;
Hình mình họa
Sự khác nhau giữa chữ "Viên Tịch" và "Tân Viên Tịch" Trước năm 1954 tại Miền Bắc và trước năm 1975 tại Miền Nam gần như chưa bao giờ thấy chữ "Tân Viên Tịch" trên các văn bản cũng như các phương tiện truyền thông, nhưng gần đây người ta thấy chữ "Tân Viên Tịch" được dùng ngày càng nhiều để chỉ sự kiện một vị Tôn Đức Tăng Ni Giáo Phẩm vừa viên tịch.
Vậy trong Kinh Luận có sự khác nhau giữa viên tịch và tân viên tịch không ? Nếu không có sự khác nhau thì tại sao lại dùng chữ "tân viên tịch" thay vì dùng chữ "viên tịch" như trước năm 1975 ?
Trong Kinh Luận Đại Thừa thì có Tân Vãng Bồ Tát và Cựu Trụ Bồ Tát, tức là tên gọi để phân biệt Bồ Tát mới vãng sinh về cõi Tịnh Độ với Bồ Tát đã trụ ở Tịnh Độ từ trước. Nhưng đấy là một phạm vi kinh luận khác còn chữ "Tân" trong "Tân Viên Tịch" chỉ thuần là phạm vi ngôn ngữ mà thôi.nguoiphattu.com
Ở Miền Nam trước năm 1975 thì chữ "tân" được dùng dưới ý nghĩa tỉnh từ (new) nhiều hơn trạng từ (newly) như tân hôn, tân lang, tân giai nhân, tân gia, v.v...; tuy thỉnh thoảng cũng có dùng ở vị trí trạng từ nhưng ít lắm.
Bây giờ do ảnh hưởng ngôn ngữ mới (Tiếng Bắc Kinh/Quan Thoạ /Chữ Giản Thể) của người Trung Quốc mà báo chí trong nước thường dùng chữ "tân viên tịch" để chỉ sự vừa mới viên tịch rồi báo chí ở hải ngoại tưởng dùng như thế là đúng và bắt chước theo.
Trong chữ "tân viên tịch" thì chữ "tân" (mới, vừa xảy ra) là trạng từ; chữ "viên tịch" là động từ. Chữ "tân" trong "tân viên tịch" hoàn toàn không mang nghĩa "mới" (tân, new / tỉnh từ) để đối chiều với "cũ" (cựu, old, former / tỉnh từ) mà chỉ mang ý nghĩa "vừa xảy ra" (tân, recently / adverb).
Về phương diện kinh luận Phật học thì chữ "tân viên tịch" cũng không được khế lý mặc dầu trong ý nghĩa xã hội thì có vẻ khế cơ. Viên tịch hay niết bàn (Sancrit: Nirvàna / Pali: Nibbàna) là một biến cố cấp kỳ, xảy ra trong sát-na chớp nhoáng (mỗi ngày có 24 giờ và gồm 4.800.000 sát-na) như thổi tắt ngọn đèn, và có nghĩa là diệt tận vòng quay sinh tử luân hồi, hoàn toàn giải thoát để vào một cõi sống khác đầy an lạc.
Khoảnh khắc viên tịch như một niệm, khởi lên và tan biến ngay lúc đó như khi ta nghĩ về, nhớ đến hình ảnh người yêu thì hình ảnh đó hiện ra ngay cho dầu chàng hay nàng đang đi du lịch đâu đó trên địa cầu này.
Tình trạng đau yếu, và thời gian bệnh hoạn, kể cả khoảng thời gian lâm chung và trăng trối không phải là thời điểm viên tịch mà là giai đoạn trả nghiệp lành, dữ mà người lâm chung đã tạo ra trong đời của họ. Để hình dung được sự viên tịch và hành viên tịch thì phải hiểu sát-na là gì ?
Nhất sát na vi nhất niệm.
Nhị thập niệm vi nhất thuấn.
Nhị thập thuấn vi nhất đàn chỉ.
Nhị thập đàn chỉ vi nhất la dự.
Nhị thập la dự vi nhất tu du.
Nhất nhật nhất dạ hữu tam thập tu du.
一刹那为一念
二十念为一瞬
二十瞬为一弹指
二十弹指为一罗预
二十罗预为一须臾
一日一夜有三十须臾
1 sát na là 1 niệm
20 niệm là 1 thuấn
20 thuấn là 1 đàn chỉ
20 đàn chỉ là 1 la dự
20 la dự là 1 tu du
1 ngày 1 đêm có 30 tu du.
["Nhất Sát-Na" Thị Đa Cửu / Huỳnh Chương Hưng dịch]
Tóm lại, chúng ta nên nói và viết "Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Tịch vừa viên tịch lúc 11 giờ 22 phút 33 giây ngày 14 tháng 11 năm 2014" là khế lý và khế cơ nhất.