;
>Chuyện không thể tin ở bệnh viện Đà Nẵng
Cách đây 2 ngày nghe tin anh bị hôn mê, nhưng sau đó tỉnh lại, nghe tin đó, ai cũng mừng và cầu mong cho anh qua khỏi. Đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, điện thoại chia sẻ với chúng tôi như vậy. Trước tình hình nguy kịch và sức khỏe của anh Nguyễn Bá Thanh chuyển biến xấu, nên trong mấy ngày qua, ngoài gia đình, người thân và đội ngũ y bác sĩ tận tình săn sóc. Thành ủy Đà Nẵng liên tục cử người túc trực cùng chăm sóc anh Thanh, và động viên gia đình…
Vẫn biết là “sinh hữu hạn, tử bất kỳ”, nhưng sự ra đi của anh trong lúc này quả là đột ngột, đột ngột đến sửng sốt. Mới cách đây tuần lễ, khi chúng tôi gặp chị Quý, chị bảo anh Thanh nhờ tôi chuyển lời cảm ơn anh, chị em báo chí trong suốt thời gian qua đã quan tâm theo dõi, đưa tin về sức khỏe của anh. Mặt đượm buồn khi chúng tôi hỏi về bệnh tình của anh, chị bảo sức khỏe của anh không được tốt, nhưng vẫn tỉnh táo.
Cả Đà Nẵng lúc này dường như không nghĩ gì đến Tết, dù rằng cái Tết đã cận kề. Từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất, đến người lao động bình thường. Từ người dân các phường nội thành, đến các xã miền núi ở huyện Hòa Vang và cả nhân dân các huyện lân cận của Quảng Nam, bỏ dở việc sắm Tết đổ về đường Cách mạng Tháng Tám, nơi nhà riêng của anh Nguyễn Bá Thanh tọa lạc.
Người dân tập trung trước cửa nhà riêng ông Nguyễn Bá Thanh khi nghe tin ông qua đời.
Tại đây ai cũng ngậm ngùi, nhiều người thổn thức khóc. Người ta túm năm tụm ba nhắc lại những kỷ niệm một thời anh Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch UBND thành phố.
Bà Trần Thị Út (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), hai mắt đỏ hoe: "Đà Nẵng được như ngày hôm nay là nhờ ông Bá Thanh. Khi nghe tin ông ấy yếu và được chuyển về nhà, tôi đã đến ngay nhà ông ấy để tỏ lòng biết ơn và hy vọng được nhìn ông ấy lần cuối".
Chị Nguyễn Thị Hồng Phú (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) nói trong nước mắt: "Tôi đang đi bán vé số mà khi nghe tin ông Bá Thanh mất, tôi không cầm được nước mắt. Tôi liền đến nhà ông, biết là không thể vào nhìn mặt ông trong lúc này, nhưng tôi cũng cứ đến. Người nghèo như chúng tôi đội ơn ông Thanh nhiều lắm…!".
Thế mới biết người dân Đà Nẵng tin và yêu anh đến nhường nào.
Than ôi! Một con người bình dị, một tấm lòng vì dân đã vội ra đi. Lòng dân sao không quặn thắt, tâm tưởng sao không bùi ngùi, tiếc nuối. Oái oăm thay! Cứ bảo "Trời cũng có mắt", nhưng hóa ra Trời chẳng có mắt đâu. Người tốt, người tử tế lại không cho thọ.
Trước năm 1997, Đà Nẵng tiếng là thành phố, nhưng “còi cọc” trong nắng lửa miền Trung. Dưới bàn tay chèo lái của anh, Đà Nẵng thay da đổi thịt từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Từ lúc anh làm chủ tịch năm 1996, đến năm 2003 làm Bí thư Thành ủy, Đà Nẵng từng bước, từng năm được định hình, trở thành thành phố được coi là “thủ phủ”, là “đầu tầu”, là “động lực phát triển kinh tế” của miền Trung.
Anh chính là “kiến trúc sư trưởng” trong cuộc tái thiết một Đà Nẵng như hôm nay.
Nhìn xa trông rộng, có tầm khái quát và lại có tính thiết thực, không viển vông là một trong những phẩm chất ở anh. Bài học “quy hoạch” anh để lại cho cán bộ quy hoạch thành phố. Đấy là khi quy hoạch làm đường, phải để lại hai bên đường một khoảng trống có chiều sâu khoảng 30 hoặc 50m. Để đến khi thực địa thành hình, quy hoạch trở thành hiện thực, khoảng đất trống ấy là “đất vàng” được đem ra bán đấu giá. Số tiền ấy được đem đầu tư phát triển kinh tế xã hội rất hiệu quả ở một thành phố đang phát triển nhưng thiếu vốn rất căng thẳng. Tầm nhìn có tính “chiến lược” này đã giúp cho thành phố giải được bài toán thiếu vốn; sau đó là bài toán quy hoạch, phát triển.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, hơn ai hết, chính anh hiểu thấu điều đó. Nên anh đã chủ động đặt nền móng hiền tài, xây dựng từ gốc. Đó là duyệt chi hàng trăm tỉ đồng xây dựng trường trung học chuyên Lê Quý Đôn. Rồi cùng “xắn tay” với các nhà giáo dục soạn thảo quy chế. Và từ mái trường này đã có hàng trăm kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo từ các trường Đại học trong và ngoài nước trở thành những cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên gia các ngành kinh tế, chính trị, xã hội của thành phố đang làm việc hết sức hiệu quả.
Đà Nẵng không bị chảy máu chất xám vì chính cái chính sách khuyến khích chăm lo nhân tài như một lẽ tự nhiên ấy. Chỉ người tài năng mới biết trọng tài năng, phục tài năng, mới loại bỏ thói đố kị, ghen ghét, thói đề cao bản thân “anh hùng nhất khoảnh”, để tâm đào tạo nhân tài, thu hút người tài về với Đà Nẵng.
Anh cũng là người thấu hiểu cặn kẽ lời dặn của tiền nhân “Chở thuyền là dân và lật thuyền cũng là dân”. Nguyễn Bá Thanh hiểu sâu sắc sức mạnh của lòng dân, nên đã chăm lo cho dân từ việc nhỏ nhất, con người cụ thể nhất. Hiếm có vị lãnh đạo nào lại thấu hiểu cuộc sống từ bà bán ốc hút ven đường, đến anh xe thồ, xích lô và cả những người vừa mãn hạn tù… như anh. Gần và đồng cảm, chia sẻ, nên anh đã có hàng loạt chính sách giúp người yếm thế vươn lên.
Giá trị đích thực của một người gần dân, vì dân, không hẳn chỉ là những lời ngợi ca. Giá trị đích thực ấy chính là dòng người ngày hôm nay đang tuôn chảy về đường Cách mạng Tháng Tám, về số nhà 189 trên con đường này. Giá trị đích thực ấy khi nhân dân nghe tin anh từ một bệnh viện nước Mỹ trở về quê mẹ.
Nhân dân bao giờ cũng sáng suốt, công bằng như thế!
Đặng Trung Hội
Nguồn: http://petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/vinh-biet-mot-trai-tim-nhan-hau.html
Bài hát về ông Nguyễn Bá Thanh