi, cờ Phật giáo tung bay từ đồng quê đến phố thị.
Hôm nay, những ngày cuối đông của năm Canh Tý, thầy trò lại sum họp, trước lễ tạ Tam bảo Tổ sư, sau cùng dùng bữa trai thân mật. Với người xuất gia, rời gia đình, từ bỏ những trói buộc của thế gian, thì xem ngôi chùa là gia đình, Thầy tổ chính là cha mẹ.
Trong Tứ Phần Luật có nói: “Hòa thượng khán đệ tử, đương như nhi ý; đệ tử khán Hòa thượng, đương như phụ ý. Triển chuyển tương kính, trọng tương chiêm thị, như thị chánh pháp tiện đắc cửu trụ”. Nghĩa là, Hòa thượng đối đãi đồ đệ, giống như cha mẹ đối đãi con cái; đồ đệ cư xử với Hòa thượng, giống như con cái cư xử với cha mẹ. Tương kính nhau, coi trọng nhau, Chánh pháp như thế liền được trụ lâu ở đời..Buổi gặp mặt hôm nay cũng xem như một gia đình đoàn viên ngày cuối năm vậy.
Như thường lệ mỗi lần gặp mặt, Thầy ân cần nhắc nhở với lời sẻ chia trong tình thâm pháp lữ “mong các huynh đệ luôn bảo ban, đùm bọc, yêu thương lẫn nhau, hướng dẫn nhau tinh tiến tu tập, duy trì nề nếp quý báu này để truyền lại cho thế hệ mai sau, luôn gìn giữ, tiếp nối. Trong tu học và hành đạo luôn lấy giới luật làm kim chỉ nam cho mình, luôn đoàn kết để thừa hành Phật sự, thanh tịnh tự thân để trang nghiêm giáo hội. Có như thế mới xứng đáng là trưởng tử Như Lai làm rạng danh Phật giáo Việt Nam…”
Hà Tĩnh là vùng quê nằm trên dải đất Bắc miền Trung thiên nhiên không mấy ưu đãi. Trong khó khăn gian khổ con người luôn biết vượt qua và vươn lên tạo dựng một đời sống tinh thần phong phú,với tên tuổi của nhiều bậc danh nhân tiêu biểu. Giáo hội Phật giáo Hà Tĩnh cũng đã và đang vượt qua những khó khăn từng bước trưởng thành với sức vóc khỏe mạnh tràn đầy sức sống của tuổi 15.