;
Sám hối là hình thức phát lồ sự sai phạm để rồi từ đó ăn năn hối cải không dám sai phạm.
Kinh Hoa Nghiêm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm thập đại nguyện vương: Nguyện thứ tư là sám hối nghiệp chướng.
Sám hối là lời dịch của chữ Hán chuyển ngữ từ chữ Sanskrit. Sám là tiếng Phạn ( Ksama ) có nghĩa là hối cải, phát lồ tội đã tạo trước đây, bộc bạch để đại chúng biết, thì tội lỗi sẽ giảm nhẹ. Hễ càng giấu tội thì tội càng không tiêu. Hối là sửa quá khứ tu vị lai. Có lỗi biết sửa, sau này không tái phạm. Tinh thần và sự lợi ích của sự sám hối là để trừ nghiệp ác; sám hối có hai phần: sự và lý.
Các nước văn minh, mỗi khi có sai phạm, đều nói lời xin lỗi, xin lỗi chỉ là hình thức nhận tội, Kito giáo có câu: “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng” chưa đủ vế thứ hai là ăn năn. Nhận lỗi rồi còn phải thật lòng ăn năn, hối cải nguyện không tái phạm. Hai chữ sám hối đầy đủ nghĩa nhận lỗi và xin chừa. Giáo hoàng John Paul II xưng thú 7 núi tội, có nghĩa xin lỗi loài người với 7 núi tội mà giáo hội đã phạm phải, đó chỉ là sám, còn hối thì sao? Vừa rồi, một Kỹ sư Nhật tự sát vì cầu treo đứt cáp tại Thổ Nhỉ Kỳ, mặc dù không xẩy ra án mạng, đó là phong cách hối lỗi của người Nhật, thể hiện một nhân cách có văn hóa tự trọng.
Trong cuộc sống không thiếu những nhân cách tự trọng, có ý thức nhận lỗi, tuy không nói ra, nhưng chắc chắn họ tự hứa lòng là không bao giờ tái phạm. Trong luật nhà Phật, mỗi nửa tháng một lần tụng giới, Tỳ kheo phạm lỗi, đối trước đại chúng phát lồ xin sám hối, được đại chúng chứng minh và hoan hỷ, người sai phạm cảm thấy nhẹ nhàng và nguyện không tái phạm. Đó là nghi thức sám pháp khi tụng giới giữa chúng Tăng.
Khi điều hành Phật sự, không ai là không một lần bị sai phạm ảnh hưởng đến người khác, nhưng hầu hết ít ai can đảm đứng ra nhận lỗi trước quần chúng hay giữa đồng đạo; quần chúng hay đồng đạo cũng hoan hỷ nếu đương sự biết hối lỗi ăn năn; và cũng không ít vị ngoan cố, bảo thủ cố chấp cho dù đại chúng cho đó là sai.
Trong cuộc giải quyết nội tình chùa Lộc Uyển tại chùa Linh Sơn, Văn phòng Tỉnh hội Lâm Đồng, vào lúc 14 giờ ngày 06/4/2015 nhằm ngày 18 tháng hai Ất Mùi, gồm HT. Thích Toàn Đức, Trưởng BTS PG Lâm Đồng, thầy Thích Linh Toàn, toàn bộ nhân sự BTS Tỉnh và Phân ban Ni giới Lâm Đồng, có các nhân sự trong cuộc như thầy Thích Viên Thanh, sư cô Minh Liên, sư cô Khánh Hạnh, trước khi quyết định lưu nhiệm sư cô Minh Liên làm trụ trì chùa Lộc Uyển, HT Thích Toàn Đức, Trưởng BTS PG tỉnh đã tự nguyện sám hối trước đại chúng trong phòng họp, chắp tay hướng về đại chúng thầy nói: Mọi sai lầm đưa đến cuộc khủng hoảng chùa Lộc Uyển hôm nay là do lỗi BTS tỉnh đã quá tin tưởng BTS PG Thành phố đề bạt, nay tôi xin sám hối cùng đại chúng, và sư cô Minh Liên cũng như sư cô Khánh Hạnh đều quỳ sám hối trước HT. Trưởng BTS tỉnh cùng đại chúng. Sau đó,BTS tỉnh quyết định lưu nhiệm sư cô Khánh Hạnh làm phó trụ trì mặc dù quyết định năm 2007 của cố HT Thích Từ Mãn không đúng hiến chương đối với một khuôn hội như Lộc Uyển lúc bấy giờ (trước khi nâng cấp lên chùa) sư cô Khánh Hạnh tuyên bố xin từ chức phó trụ trì Lộc Uyển.
Điều muốn nói ở đây, lần đầu tiên trong Phật giáo, một vị đầu ngành Phật giáo tỉnh đã tự nguyện chân thành sám hối trước đại chúng mà hầu hết là nhân sự thuộc quyền và con em của ngài. Tương phản với phong cách tự nguyện nhận lỗi và sửa sai đó, thầy Viên Thanh vẫn ngoan cố bảo thủ tính kiên cường, vẫn lên giọng chụp mũ vu cáo kết tội sư cô Minh Liên theo ngụy, thầy Linh Toàn bèn tuyên bố: tôi đã làm việc với công an, xác minh sư cô Minh Liên vô tội, một vị tu sĩ trẻ yêu cầu thầy Viên Thanh trả con dấu chùa Lộc Uyển để trụ trì làm việc, Viên Thanh quát nạt: chú biết gì mà nói. Hẳn nhiên cả hội trường không ai đồng thuận với phong cách của một vị trưởng BTS PG Thành phố như thầy Viên Thanh. Hai nhân cách của hai vị trưởng BTS PG tỉnh và Thành phố, đồng thời thầy Viên Thanh cũng là phó BTS PG tỉnh, đã cho thấy giá trị của một nhân cách tu sĩ trước đại chúng, và khả năng điều hành Phật sự qua các nhiệm kỳ, vì thế, ai đã biết về nhân thân của thầy Viên Thanh, không lạ gì những thủ đoạn từng áp dụng đối với một số tu sĩ truớc đây từng mang thương tích để họ phải bỏ chùa ra đi.
Có lẽ không chỉ những ai có mặt trong cuộc họp ngày hôm qua, nghe được phong cách của một bậc trưởng thượng cấp Tỉnh mà can đảm chắp tay sám hối việc sai phạm của mình, tất cả đều kính cẩn nghiêng mình tôn kính một bậc ứng cúng của Thiên nhân sư mà đức Thế tôn từng giao phó. Đây là một bài học cho toàn bộ tu sĩ Phật giáo đang thi hành phật sự, vừa thể hiện tính khiêm cung, vừa chân thật chính mình, vừa chứng tỏ một nhân cách văn hóa có ý thức.
Hạ mình không phải là xấu mà hạ mình là cách tôn kính mọi người trước khi mọi người tôn kính mình.
Lộc Uyển kết cuộc thế nào khi quyết định của BTS tỉnh có văn bản, hạ hồi sẽ kết thúc một sự kiện đắng lòng cho nội tình tu sĩ trẻ ngày nay, nhưng dẫu sao vẫn là một kết thúc có hậu khi văn hóa sám hối thấm sâu vào máu huyết của người con Phật. Chỉ những ai vẫn bảo thủ, cố chấp mới tự mình cảm thấy khổ đau.
07/4/2015
*Ảnh trên - Hòa thượng Thích Toàn Đức.