;
Sau 1975, không hiểu lý do nào, trong Phật giáo thường dùng chữ Tân chỉ cho một vị vừa viên tịch mà trước 1975 không hề thấy xuất hiện.
Theo Từ điển của Thiều Chửu, Tân có 10 chữ chỉ cho văn nghĩa khác nhau, trong số đó, chỉ có chữ Tân là mới đang áp dụng cho trường hợp một vị vừa viên tịch.
Tân đối nghĩa với cựu, nghĩa là mới và cũ, ví dụ Tân Thủ tướng và cựu Thủ tướng; nghinh Tân tống cựu…Thế thì Tân viên tịch phải có cựu viên tịch, ngôn ngữ Việt Nam không hề có như thế.
Ai là người đầu tiên khởi xướng dùng chữ Tân áp dụng cho một vị vừa viên tịch mà trên các tràng hoa phúng điếu thường xuất hiện ngay cả cấp cao Tăng trung ương?
Tuy khó nghe một khi ai đã từng biết chữ Hán, biết rằng có vấn đề không ổn, nhưng chẳng thấy ai đặt vấn đề mà Phật giáo Việt Nam vốn lấy Hán tự làm nòng cốt cho mọi kinh điển Bắc truyền. Ngày nay, ngoài xã hội cũng đã sử dụng nhiều ngôn từ mà báo chí đang đặt vấn đề cần làm trong sáng chữ Việt, lẽ nào Phật giáo vốn uyên bác cữ Hán lại mặc nhiên chấp nhận cách dùng chữ như thế?
Tân viên tịch ý nói vừa mới viên tịch, chữ Tân đây là mới chứ không có nghĩa vừa mới. Làm gì có mới viên tịch và cũ viên tịch? Nên chăng, hoặc dùng chữ vừa mới viên tịch dễ nghe hơn, hoặc muốn dùng thoạt viên tịch theo âm Hán để ám chỉ sự kiện một Tu sĩ vừa thoát trần?
Mong Chư tôn đức am tường chữ Hán cần nghiên cứu lại cách sử dụng chữ Hán theo cách trên để mỗi khi phúng điếu, trên các tràng hoa không còn xuất hiện một cách nghịch lý như thế.
14/4/2015