;
Vãng sinh Tịnh Độ luận giảng ký (Phần 5)
Song (ba thân) cũng có khi gọi là pháp thân, ứng thân, hóa thân. (Theo đây thì) ứng thân tức đồng với báo thân. Nay lấy (quan điểm) trước làm chủ yếu. Lại có một cách phân loại khác: một là chân thân, một nữa là ứng hóa thân. Chân thân là trừ hóa thân có thọ mệnh hữu hạn ra, (còn) có một chân thân thọ vô lượng. Song nếu muốn nói cho rõ ràng, thời phải nhờ tông Duy Thức, phân ra làm pháp thân, tự thọ dụng thân, tha thọ dụng thân và hóa thân nữa là bốn. Trừ pháp thân mà ai nấy đều sẵn có ra, Phật còn có một tự thọ dụng thân được trang nghiêm bởi trí tuệ (và) công đức, hoàn toàn thanh tịnh. Đó chính là chân thân của Phật, phàm phu không sao thấy được. Lại (còn) có tha thọ dụng thân của Phật mà các Bồ Tát thấy được, (gồm) vô lượng tướng hảo, và các phàm phu, nhị thừa, và Bồ Tát sơ tâm cũng không thể thấy được. (Thân Phật mà) Bồ Tát chưa chứng ngộ và phàm phu có thấy được thời chẳng qua là hóa thân mà thôi. Hóa thân hoặc lớn như núi Tu Di, hoặc thọ tám vạn bốn ngàn năm, (song) vẫn (chỉ) là hóa thân. Tha thọ dụng thân (mà) đã (có thể) đến khắp tất cả mọi chỗ, thì nói gì đến chân thân? Song các thân này, đều không lìa (ngoài) pháp thân, nên cũng có khi gọi tất cả thân là pháp thân vậy. Giờ nói (về) Bồ Tát: tất cả chúng sinh đều có pháp thân, song chưa (được) trang nghiêm (nên) gọi là tố pháp thân (1). Bồ Tát một mai đăng địa (2), Bát Nhã hiện tiền, có thể thấy tha thọ dụng thân của Phật, vị này cũng phần (nào) chứng (được) pháp thân, từ bi bát nhã cũng có (được) ít phần, nên cũng đã có pháp thân thuộc thật báo trang nghiêm, có thể khởi ra thân ứng hóa. “Mỗi một tâm một niệm phóng ánh sáng lớn” là trong một tâm niệm phóng ánh sáng lớn vậy. Phàm phu trong một tâm niệm (chỉ) thành tựu một sự, (nếu nói) làm đủ loại sự, tuyệt đối không thể được, cần phải nhiều niệm lâu dài mới có thể thành tựu được ít phần. Song Bồ Tát thời có thể ngay nơi chỗ khởi tâm động niệm liền phóng ánh sáng lớn, đến khắp mười phương, để làm gì? (Để) giáo hóa chúng sinh, dùng đủ phương tiện, trừ khổ ách cho tất cả chúng sinh vậy. Song Bồ Tát (khi) cứu khổ, không (chỉ giới) hạn nơi giáo hóa, có vị dùng thần lực chuyển địa ngục trở thành mát mẻ, tựa vua trong thế gian loài người, có thể có quyền lực khiến lao ngục tù phạm, tạm được nghỉ ngơi đó vậy.
CHÚ THÍCH 36:
(1) Tố nghĩa là phác tố, còn thô sơ chưa được tinh luyện. Tố pháp thân ý nói như Phật tính của chúng sinh hoặc “tại triền Như Lai Tạng”. Đành rằng chúng sinh tất cả đều có Phật tính, nhưng cần phải tích tập công đức và trí tuệ trong vô lượng kiếp để trang nghiêm (hay nói khác là để phát triển đến mức viên mãn) lúc đó mới gọi là Phật hay pháp thân đúng nghĩa.
(2) Đăng địa: Đăng nghĩa là lên, đi lên trên một chỗ cao. Ở đây là vào trong địa vị của thập địa Bồ Tát.
BA LÀ (CÁC HÓA THÂN BỒ TÁT) KIA TRONG TẤT CẢ CÁC THẾ GIỚI KHÔNG SÓT (MỘT THẾ GIỚI NÀO), CHIẾU CÁC ĐẠI CHÚNG CỦA CÁC PHẬT HỘI KHÔNG SÓT (MỘT ĐẠI CHÚNG NÀO), (MỘT CÁCH) RỘNG LỚN VÔ LƯỢNG CÚNG DƯỜNG CUNG KÍNH, TÁN THÁN CHƯ PHẬT NHƯ LAI. DO KỆ RẰNG: “NÀO MƯA NHẠC TRỜI, HOA, Y, DIỆU HƯƠNG… CÚNG DƯỜNG, KHEN CÁC CÔNG ĐỨC PHẬT, KHÔNG CÓ PHÂN BIỆT TÂM”.
Bồ Tát hóa thân này nơi tất cả thế giới không bỏ sót thế giới nào, dùng ánh sáng chiếu khắp không sót đại chúng của Phật hội nào, đem vô lượng rộng lớn cúng dường, cung kính, tán thán chư Phật của tất cả các thế giới (1).
CHÚ THÍCH 37:
(1) Lễ kính, cúng dường, tán thán chu Phật chính là chính đạo của Đại thừa vậy. Cái quan niệm cho rằng tu tập trong đạo Phật chỉ là thiền định nhằm giải thoát quả là hạn hẹp và nghèo nàn. Với Đại thừa sự liên hệ với chư Phật qua các hạnh nghiệp lễ bái, cúng dường, tán thán (tức gồm cả chiêm ngưỡng quán tưởng) là tối quan trọng. Sự liên hệ ở đây không hề có tính chất sùng bái thần tượng kiểu tôn giáo, mà nó hoàn toàn thiết yếu để thực hiện và thành tựu con đường Đại thừa, tức con đường thành Phật. Con đường Đại thừa là con đường thực hiện Bồ Đề tâm. Bản chất Bồ Đề tâm vẫn chỉ là tâm thức. Mà tâm thức phi duyên thì không khởi, nghĩa là không lập được. Vì vậy Bồ Đề tâm cũng bắt buộc phải có đối tượng làm sở duyên để khởi và để lập. Và sở duyên lý tưởng và chân chính nhất của Bồ Đề tâm chính là chư Phật mười phương (phải trọn cả mười phương chư Phật thì sở duyên mới viên mãn, nhờ vậy Bồ Đề tâm cũng sẽ viên mãn theo). Tâm có sở duyên để lập, tâm còn cần hạnh nghiệp để huân nữa, thế nên Bồ Tát cần thiết phải lễ bái bằng thân nghiệp, tán thán bằng khẩu nghiệp, cung kính quán tưởng bằng ý nghiệp… để huân tập bằng Bồ Đề tâm vậy. Thế nên Phổ Hiền hạnh nguyện cũng lấy lễ kính, tán thán, cúng dường làm đầu. Ngoài ra là hạnh hồi hướng để lập thành và huân tập từ bi tâm. Nơi đây cũng gợi ý và khơi lên cho thấy rõ hơn ý nghĩa chân thật và đúng đắn nhất của Đại thừa. Đó là Đại thừa chính là Tịnh Độ và Hoa Nghiêm vậy.
BỐN LÀ (BỒ TÁT HÓA THÂN) KIA Ở NƠI TẤT CẢ CÁC THẾ GIỚI KHẮP MƯỜI PHƯƠNG, CÁC CHỖ NÀO (KHÔNG CÓ) BIỂN CÔNG ĐỨC LỚN PHẬT, PHÁP, TĂNG (TAM) BẢO TRỤ TRÌ TRANG NGHIÊM, (THÌ SẼ) HIỂN BÀY ĐẾN KHẮP (CÁC NƠI ĐÓ) KHIẾN (HỌ) HIỂU BIẾT, VÀ NHƯ THẬT MÀ TU HÀNH. DO KỆ RẰNG: “NHỮNG THẾ GIỚI NÀO KHÔNG, PHẬT, PHÁP, CÔNG ĐỨC BẢO, CON ĐỀU NGUYỆN VÃNG SINH, HIỂN PHẬT, PHÁP NHƯ PHẬT”.
Bốn loại công đức của Bồ Tát, một là như thật tu hành, trợ Phật thuyết pháp, hai là phóng ánh sáng diệt khổ cho chúng sinh, ba là cúng dường chư Phật ở mười phương, loại thứ tư này là đến các chỗ không có Phật pháp để kiến lập Tam Bảo. Bồ Tát ứng hóa ở nơi không có Phật pháp, làm Phật, nói pháp, độ Tăng. Công đức của trụ trì Tam Bảo như biển lớn, khiến chúng sinh có được (sự) tu hành. Lại không chỉ một chỗ, (mà) những thế giới nào không có, Bồ Tát sẽ theo nguyện đến giáo hóa vậy.
D- Trang nghiêm công đức nhiếp quy (về) thanh tịnh.
LẠI (CHO) ĐẾN ĐÂY (LÀ ĐÃ) NÓI VỀ SỰ THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ĐỨC CỦA CÕI NƯỚC, SỰ THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ĐỨC CỦA PHẬT, SỰ THÀNH TỰU TRANG NGHIÊM CÔNG ĐỨC CỦA BỒ TÁT, BA LOẠI TRANG NGHIÊM (DO) NGUYỆN TÂM THÀNH TỰU NÀY (LÀ) DO NÓI TÓM NHẬP VÀO MỘT CÂU PHÁP. MỘT CÂU PHÁP LÀ NÓI CHO CÂU THANH TỊNH. CÂU THANH TỊNH LÀ VÌ NÓI CHO PHÁP THÂN VÔ VI CHÂN THẬT TRÍ TUỆ.
Đến đây (đã) nói – (có nghĩa là) đã nói ở trên về ba loại thành tựu, tức là sự trang nghiêm (do) nguyện tâm của Phật A Di Đà, nếu không có nguyện này, thời (ba loại thành tựu) sẽ không được thành. Song dù có nguyện, mà nếu không có hạnh, cũng rốt cuộc không được thành. Nguyện đây tức là bốn mươi tám nguyện, hoặc (chỉ là) một đại nguyện Bồ Đề. Ba loại thành tựu trang nghiêm nguyện tâm này, lấy một câu pháp bao quát lại mà nói, có thể nói tức là hai chữ thanh tịnh. Mà cái gọi là thanh tịnh chính là pháp thân vô vi chân thật trí tuệ, cũng chính là Bát Nhã vô lậu xuất thế, để phân biệt với vọng thức hữu lậu hữu vi của thế gian. Ba loại trang nghiêm, (và) tất cả các thanh tịnh, đều (1) do pháp thân vô vi này mà hiển hiện vậy. Nói về sự khác biệt giữa hữu vi và vô vi: người Trung Hoa nói đến hữu vi và vô vi, phần nhiều bị ảnh hưởng của Nho (giáo) và Đạo (giáo). Hữu vi và vô vi trong Phật pháp rất là đơn giản. Vi có nghĩa là tạo tác, hễ nói sinh, có diệt, có tạo, có quả, có nhân, đủ loại nhân duyên hòa hợp mà sinh đều là pháp hữu vi.
Theo đó làm chuẩn thời tất cả mọi thứ thuyết pháp, độ thế này nọ của Phật và Bồ Tát, không thứ nào chẳng phải là hữu vi. Còn pháp vô vi là tính Không của các pháp vậy. (Như thế thì) ngay Bồ Đề tứ trí (2) do chủng tử mà sinh của Phật (cũng) vẫn là hữu vi. Trong pháp vô lậu cũng vẫn có pháp hữu vi. Một định nghĩa khác là: hữu vi là do nghiệp phiền não làm ra, nói cách khác, sinh tử tạp nhiễm đều là hữu vi. Giải nghĩa như thế thì nghiệp quả vô lậu phải là vô vi. Hai loại định nghĩa này trong A Hàm Kinh thời có, song kiểu định nghĩa trước thì phạm vi của hữu vi rộng, nghĩa là quả giới, định, huệ vô lậu của Phật cũng là pháp hữu vi. Nay y theo thuyết sau (thì) trí huệ vô lậu tương ưng với chân thật đều thuộc về pháp thân vô vi nhiếp hết.
CHÚ THÍCH 38:
(1) Chỗ này nguyên văn có hơi thiếu hụt, song có thể là do thiếu sót hoặc lầm lẫn của ấn loát mà ra.
(2) Bồ Đề tứ tri tức bốn Phật trí (jnana) phân thành bốn loại:
- Đại viên kính trí, - Bình đẳng tính trí, - Diệu quán sát trí, - Thành sở tác trí.
Sự phân loại này thuộc Duy Thức pháp tướng tông. Tu tập để thành Phật nơi đây là do chuyển tám thức thành bốn trí. Nguyên tắc trì chủng và hiện hành của thức và trí có thể nói là đồng nhất, chỉ k