;
Người dân Myanmar đến chùa là để học giáo lý nguyên thủy, thực hành thiền và tụng kinh, cầu nguyện, người dân Myanmar không mê tín, không dâng sao giải hạn,nhét tiền vào tay Phật để cầu tình, cầu tiền, cầu danh... (Hình minh họa)
Đến Myanmar, ai cũng thấy đây là một đất nước nghèo, lạc hậu và chậm phát triển song ai cũng cảm nhận thấy sự bình yên, thư thái, an lạc toát lên từ những ngôi chùa, ngọn tháp ngàn năm tuổi, từ những hàng cây xanh ríu rít tiếng chim ca, từ những khuôn mặt hiền lành, chất phác, thư thái, đầy năng lượng bình an, hạnh phúc của người dân xứ chùa tháp. Có nghịch lý không khi người dân Myanmar nghèo mà vẫn hạnh phúc, an lạc và đầy tình thương?
Không! Không hề là nghịch lý! Bởi 95% dân số Myanmar theo đạo Phật nên họ hiểu, hạnh phúc không bắt nguồn từ đời sống vật chất bên ngoài mà từ đời sống tinh thần an nhiên, tự tại, giàu từ bi bên trong.
Vì thế, họ không chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất mà người phương Tây đã và đang phải trả giá. Người dân Myanmar không ai đi làm thêm ngoài giờ. Sau 5h chiều, họ trở về nhà. Cha mẹ, vợ chồng, con cái quây quần, sum họp. Cuối tuần, họ cùng nhau lên chùa, đến thiền viện hành thiền, tụng kinh, tu tập…
Bởi thế, ngay từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ, đứa trẻ đã được tưới tẩm, nuôi dưỡng bởi năng lượng từ bi của đạo Phật. Khi đứa trẻ 4-8 tuổi, cha mẹ đã gửi đến thiền viện để thực hành thiền, học giáo lý. Thiền viện là nơi dạy kỹ năng sống cho trẻ em, là nơi nam thanh niên phải vào tu học trước khi trưởng thành. Nhiều đứa trẻ đã tình nguyện ở lại sống cuộc đời tu sĩ. Và cha mẹ vô cùng hạnh phúc vì điều đó. Không phải ngẫu nhiên, tầng lớp tu sĩ ở Myanmar đông hơn cả quân đội. Đến Myanmar, hễ bước chân ra đường là gặp nhà sư.
Các nhà sư ở Myanmar tu theo đạo Phật nguyên thủy. Giống như thời Đức Phật còn tại thế, sư không trụ trì chùa mà chỉ tập trung tu và học trong các thiền viện, có nơi hàng nghìn người như thiền viện Kyat Khat Wine. Các nhà sư đi khất thực hàng ngày và ăn uống như người dân. Chỉ khác là không ăn sau chính ngọ (12 giờ), không sát sinh, không tụ tập chỗ đông người, không dùng nước hoa mỹ phẩm, không chung đụng gần gũi phụ nữ…
Chính vì thế, người dân Myanmar đến chùa là để học giáo lý nguyên thủy, thực hành thiền và tụng kinh, cầu nguyện. Buổi sáng, chương trình mở đầu của tất cả các kênh truyền hình trung ương là nghe các nhà sư tụng kinh, thuyết pháp. Chính vì thế, người dân Myanmar không mê tín, không dâng sao giải hạn, không gọi vong từ tiền kiếp, không chen lấn dúi, nhét tiền vào tay Phật để cầu tình, cầu tiền, cầu danh… Họ tin tuyệt tối vào luật Nhân quả. Họ hiểu, họ gieo nhân nào thì gặt quả ấy.
Có thể nói, người dân Myanmar vô cùng thánh thiện, giàu lòng từ bi. Buổi sáng, bao giờ họ cũng nấu nhiều thức ăn. Một phần là để cúng dường các chư tăng. Một phần là để bố thí cho chó, mèo hoang. Những người về hưu, buổi sáng còn thường ra đường tưới nước cho cây cối.
Bởi với họ, cây cối, chim muông, thú vật… cũng là những sinh linh bình đẳng với con người. Một dân tộc biết yêu thương, chăm sóc từng hàng cây, bụi cỏ như chăm sóc con người thì dân tộc ấy không thể làm điều gì xấu, ác được.
Điển hình của lòng từ bi của người dân Myanmar chính là Tượng đài Thouk Chan – nơi an nghỉ của 27000 phần mộ liệt sỹ quân đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ II. Như đã nói, 95% dân số Myanmar theo đạo Phật nên khi chết, họ đều hỏa táng.
Tro cốt hoặc là gửi vào chùa, hoặc là con cháu rải xuống sông xuống biển, rắc lên núi theo tâm nguyện của người mất. Ở Myanmar không có nghĩa trang. Nghĩa địa duy nhất nằm ở thành phố Bago lại chính là nơi tưởng nhớ 27.000 quân đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ 2, tưởng nhớ chính những người đã mang chết chóc, đau thương cho dân tộc họ.
Tôi đã đến nghĩa trang ấy ngay trong ngày đầu tiên đặt chân đến Myanmar. Và tôi đã lặng người khi đứng trước hàng ngàn nấm mộ được xây dựng tuy đơn sơ mà trang nghiêm – nấm mộ của những người đã từng bắn giết biết bao người dân Myanmar vô tội. Rồi tôi nghĩ đến những nghĩa trang của những người lính bên kia chiến tuyến ở Việt Nam.
Tôi hiểu, tôi thấm thía rằng: nếu không có lòng từ bi của đạo Phật thì sao người dân Myanmar có thể tha thứ, có thể thương, có thể xây mộ cho những kẻ đã từng gây bao chết chóc tang thương cho dân mình? Bởi họ cũng là con người. Họ cũng có trái tim biết nhớ, biết thương. Do hoàn cảnh ép buộc mà họ buộc phải cầm súng. Xác thân họ vẫn đang nằm cô đơn ở đây, nơi đất khách quê người. Họ đáng thương hơn đáng giận.
Còn nhớ, khi thực dân Anh sang đô hộ, họ đã tìm mọi cách truyền bá đạo Thiên chúa đến xứ sở chùa tháp nhưng họ đã thất bại. Bởi người dân Myanmar đã nhắc nhở nhau rằng: Phải cố gắng giữ gìn đạo Phật bằng mọi cách. Bởi mất đạo Phật là mất hồn dân tộc. Mất hồn dân tộc là thực sự mất nước.
Chính vì thấm nhuần giáo lý nhà Phật nên Myanmar bình an vô cùng. Suốt mấy ngày ở Myanmar, tôi không hề thấy bóng dáng của một viên cảnh sát nào. Cũng chẳng bao giờ nghe thấy một vụ trộm cắp, giết người nào. Tôi hiểu, khi người ta đã tin vào nhân quả thì dẫu có ép họ đi ăn trộm ăn cắp, giết người, cướp của, họ thà chết chứ không chịu làm.
Ở Myanmar, số lượng ly hôn cũng ít nhất thế giới. Một phần vì họ xây dựng gia đình ở tuổi khá muộn. (Tuổi trung bình kết hôn của nữ là 28 và tuổi trung bình kết hôn của nam là 35). Một phần, tôi nghĩ là quan trọng hơn, người dân Myanmar đã được nuôi dưỡng, tưới tẩm lòng từ bi, sự giác ngộ của đạo Phật ngay từ khi còn bé.
Vì thế, họ có hiểu biết, có tình thương, biết nhìn sâu, biết lắng nghe kỹ, biết chấp nhận sự khác biệt và biết bao dung, tha thứ… Đó mới là hành trang quan trọng nhất, cần thiết nhất để tạo dựng một cuộc sống an vui, hạnh phúc, đầy tình thương chứ không phải bằng này, cấp nọ, nhà lầu, xe hơi…
Tôi đã đi 28 nước trên thế giới. Nhưng với tôi, Myanmar là một trong những nước đã để lại trong tôi những ấn tượng quá đẹp. Ấn tượng ấy không phải là những ngôi chùa, ngọn tháp, bước tượng khổng lồ được dát vàng, gắn đá quý, kim cương mà là ấn tượng về những bản mặt thiện lành, thư thái, an nhiên, tự tại, về những tâm hồn đầy hiểu biết và đầy tình thương.
Vì thế, mấy ngày ở đó, với tôi quá ngắn. Và vì thế, vừa về đến Hà Nội, tôi đã ấp ủ kế hoạch, sẽ quay trở lại Myanamar sớm với hành trình dài ngày hơn. Không phải là những chuyến tất tả ngược xuôi để chiêm bái chùa vàng, tượng ngọc cùng cha mẹ nuôi người Bỉ như chuyến đi vừa rồi mà là vào thiền viện với cuộc hành trình trở về với chính mình, khám phá chính mình với cái đích cuối cùng: an nhiên hơn, tự tại hơn, hiểu biết hơn và nhiều tình thương hơn.
Nhà báo Hoàng Anh Sướng