;
Hàng năm, ngày 17/11 âm lịch, được chọn là ngày vía Đức Phật Di Đà. Theo truyền sử, trải qua 13 đời kế thừa Tổ vị, ngày 17 tháng 11 âm lịch là ngày sanh của Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ (904-975), Tổ sư đời thứ sáu của 13 vị Tổ tông Tịnh Độ Phật giáo Trung Quốc. Do Ngài Hành Tu mật chỉ cho Ngô Việt Vương biết Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ là hóa thân của đức A Di Đà. Từ đó, lấy ngày sinh của Ngài Vĩnh Minh làm ngày vía hàng năm của đức giáo chủ Tây phương Tịnh độ.
Phật A Di Đà nguyên ngữ là Amitabha Buddha. Theo Di Đà Bản nguyện: - Thời quá khứ Phật A Di Đà còn là tỳ khưu Pháp Tạng đã lập thệ nguyện cứu độ hết thảy chúng sanh và nếu những thệ nguyện nầy không được viên mãn thì Ngài không thành Phật. Có 48 lời nguyện, trong đó lời nguyện thứ 18 gọi là Di Đà bản nguyện hoặc Di Đà danh nguyện. Nội dung điều nguyện nầy nói rằng bất luận người nào, hễ xưng danh hiệu của Ngài đều có thể nhờ công đức xưng niệm ấy mà được vãng sanh.
Kinh Vô lượng Thọ quyển thượng (Đại 12,268 thượng) nói:
"Nếu như ta thành Phật, chúng sanh ở 10 phương dốc lòng tin ưa muốn sinh về nước ta, nếu niệm danh hiệu của ta cho đến chỉ 10 niệm thôi, mà không được vãng sanh, thì ta không lên ngôi chánh giác".
Đặc tính của Đức Phật A Di Đà, theo: PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phẩm thứ 12:
PHẬT NÓI VỀ ÁNH SÁNG CHIẾU KHẮP CỦA ĐỨC DI ĐÀ
Phật bảo A Nan: Oai thần quang minh Phật A Di Đà, tối tôn bậc nhất, Chư Phật mười phương, chẳng thể sánh kịp, biến chiếu phương Đông, hằng sa cõi Phật, phương Nam Tây Bắc, cùng bốn phương phụ, hai phương trên dưới, cũng lại như thế. Nếu trên đảnh Phật, hóa hiện tròn sáng, hoặc chiếu một hai, ba bốn do tuần, hoặc là trăm ngàn vạn ức do tuần. Quang minh chư Phật, hoặc chiếu sáng đặng một hai cõi Phật, hoặc chiếu sáng đặng trăm ngàn cõi Phật. Chỉ Phật Di Đà, quang minh chiếu khắp, vô lượng vô biên, vô số cõi Phật.
Quang minh Chư Phật, chiếu sáng xa gần, vốn do chỗ cầu đạo trong đời trước, sở nguyện công đức, lớn nhỏ chẳng đồng, đến khi thành Phật, mỗi vị tự được, chỗ làm tự tại, chẳng cần dự tính. Phật A Di Đà, quang minh ánh rực, thắng vượt hơn ánh, mặt trời mặt trăng, ngàn ức vạn lần, quang minh tối tôn, vua trong Chư Phật.
Vì thế cho nên, Phật Vô Lượng Thọ, cũng có hiệu là Phật Vô Lượng Quang, cũng có hiệu là, Phật Vô Biên Quang, Phật Vô Ngại Quang, Phật Vô Đẳng Quang, là Trí Huệ Quang, là Thường Chiếu Quang, là Thanh Tịnh Quang, là Hoan Hỷ Quang, là Giải Thoát Quang, là An Ổn Quang, Siêu Nhật Nguyệt Quang, Bất Tư Nghì Quang. Quang Minh như thế, khắp chiếu mười phương, tất cả thế giới, nếu chúng sinh nào, chạm Quang Minh nầy, cấu diệt thiện sanh, thân ý nhu nhuyến, nếu trong tam đồ, chỗ vô cùng khổ, thấy Quang Minh nầy, đều được dừng dứt, đến khi mạng chung, đều đặng giải thoát. Nếu chúng sanh nào, chạm Quang Minh kia, oai thần công đức, đêm ngày xưng nói, chí tâm chẳng dừng, chỗ nguyện tùy ý, đặng sanh nước đó.
Và phẩm 13: THỌ MẠNG ĐẠI CHÚNG VÔ LƯỢNG
Phật bảo A Nan: Phật Vô Lượng Thọ, mạng sống dài lâu, không thể tính kể, lại có vô số các chúng Thanh Văn, thần trí thông triệt, oai lực tự tại, lòng tay nắm trọn, tất cả thế giới. Trong đệ tử ta, Đại Mục Kiền Liên, thần thông đệ nhất, ở trong tam thiên đại thiên thế giới, tất cả tinh tú, cùng các chúng sinh, trong một ngày đêm, đều đếm biết số.
Giả sử chúng sanh ở trong mười phương, đều thành Duyên Giác, mỗi một Duyên Giác, thọ vạn ức tuổi, thần thông đều như Đại Mục Kiền Liên, dùng hết Thọ mạng, vận hết trí lực, cùng đem so tính, với số Thanh Văn, trong hội Phật kia, trong ngàn vạn phần, chưa được một phần.
Ví như biển lớn, sâu rộng vô biên, nếu lấy sợi lông, chẻ ra trăm phần, nghiền thành bụi nhỏ, lấy mỗi bụi nhỏ, chấm giọt nước biển, nước trong bụi lông, so với nước biển, nước nào nhiều hơn?
A Nan! Các vị “Mục Kiền Liên” kia, chỗ đếm biết được, như nước bụi lông, chỗ chưa được biết, như nước biển lớn. Mạng sống Phật kia, cùng chư Bồ Tát, Thanh Văn Trời Người, thọ mạng cũng vậy. Không thể nào dùng, toán số ví dụ, mà biết được hết.
Do công đức và hạnh nguyện của đức Di Đà mà cảnh giới Tây phương được tạo lập. Cũng do đặc tính đó mà Thọ mạng và ánh sáng vượt ngoài mọi giới hạn nên còn có nghĩa là "Vô Lượng Quang - Vô Lượng Thọ".
Trong tự tánh của mỗi chúng sanh, trí tuệ Phật tánh biểu thị cho ánh sáng và sự tồn tại miên trường, vì vậy Tự tánh Di Đà cũng đồng nghĩa Phật tánh trong mỗi chúng sanh. Vô lượng pháp môn tu đồng nghĩa vô lượng phương tiện để hiển lộ Phật tánh. Mỗi pháp hành đều có một bí quyết hành trì, tuy khác nhau nhưng mục đích chung là chuyển hóa vô minh để hiển lộ tánh giác. Vì vậy, đức Bổn sư từng bảo: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành" là vậy, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi.
Trong cuộc trầm luân miên viễn, thời gian chỉ là trừu tượng, bậc hướng đạo tạm quy định một thời điểm như hóa thành dụ để kích thích hành giả tinh tấn bơi đến đích, thật ra đích cũng chỉ là hiện tại và mọi vận hành tâm thức cũng chỉ là hiện trạng đương là...
Để tưởng nhớ công hạnh của một đấng giáo chủ, cũng có nghĩa để tín chúng nhìn lại chính mình trên đoạn đường đang đi, ngày 17 tháng 11 hàng năm là tiêu điểm làm mốc cho sự gợi nhớ về đấng đạo sư của một hệ phái mà quần chúng thuộc hệ Bắc truyền đang nương tựa niềm tin mà tiến đạo.
Không chỉ ở Việt Nam, một số quốc gia thuộc hệ Bắc truyền, đang tôn thờ đức Di Đà, đều long trọng chọn ngày 17/11 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ và tự chuyển hóa tụ tánh Di Đà của chính mình để ánh sáng vô lượng được tỏa sáng Trí Tuệ và Từ Bi trong cuộc sống.
25/12/2015