;
“… Ngọn lửa phát ra từ một con người. Thân thể ông cháy héo khô dần và teo nhăn lại, đầu ông đen dần và hóa than… Khi cháy, ông không hề cử động một cơ bắp nào, không hề bật ra một âm thanh nào. Sự điềm tĩnh của ông thật trái ngược với những người đang rền rĩ khóc than xung quanh”.
Thế giới bị sốc trước hình ảnh tự thiêu kinh hoàng của vị hòa thượng phản đối những tội lỗi của chính thể Nam Việt Nam được Mỹ bảo trợ.
Một loạt các vụ tự thiêu ở Tây Tạng từ tháng Ba năm nay cũng gây sốc đến nỗi truyền thông và người quan sát không thấy dễ dàng để tường thuật và phân tích khách quan.
Vì sao tự thiêu?
Từ ngày 11/03, nhiều người Tây Tạng đã tự thiêu, trong đó có 6 người chết vì các vết thương.
Chính quyền Trung Quốc cáo buộc lãnh đạo tinh thần lưu vong Dalai Lama và các ủng hộ viên đã khuyến khích các vụ phản đối như vậy.
Dalai Lama thì nói “chính sách tàn nhẫn” của Trung Quốc với người Tây Tạng đã gây ra những cái chết do tự thiêu gần đây.
Woser, một blogger Tây Tạng có tiếng, dẫn lời Gyaltsen Rinpoche, hội phó Hội Phật giáo Tứ Xuyên thân Trung Quốc, nói rằng, “tự sát là tội nặng chiếu theo lời Phật dạy, tự gây hại cho cơ thể mình vì bất kỳ lý do gì cũng đi ngược bản tính con người; một loạt các vụ tự hủy thân xác của các vị sư đã gây bối rối và kinh hoàng trong xã hội.”
Nhưng Woser chỉ ra rằng những người Tây Tạng tự thiêu đã hy sinh thân mình giống y như Hòa thượng Thích Quảng Đức 48 năm trước – họ đều là những tử sĩ vĩ đại.
Theo blogger Woser, những người tự thiêu phản đối ở Tây Tạng gửi thông điệp cảnh báo cho những kẻ đàn áp và gây chú ý cho thế giới. Woser cảm thấy “chính những kẻ bạo chúa và chính thể ác độc mới chống nhân loại, mới thiêu đốt các nhà sư và người dân Tây Tạng.”
Quy trách nhiệm
Người Tây Tạng có nhất thiết phải tự thiêu để phản đối? Liệu các vụ tự thiêu có dẫn đến sự bắt chước? Những vụ như thế sẽ thay đổi chính trị Tây Tạng ra sao?
Dibyesh Anand, học giả về quan hệ quốc tế ở Đại học Westminster, London, nghĩ rằng giới chức Trung Quốc và chính phủ lưu vong Tây Tạng dưới quyền tân lãnh đạo Colan Tripa Sangay đã đổ lỗi cho nhau quanh các vụ tự thiêu. Nhưng ông nói cả hai phía đều không làm đủ để ngăn khả năng xảy ra thêm các vụ mất mạng mới trong tương lai.
Giáo sư Anand tin rằng không có khả năng một quốc gia nào sẽ cảm thấy đủ mạnh để gây sức ép buộc Trung Quốc thực thi những thay đổi cần thiết và cải thiện tình hình ở Tây Tạng.
Theo ông, chính phủ Tây Tạng lưu vong và người ủng hộ có thể làm nhiều hơn để ngăn không có thêm người chết vì tự thiêu. Nhưng họ lại bày tỏ đoàn kết với những người này, và như thế có thể khuyến khích người Tây Tạng tự hủy thân xác để phản đối sự cai trị của Trung Quốc.
Chiến thuật này có thể tan vỡ vì các vụ tự thiêu có thể bị truyền thông Trung Quốc sử dụng để mô tả người Tây Tạng là những kẻ cuồng tín tôn giáo.
Phản ứng chính thức của Trung Quốc là hành vi này cần lên án, và chê trách phong trào ly khai Tây Tạng “cổ vũ” những vụ như thế.
Sức mạnh từ bên dưới
Trong quá khứ, Dalai Lama luôn lên án các vụ tự thiêu. Nhưng Dalai Lama lại bày tỏ quan điểm khác khi nói về các vụ tuyệt thực của người Tây Tạng lưu vong diễn ra ở Ấn Độ đầu thập niên 1990. Kể từ đó, Dalai Lama tỏ ra thận trọng hơn và khó biết quan điểm của ngài về các vụ phản đối.
Trong mắt một số người Tây Tạng lưu vong, mâu thuẫn giữa chính phủ lưu vong và chính quyền Trung Quốc là một yếu tố, nhưng lực đẩy thật của các vụ phản đối – những người Tây Tạng bình thường sống bên trong Trung Quốc – đã bị đánh giá chưa đúng tầm.
Chính phong trào biểu tình “bình dân” này có thể làm tương lai các cuộc phản đối trở nên khó đoán và khó được cả hai phe kiềm chế.
Mặt khác, Wang Lixiong, một học giả độc lập người Trung Quốc viết về Tân Cương và Tây Tạng, thường xuyên bày tỏ lo ngại rằng tình cảm dân tộc chủ nghĩa của người Hán có thể không kiểm soát nổi một khi chính trị được cởi trói bớt. Ông lo ngại khi đó, chủ nghĩa dân tộc có thể bắt chính trị trở thành “con tin”.
Nếu kịch bản đó xảy ra, giới chính khách Trung Quốc có thể đối mặt với sự kháng cự của người Tây Tạng và Tân Cương. Nó có thể tạo ra thêm các biện pháp đàn áp khắc nghiệt hơn, thậm chí đổ máu do xung đột sắc tộc.
Theo Temtsel Hao - BBC Việt ngữ
Sáng mãi cuộc đời Hòa thượng Thích Quảng Ðức
Năm lên bảy tuổi, cậu bé Lâm Văn Tức xuất gia tu học với Hòa thượng Thích Hoằng Thâm, vừa là thầy bổn sư vừa là cậu ruột. Năm 15 tuổi, Lâm Văn Tức thọ giới Sa Di, năm 20 tuổi thọ Tỳ Kheo giới lấy tên là Thích Quảng Ðức. Thọ giới xong hòa thượng vào một ngọn núi ở Ninh Hòa tịnh tu ba năm. Về sau ông trở lại ngọn núi này và thành lập một ngôi chùa lấy hiệu là chùa Thiên Lộc.
Sau quãng thời gian sống biệt lập, ông bắt đầu du hành khắp các tỉnh miền trung để giảng pháp về Phật pháp. Sau hai năm ông trở lại nhập thất tại chùa Sắc Tứ Thiên gần Nha Trang. Năm 1932, ông được bổ nhiệm làm chức kiểm tăng tại chi hội Phật giáo Ninh Hòa, sau đó nhận nhiệm vụ kiểm tăng trong tỉnh Khánh Hòa. Trong suốt thời gian ở miền trung, ông đã tiến hành kiến tạo và trùng tu 14 ngôi chùa. Năm 1934, rời Khánh Hòa vào miền nam để giáo hóa, ông cũng từng đến Cam-pu-chia hai năm để học hỏi và nghiên cứu kinh điển theo truyền thống Theravada. Sau đó 20 năm vào hành đạo ở miền nam, ông đã khai sơn và trùng tu ra 17 ngôi chùa cho bà con phật tử. Ông đã có công xây dựng hoặc trùng tu tất cả 31 ngôi chùa. Ngôi chùa cuối cùng nơi ông trụ trì là chùa Quan Thế Âm ở Phú Nhuận - Gia Ðịnh, nay con đường này đã đổi thành chính tên của ông là Thích Quảng Ðức. Ông đã từng giữ chức vụ Phó trị sự và Trưởng ban nghi lễ của Giáo hội Tăng già Nam Việt trong thời gian khá lâu. Trước đó, nhận nhiệm vụ trụ trì chùa Phước Hòa, trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt. Khi trụ sở này dời về chùa Xá Lợi, ông xin thôi việc để có đủ thời gian an tâm tu niệm.
Mùa Phật đản năm 1963, không khí chính trị ở toàn miền nam căng thẳng đến mức nghẹt thở, không có lối thoát cho hòa bình dưới các chính sách của Ngô Ðình Diệm. Tù đày, cảnh bắn giết, lửa cháy ngút trời cùng với bàn tay thép đàn áp những người cộng sản, những người yêu nước và giới Phật giáo gây nên lửa hận thù trong nhân dân. Khi đó, Hòa thượng Thích Quảng Ðức về trụ trì tại chùa Ấn Quang, và không cam chịu cảnh Phật tử Sài Gòn bị đàn áp đang hằng ngày chìm trong vũng máu; Hòa thượng quyết định tự thiêu để phản đối chính sách tàn bạo của chính quyền Diệm - Nhu đối với các tôn giáo miền nam.
Nhà báo Ð.Han-bơ-xtam tờ Thời báo Niu Oóc được chứng kiến đã miêu tả: 'Ngài Thích Quảng Ðức cùng đến với một đoàn diễu hành từ một ngôi chùa gần đó. Khoảng 350 tăng ni đi thành đội hình hai hàng dọc, dẫn đầu là một chiếc xe hơi hiệu Austin. Sự việc đã xảy ra tại ngã tư Phan Ðình Phùng - Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư đường Nguyễn Ðình Chiểu - Cách mạng Tháng Tám, nơi nhân dân thành phố nay đã xây tượng đài trang nghiêm để nhân dân tưởng niệm). Xuống xe, Thích Quảng Ðức từ trong xe hơi bước ra cùng với hai vị sư khác. Một vị trải một tấm nệm trên đường, còn vị kia mở thùng sau xe lấy ra chiếc can loại đựng năm ga-lông xăng. Trong lúc đoàn diễu hành vây tròn quanh, Ngài Thích Quảng Ðức lặng lẽ ngồi xuống tấm nệm, trong tư thế tọa thiền. Vị sư đi theo tưới xăng từ can lên đầu ngài. Ngài lần chuỗi hạt và niệm Nam Mô A Di Ðà Phật trước khi quẹt một cây diêm và tự châm vào người. Lửa phựt cháy trùm áo quần và da thịt ngài, và đám khói đen lẫn với mùi dầu bốc lên từ thân thể đang cháy rực của ngài...'. Và tấm ảnh đức bồ tát Thích Quảng Ðức đang ngồi rực lửa quanh mình, đến nay vẫn như là một bó đuốc sống về ý chí, vì đạo nghĩa, vì cuộc đời của giới cư sĩ Phật pháp và nhân dân Sài Gòn.
Nay kỷ vật đã gắn với cuộc tự thiêu này còn đó. Tại chùa Thiên Mụ bên bờ sông Hương (TP Huế), có một chiếc ô-tô cũ được nhà chùa bảo quản chu đáo, kỹ càng. Các Phật tử từ nơi xa đến hoặc khách du lịch không thể không đến xem khi đến Huế. Ðó là khi ta chiêm ngưỡng chiếc xe cũ đã nhuốm mầu thời gian - chiếc xe nhãn hiệu Austin Westminster mà gần 50 năm trước, Hòa thượng Thích Quảng Ðức cùng đoàn diễu hành ra nơi tự thiêu vào ngày 11-6-1963, để phản đối chính sách hà khắc với tôn giáo của chính quyền Diệm - Nhu.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, hình tượng đức bồ tát Thích Quảng Ðức và chiếc ô-tô Austin Westminster chở bồ tát ngày ấy đã cũ, mầu sơn đã bạc, ghế nơi Hòa thượng Thích Quảng Ðức ngồi đã rách, bục chỉ. Nhưng, chiếc xe mang biển số DBA 599 - là kỷ vật vô giá vẫn sống mãi với sự kiện bi hùng của tấm lòng đạo phật. Hình tượng bồ tát Thích Quảng Ðức tự thiêu làm cho tấm lòng yêu nước của cư sĩ, tín đồ đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc, hướng tới bình an, công bằng - bác ái và tự do.
Theo Phạm Hồng Lam - NDO
Quần Anh Tổng hợp