;
Chúng tôi không khỏi giật mình khi tác phẩm Việt Nam Phong Tục của tác giả Phan Kế Bính viết năm 1915 (NXB Văn Học; NXB Văn Hoá Thông Tin; NXB Hồng Đức) lần lượt tái bản, một tác phẩm có quá nhiều vấn đề cần phải bàn cãi, phải cần nghiêm túc hiệu đính, chỉnh sửa để phù hợp với thời đại. Nhất là nội dung khi nói về Phật giáo mang tính khá cục bộ, thiển cận và bài xích có chủ đích.
Không hiểu thế nào mà NXB Kim Đồng lại tiếp tục tái bản và phát hành tập sách vào ngày 12/04/2020 với lời giới thiệu: -Tập sách có thêm phần chú giải, hiệu chỉnh giúp độc giả ngày nay có thể hiểu rõ hơn tác phẩm... Ấn bản được in bìa cứng với gần 100 minh hoạ sống động của hoạ sĩ Bùi Ngọc Thuỷ. (Lời Giới Thiệu của NXB).
Nhưng không hiểu vì sao, tác phẩm được duyệt thế nào, hiệu đính và cấp phép xuất bản ra sao mà toàn bộ nội dung nói về Phật giáo đều vẫn giữ nguyên sự lệch lạc, sai trái, gây ra sự ngộ nhận rất lớn của giới độc giả, tri thức ngấm ngầm hiểu sai về Phật giáo và lý tưởng cao đẹp của người xuất gia.
1. Ông PKB viết về Đạo Phật: -Đạo Phật bày ra lắm điều kỳ ảo: nào luân hồi, nào siêu thoát, nào họa phúc, nào nhân quả, nói toàn những mối dị đoan, làm cho lòng người mê tín mà không ích cho sự thật, cho nên đạo Nho phải bác đi không cho là chính đạo (tr.172).
2. Ông viết về người xuất gia: -Tuy lưu truyền đã lâu, làng nào cũng có chùa thờ Phật, dân gian vẫn còn cúng bái sùng phụng, nhưng chẳng qua là bọn ngu phu, ngu phụ theo thói quen mà cúng vái chớ kì thật thì không mấy người mộ đạo. Trừ ra mấy kẻ bực đời đi tu, còn phần nhiều là bọn ăn bơ làm biếng, trốn chúa lộn chồng, mượn cửa Bồ Đề mà nương thân. Còn bọn hạ lưu xã hội, mê tín sự báo ứng, thì toàn là bọn ngu xuẩn, thấy nam mô thì cũng nam mô, thấy sám hối thì cũng sám hối, còn hiểu gì là đạo Như Lai nữa.
Huống chi lại còn nhiều kẻ tính tình rất hung bạo mà cũng mượn cửa thiền để làm nơi trú ẩn. Tiếng là đi tu, mình mặc cà sa, đầu đội nón tu lư, tay lần tràng hạt, mặt giả dạng từ bi, mà bụng dạ thì như rắn như rết, nào rượu ngon, nào gái đẹp, nào thịt chó hầm hoa sen, nào thịt lợn viên nhỏ làm thuốc đau bụng, nào quần áo và ích. Nam mô một bộ dao găm, hổ mang hổ lửa, sự ấy mới lại gớm ghê nữa. (tr.224).
3. Khi ông viết về những nội dung mang tính định nghĩa, lịch sử quan trọng về Đức Phật và giáo pháp:
- Phật giáo do đạo Bà La Môn mà ra (tr.219).
- Ông Thích ca Mâu Ni thấy bọn thầy tu đạo Bà La Môn sinh lắm điều tệ, và lại thấy người ta ai cũng ở trong vòng luân hồi chịu những cảnh khổ não, như là: Sinh, lão, bệnh, tử, là bốn cái kiếp khổ nạn, vì thế chán đời, mà cầu một phép để giải thoát cái khổ não ấy, mới dựng là một tôn giáo riêng gọi là Phật giáo . Môn đồ về sau, suy tôn ông ấy là Phật tổ Như Lai (tr.220).
- Ông Thích Ca cũng đã lấy ba vợ, sinh một đứa con trai tên là La Hầu La,... Được bảy năm, xẩy tỉnh ngộ được đạo huyền diệu, tự xưng là Bồ Đà (Bobbha) (tr.220).
- Tục truyền ông ấy về sau ăn mỡ lợn, phát trướng mà mất ở Câu Thi. Lúc gần mất ông ấy nói rằng: Nay ta đã lên cõi Niết bàn, nghĩa là lên đến chỗ cực lạc thế giới. (tr.221).
- Khi ông nói về vua Asoka (Vua A Dục): - Trước Thiên Chúa 234 năm (năm thứ 54 đời Chu Noãn Vương), vua Kế Ma đại hội Kinh đô, duy lấy Phật giáo làm tôn chủ, bắt ép người trong nước phải theo, và sai bọn thầy chùa làm giáo sĩ, đi ra ngoại quốc mà truyền đạo; từ đó Phật giáo mới lan cả ra thế giới vậy. (tr.222).
- Ông nói về Ngài Huyền Trang đi mua kinh tại Ấn độ: -Năm Trinh Quán thứ 3 đời vua Thái Tông nhà Đường, thầy chùa là Huyền Trang đi men Tây Tạng sang Ấn Độ mua được kinh Phật 650 bản. (tr.223).
- Khi ông nhận định về mục đích của đạo Phật: -Mục đích đạo Phật, chỉ hai chữ hư vô là kiêm hết. Có câu rằng: Hết thảy không có cái gì, chỉ vì cái nhân duyên mà sinh ra. Nay dẫu tạm có, nhưng bản tính vẫn là không. (tr.221).
- Ông cho rằng toàn bộ kinh Phật chỉ có 42 chương, chia làm ba quyển, gọi là kinh Tam tạng. Và Tứ thiền thì không còn chịu luân hồi nữa, ông còn cho rằng luân hồi nghĩa là do kiếp trước làm những điều tội ác thì chết xuống âm phủ để chịu những tội khổ sở, rồi kiếp sau làm các giống xúc vật chịu khổ ải - Và cho rằng: Âm phủ có 136 cái động là những nơi ngục hình làm tội người ác (tr.222) - những điều thế này mà ông đã dùng để định nghĩa về Phật giáo.
4. Về việc đi chùa, học đạo của người Phật tử ông viết: -Một là người đàn bà già cả ở nhà thì buồn bã không vui, muốn mượn cửa thiền để khuấy khỏa lúc cảnh già, hai là những người mê tín đạo Phật, nghĩ mình thuở bình sinh nhiều điều ác nghiệt, e mai sau mất đi thì phải vào ngục Diêm Vương cho nên nương thân của Bụt ngày đêm tụng kinh cầu Phật Trời phù hộ mạnh khỏe sống lâu, mà ngày sau mất đi được về Tây phương cực lạc thế giới. Vậy nên động nói là nam mô, động đi đâu là lạy chín phương trời, mười phương chư Phật. Có người già cả yếu đuối cũng cố bò đến cửa chùa khấn la khấn liệt, lạy lấy lạy để, ấy thực là một điều mê tín của đàn bà ta, mà không ích gì cho đến mình cả.
Và, mỗi tháng đóng góp vào nhà chùa; người có của hay là có con cái giúp đỡ cho đã vậy, người không có con và người không có của mà cũng chịu khó nai lưng cố sức làm ăn, để gánh vác một sai lính nhà Phật, sao mà thiên hạ xuẩn làm vậy? Song điều đó chẳng nên trách gì các bà già, chỉ vì nữ giới nước ta không có học thức mà thôi, mà đàn bà không có học thức, cũng bởi cách giáo dục chưa rộng vậy. (tr.188).
Còn rất nhiều nội dung sai lầm một cách căn bản về định nghĩa quan trọng trong kiến thức Phật học, lịch sử Đức Phật, giáo pháp và mang tính bôi nhọ lý tưởng học đạo, đi chùa của người Phật tử cũng như lý tưởng xuất gia cao đẹp.
Thiết nghĩ, NXB Kim Đồng là nơi mà rất nhiều bậc phụ huynh tin tưởng để chọn lựa sách cho con em mình, nếu các em vô tình tiếp xúc những quyển sách thiếu kiểm duyệt, thiếu trách nhiệm đính chính và cầu thị như thế này đang được liên tục phát hành số lượng lớn trên thị trường, thì vô hình chung sẽ gieo vào tâm thức các em những cái nhìn lệch lạc về Phật giáo sau này.
Về một đạo Phật sai lệch, bi quan, chán đời, xưng hô thiếu văn hoá như “thầy chùa”, phủ nhận toàn bộ những giá trị đóng góp của Đức Phật, của Phật giáo, của các vị vua có công như vua A Dục, các vị danh Tăng như Ngài Huyền Trang, và những vị xuất gia đang ngày đêm đóng góp đời mình cho những lợi ích xã hội, đạo đức tâm linh, quân bình một xã hội vật chất và tinh thần.
Người xưa đã sai, mà người nay vẫn lại tiếp tục sai lầm như thế sao? Vậy mong rằng, những người được coi là chịu trách nhiệm nội dung thì hãy thật sự chịu trách nhiệm như một lời cải chính, ngưng lại việc phát hành, tiếp tục hiệu đính và cầu thị những nhà tri thức Phật giáo để có cái nhìn đúng đắn hơn. Bằng không mỗi quyển sách được tiếp tục in ra là thêm một nỗi đau, một thành kiến trên cùng một vết thương đang còn rướm máu.
Chúng ta có thể im lặng, nhưng sự im lặng của chúng ta sẽ khiến cho bao người tiếp tục hiểu sai về Phật giáo, nên chăng mỗi người cùng đóng góp một tiếng nói trên tinh thần cầu thị, ngăn chặn những sai lầm lệch lạc đang âm thầm phá hoại những tâm hồn non trẻ khi nhìn về đạo Phật trong trách nhiệm của một người xuất sĩ, một Phật tử, một người con Phật. Cũng như góp phần bảo vệ những giá trị cao quý, cốt lõi đáng quý mà bao thế hệ qua cộng đồng Phật giáo vẫn luôn âm thầm đóng góp cho nền tảng đạo đức chung của nhân loại.
Los Angeles, 15/06/2020.