;
1. Thế giới tất đàn
Thế giới tất đàn có nghĩa là thành tựu đối với thế gian. Đức Phật có cái nhìn thành tựu về thế gian và cái nhìn chính xác về các pháp thế gian, nên Ngài có thể chuyển hóa, đưa các chúng sinh đang sống trong thế gian đi về với Phật đạo, đi về với sự giác ngộ.
Đức Phật ứng dụng Pháp này vào trong thế gian, tức là tùy thuận theo các pháp của thế gian để giảng dạy giáo pháp do tự thân Ngài chứng ngộ. Chẳng hạn, thế gian là vô thường thì Ngài nói là vô thường, và Ngài đã sử dụng những ngôn ngữ của thế gian để diễn tả những tính chất vô thường ấy của các pháp thuộc về thế gian như là năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, như là khổ đế, tập đế v.v. Chính những pháp này gọi là pháp thế gian.
Đức Phật đã thành tựu khi diễn giảng giáo pháp này đến cho những người trong thế gian hiểu, để từ đó họ chuyển cái tâm mê lầm của họ thành tâm giác ngộ, tâm phàm phu thành tâm bậc Thánh, tâm chúng sinh thành ra tâm Phật. Chuyển hóa được như vậy là nhờ đức Phật đã sử dụng Thế giới tất đàn.
Và sau khi chuyển hóa như vậy, tùy thuận để thuyết pháp như vậy, Đức Phật đã đưa họ về với Đệ nhất nghĩa đế tức là chân lý rốt ráo.
Ở đây, Thầy nói rõ thêm rằng: "thế gian là vô thường", vậy thì cái gì trong thế gian là vô thường? Sắc uẩn thuộc về thế gian, nên Sắc uẩn là vô thường; Thọ uẩn thuộc về thế gian, nên Thọ uẩn là vô thường; Tưởng uẩn thuộc về thế gian, nên Tưởng uẩn là vô thường; Hành uẩn thuộc về thế gian, nên Hành uẩn là vô thường; Thức uẩn thuộc về thế gian, nên Thức uẩn là vô thường. Nói một cách khác, thân năm uẩn của mỗi chúng sinh đều là vô thường.
Vì vậy, pháp thuộc về thế gian dù là pháp hữu tình hay vô tình đều là vô thường. Và tại sao nó vô thường? Bởi vì nó duyên khởi, quan hệ hỗ tương với nhau. Do sự quan hệ hỗ tương duyên khởi, cho nên gọi là vô thường.
Như vậy, Đức Phật nói thế gian vô thường là Ngài thuận theo các chân lý thế gian mà nói. Và Ngài đã sử dụng ngôn ngữ của thế gian để nói, để trình bày pháp vô thường đó cho thế gian.
Đức Phật nói mười hai xứ hay mười tám giới là pháp thuộc về thế gian. Mười hai xứ là gì? Đó là sáu căn và sáu trần. Sáu căn gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Các căn này không tự thân hiện hữu mà hiện hữu do quan hệ nhân duyên. Cái gì do quan hệ nhân duyên mà có, cái đó là vô thường.
Như vậy, Đức Phật đã dùng con mắt thế gian để nhìn thế gian và nói chuyện thế gian cho thế gian; Đức Phật đã sử dụng lỗ tai của thế gian để nghe và nói sự thật của thế gian cho thế gian; Đức Phật đã dùng lỗ mũi của thế gian để ngửi và nói lên sự thật cho thế gian; Đức Phật đã dùng ngôn ngữ, thiệt căn để tiếp xúc với thế gian và nói rõ sự thật của thế gian cho thế gian; Đức Phật đã dùng cái thân hình năm uẩn này để tiếp xúc với thế gian và nói rõ sự thật cho thế gian; Đức Phật đã dùng ý căn thuộc về thế gian để tiếp xúc các pháp của thế gian và nói rõ sự thật của thế gian cho thế gian.Vì vậy mà gọi là Thế gian tất đàn, tức là thành tựu về mặt thế gian.
Đức Phật đã nhìn sáu trần, tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, Ngài thấy từ bản chất cho đến hiện tượng của chúng một cách như thực và Ngài nói sự thực đó cho chúng sanh trong thế gian và chúng sanh trong thế gian lãnh hội được những gì do Ngài trình bày, nên gọi là Thế gian tất đàn.
Ở trong Pháp Tứ diệu đế, Đức Phật nói: đây là Khổ thánh đế; đây là Tập thánh đế. Đây là Khổ thánh đế; đây là Tập thánh đế , đó là pháp thế gian. Đức Phật nói "đây là Khổ thánh đế" mà thế gian nhận ra được; "đây là Tập thánh đế" mà thế gian nhận ra được và đoạn trừ được tập đế để xa lìa khổ đế. Với cách thuyết pháp như vậy, đức Phật đã thành tựu về Thế giới tất đàn.
Và chính nơi những pháp thế gian này, Đức Phật lại chỉ rõ nhân duyên sinh khởi và bản thể không sinh diệt của mỗi pháp, khiến cho những người trong thế gian khi nghe Phật pháp liền sanh được chánh kiến, liền sanh khởi được chánh trí và sinh ra hỷ lạc, sinh ra niềm vui lớn và khởi tâm tu tập, đoạn trừ các phiền não; sinh ra đời sống giải thoát ngay ở trong thế gian này, ngay trong thế giới này.
Như vậy, các anh/chị/em thấy rằng, bằng phương pháp Thế giới tất đàn, Đức Phật đã thuyết Pháp không phải chỉ đúng cơ, đúng thời mà còn đúng lý. Thuyết pháp đúng cơ mà không đúng thời, thuyết pháp như vậy là thất bại. Thuyết pháp đúng thời mà không đúng cơ, thuyết pháp như vậy cũng không thành tựu. Thuyết pháp đúng lý mà không đúng cơ, không đúng thời, thuyết pháp như vậy cũng không đạt được thành công trong sự nghiệp hoằng pháp. Vì vậy, thuyết pháp phải đúng cơ, đúng thời, đúng lý.
Đúng cơ, là đúng với căn cơ trình độ. Đúng thời là đúng thời điểm, đúng vào từng thời đại.Đúng lý là đúng với chân lý tất yếu.
Thuyết pháp vừa đúng cơ, đúng thời, đúng lý là sự thuyết pháp được thành tựu. Mà việc thuyết pháp này được thành tựu là nhờ sử dụng pháp Thế giới tất đàn.
Và do thuyết pháp bằng Thế giới tất đàn như vậy, do hoằng pháp bằng Thế giới tất đàn như vậy, nên đem lại niềm vui chính đáng và sự hướng thượng cho chúng sinh ở trong thế gian, hay nói cách khác là cho xã hội con người. Vì vậy, Thế giới tất đàn còn gọi là Lạc dục tất đàn. Thuyết pháp mà đem lại ưa muốn và niềm vui cao thượng cho thế gian, làm thay đổi những niềm vui thấp kém của thế gian thành niềm vui cao thượng, biến niềm vui tầm thường của thế gian thành niềm vui cao cả, niềm vui giải thoát, thuyết pháp như vậy gọi là thành tựu về mặt Thế giới tất đàn.
2. Vị nhân tất đàn
Vị nhân tất đàn nghĩa là sự thuyết pháp, hoằng pháp, làm việc đạo thành tựu đối với từng người, đối với từng đối tượng. Việc thuyết pháp đó là vì con người mà nói, vì con người mà diễn giảng chánh pháp, vì con người mà làm việc đạo.
Muốn vì con người mà làm việc đạo để giúp cho họ được thành công thì phải hiểu tâm lý của họ, phải hiểu rõ hoàn cảnh của họ, phải hiểu rõ nghiệp báo, nhân duyên, nhân quả của họ để chuyển vận bánh xe chánh pháp giúp họ, giúp họ tiến bộ, xả bỏ được khổ đau trong đời sống để đi tới với đời sống hạnh phúc; giúp họ giải thoát khỏi những trói buộc để đi đến với đời sống tự do đích thực; giúp họ thoát khỏi sự chậm tiến, đi tới với đời sống tiến bộ, văn minh.
Do đó, Vị nhân tất đàn nghĩa là khi mình thuyết pháp cho ai, thì phải hiểu được người đó, hiểu được tâm lý, trình độ của họ, phải hiểu được nhân duyên hoàn cảnh họ đang sống, thì mình mới giúp họ thoát khỏi được tình trạng của họ.
Các anh/chị/em hướng dẫn gia đình Phật tử, thì ngay tại đơn vị của mình, nếu mình muốn giúp một em đoàn sinh nào đó, thì mình phải hiểu tâm lý của em đó. Mà muốn hiểu được tâm lý của em, mình phải hiểu được nhân duyên của em, tại sao chiều nay em không đi sinh hoạt, vì lý do gì? Bản thân em đó nhác; hay em đó siêng năng, nhưng không khắc phục được hoàn cảnh của mình, hay vì cha mẹ em gây nhau khiến việc đi sinh hoạt của em bị trở ngại…Mình phải hiểu rõ điều đó thì mới có thể giúp được cho đoàn sinh của mình và đưa em đó trở lại sinh hoạt với gia đình. Còn nếu mình không hiểu được tâm lý, hoàn cảnh, những vướng mắc của đoàn sinh đó mà chỉ sử dụng kỷ luật, nội quy của gia đình một cách cứng nhắc, máy móc thì mình sẽ thất bại trên con đường chuyển hóa em đó.
Do đó, Vị nhân tất đàn rất quan trọng. Muốn thành tựu được Pháp này, chúng ta phải nghiên cứu, phải hiểu được tâm lý đối tượng, hoàn cảnh của đối tượng, nghiệp báo của đối tượng, nhân quả của đối tượng. Lúc đó, chúng ta mới có thể chuyển vận Pháp luân thành công, mới thành tựu được việc giáo hóa.
Vị nhân tất đàn còn được gọi là Các các vị nhân tất đàn. Ngày xưa, Đức Phật thuyết pháp, giáo hóa thành tựu là do Ngài trình bày Pháp một cách thực tiễn và phù hợp với từng căn cơ, hoàn cảnh của từng người. Đối với người có căn cơ thấp, Ngài dạy giáo lý vừa phải cho họ để họ có thể thực tập được giáo pháp của Ngài ngay trong điều kiện của mình. Đối với người có căn cơ cao thì Ngài cũng trình bày giáo lý theo căn cơ của họ và phù hợp với điều kiện thực tập của họ. Có những người căn cơ cao, nhưng điều kiện thực tập không có, hoàn cảnh không thuận lợi, Ngài cũng biết rõ để giúp, để chỉ cho họ cách hành trì Pháp hiệu quả. Như vậy gọi là Vị nhân tất đàn.
Ngày xưa, Đức Phật đã từng giáo hóa những nhà ngoại đạo, giúp họ trở về với Phật. Thậm chí, các giáo chủ tôn giáo khác cũng được Đức Phật giáo hóa, chẳng hạn như ba anh em ngài Ca Diếp, đều là giáo chủ của đạo thờ Thần Lửa, đều có đông đảo quần chúng. Khi đã giáo hóa được Ngài Đại Ca Diếp, nhưng còn hai người em của Ngài vẫn đang còn đi theo tà kiến, nên Đức Phật biết rất rõ những khó khăn mà Ngài Đại Ca Diếp sẽ gặp phải khi đi theo mình. Biết được như vậy, nên Đức Phật đã có cách hỗ trợ, giúp đỡ, giáo hóa thích hợp khiến cho Ngài Đại Ca Diếp quay về được với Phật Pháp mà không bị một trở ngại nào. Sự giáo hóa thành công của Đức Phật đối với ba anh em Đại Ca Diếp là do Đức Phật đã sử dụng pháp Vị nhân tất đàn.
Do đó ngày nay, các anh/chị/em học pháp Vị nhân tất đàn này cũng vậy. Khi muốn giáo hóa một người ngoại đạo, thì mình phải hiểu tôn giáo của người ta, chẳng hạn, mình phải biết chủ trương của tôn giáo đó đúng ngang đâu, sai ngang đâu; chỗ nào rốt ráo, chỗ nào chưa rốt ráo. Sau đó, mình phải tìm cách trình bày giáo lý của mình thật khéo léo, mình đừng tấn công họ, đừng đã kích họ mà chỉ đưa ra những ví dụ, những ẩn dụ, làm sao thông qua các ví dụ, ẩn dụ đó, chân nghĩa hiện ra, rồi người ta tự nhận thấy và chuyển hóa hoàn cảnh, tri thức và niềm tin của họ.
Như vậy, trong suốt cuộc đời hoằng pháp của Đức Phật, Ngài không xem bất cứ một đối tượng nào là đối lập hay đối kháng của Ngài cả. Do đó mà Ngài thành tựu được trên con đường hoằng pháp.
Trong kinh, Đức Phật đã nói: "Như Lai không tranh cãi với đời, chỉ có đời tranh cãi với Như Lai". Bởi vì đời còn hơn thua, thị phi, đúng sai. Còn Phật đã vượt hẳn ra khỏi tầm đúng sai nhị nguyên đối đãi của thế gian rồi. Cho nên, những cái đúng sai của thế gian không chao động tới được cái tâm của Ngài.
Và trong cuộc đời hoằng pháp của Đức Phật, đối với căn cơ của người nghe như thế nào, Ngài trình bày Pháp đúng như thế ấy, để cho người nghe có thể phát khởi niềm tin đối với chánh Pháp và thực hành theo Pháp mà khởi sanh được chánh kiến, chánh trí và dẫn sinh được niềm vui trong sự tu học.
Các anh/chị/em trại sinh Vạn Hạnh I, Hoa Kỳ sau khi học Tứ tất đàn này rồi cũng vậy, quý vị phải tùy theo hoàn cảnh, trình độ của từng đoàn sinh trong gia đình mình; tùy theo hoàn cảnh, trình độ của từng đơn vị, từng nền văn hóa, từng xã hội của mình mà ứng dụng. Mà muốn được như vậy, chúng ta phải thực tập Thế gian tất đàn, tức là đi đến đâu, chúng ta phải học hỏi văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng ở nơi vùng đó.
Ngày trước, khi học tại Quảng Hương Già Lam- Sài Gòn, quý Ôn, quý Thầy dạy Thầy đi về miền Tây để tiếp xúc với Tăng Ni Phật tử ở đó. Khi đi nghiên cứu và tiếp xúc với Phật giáo vùng nầy, Thầy ứng dụng các Pháp tất đàn. Về đó, có những vấn đề Phật Pháp, họ nói không phù hợp với cái mình đã học, nhưng mình vẫn nghiên cứu những điều của họ trình bày, nhưng không chống đối họ, để mình có thể xâm nhập được vào trong họ và cuối cùng mình có thể trình bày giáo lý một cách khoa học hơn, có tính cách thực nghiệm hơn cho họ, và từ từ họ sẽ chấp nhận và đi theo mình. Còn nếu đi tới đâu, mình chỉ biết nói theo cái hiểu của mình, mà không biết nghe và hiểu theo cái hiểu của người ta, thì mình sẽ không giúp được họ mà trở thành đối lập với họ, như vậy là mình sẽ thất bại. Dù cho mình có tài giỏi đến mấy cũng sẽ thất bại. Đó là điều mà các anh/chị/em phải lưu ý để ứng dụng Tứ tất đàn vào việc hoằng pháp và trong sự nghiệp tu tập của mình.
Như vậy, hoằng pháp bằng phương pháp Vị nhân tất đàn, Đức Phật thuyết Pháp không chỉ đúng cơ, đúng thời mà còn phải đúng lý, có khả năng phát khởi thiện căn nơi người nghe và khiến cho người nghe có thể tu tập và tiến tới thành tựu được các pháp tối hậu. Vì vậy, Vị nhân tất đàn còn gọi là Thiện sanh tất đàn.
Khi thuyết pháp, mình phải làm thế nào để người nghe phát sinh được thiện tâm, phát khởi được niềm tin Phật Pháp Tăng, có được niềm tin nhân quả nghiệp báo, có được niềm tin yêu mến điều thiện. Khi một người đã có được sự yêu mến điều thiện rồi, thì từ từ mình sẽ dìu dắt họ đi từ một điều thiện chưa hoàn chỉnh tới một điều thiện hoàn chỉnh, xuất phát từ một điều thiện thấp dẫn sinh ra điều thiện cao. Đó là công việc mà các anh/chị/em sau khi học Vạn Hạnh I rồi, phải biết ứng dụng phương pháp Vị nhân tất đàn để có thể chuyển hóa xã hội, góp phần vào xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Đối tượng cho các anh/chị/em hướng tới là đồng niên, thanh thiếu niên, như nội quy, quy chế gia đình phật tử đã quy định: “mục đích của gia đình phật tử là đào tạo, huấn luyện những thanh thiếu đồng niên trở thành những Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”. Vậy, mình đào tạo và huấn luyện thanh thiếu đồng niên bằng phương pháp nào?Bằng phương pháp của Tứ tất đàn này. Khi mình hướng dẫn bằng phương pháp Tứ tất đàn này, thì mình mới có thể thành tựu được các mục đích của mình.
3. Đối trị tất đàn
Đối trị có nghĩa là trị liệu, chuyển hóa. Đối trị tất đàn có nghĩa là chuyển hóa thành tựu hay đối trị thành tựu. Pháp Đức Phật dạy nhắm tới chuyển hóa những phiền não nơi tâm chúng sinh. Mọi phương pháp mà Đức Phật dạy, Ngài nói bằng cách này hay bằng cách khác, Ngài nói cao, nói thấp; Ngài nói rộng, nói hẹp; Ngài nói một cách tha thiết hay nói một cách khắc khổ hay nói một cách sâu sắc, tất cả là nhằm mục đích làm cho người nghe, nghe hiểu, thực hành được và chuyển hóa những phiền não ở nơi tâm họ.
Ví dụ, đối với những chúng sinh nặng về tham dục, thì Ngài nói về những nguy hiểm của các dục đem lại. Nhưng, muốn nói được sự nguy hiểm do các dục đem lại, thì trước hết, Đức Phật vẫn nói về vị ngọt hấp dẫn của thế gian. Nếu nói rằng "danh không có sự hấp dẫn", thế gian sẽ không tin. Cho nên, Đức Phật nói các danh tướng của thế gian vẫn có vị ngọt, vẫn có sự hấp dẫn của nó, nhưng người đời chỉ thấy được sự hấp dẫn, thấy được vị ngọt mà không thấy được nguy hiểm của nó. Do đó, đằng sau vị ngọt của các dục thế gian là cả một sự đắng cay, nguy hiểm. Cũng giống như con cá chỉ thấy được miếng mồi mà không thấy được lưỡi câu ở trong miếng mồi. Mình nói với cá rằng "cá ơi, đừng ăn miếng mồi mà mắc lưỡi câu" thì chắc chắn cá sẽ không nghe, vì nó chỉ thấy được miếng mồi là vị ngọt. Nhưng, người có trí sẽ thấy được đằng sau miếng mồi là lưỡi câu. Cũng vậy, các dục thế gian có sự hấp dẫn, có sự lôi kéo, có sự cuốn hút vì nó có vị ngọt. Nhưng thế gian không hiểu rõ, sau vị ngọt đó là lưỡi câu, là sự nguy hiểm, là hạnh phúc tan nát, nên Đức Phật nói các dục thế gian có vị ngọt, nhưng Ngài còn nói, sau vị ngọt đó là sự nguy hiểm. Nguy hiểm đó là gì? Đó là các dục thế gian đều dẫn tới sanh, già, bệnh, chết và bất như ý, cho nên các dục thế gian không bao giờ đáp ứng được nhu cầu của con người, tham dục của con người. Cho nên, Đức Phật nói tham dục là nguy hiểm, ly dục là để đối trị và chuyển hóa tính tham dục ở trong con người.
Chắc chắn, các anh/chị/em đã đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm, đã biết câu chuyện giữa nàng Ma Đăng Già và Ngài A Nan. Nàng Ma Đăng Già rất mê ngài A Nan. Nàng mê cái gì? Không phải mê sự tu học, cái đức độ của ngài A Nan mà mê cái sắc của Ngài, vì ngài A Nan khi trẻ rất đẹp, xuất thân hoàng gia và lại rất thông minh. Vì vậy, suýt nữa ngài A Nan bị nạn, được Đức Phật cứu, đưa về. Nàng Ma Đăng Già đi theo, đến gặp Phật, đòi cho nàng được sống cùng ngài A Nan. Đức Phật cười, nói với Ma Đăng Già rằng "cũng được, nhưng trước tiên hãy nghe Như Lai hỏi đôi điều".Đức Phật hỏi Ma Đăng Già rằng "con yêu cái gì ở ngài A Nan?".
Ma Đăng Già trả lời "con yêu đôi mắt đẹp của Ngài". Đức Phật nói đôi mắt ngài A Nan đâu có đẹp, trong con mắt đẹp đó, cả ghèn trong, chứ có gì đẹp đâu!
Ma Đăng Già : "Con yêu lỗ tai của Ngài A Nan"- Phật nói "lỗ tai A Nan đầy cứt ráy, chứ có gì mà đẹp!"
Ma Đăng Già : "Con yêu cái miệng của Ngài A Nan"- Phật nói "miệng A Nan ngủ dậy mà không súc, không đánh răng thì hôi lắm, chứ có gì mà đẹp!". Ma Đăng Già : "Con yêu cái mũi của Ngài A Nan"- Phật nói "mũi đó cũng đầy chất dơ bẩn, chứ có gì mà đẹp!".
Ma Đăng Già : "Con yêu cả thân thể của Ngài A Nan"- Phật nói "thân thể A Nan nếu hai ngày mà không tắm thì chẳng có ai chịu nổi, chứ có gì mà đẹp, có gì đâu mà đáng yêu!".
Từ đó, Ma Đăng Già nhận ra được thân thể này không có gì gọi là trong sạch, không có gì đẹp đẽ như mình tưởng tượng, nên nàng nhàm chán tham dục, phát tâm xuất gia, được Đức Phật hướng dẫn, đã tu tập rất giỏi và thành công.
Như vậy, các anh/chị/em thấy rằng, Đối trị tất đàn là tùy theo căn cơ, tùy theo tham dục của từng người mà Đức Phật thuyết pháp để giáo hóa cho họ, chuyển hóa tâm thấp kém nơi họ. Người tham sắc, thì Ngài nói sự nguy hiểm của sắc dục. Người tham tài, thì Ngài nói về nguy hiểm của tài dục. Người tham danh, thì Ngài nói sự nguy hiểm của danh dục. Người tham ăn uống, thì Đức Phật nói về nguy hiểm và lợi ích do sự ăn uống đem lại. Có người ham ngủ, thì Đức Phật nói về nguy hiểm và lợi ích do ngủ đem lại. Tuy, đối trị như vậy, nhưng không dồn người khác vào chỗ bế tắc, mà đưa họ đến chỗ nhận ra được chân lý và cuối cùng, Ngài hướng dẫn cho họ thực tập theo pháp Trung đạo, tức là không thái quá, không bất cập, biết vừa phải. Sống cuộc đời biết vừa phải, sống trung đạo như vậy, thì xa lìa được hai cực đoan là ép xác khổ hạnh và buông lung trong các dục.Cho nên, Đối trị tất đàn không có nghĩa là dồn người khác vào chỗ bế tắc, mà chỉ rõ cái chân nghĩa cho họ, để họ thực tập và từ đó có sự an lạc, hạnh phúc.
Đối trị tất đàn là phương pháp trị liệu, là dược liệu trị bệnh chúng sinh. Do Pháp này mà thế gian nhìn Đức Phật như là một vị Y Vương, là vị vua trong ngành y học, biết tùy bệnh cho thuốc. Pháp của Phật trình bày giống như lương dược, là diệu dược mà tùy theo bệnh trạng, thực hành Pháp đó sẽ được chuyển hóa, đưa lại sự an lạc của thân và tâm.
Đối với những chúng sinh đầy sân hận, Đức Phật dạy cho họ pháp từ bi, thực hành tâm từ bi, thương người như thể thương thân. Mình thương người khác chính là mình đang thương thân thể mình. Mình thương cuộc đời cũng chính là đang thương mình. Mình giận người khác, là mình đang gây thiệt hại cho chính mình. Khi mình làm cho ai khổ đau, thì bản thân mình khổ đau trước người đó. Đọc trong các kinh, chúng ta sẽ thấy Đức Phật nói rất nhiều ví dụ về điểm này. Chẳng hạn, mình có tâm sân hận muốn hại người khác, thì trong kinh Tứ Thập Nhị chương, Đức Phật nói "nghịch phong dương trần, trần bất chí bỉ, hoàn phấn kỷ thân. Ngưỡng diện thóa thiên, thóa bất chí thiên hoàn tùng kỷ đọa", nghĩa là người ác mà hại người lành, thì giống như người đi ngược gió dê bụi, bụi không tới người kia mà lại vướng vào nơi mình. Kẻ ác mà hại người hiền thiện, người đạo đức, cũng như người giận trời, ngửa mặt nhổ nước miếng lên trời, nước miếng không thấu trời mà rơi lại nơi mặt mình. Do đó, người ác mà hại người lành; người kém đạo đức ganh tị với người đạo đức; người không có tài năng ganh tị với người có tài năng, thì chỉ gây thiệt hại cho chính mình mà thôi. Người nghe hiểu được như vậy, họ sẽ bỏ tâm ganh tị đi, bỏ tâm giận hờn đi, bỏ tâm trách móc vì ganh tị. Giận hờn, trách móc đều gây thiệt hại cho tâm mình, cho đời sống của mình nhiều hơn cho đối tượng mà mình ganh tị. Nhờ vậy, người đó thành tựu được tâm an lạc, tâm giải thoát, tâm cao quý. Đó gọi là pháp Đối trị tất đàn.
Đối với những người ngu si, vô trí, tà kiến, cho rằng thế giới này do thần linh tạo nên, do một thần minh tạo nên, do một thượng đế tạo nên, thì Đức Phật không bác bỏ trực tiếp cái đó, mà Ngài nói về giáo lý duyên khởi. Nghĩa là mọi sự hiện hữu giữa thế gian này, không có cái gì hiện hữu đơn thuần mà có thể tồn tại, mà mọi thứ chỉ có thể tồn tại trong quan hệ nhân duyên. Nếu mình quán chiếu nhân duyên này thật sâu sắc, thì niềm tin đối với một thượng đế, một thần linh, một nhất thần giáo sẽ tự động rơi rụng đi, chứ Ngài không hề tấn công bất cứ một thượng đế hay thần linh nào cả.Ngài chỉ bật ngọn đèn cho người khác thấy. Khi họ đã thấy, họ sẽ tự thay đổi tâm của chính họ, thay đổi cái nhìn của chính họ, thay đổi niềm tin của họ. Họ tự thay đổi và tự hoàn thiện niềm tin của họ, đó mới là điều quan trọng. Họ tự thay đổi, tự hoàn chỉnh nhận thức, hiểu biết của họ, đó mới là điều quan trọng. Khi một người nhận ra được và tự hoàn chỉnh niềm tin của mình, thì ngay nơi sự hoàn chỉnh đó, họ có hạnh phúc, an lạc. Khi một người có được ánh sáng soi rọi vào và tự hoàn chỉnh hiểu biết của mình, thì ngay nơi sự hoàn chỉnh đó, họ có an lạc hạnh phúc, có cơ sở vững chãi để tiến lên những mức độ cao hơn, hiểu biết cao hơn, đời sống cao hơn. Đó chính là tác dụng của Đối trị tất đàn.
Nói một cách khác, chúng sinh có bao nhiêu phiền não, thì Phật có bấy nhiêu pháp môn, bấy nhiêu phương tiện để chuyển hóa phiền não cho chúng sinh. Cho nên chúng sinh có vô lượng phiền não, thì Phật Pháp có vô biên pháp môn tu tập để chuyển hóa. Khi nhận ra được điều này rồi, thì người Phật tử chúng ta không còn tu tập một cách cực đoan và cục bộ, không còn bị mắc kẹt bởi trường phái này hay trường phái kia, mà thấy được rằng, trường phái nào cũng là những khía cạnh của Phật pháp. Chúng ta đến với đạo Phật, chứ chúng ta không đến với trường phái này hay trường phái nọ, với pháp môn này hay pháp môn kia. Nếu chúng ta đến với bất kỳ một trường phái nào, là chúng ta đánh mất đạo Phật toàn thể. Đến với đạo Phật mà bị kẹt vào một khía cạnh, một trường phái, một pháp môn, thì đó là một sự mất mát thiệt hại cho ta. Đặc biệt trong thời đại của chúng ta, các anh/chị/em phải lưu ý điểm này.
Đôi khi mình tu học Thiền tông, nên mình tấn công Tịnh độ; mình tu học Tịnh độ thì mình tấn công Thiền; mình tu học Mật tông thì lại tấn công Thiền, tấn công Tịnh độ; tu học theo Hiển giáo lại tấn công Mật giáo hay mình tu theo phương pháp theo dõi hơi thở, thì mình tấn công người niệm Phật. Như vậy rõ ràng là mình đã không hiểu về giáo pháp của Đức Phật, không hiểu về phương pháp Đối trị tất đàn.
Các anh/chị/em đã từng nghe câu chuyện người mù rờ voi. Có mấy người mù rờ voi, người rờ được cái đuôi thì họ nói con voi giống cái chổi; người rờ được cái chân thì nói con voi giống cái chày; người rờ được lỗ tai, thì nói con voi giống cái quạt. Người rờ cái đuôi và nói rằng, con voi giống cái chổi, người ấy nói không sai, nhưng lại không phải đúng hoàn toàn. Người ấy chấp một bộ phận con voi thành toàn thể. Chỉ có người mắt sáng mới biết tất cả những gì người mù ấy nói không sai, nhưng cũng không đúng, vì người mù đã chấp một bộ phận của con voi là toàn thể con voi. Sai là sai ở chỗ đó. Mặc dù người mù có xúc chạm con voi, bằng chính bản thân họ, nhưng vì xúc chạm bằng đôi mắt mù lòa, nên vẫn không thấy được thực tại của voi là gì.
Phật tử chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta tu học mà không có tuệ giác, chúng ta kẹt vào từng pháp môn, từng đối tượng, từng trường phái của mình là mình chưa có sự toàn giác, chưa đi đúng hướng của Phật pháp. Vì vậy mà trong Phật giáo chia bè, chia nhóm. Nhóm này nói xấu nhóm kia, nhóm kia tấn công nhóm này. Cuối cùng là thân thể của Phật Pháp, thân thể đạo Phật bị phanh, bị xẻ, mà không ai khác hơn, chính là "sư tử trùng trung, thực sư tử nhục". Đó là điều mà các anh/chị/em khi học pháp Đối trị tất đàn này phải nhận ra cho rõ, để mình có được con đường vững chãi mà tu học, phụng sự chánh pháp, phụng sự dân tộc và nhân loại đúng như trong lời mở đầu của hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã nêu.
Vì vậy, Đối trị tất đàn còn gọi là Đoạn ác tất đàn, nghĩa là Đối trị tất đàn giúp cho chúng sinh đoạn trừ tất cả những ác kiến, những nhận thức sai lầm dẫn tới những việc làm ác; giúp cho chúng sinh đoạn trừ những phiền não chấm dứt khổ đau. Nói một cách đúng với Phật học chuyên môn, Đối trị tất đàn giúp cho người thực tập đoạn trừ phiền não chướng, là những chướng ngại thuộc về phiền não ở nơi tâm, để có tâm giải thoát, tâm an vui; đoạn trừ sở tri chướng, là những chướng ngại đối với sở tri, đối với sự giác ngộ để có tuệ giác toàn bộ.
Chốt lại, Đối trị tất đàn có tác dụng đoạn trừ hai mặt, mặt phiền não chướng ở nơi tâm và sở tri chướng là những chướng ngại đối với trí tuệ, để có được tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Một người có tâm giải thoát, có tuệ giải thoát, thì ở bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì cho bất cứ ai, cũng đều thành tựu.
Đó là Đối trị tất đàn.
4. Đệ nhất nghĩa tất đàn
Đệ nhất nghĩa tất đàn tức là sự thành tựu tối thượng. Đó là sự thành tựu tuyệt đối. Đó là mục đích hoằng Pháp của Đức Phật. Nên, Đức Phật thuyết pháp bằng Thế giới tất đàn, bằng Vị nhân tất đàn, bằng Đối trị tất đàn, với mục tiêu cuối cùng là để hiển thị Đệ nhất nghĩa tất đàn. Nghĩa là Đức Phật thuận theo thế gian để làm gì, thuận theo từng người để thuyết pháp, nhằm mục đích gì, đối trị với từng căn bệnh phiền não, sở tri của từng người để làm gì? Để đưa họ đi về với Đệ nhất nghĩa tất đàn, tức là cuối cùng sẽ hiển thị cho họ thấy được chân lý tuyệt đối.
Chân lý tuyệt đối mà Đức Phật giảng cho mọi người, nói cho mọi chúng sinh là gì? Đó là "tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có khả năng thành Phật". Muốn thành Phật thì phải chứng nhập Phật tính. Muốn chứng nhập Phật tính thì phải từ nơi tâm bồ đề hay từ nơi bản giác mà phát khởi đại nguyện lợi hành, giáo hóa hết thảy chúng sinh bằng phương pháp này hay phương pháp khác. Giáo hóa nhưng không mắc kẹt vào nơi phương pháp giáo hóa, nơi hình thức giáo hóa, khiến cho chúng sinh được giáo hóa đi tới được với chân lý tuyệt đối, với hạnh phúc an lạc. Đó là Đệ nhất nghĩa đế tất đàn.
Do đó, trong Luận đại trí độ, ngài Long Thọ nói "trong Tứ tất đàn thâu nhiếp hết thảy mười hai thể loại kinh và tám vạn bốn ngàn pháp tạng" đều là thực mà không có gì mâu thuẫn nhau. Trong Phật Pháp hết thảy đều là thực, có pháp thực, vì theo nghĩa của Thế giới tất đàn; có pháp thực vì theo nghĩa của Các các vị nhân tất đàn; có pháp thực vì theo nghĩa của Đối trị tất đàn và có pháp thực, vì theo nghĩa của Đệ nhất nghĩa đế tất đàn.
Như vậy, các anh/chị/em thấy rằng, mỗi thời Đức Phật thuyết pháp, thì ngay trong pháp được thuyết bởi Ngài, đều chuyển tải đầy đủ cả Tứ tất đàn; ba tất đàn trước thuộc về phương tiện, tất đàn sau, tức là Đệ nhất nghĩa tất đàn, là cứu cánh. Cứu cánh, nhưng không rời phương tiện. Cứu cánh có mặt ngay nơi những phương tiện mà Đức Phật sử dụng để thuyết pháp. Nghĩa là trong khi Đức Phật thuyết pháp, Ngài sử dụng những phương tiện của thế gian như ngôn thuyết, những tư duy… để chỉ bày chân nghĩa cho người nghe, chân lý cho người thấy. Nên, những phương tiện Đức Phật đã sử dụng đó, không còn là những phương tiện đơn thuần, mà là những phương tiện có nội dung, có tác dụng hiển thị chân lý, tức là hiển thị Đệ nhất nghĩa đế tất đàn.
Bởi vậy, nếu nghiên cứu kỹ, chúng ta sẽ thấy ngay trong Thế giới tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn, ngay trong Vị nhân tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn, ngay trong Đối trị tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn. Đây là điều các anh/chị/em cần lưu ý khi trình bày và thực hành giáo lý Tứ tất đàn, nghĩa là mục đích không rời phương tiện; phương tiện phải được bảo chứng để đi tới mục đích. Tức là chúng ta tùy duyên mà bất biến; bất biến ngay nơi cái tùy duyên của mình, chứ tùy duyên và bất biến không phải là hai cái tách rời nhau. Tùy duyên phải bảo chứng được cho nội dung bất biến; bất biến phải bảo chứng để tùy duyên đi tới. Bất biến phải là lực hút để hút tùy duyên đi tới mà không bị chệch hướng và tùy duyên phải hàm chứa nội dung bất biến. Khi học Tứ tất đàn rồi, chúng ta mới có thể ứng dụng được giáo lý của Phật vào trong đời sống xã hội. Do đó, chúng ta sang phần IV, tính chất tùy duyên và bất biến của Tứ tất đàn.
Tính chất tùy duyên và bất biến của Tứ tất đàn
Trong Tứ tất đàn, thì Thế giới tất đàn hay Thế gian tất đàn, Vị nhân tất đàn, Đối trị tất đàn thuộc về tùy duyên ở trong đạo Phật, tùy duyên hành đạo, tùy duyên hoằng Pháp ở trong đạo Phật; còn Đệ nhất nghĩa tất đàn là cứu cánh, là mục đích của đạo Phật.
Tùy duyên là để đạt mục đích, chứ tùy duyên mà không đạt được mục đích của mình thì tùy duyên sẽ trở thành tùy tiện, như vậy sẽ đi chệch hướng của đạo Phật, đi chệch hướng với lý tưởng của mình.
Do đó, chúng ta phải nắm cho được cái tùy duyên bất biến và bất biến tùy duyên ở trong đạo Phật.
Ngày nay, người ta lạm dụng cái tùy duyên bất biến này hơi nhiều. Một người đã thực sự lên đến đỉnh núi rồi, đã thực sự ngồi trên đỉnh núi tuệ giác rồi, người ấy quán chiếu thấy được căn cơ của chúng sinh như thế nào rồi, mới bắt đầu xuống núi để tùy duyên giáo hóa. Còn chúng ta, phần nhiều là những người đang còn leo núi, chưa lên đến đỉnh mà chúng ta tùy duyên, thì nghe người này nói leo đường này thì mình cũng leo đường này; nghe người kia nói đi đường kia mới tới, mình liền chạy qua đường đó; rồi lại có người nói có con đường khác nhanh hơn nữa, mình liền bỏ đường cũ, leo theo con đường người đó nói. Cuối cùng, vì tùy duyên nên mình đi loanh quanh. Loanh quanh hoài, nên chẳng bao giờ đạt tới được mục đích của mình. Cũng như Trịnh Công Sơn nói "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt". Cho nên thế gian là pháp loanh quanh. Chỉ có khi nào, ta có Phật Pháp, có chánh đạo mới có trực đạo đi thẳng.
Quý vị phải biết rằng, trong Thế gian tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn, nên nói theo thế gian mà không sai với chính nghĩa; nói thuận theo với thế gian mà không sai với Niết bàn; ở trong sinh tử mà không sai với Niết bàn giải thoát.
Cũng vậy, trong Vị nhân tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn, trong Đối trị tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Chúng ta phải tùy căn cơ, tùy từng hoàn cảnh của con người, từng hoàn cảnh xã hội mà giáo hóa, chúng ta tùy thuận mà không tùy thuộc. Vì sao? Vì trong Đối trị tất đàn, trong Vị nhân tất đàn, trong Thế gian tất đàn, mỗi cái đều có Đệ nhất nghĩa tất đàn. Cho nên, trong cái tùy duyên có tính chất bất biến bên trong.
Đây là điều mà các anh/chị/em cần phải học tập, chiêm nghiệm để có thể hành đạo được ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.
Bây giờ mình qua phần Tứ tất đàn liên hệ đến Tứ diệu đế.
Một điều mà tất cả những người học Phật đều thắc mắc là tại sao, sau khi đức Phật thành đạo, Ngài đi tới vườn Nai không nói cái gì khác, mà lại nói về Tứ diệu đế, và Ngài nói điều thứ nhất “đây là khổ”. Đức Phật nói “đây là khổ” là vì Ngài muốn đệ tử của mình đối diện với cái khổ, đối diện với sự khổ đau, là một sự thật của con người, dù con người có trốn chạy nó đi nữa, thì đó vẫn là một sự thật hiển nhiên, có nhắm mắt thì cũng không thoát khỏi. Vì vậy mà cần phải mở mắt thật to mà nhìn vào sự thật của khổ đó, để chấp nhận và chuyển hóa. Cho nên, đầu tiên, đức Phật nói “đây là khổ”, đó là Ngài nói về khổ đế, tức là sự thật của khổ. Sự thật ấy là gì? Đó là khổ khổ, nghĩa là từ nơi khổ nhân này mà sinh ra quả khổ, rồi từ quả khổ mà huân tập thành nhân, từ nhân mà thành quả,…cứ như thế mà từ cái khổ này tới cái khổ khác. Từ nơi cái bị tái sinh mà sinh ra cái bị già, bị bệnh, bị chết; rồi từ nơi cái bị chết mà dẫn đến cái bị tái sinh; từ cái bị tái sinh, sinh ra cái bị già; từ cái bị già, sinh ra cái bị bệnh ; từ cái bị bệnh, sinh ra cái bị chết; từ cái bị chết, sinh ra cái bị tái sinh,…cứ như vậy, mà từ cái khổ này đến cái khổ khác, nên gọi là khổ khổ. Và khổ như thế là một sự thật của thế gian, nên gọi là Thế giới tất đàn. Nếu mình nói thế gian vui, thế gian thường tại là sai với thế gian, vì trong thế gian không có cái gì vui mà không khổ, và không có cái gì là thường tại hết. Thế gian là của nhân và quả, của nhân và duyên. Mà nhân đã ác thì quả phải khổ, và nhân mà sinh ra quả được là nhờ duyên tác động. Vì vậy, nhân quả là vô thường. Nói tóm tắt thế gian là vô thường. Nói như vậy có nghĩa là nói về khổ đế. Cho nên vô thường nằm trong khổ đế.
Thế gian là vô ngã, nghĩa là không do một chủ thể nào tạo nên thế gian hết mà do nhân duyên, nhân quả tạo ra thế gian. Vì vậy, vô ngã nằm ở trong Thế gian tất đàn, nằm ở nơi khổ đế.
Vì nhân duyên sinh khởi nên bản thể của nó là “không”, không có tự tính. Nên “không” cũng nằm nơi khổ đế.
Thấy rõ khổ đế qua bốn mặt khổ, không, vô thường, vô ngã, đó là cái thấy về Thế gian tất đàn.
Sau khi đức Phật nói “đây là khổ”, Ngài nói “đây là Tập”. Tập có nghĩa là tập khởi, tức là sự tích lũy và biểu hiện. Tập đế là sự thật về tập khởi. Khổ là do gì? Do tích lũy các hạt giống tham, sân, si, kiêu mạn, nghi ngờ, tà kiến huân tập thành chủng tử, khi có duyên tác động thì khởi hiện, dẫn sinh khổ quả. Cho nên tập đế là nhân, khổ đế là quả. Mỗi người, mỗi loài đều có tham, sân, si khác nhau là do điều kiện khác nhau, xã hội khác nhau, học tập khác nhau, nghiệp báo khác nhau,… cho nên ai cũng tham, nhưng không có cái tham nào giống cái tham nào. Cái tham của kẻ đói là được ăn, còn cái tham của người có học là được danh thơm tiếng tốt, quyền lực; cái tham của người buôn bán là được lãi suất nhiều. Con cọp dữ tham ăn, đói thì nó đi tìm, gặp bất cứ mồi nào cũng ăn hết, nhưng khi ăn no thì nó nằm. Còn cái tham của con người là cái tham vô độ, bởi vì cái tham có ý thức, cho nên ăn no rồi, mà vẫn đi tìm đủ thứ, no rồi thì phải ăn ngon, đã ngon rồi thì khai thác các món ăn để hưởng thụ cảm thọ. Do đó, cái tham của con người là tùy theo mức độ hoạt động của ý thức. Một người có học, đỗ đạt rồi, ra làm quan , làm được trưởng phòng rồi, thì muốn làm giám đốc; được giám đốc rồi thì thích làm thứ trưởng; được thứ trưởng thì muốn làm bộ trưởng; được bộ trưởng thì muốn làm thủ tướng; được thủ tướng thì muốn làm tổng thống; đã được làm tổng thổng của một quốc gia thì lại ưa điều khiển toàn vùng, rồi cả toàn thế giới; và khi đã điều khiển được cả thế giới rồi, lại cũng thấy chán, nên ưa làm thượng đế để sinh ra muôn loài. Bởi thế, cái tham của con người là vô hạn.
Ứng dụng Tứ tất đàn phù hợp là phải biết cái tham của con người, cái tham của chúng sinh trong từng không gian, từng thời đại của từng xã hội để ứng dụng. Đó gọi là Vị nhân tất đàn ở trong Tập đế.
Thứ ba là Diệt đế. Diệt đế là chân lý có nội dung vắng mặt của khổ và tập, nghĩa là vắng mặt nhân quả thế gian. Vì vậy, Diệt đế được gọi là hạnh phúc, an lạc, niết bàn. Các anh/chị/em nên nhớ rằng, niết bàn ở đây nghĩa là trạng thái tâm thức vắng mặt khổ và tập. Cho nên mình tu tập mà vắng mặt Tập đế bao nhiêu thì mình thành tựu được Diệt đế bấy nhiêu; Tập đế trong mình vắng mặt bao nhiêu thì Khổ đế trong mình giảm thiểu bấy nhiêu và mình thành tựu được Diệt đế bấy nhiêu. Vì vậy, Diệt đế thuộc về Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Thứ tư là Đạo đế, đó là sự thật về con đường giải thoát khỏi Tập đế và Khổ đế; là con đường giúp mình chuyển hóa Tập đế, đế làm thay đổi Khổ đế. Cho nên, Đạo đế thuộc về Đối trị tất đàn.
Đạo đế nhắm tới trị liệu Tập đế, chuyển hóa Tập đế. Khi Tập đế được chuyển hóa thì Khổ đế tự thay đổi, chứ mình không cần để ý nơi Khổ đế làm gì, cũng không cần nghĩ tới Niết bàn làm gì. Mình chỉ cần thực tập Đạo đế, thì Niết bàn tự có và Khổ đế tự động rơi rụng. Có nhiều người đi tìm hạnh phúc, thích tới Niết bàn, cực lạc, nhưng không thực tập Đạo đế, thì cái thích đó chỉ là mơ hồ, là ước muốn viễn vông, không thực tế. Nên, Diệt đế có mặt ngay trong Đạo đế, và Khổ đế được thay đổi ngay ở nơi Đạo đế, Tập đế được thay đổi ngay ở nơi Đạo đế; sinh tử, khổ đau được thay đổi và chuyển hóa ngay nơi Đạo đế. Do đó, Đạo đế được xem như là Đối trị tất đàn: đối trị với khổ đau, đối trị với sinh tử, đối trị phiền não.
Khi chúng ta hiểu được Tứ thánh đế qua cái nhìn của Tứ tất đàn, thì chúng ta mới tự mình tu tập cho có kết quả và mới có thể hoằng pháp lợi sinh ở mặt giác tha có kết quả.
Sự liên hệ giữa Tứ tất đàn với Tứ hoằng thệ nguyện
Tiếp theo Thầy sẽ nói về sự liên hệ giữa Tứ tất đàn với Tứ hoằng thệ nguyện.
Thệ nguyện thứ nhất là “chúng sanh vô biên thề nguyện độ”. Rõ ràng, mình tu tập không phải chỉ cho bản thân mình. Mình giữ giới là giữ giới cho chúng sinh, là để làm đẹp cho cuộc đời, nếu mình giữ giới chỉ để làm đẹp cho mình, chỉ để mình đàng hoàng thôi thì chưa đủ. Mình đàng hoàng là để hiến tặng cái đàng hoàng đó cho mọi người. Các anh/chị/em ăn chay là ăn chay cho chúng sinh, ăn chay cho mọi người, ăn chay để mình có sự điềm đạm, để mình có sự từ bi, để mình có tình thương rộng lớn. Khi mình có sự điềm đạm thì mình không hành xử một cách nóng nảy, vụt chạc; mình có tình thương rộng lớn, thì mình không có hận thù với ai. Cho nên, mình tu tập, giữ giới là vì chúng sinh mà giữ, vì mình thương chúng sinh mà tu, thương chúng sinh mà học. Các anh/chị/em, vì thương đời mà làm gia đình phật tử, thương đời cho nên giờ này mà có đôi người đang bán cơm chay để yểm trợ cho Phật Ngọc tới Hoa Kỳ, quý vị vì thương chúng sinh, thương đời, muốn cho ai cũng được thấy, được chiêm ngưỡng Phật ngọc, từ đó mà họ phát sinh niềm tin đối với Phật Pháp Tăng, mà tu tập để bản thân họ bớt khổ và cuộc đời cũng bớt khổ ra, nếu mình không thương đời, không thương mọi người, thì mình không mắc chi làm mấy chuyện đó cho mệt. Nhưng, mình làm như vậy, là vì mình thương chúng sanh, mình muốn ai cũng thấy được Phật và chiêm ngưỡng được từ dung của Ngài, để cho họ tăng trưởng niềm tin Tam bảo, và từ đó khiến cho họ có phước đức. Việc làm ấy, đi từ nguyện chúng sinh vô biên thề nguyện độ, và nguyện ấy liên hệ đến Thế giới tất đàn.
Nhưng độ chúng sinh không phải dễ đâu! Kinh Địa Tạng nói rằng, chúng sinh rất can cường, nan điều nan phục. Cái tham, sân, si, kiêu mạn ở nơi chúng sinh rất là can cường, rất khó điều phục. Cho nên muốn độ chúng sinh, mình phải lập hạnh, lập nguyện. Mà muốn lập hạnh, lập nguyện thì mình phải hiểu thế gian, phải hiểu chúng sinh, vì chúng sinh là thế gian. Phải hiểu thế gian thế nào rồi, mình mới thõng tay vào chợ để giúp đời. Cho nên, chúng sinh vô biên thề nguyện độ, liên hệ chặt chẽ đến Thế giới tất đàn. Thành tựu về mặt thế gian là thành tựu về mặt nhìn nhận chúng sinh và giáo hóa chúng sinh để đưa chúng sinh từ chỗ chúng sinh trở thành phi chúng sinh, trở thành bậc thánh, trở thành bậc giác ngộ.
Thứ hai là “phiền não vô tận thề nguyện đoạn”. Đây là liên hệ đến Vị nhân tất đàn. Mỗi người có một nỗi buồn riêng, một ưu tư riêng, một khắc khoải riêng, một tâm trạng riêng, một hoàn cảnh riêng, không có chúng sinh nào giống chúng sinh nào. Ai cũng có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, nhưng không có người nào giống người nào hết, thậm chí có cùng huyết thống hay thậm chí là sinh đôi cũng không giống nhau. Vì vậy, đức Phật nói “nhất thế chúng sinh tâm tưởng dị cố, tạo nghiệp diệc dị”, nghĩa là vì hết thảy chúng sinh có hình tướng khác nhau là do tưởng khác nhau, do tâm ý khác nhau, tạo nghiệp khác nhau, nên đi đến quả báo mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý khác nhau. Khác nhau như vậy đi từ nơi sự phiền não. Do đó, một vị đi vào đời giáo hóa, thì phải biết phiền não ở nơi tâm chúng sinh rất nhiều loại khác nhau, sai biệt nhau để mà giúp họ. Cái biết như vậy, gọi là Vị nhân tất đàn, tức là thành tựu về mỗi con người. Khi biết được như vậy, mình có thể giúp họ chuyển hóa phiền não nơi tâm.
Quý vị biết, tứ sanh bao gồm noãn sanh (là những loài sinh ra từ trứng như gà, vịt), thai sinh (là loài sinh ra từ bào thai như người, trâu, bò…), hóa sanh (là loài sinh ra từ sự biến hóa như chư thiên sắc giới, vô sắc giới, vì họ không còn dục nhiễm, thấp sanh (loài sinh ra từ sự ẩm ướt). Các loài chúng sinh như vậy có gốc rễ từ các loại phiền não khác nhau mà sinh ra. Do tính tham dục nơi mỗi loài, tùy theo mức độ sâu cạn, mãnh liệt, yếu ớt mà sinh ra những loài như thế. Nói cách khác là từ các phiền não sai biệt mà sinh ra các loại chúng sinh có hình thức khác nhau. Phải hiểu được như vậy mới giáo hóa được, mới giúp chúng sinh đoạn trừ được phiền não ở nơi họ. Cái đó gọi là Vị nhân tất đàn.
Thứ ba là “Pháp môn vô lượng thề nguyện học”. Đây là Đối trị tất đàn.
Người tu, nhất là người thực tập hành Bồ tát đạo phải tu học hết thảy các pháp môn. Kinh Kim Cang đã dạy “nhất thế pháp giai thị Phật Pháp”- tất cả pháp đều là Pháp giác ngộ, tất cả các pháp đều là đối tượng để mình thâm nhập và thấy được chân như của vạn hữu. Cho nên, pháp nào mình cũng cần phải học, cần phải chiêm nghiệm, để thấy mỗi pháp có một tự tính riêng, có nhân duyên quả báo, thể tánh nghiệp dụng riêng. Người tu hành Bồ tát đạo thì Thiền cũng học, Tịnh cũng học, Mật cũng học, Hiển giáo cũng học, Kim cang thừa,…, gì cũng học hết. Học hết để có đầy đủ phương tiện, pháp môn mà giáo hóa chúng sinh. Bởi vì chúng sinh này đến với mình có nhu cầu tu học mặt này, chúng sinh khác lại có nhu cầu tu học mặt kia, thì mình phải có đủ khả năng để giúp cho họ. Thậm chí ngay cả những việc như toán học, lịch số, thiên văn, địa lý…, người hành Bồ tát đạo cũng phải thông hiểu. Đối với Thanh văn đạo thì đức Phật cấm, nhưng đối với Bồ tát đạo thì đức Phật lại khai, đó là vì lợi ích chúng sinh. Nói rõ như vậy để giải đáp thắc mắc của những vị hỏi rằng, sao trong Kinh Di Giáo, đức Phật cấm chuyện thiên văn dịch số, mà bây giờ Thầy Thái Hòa lại nói chuyện đó cũng cần phải học. Chuyện thiên văn địa lý, dịch số, toán số, bói quẻ không phù hợp đối với đời sống của một vị Thanh văn, vì sợ những cái đó dẫn sinh ra lợi nhuận, mà có lợi nhuận thì tâm tham nhiểm, mà tâm tham nhiểm thì phế bỏ đạo nghiệp. Nên đối với hàng Thanh văn, đức Phật cấm những chuyện đó. Nhưng đối với Bồ tát, tức là Thanh văn hạnh đã hoàn chỉnh, đang hướng đến Đại thừa, nên có thể học hết tất cả các Pháp môn để giáo hóa chúng sinh. Học là để giáo hóa chúng sinh, chứ Bồ tát không phải học để mà tu, vì Bồ tát đã có Pháp môn nhất định để tu rồi. Bồ tát học vô lượng Pháp môn để đối trị với những ước vọng, những nhu cầu mà chúng sinh cần ở nơi Bồ tát. Đáp ứng như vậy để làm gì? Để đưa họ về với Đệ nhất nghĩa tất đàn, tức là Đệ nhất nghĩa đế, chân lý rốt ráo, chân lý tối hậu, là Phật đạo.
Thứ tư là “Phật đạo vô thượng thề nguyện thành”. Đại nguyện này chính là Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Các anh/chị/em thấy rằng, chúng sinh vô biên thề nguyện độ. Mình độ vô biên chúng sinh, đưa họ đi về đâu? Đưa họ đi về với Phật đạo vô thượng.
Phiền não vô tận thề nguyện đoạn. Phiền não đoạn rồi, thì cái gì sinh ra? Đoạn trừ phiền não rồi, thì Phật đạo vô thượng sinh ra. Cho nên, đoạn phiền não cho chúng sinh và đoạn phiền não cho chính mình là Phật đạo vô thượng sinh ra nơi chính mình và nơi chúng sinh. Đó là đưa Vị nhân tất đàn đi về với Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Pháp môn vô lượng thề nguyện học. Mình học hỏi vô lượng Pháp môn để làm gì? Để đối trị với phiền não của chúng sinh, để đối trị với tất cả các căn cơ chúng sinh và đưa họ đi về với Phật đạo vô thượng, tức là sử dụng Đối trị tất đàn để đưa họ về với Đệ nhất nghĩa tất đàn. Như vậy là mình đã ứng dụng Tứ tất đàn vào xã hội một cách toàn diện và một cách chi tiết qua Tứ tất đàn và Tứ hoằng thệ nguyện.
Cho nên, khi mình thề nguyện độ chúng sinh, nghĩa là ngay giữa biển khổ mà mình phát khởi đại nguyện, chứ không phải mình từ ngoài biển khổ mà đi vào. Ngay ở nơi phiền não mà mình phát khởi đại nguyện đoạn trừ phiền não. Ngay ở nơi vô lượng Pháp môn mà mình phát khởi tâm học hỏi để thành tựu. Và ngay nơi mình đang sống mà buông bỏ mọi phiền não mà thành tựu Phật tính.
Đó là mối liên hệ của Tứ tất đàn đến bốn hoằng thệ nguyện. Và bốn hoằng thệ nguyện thì đương nhiên là liên hệ đến xã hội- tức là lục đạo chúng sinh, là cả ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới dưới cái nhìn của đạo Phật - rất nhiều. Đừng đem xã hội chủ nghĩa, xã hội tư bản mà so sánh với xã hội Phật giáo rộng lớn. So sánh như vậy rất là sai lầm. Nhiều Phật tử học chưa đến nơi đến chốn, thích đem cái này so sánh với cái kia. So sánh như vậy là sai, vì nó không đúng với nguyên tắc so sánh. Bài chú Bát nhã có nói “vô đẳng đẳng chú”, nghĩa là thần chú không còn có sự so sánh. Tuệ giác của Phật, từ bi của Phật thì không còn có ai ở trong thế gian này có thể ngang bằng để mà so sánh. Cho nên, đừng đem đạo Phật so sánh với khoa học, so sánh với xã hội hiện đại Tây phương, với triết học của Kant… Đó là những cái làm tào lao, cái làm không hiểu gì Phật Pháp, tưởng rằng mình trí thức nhưng đó lại là trí ngủ.
Bây
giờ mình nói đến phần kết luận. Và Thầy để các anh/chị/em tự làm phần
này vì Thầy kết luận thì hỏng. Các anh/chị/em sau khi đã học với Thầy
rồi, thì tự kết luận lấy.