;
Rắn có thể nói là con vật khác thường hơn những con vật khác sống chung quanh con người. Rắn không chân nhưng khả năng di chuyển của nó rất nhanh và không gây tiếng động. Miệng nhỏ nhưng có thể nuốt một con vật to hơn nó gấp mấy lần. Nọc độc của rắn có thể làm cho người ta chết, nhưng nó cũng được dùng pha với huyết thanh để chữa trị cho những người bị rắn cắn.
Trong sinh vật học rắn là một
loài động vật bò sát, máu lạnh, có vảy, sống dưới đất, không có chân, tự lột
xác để trưởng thành. Rắn có nhiều loại, có đủ các màu sắc, kích cỡ khác nhau. nguoiphattu.com
Trên rừng, dưới biển, sa mạc, đồng bằng, núi cao, bất cứ chỗ nào
người ta cũng đều thấy nó hết. Phần
đông rắn thường đẻ trứng và trứng của nó hình bầu dục. Khác với trăn, rắn thường truyền nọc độc để giết mồi còn con trăn thì
hay dùng thân xiết chặt con mồi cho đến chết truớc khi nuốt.nguoiphattu.com
Rắn chỉ là một vật thể vô tri giác nhưng theo quan niệm trong dân gian của các dân tộc trên thế giới, rắn được xem là một trong những con vật có nhiều huyền thoại và đã đi vào đời sống văn hóa của con người. Hình tượng của rắn thường được thấy qua các hình ảnh diễn đạt khác nhau như: Thần hiền, thần ác, điều tốt, điều xấu, sự hủy diệt, tái sinh, tình yêu, tội lỗi...
Theo truyền thuyết Ai Cập người ta xem rắn như là một vị thần linh tối cao, vị thần hộ mạng cho các nhà vua, do đó trên các vương miện của các vua pharaoh Ai Cập đều có chạm trổ hình rắn Naja bằng vàng hay đá qúy.
Theo Kinh Thánh Cựu Ước có ghi con rắn mánh khóe gian xảo cám dỗ ông Adam và bà Eve ăn trái táo cấm.Kết quả họ bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và phải sống dưới trần thế với cuộc sống đầy đau khổ vất vả.
Một hình ảnh khác trong Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy Moses đã biến cây gậy của mình thành một con rắn để chứng tỏ quyền năng của Thượng đế khi ông Ai cập để thuyết phục Pharaoh trả tự do cho các nô lệ người Do thái.
Theo truyền thuyết Hy Lạp, ngành y học đã dùng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ.
Theo Kundalini Yoga hình tượng của con hỏa xà nằm cuộn ở vùng hội tâm của xương sống,biểu trưng cho nguồn năng lượng của sự sống được đánh thức và nâng cao trong suốt quá trình thiền định.
Hình ảnh con rắn nuốt đuôi tượng trưng cho vòng tròn hồi tiếp vĩnh viễn hay là cho cái vô hạn và sự lột da của rắn tượng trưng cho sự tái sinh và trường thọ. Môn nghiên cứu về rắn học tiếng Anh gọi là "Herpetology" có gốc từ chữ "Herpeton"của Hy Lạp.
नाग nāga có gốc từ động từ naga, thuộc giống đực trong phạn ngữ. Theo nghĩa huyền thoại có nghĩa là con rắn, mãng xà hay con rắn có khuôn mặt hình người. Nāga là loài vật bảo vệ kho báu trái đất của các đấng tối cao hay còn được xem như là á thánh nhân địa phương. Một huyền thoại khác của thổ dân xưa thuộc về dòng dõi vua cho rằng Nāga là hậu duệ của Kaśyapa và Kadrū.
Theo huyền thoại của người Ấn Độ thời cổ, rắn đã bị Garuda (गरूड, con chim săn mồi có đầu người, ba mắt, mỏ đại bàng) bắtđược và tiêu hủy nọc độc.Garuda gọi là Kim sí điểu ( Hán Việt) hay Ca câu la (Âm phạn). Kim sí điểu là một loài chim thần trong Ấn Độ giáo. Garuda là một con vật cưởi của thần Vishnu. Theo truyền thuyết Garuda và Nāga là anh em họ và sau này họ trở thành kẻ thù với nhau. Bởi vì Nāga đã giết chết mẹ của Garuda. Cuộc chiến giữa chim và rắn là biểu trưng cho cái thiện chống lại cái ác… và cũng mang ngụ ý nói lên bản tính đối lập của thần Vishnu, vừa giết chết vừa làm sống lại, vừa phá hủy vừa xây dựng lại.
Ở Ấn Độ, rắn được xem như là một biểu tượng của sự bất tử và được quý chiều như con vật linh thiêng. Sự sùng bái tôn thờ rắn của họ đã đi sâu vào trong đời sống văn hóa của dân tộc. Họ đã dành riêng cho rắn một ngày tết trang trọng vào tháng 8 theo mỗi năm.
Theo tinh thần Phật học hình ảnh Đức Phật và Xà vương là một bài học nói đến sự phát triển lòng từ bi. Xà vương Muchalinda đã quấn thân mình làm đài tọa cho Đức Phật và vươn cao đầu để che chở cho Đức Phật. Một hình ảnh khác của con rắn được thấy qua kinh Ví Dụ Con Rắn mà Đức Phật đã dùng để soi sáng tâm thức của Arittha cho việc học, hiểu và hành kinh điển trong đời sống.
Tăng chi bộ IV: 67, có ghi một trường hợp của một Tỳ-kheo đã bị rắn cắn chết và Đức Phật nói rằng nếu vị Tỳ kheo này trải lòng từ đến loài rắn, thì đã không bị con rắn ấy cắn chết. Theo sự ẩn dụ của bài kinh này, Đức Phật muốn nói lòng từ là phương cách ngăn chặn các loài rắn làm hại con người.nguoiphattu.com
Tại Trung Hoa, tục thờ rắn vẫn còn ghi lại qua hình ảnh thần Phục Hy đầu người đuôi rắn hay thần Nữ Oa đầu người mình rắn... Tục thờ rắn trong tín ngưỡng dân gian cũng rất phổ biến ở nước Campuchia. Thần rắn Nāga được người ta dùng làm biểu trưng cho sức mạnh thiên nhiên có ảnh hưởng liên quan đến cuộc sống của họ mỗi ngày.
Từ huyền thoại này cho đến truyền thuyết kia trong nhiều nơi trên thế giới, xứ Việt mình cũng có rất nhiều truyền thuyết về rắn được biết như: Con rắn khổng lồ trong truyện Thạch Sanh Lý Thông. Trong câu truyện này con rắn mang hình ảnh tàn ác bắt dân làng phải nộp cho nó ăn thịt. Nhờ Thạch Sanh ra tay diệt trừ, dân làng mới thoát khỏi họa diệt vong. Một huyền thoại khác nữa được biết trong lịch sử Việt đó là chuyện rắn báo oán mà Nguyễn Trải bị tru di tam tộc. Truyền thuyết kể rằng vì người của Nguyễn Trãi giết sạch ổ rắn con nên rắn mẹ đã hoá thân làm Thị Lộ báo thù.
Tuy rắn có những hình ảnh không đẹp trong qua các truyền thuyết dân gian xứ Việt nhưng trong dòng lịch sử Việt, rắn đã có một vị thế được khắc ghi trong triều vương của vua Gia Long. Khi Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đánh phải chạy đến vùng biển Hà Tiên. Theo sách “Đại Nam thực lục” đã ghi như: “Năm 1782, vua đến Hà Tiên, đi thuyền nhỏ qua biển. Đêm tối không thấy rõ, ở gầm thuyền hình như có vật gì đội, tang tảng sáng nhìn ra thì đó là một đàn rắn. Người đi theo đều lấy làm sợ. Vua giục cứ đi, một lát thì đàn rắn đi mất”.
Ngoài những huyền thoại hay và xấu nói về rắn. Dòng chữ Việt còn có bài thơ rắn do Lê Qúi Ðôn ứng khẩu để tạ tội cha mẹ khi ông còn trẻ là một đứa bé.Bài thơ mang tựa nguoiphattu.com
"Rắn đầu biếng học" qua phần nội dung như sau:
Chẳng phải liu điu cũng giống nhà
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen lời lếu láo
Lằn lưng chẳng khỏi vệt năm ba
Từ nay Trâu, Lỗ xin chăm học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia
Trong quan niệm của người Việt, rắn là con vật bị người ta sợ và ghét. Có lẽ bởi vì nộc độc của nó có thể đe dọa nguy hiểm đến tính mạng của họ. Do đó trong tục ngữ ca dao thường có những câu được biết như: “Khẩu phật tâm xà” | “Đánh rắn là phải đánh dập đầu” | Cõng rắn cắn gà nhà | Hang hùm nọc rắn…Từ những ấn tượng không tốt trong những câu ngạn ngữ dân gian, người ta còn nhân cách hóa thêm các mặt xấu của rắn qua những hình ảnh như:đồ lừa bịp bợm,người hiểm ác, kẻ gian manh hay sự đam mê nhục dục…
Như vậy, hình ảnh của rắn cho dù đứng trong hai khía cạnh tốt và xấu do con người đặt cho nó qua nhiều trường hợp khác nhau. Đương nhiên cuối cùng rắn vẫn là rắn và bản tánh tự nhiên cắn hay mổ của nó không bao giờ thay đổi được. Sự tự lột da để trưởng thành của rắn mãi là hình ảnh biểu trưng cho sự thanh xuân và bất tử.
Nếu có
giây phút rãnh rỗi nào để suy nghiệm thì qua những hình ảnh sự cám dỗ của con rắn trong vườn địa đàng và điều gì mà Đức chúa Giê su muốn dạy về sự "khôn ngoan như
rắn"? hay trong trường hợp của một Tỳ kheo đã bị rắn cắn chết và Đức Phật nói rằng nếu
vị Tỳ kheo này trải lòng từ đến loài rắn, thì đã không bị con rắn ấy cắn chết
(Tăng chi bộ IV: 67), thì con rắn vẫn là một bài học của sự khôn ngoan cẩn trọng và lòng từ bi, bát ái, giúp người…nguoiphattu.com
Đời sống luôn có những thử thách gian truân đầy những cám dỗ và tội lỗi luôn là bản tính con người, dù ở bất cứ thời gian nào và khung cảnh nào. Do đó sự khôn ngoan cẩn trọng để quyết định cho đúng là điều cần thiết giúp cho chiếc áo chân thiện mỹ của mỗi người trong cuộc sống càng thêm đẹp hơn.
Chỉ còn vài trong khoảnh khắc ngắn nhỏ, cái đuôi của thời gian năm rồng đang chuyễn đi, năm rắn sắp đến. Xin chúc mỗi người, mỗi quyết định, mỗi việc làm được thành công rực rỡ như mỗi lần con rắn tự lột xác là mỗi lần con rắn ấy to lớn và khoẻ mạnh hơn.
Kính bút