;
Nếu hiểu chữ định nghiệp như một định mạng đã được an bài sẵn, con người không thể làm khác hơn, không thoát khỏi sự chi phối của nghiệp, thì Phật giáo không chấp nhận loại định nghiệp như thế.
Tuy nhiên, theo tinh thần con Phật, việc chuyển hóa nghiệp lực qua những công đức tu tập và phước đức hành thiện, tùy duyên và tùy lực mà gia giảm, thì định nghiệp được hiểu là nghiệp lực được tạo tác sẵn từ những kiếp trước do chính mình; Như vậy định nghiệp là một số biệt nghiệp tương thích với cộng nghiệp nơi y báu để mang sắc thân tồn tại trong một thời gian tương thích với nghiệp nhân đang có. Chúng sanh trãi qua vô số kiếp, trong đó phúc và tội tồn tại trong nghiệp thức, một sanh thân ra đời mang theo, nghiệp nào dẫn đầu, đủ duyên sanh quả ( cho dù tốt hay xấu ) thì xuất hiện trước. Thời gian ấu thơ, nghiệp quá khứ quyết định sanh thân, khi có ý thức, thân khẩu ý tác nhân cho những nghiệp mới, do hiện đời tác động trợ duyên thêm những hạnh lành hoặc việc ác mà nghiệp nhân có thể chuyển đổi định nghiệp mang theo. Nhân và duyên luôn quyện nhau làm thanh một y báu và chánh báu.
Đức Đạt lai Lạt Ma 14 nói: Mặc dù hoàn cảnh hiện tại của chúng ta được quyết định bởi những hành vi trong quá khứ, nhưng chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hành động của chúng ta trong hiện tại. Chúng ta có khả năng và trách nhiệm để chọn lựa phương cách nhằm hướng dẫn mọi việc làm của chúng ta đi theo con đường đạo đức. ( từ An Open Heart )
Như vậy nghiệp là hình thức của luật tắc nhân quả. Aristote cũng đã bảo – thế giới chúng ta đang sống được chi phối hoàn toàn bởi những quy luật chứ không phải định mệnh may rủi.
Chuyển hóa nghiệp quả - Nhân nào quả đó là nguyên tắc chung, nhưng đi vào dòng luân lưu nhân – duyên và quả, khó mà xác quyết. Ví dụ, đi vấp té, không thể bảo kiếp trước mình xô người té nên kiếp nầy phải bị té. Trên bề mặt nhân quả, phải có những điều kiện: người tạo nhân – kẻ bị tác nhân – phương tiện tạo nhân – hậu quả gây nhân và ý thức tác nhân. Ví dụ: anh A đánh anh B, anh A là kẻ tạo nhân, anh B là người bị tác nhân, đánh bằng tay hoặc hung khí, kết quả anh B bị thương nhẹ hoặc nặng, có khi là chết. Anh A đánh anh B là cố ý đả thương hay vô tình, ngộ sát…Theo luật pháp thế gian, nhìn hậu quả của hiện tượng để xử đoán, nhưng nhân quả là luật cân bằng tương thích trên cơ bản nghiệp thức tạo tác. Nhân nào quả đó thì anh làm người té, người phải làm anh té chứ không thể tự nhiên vấp té một cách vô nhân, nghĩa là không có đối tượng bị hại thì ai sẽ là người gây hại lại cho mình? Vậy nhân nào để mình tự té? Đây là một tình huống khá phức tạp trong lý duyên sanh. Ta nghe một đoạn kinh đức Phật trả lời cho Subha về những hiện tượng bất đồng trong kiếp sống:
Thuở Đức Phật còn tại thế, có một chàng thanh niên tên là Subha, thắc mắc trước tình trạng khác biệt về số phận giữa loài người, muốn hiểu chân lý, bèn tìm đến Ngài và bạch rằng:
"Bạch Đức Thế Tôn, vì sao mà trên đời này người ta đều có những số phận rất khác nhau, có người mạng yểu và có người sống thọ, có người bệnh hoạn và có người khoẻ mạnh, có người xấu xa và có người xinh đẹp, có người làm gì cũng không ai làm theo, nói chi cũng không ai nghe và có người lắm thế lực, làm gì cũng có người theo, nói chi cũng có người nghe, có người nghèo khổ và có người giàu sang, có người sinh trưởng trong gia đình hạ tiện và có người dòng dõi cao sang, có người dốt và có người trí tuệ? Xin Ngài giảng giải cho con.”
Đức Phật trả lời vắn tắt như thế nầy:
"Tất cả chúng sinh đều mang theo cái Nghiệp (tiếng Phạn là Karma) của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi người đều khác nhau nên mới có tình trạng khác biệt về số phận giữa chúng sinh."
Rồi Đức Phật giải thích cho Subha nghe từng trường hợp:
"Nếu người nào trọn đời chỉ biết sát sinh, như người thợ săn chẳng hạn, bàn tay luôn luôn đẫm máu, hằng ngày sống trong sự giết chóc và gây thương tích không chút xót thương thì do tính hiếu sát ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, người ấy sẽ có mạng "yểu".
"Nếu người nào luôn luôn thận trọng, không hề xúc phạm đến tính mạng của ai, sống xa gươm đao, giáo mác và các loại khí giới, lấy lòng tứ ái đối với tất cả chúng sinh thì do từ tâm, do sự không sát sinh ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, người ấy sẽ trường "thọ".
"Nếu người nào độc ác, luôn luôn tìm cách hại người, thường dùng đấm đá và gươm đao đối xử với mọi người thì do nết hung dữ ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, người ấy sẽ ốm đau bệnh hoạn.
"Nếu người nào không bao giờ làm tổn thương ai thì do đức tính hiền lương nhu hòa ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, người ấy sẽ được mạnh khỏe.
"Nếu người nào thô lỗ, cộc cằn, luôn luôn giận dữ, chửi mắng, nguyền rủa kẻ khác thì do sự thô lỗ, cộc cằn ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, người ấy sẽ xấu xí.
"Nếu người nào thanh tao nhã nhặn, dầu ai có chửi mắng thậm tệ cũng không hề oán giận và tìm cách trả thù thì do phong thái thanh nhã ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, người ấy sẽ xinh đẹp.
"Nếu người nào có tính đố kỵ, thèm thuồng, ham muốn lợi danh của kẻ khác, không biết tôn kính người đáng kính, luôn luôn chứa chấp lòng ganh tỵ thì do tính tật đố ganh ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người nói gì không ai nghe, làm gì không ai theo.
"Nếu người nào không có tánh đố kỵ, không thèm thuồng, ham muốn lợi danh của người khác, biết tôn trọng người đáng kính, không chứa chấp lòng ganh tỵ thì do cái tâm không ganh tỵ, không đố kỵ ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người có thế lực, nói gì cũng có người nghe, làm gì cũng có người theo.
"Nếu người nào không bao giờ biết bố thí vật gì cho ai thì do tính keo kiệt, bám níu vào tài sản của mình, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người nghèo nàn thiếu thốn.
"Nếu người nào giàu lòng quảng đại, tính ưa bố thí thì do lòng rộng rãi ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người giàu có dư dã.
"Nếu người nào không biết phục thiện, tính kiêu căng, không tôn trọng người đáng kính thì do tính ngạo mạn và vô lễ ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người hạ tiện thấp hèn.
"Nếu người nào biết phục thiện, tính không kiêu căng, biết tôn trọng người đáng kính thì do đức tính biết phục thiện và có lễ độ ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người sang trọng quyền quý.
"Nếu người nào không chịu gần người có tài đức để học hỏi điều hay lẽ phải và phân biệt chính tà thì do sự kém học hỏi ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người dốt.
"Nếu người nào cố công tìm đến người có tài đức để học hỏi thì do sự học hỏi chính đáng ấy, nếu tái sinh trong cảnh người, sẽ là người thông minh trí tuệ.".
Như vậy, không hẳn người tạo nhân phải có kẻ bị tác nhân; một ý nghĩ, một hành động vô ký tạo nhân thiện ác hoặc vô ký, gặp thời duyên thuận lợi sẽ trổ quả bất định. Ở đây, trong phạm vi nhỏ, chúng ta đề cập đến nghiệp quả hiện tiền và cách hóa giải duyên nghiệp.
Một người mang bệnh nan y, có tiền của nhiều, phải xuất chi để lo chữa chạy; cũng một bệnh đó, cũng gia sản sung túc, đi cùng một bệnh viện do cùng một liệu trình điều trị, nhưng không phải người nào cũng khỏi bệnh; vậy do đâu người khỏi kẻ không?
Về cơ địa , sinh hoạt tâm sinh lý, dinh dưỡng hàng ngày mỗi người mỗi khác cũng góp một phần nhỏ trong việc trị liệu; nhưng trong một tu viện, thực dưỡng đồng đều, sinh hoạt và trị liệu giống nhau, không hẳn tất cả đều khỏi bệnh hoặc tất cả đều bất trị; thế thì kẻ khỏi người không còn tùy thuộc vào phước duyên cá nhân. Nếu bệnh nhân vốn có căn bản một phước duyên dồi dào, bệnh nghiệp sẽ gặp cơ may nhiều hơn là người ít phước. Phước duyên quá khứ được tô bồi thêm phước duyên hiện tại, chắc chắn nghiệp bệnh sẽ được ảnh hưởng. Như vậy, một bệnh nhân bỏ ra một số tiền thật lớn để trao đổi bệnh nghiệp, nếu sự hao tốn chưa cân xứng với nghiệp bệnh, trong thời gian chữa trị còn phạm vào sát sinh tổn hại thì chắc chắn bệnh khó mà thuyên giảm. Một bệnh nhân cùng hao tốn một số tài sản tương đương, bệnh ngưng phát triển, có nghĩa phước và nghiệp đang ở vị trí cân bằng; một bệnh nhân khác biết sử dụng số tài sản như trên, thay vì toàn bộ lo cho bản thân, biết đem chia xẻ với những hoàn cảnh đau thương khác, biết bố thí phóng sanh, cúng dường, tạo niềm vui và sự hoan hỷ cho tha nhân, ngoài phước báu đó, tự thân bệnh nhân cũng cảm nhận được an lạc hạnh phúc khi thấy người được hạnh phúc. Phước báu tô bồi thêm phước báu thì nghiệp bệnh sẽ được thuyên giảm, cộng thêm tâm lý lạc quan, cuộc sống thanh đạm thì bệnh tật sẽ khó tồn tại.
Bệnh nan y (có nghĩa thân chịu đau khổ) = số tiền bỏ ra để điều trị + tổn hại sinh vật + gây đau khổ kẻ khác = bệnh càng nặng (khổ đau càng chất chồng).
Bệnh nan y ( có nghĩa thân chịu đau khổ) = số tiền bỏ ra để điều trị = bệnh ngưng phát triển = sản nghiệp và bệnh nghiệp cân bằng,
Bệnh nan y (có nghĩa thân chịu đau khổ) = số tiền bỏ ra vừa điều trị vừa làm lợi tha nhân, đem lại niềm phúc lạc cho kẻ khác + phóng sanh, bố thí (tài-pháp-vô úy thí) cúng dường + phước quá khứ = bệnh sẽ bị đẩy lùi.
Bệnh nan y (có nghĩa thân chịu đau khổ) = nỗ lực tu tập đúng pháp thích hợp + hành thiện lợi người lợi vật = bệnh có khả năng được triệt tiêu.
Hàng ngày, không thiếu những bệnh nhân được bác sĩ phán định thời gian “hưởng dương” nhưng sau đó tái khám hoàn toàn không thấy bệnh, trường hợp nầy do âm đức quá khứ sâu dầy + những hành thiện hiện đời, gặp thuốc hay thầy giỏi; lẽ dĩ nhiên trường hợp nầy rất ít so với số bệnh nhân phải trả nghiệp mang sự đau đớn ra đi.
Vì tình thương đối với tha nhân quan trọng nên tất cả các tôn giáo chân chính đều đề cao tính Từ Bi – bác ái. Phật giáo từng nói – bố thí chúng sanh là cúng dường chư Phật. Sant Mat bảo: phục vụ vô ngã; Kito giáo bảo – phụng sự anh chị em là phụng sự Chúa, câu nầy tuy tình thương còn hạn chế trong phạm vi loài người, cũng còn hơn kẻ không có tinh thương với bất cứ ai.
Ta hãy nghe một đoạn kinh đức Phật nói về lợi ích của việc bố thí:
Ðức Phật thí dụ về phước bố thí: Một căn nhà bị cháy, chủ nhân đem ra được khỏi nhà đồ vật nào, đồ vật ấy hữu dụng đối với chủ nhân; những đồ vật còn lại trong nhà bị thiêu hủy, chẳng ích lợi gì cho chủ nhân cả. Cũng như vậy, sắc thân này cũng ví như một căn nhà luôn luôn bị thiêu hủy do bởi 11 thứ lửa không ngừng nghỉ, bậc Thiện trí biết vậy, nên sử dụng của cải nào đem ra bố thí, của cải ấy là nhân tạo nên phước thiện, thuộc của riêng mình, hỗ trợ cho thí chủ được sự an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. Nếu phước thiện bố thí ấy trở thành pháp hạnh bố thí ba la mật, thì hỗ trợ cho các ba la mật khác được thành tựu, để dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo – Thánh Quả và cuối cùng đạt đến cứu cánh Niết Bàn, giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, nhờ pháp hạnh bố thí ba la mật làm nền tảng.
Vì lòng tham và tính ích kỷ làm cho chúng ta quên rằng – tài sản của cải vật chất thế gian là kho báu có lượng số nhất định, khi ra đi thì tài sản vật chất để lại cho người còn sống, nếu ta tích góp nhiều mà thiếu phước thì họa sẽ đến bởi vì có người tích góp thì có người thiếu hụt. Hưởng thụ quá mức mà phước tồn kho quá ít cũng là một tai họa. Ví dụ người có chức có quyền là do phước báu quá khứ, tùy phước nhiều ít mà chức quyền lớn hay nhỏ; Nếu lạm dụng chức quyền để thu gom bất chánh thì tự mình làm hao mòn phước báu quá khứ, nếu biết dùng chức quyền để giúp đỡ kẻ khác là mình vun bồi thêm gốc phước báu. Người đạo đức không bao giờ làm hao tổn phước báu của mình. Cổ nhân thường bảo: - hữu phước bất khả hưởng tận, nghĩa là thọ nhận vừa phải, không quá mức cần thiết, còn để chia sớt cho kẻ khác kém may mắn hơn mình. Việc bố thí, giúp đỡ không đơn thuần là công việc chia sớt vật chất. Phật dạy hành xử Ba la Mật, nếu là bố thí, cho dù vật chất hay tinh thần mà không nghĩ đến minh là kẻ bố thí, người được bố thí và vật bố thí, phước thí như thế mới trọn vẹn.
Trong vũ trụ càn khôn ví như trong một gia đình, những tài sản vật chất hiện có như là một gia tài của ông bà cha mẹ để lại, anh em biết phân chia hợp lý thì tất cả đều có hưởng chung, nếu dùng mánh lới thủ đoạn chiếm đoạt thì những anh em còn lại sẽ bị thiếu hụt. Dĩ nhiên không thể chia đồng đều, vì công trạng, trách nhiệm trong gia đình mỗi người mỗi khác, cũng thế, trong xã hội, mỗi người có một phước báu nhất định, quyền lợi tự động sẽ đến tương xứng với phước báu của mỗi người; nếu dùng thủ đoạn, quyền lực để lấn đoạt kẻ khác, đó là hành vi trái luật công bình. Hành vi thất đức là nhân, tạo cho quả báo bất thiện về sau, trong đó không bố thí làm lợi cho mọi loài, mà còn cướp đoạt, không phóng sanh mà còn sát hại mạng sống của mọi sinh vật thì quả báo yểu mệnh hay qua nhiều hình thức đau khổ tương xứng với nhân bất thiện đó. Bệnh tật cũng là hậu quả của những nhân bất thiện bất định. Muốn giải trừ hậu quả của nhân bất thiện, bắt buộc phải phóng sanh, cúng dường, bố thí bằng tinh thần lẫn vật chất để tiêu mòn nghiệp xấu, đó là quy luật hoán chuyển, muốn có một vật mình thích thì phải bỏ một số tiền tương xứng, muốn hết bệnh cảm phải tốn vài ngày tiền thuốc, muốn mua vui, phải tốn tiền vé, muốn hết bệnh nan y buộc phải hao tiền tốn của cộng với sự hy sinh làm lợi cho mọi người, mọi vật, có nghĩa tạo phước báu và đem niềm phúc lạc hoan hỷ cho mọi người, trong đó mình cũng hưởng được niềm vui về tinh thần và phúc báu của thiện nghiệp, đó là nguyên tắc trị liệu để giải trừ nghiệp quả. Luật bù trừ như mạch nước giếng, càng múc càng xài thì nước càng hoàn lại, không xài, nước cũng không đầy thêm, đôi khi bị nhiễm độc; cũng thế, của cải vật chất càng bố thí, càng cho ra thì cái khác sẽ bù lại, nếu tích lũy bảo thủ, không những không lợi cho ai, phước không sanh mà còn phát sanh lòng tham và sự si muội khiến tâm ích kỷ nhiễm độc.
Định nghiệp là nhân quá khứ tác tạo, nhưng định nghiệp có khả năng hoán chuyển bằng tâm từ, nghị lực và mọi hành động tạo phước; Tuy nhiên, nếu chỉ có thế cũng chưa đủ, vì giải quyết nghiệp nầy thì nghiệp khác phát sanh, do đó, song song phải có một pháp tu, vì pháp tu tạo một năng lượng bồi bổ cơ thể vật lý, quân bình mọi cơ năng tâm sinh lý. Nghiệp thức phải được giải nghiệp bằng năng lượng sinh thức. Hành giả thành đạt là một hành giả có trạng thái tâm an lạc, không vui quá hại tim, không buồn lo quá hại bao tử, không sân hận hại gan, không ham muốn hại thận… bình thản, lòng từ vô lượng, luôn tỏa năng lượng sinh học thanh khiết, âm trược không xâm nhập được hà tất bệnh tật và tai nạn phát sinh!
Trong mọi pháp hành, đi đến đỉnh đều gặp nhau một điểm, đó là điểm giài thoát. Trong quá trình hành trì, năng lượng sinh thức được tác động bởi chấn động lực sinh học để phân hóa, tan loãng nghiệp thức; Nghiệp thức là kho chứa nhân để dẫn đến quả. Chủng tử nghiệp nhân là hiện tượng chấp thủ được tàng trữ bởi vô minh, một khi hành giả được trang bị một kiến thức về thực tướng vạn pháp, từ đó, tư tưởng không còn bám víu vào hiện tượng; trong tiến trình hành pháp, chấn động lực của năng lượng sinh học hỗ trợ cho năng lượng sinh thức để khai triển tánh không từ tạng thức (bạch tạng thức), vì thế, nhân quá khứ được pha loãng để khi trổ quả, nó chỉ là hiện tượng nhẹ nhàng. Câu chuyện Đức Phật bị Kim thương đâm như sau:
"Một thời gian nọ, khi Phật đang ngụ ở Trúc Lâm tịnh xá gần thành Sa duyệt, bỗng đâu một mũi kim thương hiện ra sừng sững trước mặt Ngài. Ngài hiện hình lên không trung, mũi kim thương cũng bay lên theo; Ngài trở xuống tịnh xá; mũi kim thương cũng bay xuống theo. Thấy thế Phật bèn nói với mọi người hiện diện tại đó cùng với Thiên long Bát Bộ rằng:
- Kim thương này là quả báo đời trước của ta. Vậy mọi người hãy an lòng để ta trả quả.
Phật bèn đưa chân mặt ra, kim tương đâm xuống chân Phật, lún xuống đất, rung động cả vũ trụ. Mọi người thấy thế lấy làm ngạc nhiên và xin Phật giải rõ. Phật nói: "trong một tiền kiếp xa xưa, thật là xa ta là một vị Chúa tàu chở 500 người đi buôn, ra biển để tìm báu vật. Bỗng nhiên đang đi ngoài khơi, có một kẻ trong bọn ấy sanh tâm muốn giết hết tất cả để đoạt sản vật, ta liền đâm nó chết. Nay ta phải trả cái quả ấy".
Việc hành trì miên tục và thành tựu một pháp môn sẽ giúp nhân quá khứ nhẹ nhàng hơn, nghĩa là nhân quả sẽ không mất mà được hoán chuyển và hóa giải. Chẳng những thế, có thể rút ngắn quả báo vị lai trong hiện kiếp :
…“Và để nói rõ hơn về luật Nhân quả, ngài pháp sư Ấn Quang - một bậc cao tăng, danh đức trong Tăng giới - đã từng nói: "... Nên biết sự tu trì của hành Nhân quả thật chí thành không giả dối thì có thể chuyển hậu báo thành hiện báo tức là chuyển báo nặng của những đới sau thành báo nhẹ ở đới này. Người phàm mắt thịt chỉ thấy sự kiết hung trước mắt chớ đâu biết được Nhân quả đời trước, Nhân quả đời sau”… (Quy Nguyên trực chỉ)
Như vậy, với hiệu quả của việc hành thiện và hướng thiện, người con Phật tin rằng, mọi tật bệnh khổ ách đều có thể hóa giải bằng năng lực tâm linh, nặng biến thành nhẹ, nhẹ sẽ là không khi năng lượng sinh thức luôn được bao bọc bởi lòng từ vô biên, tâm an lạc hoan hỷ và vị tha vô điều kiện, đó là tự tánh quán âm giải trừ mọi khổ ách trong lục đạo.
Minh Mẫn (14/10/2012)