;
Phật sự và việc làm để nối kết với Phật, với vị Phật nội tâm vẫn thường trực hiện diện trong tâm mỗi người. Phật
sự là việc tụng kinh, ngồi thiền, đi nghe giảng pháp, làm từ thiện…Quan trọng nhất là việc Phật ấy cần được nối kết với Phật, tương ưng với Phật tánh, xứng tánh, dù ban đầu rất cạn cợt, mong manh, mờ nhạt.
Tóm lại, Phật sự, việc Phật, là “tích tập công đức”, và xứng tánh là “tích tập trí huệ”. Hai sự tích tập này tạo thành con đường đầu tiên (Tư lương vị) trong năm con đường đạt đến giác ngộ. Khi hai sự tích tập công đức và tích tập trí huệ đầy đủ, viên mãn thì thành Phật, bởi vì Phật là bậc mà hai sự tích tập đã viên mãn, nên được xưng là Lưỡng Túc Tôn, bậc đầy đủ hai sự tích tập.
Xứng tánh, tích tập trí huệ, là xứng hợp, nối kết, tương ưng với tánh Không, bản tánh của mọi sự vật, của con người và của thế giới. Xứng tánh là thấy ra tánh Không, an trụ trong tánh Không càng ngày càng sâu, và “làm Phật sự”, chủ yếu là giúp đỡ, khai ngộ cho những người khác.
Sở dĩ con người không thấy được bản tánh của mọi hiện tượng là tánh Không và không an trụ được, sống được trong tánh Không bởi vì bị lạc theo những che chướng. Những che chướng ấy là sự bám chấp vào một cái tôi cá biệt, giả tưởng và bám chấp vào những đối tượng bên ngoài. Trong khi tánh Không là không có một cái tôi cá biệt (vô ngã) và không có những đối tượng bên ngoài để chạy theo (vô pháp).
Một phương diện của tánh Không, theo các kinh điển, như Kinh Kim Cương, là không có bốn tướng ngã, nhân, (pudgala), chúng sanh, thọ mạng giả. Bốn tướng ấy do chính con người tạo ra và trở lại che chướng con người với tánh Không. Thế nên làm việc Phật là làm ích lợi cho đời mà không mắc kẹt, trụ chấp vào bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng giả. Kinh Kim Cương Nói:
“Thế nên, Tu Bồ Đề! Bồ tát phải lìa tất cả tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chẳng thể trụ vào sắc sanh tâm, chẳng thể trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm. Phải sanh tâm không chỗ trụ. Vì sao thế? Nếu tâm có trụ, đó chẳng phải là trụ.
Thế nên, Phật nói Bồ tát tâm chẳng nên trụ sắc mà bố thí. Tu Bồ Đề! Bồ tát vì lợi ích cho tất cả chúng sanh nên phải bố thí như vậy…”
‘Phải sanh tâm không chỗ trụ’ là an trụ trong tánh Không. An trụ trong tánh Không mà làm công việc Phật lợi ích cho chúng sanh, điều đó được gọi là “xứng tánh làm Phật sự”.
Tại sao một công việc xứng hợp với tánh Không thì được gọi là việc Phật? Vì hành động ấy khởi phát từ tánh Không, chuyển động trong tánh Không và lại hòa tan vào tánh Không, cho nên hành động ấy là giải thoát, và công việc, hành động giải thoát ấy được gọi là công việc, hành động Phật, Phật sự.
Một công việc, hành động được làm từ tánh Không, trong tánh Không và tiêu tan trong tánh Không thì được gọi là việc giải thoát, việc Phật. Thế nên, một người an trụ trong tánh Không, sống trong tánh Không thì công việc gì của người ấy cũng là việc Phật. Tánh Không này được gọi là “đạo tràng” trong Kinh Duy Ma Cật, phẩm Bồ tát. Đạo tràng là nền tảng cho mọi hoạt động Bồ tát hạnh. Tất cả mọi hành động của Bồ tát đều từ đạo tràng tánh Không, diễn biến trong đạo tràng tánh Không, và chấm dứt, tiêu tan trong đạo tràng tánh Không; và tánh Không, sự tích tập trí huệ, luôn luôn đi cùng với sự tích tập công đức:
“Khi Đồng tử Quang Nghiêm hỏi Cư sĩ Duy Ma Cật, “Cư sĩ từ đâu đến đây?”
Cư sĩ đáp: “Tôi từ đạo tràng lại”
Đồng tử hỏi: “Đạo tràng là ở đâu?”
Ngài đáp: “Trực tâm là đạo tràng, vì không hư giả vậy. Phát hạnh là đạo tràng, vì có thể phụng sự vậy. Thâm tâm là đạo tràng, vì tăng thêm công đức vậy. Bồ đề tâm là đạo tràng, vì không đổi thay vậy.
Sáu ba la mật là đạo tràng, từ bi hỷ xả là đạo tràng, ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đạo tràng… Duyên khởi là đạo tràng, vì vô minh cho đến lão, tử đều vô tận như hư không vậy. Các phiền não là đạo tràng, vì biết bản tánh của chúng vậy. Chúng sanh là đạo tràng, vì biết là vô ngã vậy. Tất cả các pháp là đạo tràng, vì biết các pháp Không vậy…
Như thế, thiện nam tử! Bồ tát nếu ứng ra các ba la mật mà giáo hóa cho chúng sanh thì bao nhiêu việc làm, hoặc dở chân lên hạ chân xuống… phải biết đều từ đạo tràng mà lại, đều trụ trong Phật pháp vậy”.
Như vậy, cuộc đời này là đạo tràng của một người làm Phật sự, thực hành Bồ tát hạnh.