;
Tu Niệm Xứ qua lý Duyên Khởi là cơ hội tốt nhất để quán chiếu Tứ Đế, 12 Xứ, 18 giới, khía cạnh nhân quả và khía cạnh tam tướng của Danh Sắc. Cái tác động là nhân. Cái được tác động là quả. Cái nào có tham đi cùng là Tập Đế. Cái nào không có tham đi cùng là Khổ Đế. Các thành phần Danh Sắc tiếp nối nhau sanh diệt, gọi chung là sự sanh diệt của Khổ và Tập.
Người không có tu tập thì 6 căn đời này là điều kiện cho 6 căn đời sau. Mỗi giây phút thất niệm là một mối nối trên dòng sanh tử. Tu tập là tách rời các mối nối không để chúng tiếp tục kết nối nhau.
Tu Tứ Niệm Xứ qua giáo lý duyên khởi là hành trình quan sát Khổ Đế và Tập Đế. Từ Vô Minh đến Lão, Tử chỗ nào có tham là Tập Đế, chỗ nào không có tham ái là Khổ Đế.
1.Vô Minh trong Tứ Đế
1.Bất tri trong Khổ Đế: Không biết 5 Uẩn là 3 Khổ (Khổ Khổ, Hoại Khổ, Hành Khổ)
2.Bất tri trong Tập Đế: Không biết mọi thích thú của mình chỉ là đam mê trong 3 Khổ trước mắt và từ đó tạo ra 3 Khổ trong tương lai.
3.Bất tri trong Diệt Đế: Không biết sự vắng mặt của Khổ Đế (Vô dư Níp bàn) và Tập Đế (Hữu dư Níp bàn) là cứu cánh cao nhất để thoát khỏi 3 Khổ.
4.Bất tri trong Đạo Đế: Không biết rằng Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất dẫn đến Diệt Đế.
2.Vô Minh duyên Hành Vì 4 cái bất tri này mà phàm phu thỏa mãn khát vọng (Tập Đế) và chạy trốn những thực tế phũ phàng (Khổ Đế) bằng cách thực hiện các nghiệp thiện ác. Dầu trốn khổ bằng miếng ăn hay bằng việc đắc chứng các tầng thiền Vô Sắc cũng đều là cách giải quyết Khổ Đế bằng cách đầu tư vào Tập Đế; thay vì làm ngược lại là muốn lìa Khổ Đế phải bỏ Tập Đế.
3.Hành duyên Thức Từ ý muốn sai lầm trốn khổ tìm vui phàm phu mới có tâm thiện ác. Tâm thiện ác tạo ra các tâm tái tục. Bản thân thiện ác là Tập Đế gián tiếp hay trực tiếp. Còn các tâm tái tục là đương nhiên là Khổ Đế rồi. Ngay cả các cảnh giới mà chúng ta hướng đến cũng nằm trong 3 Khổ. Ở các cõi thấp thì cón có Khổ Khổ. Ở các cõi cao thì chỉ có Hoại Khồ và Hành Khổ.
4.Thức duyên Danh sắc Thức ở đây là các tâm tái tục (tâm đầu thai) dẫn sanh về các cõi có sắc hoặc không sắc, có tâm hoặc không tâm. Đến đấy thì chúng ta thấy không có ai đi đầu thai hết. Chỉ có tâm tái tục và Danh Sắc đầu đời mỗi kiếp sống. Ở cõi hữu sắc thì đầu kiếp sống có Sắc pháp. Ở cõi Vô Sắc thì trước sau chỉ có Danh pháp mà thôi. Gom chung các cõi thì dầu sanh ra ở đâu cũng chỉ là sự hiện hữu của Danh Sắc, không còn gì ngoài ra nữa.
5.Danh Sắc duyên Lục Nhập Ở cõi Ngũ uẩn thì đôi lúc có đủ Lục Nhập (các cõi Dục giới), có lúc chỉ có 3 Nhập (các cõi Phạm Thiên Sắc giới hữu tâm). Còn ở cõi Tứ Uẩn (4 cõi Vô Sắc) thì chỉ có 1 Nhập là ý Xứ.
Nghiệp 5 uẩn dẫn đến tâm tái tục 5 uẩn, tâm tái tục 5 uẩn dẫn đến sự có mặt của 6 Xứ ở cõi Ngũ Uẩn. Người không ham thích trong 5 trần sẽ không tạo nghiệp ái qua 5 Xứ đầu tiên (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân) vì vậy tâm tái tục của họ cũng không chứa chủng tử của 5 Căn vật chất và khi sanh ra kiếp sau ở cõi Phạm Thiên, thức tái tục của họ cũng không tạo đủ 6 Xứ.
Người thích cảnh sắc thì gieo nghiệp có Nhãn Xứ. Thính ái gieo nghiệp có Nhĩ Xứ. Khí ái gieo nghiệp có Tỷ Xứ. Tức là thích trong cảnh nào (Tập Đế) sẽ tạo ra các Xứ tương ứng (Khổ Đế). Nói chung, Tập Đế kiểu nào sẽ tạo ra Khổ Đế tương đương.
1.Lục Nhập duyên Xúc Được gọi là 6 Căn vì có 6 Cảnh và 6 Thức. Được gọi là 6 Thức vì có 6 Căn và 6 Cảnh. Được gọi là 6 Cảnh vì có 6 Căn và 6 Thức. Sự gặp gỡ của 3 thứ này gọi là Xúc. Có nghĩa là nếu bỏ đi 6 Xúc thì không còn gì để gọi là chúng sanh và thế giới.
2.Xúc duyên Thọ Không khi nào có chuyện Xúc có mặt mà lại không có Thọ. Bên cạnh nhãn Xúc chắc chắn là nhãn Thọ. Bên cạnh thân Xúc chắc chắn là thân Thọ. Bên cạnh ý Xúc chắc chắn là ý Thọ. Còn đó là Thọ gì thì tùy trường hợp. Cái quan trọng là Xúc đóng vai trò điều kiện bắt buộc cho Thọ và Thọ được sinh ra từ Xúc. Dầu ta có là ai, phàm hay thánh, và dầu đó là cảnh gì, cảnh Siêu thế hay Hiệp thế, thì bên cạnh Xúc bắt buộc phải là Thọ. Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả chúng sinh.
3.Thọ duyên Ái Đây là vấn đề cốt lõi của cái gọi là dòng luân hồi hay sự khác biệt giữa phàm và thánh. Với một nội tâm không có tu tập thì sau Thọ thường là Ái. Nhãn Thọ gắn liền với sắc Ái, thân Thọ gắn liền với xúc Ái.
4.Ái duyên Thủ Nói trên chi pháp thì Ái và Thủ chỉ là một, có điều là lúc thì Tham hợp tà, khi thì Tham ly tà mà thôi. Và cường độ khắn khít, thiết tha của tham ái được gọi là Thủ. Nên ở đây ta có thể nói Ái duyên Thủ rồi Thủ duyên Hữu cũng được, mà nói Ái duyên Hữu cũng không sai.
5.Thủ duyên Hữu Duyên ở đây có nghĩa là tham ái hiển hiện qua tam nghiệp. Chính tam nghiệp mới là Nghiệp Hữu. Tam nghiệp ở đây là Tâm Sở Tư tác động thân nghiệp, khẩu nghiệp hay ý nghiệp. Tính trên pháp chi thì Hành và Nghiệp Hữu giống nhau, nhưng khi nói đến nhân quá khứ thì ta gọi là Hành, khi nói đến nhân hiện tại thì ta gọi là Nghiệp Hữu. Đây là cách gọi tên để giải thích vấn đề.
6.Nghiệp Hữu duyên Sanh Từ Tâm Sở Tư trong Tam nghiệp nên mới có các tâm tái tục để làm nên một kiếp sống mới. Các Tâm Sở Tư trong Nghiệp Hữu là Tập Đế gián tiếp hay trực tiếp. Còn Tâm tái tục thì chắc chắn là Khổ Đế rồi.
Có nghĩa là khi hành giả biết 6 trần bằng tâm tham hay tâm thiện thì hành giả có thể quán chiếu rằng đây là Nghiệp Hữu, hoặc đây là Thọ duyên Ái, hoặc đây là Tập Đế hiện tại cho Khổ Đế tương lai.
7.Sanh duyên Lão, Tử Từ sự có mặt ở kiếp sống mới ta mới có các hệ lụy tiếp theo là già, chết, sầu, khổ. Không bao giờ có chuyện chỉ có sanh mà không có già và chết. Không có già theo cách Tục Đế thì cũng không có già theo cách Chân Đế.
Trên đây là phần trình bày sơ lược về giáo lý Duyên Khởi để làm nền tảng cho pháp môn Tâm Quán Niệm Xứ.
Trích Tâm & Thọ Quán Niệm Xứ (Mogok Sayadaw)
Kinh Nghiệm Tuệ Quán I
Sư Toại Khanh