;
Tóm lược câu hỏi: Xin giải thích câu nói "Y Kinh Giải Nghĩa Tam Thế Phật Oan" là như thế nào? Ai có thể sử dụng câu nói này ở vào trường hợp nào? Và tôi có nghe nói có 4 loại Niết bàn xin cho biết là những gì?
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Trước hết xin trả lời về bốn loại Niết bàn, đó là: 1. là Hữu dư Niết-bàn, 2. là Vô dư Niến-bàn, 3. là Vô trụ xứ Niết-bàn, và 4. là Tự tánh Niết-bàn.
Câu nói "Y Kinh Giải Nghĩa Tam Thế Phật Oan" có nghĩa là nếu theo Kinh mà giải nghĩa thì sẽ oan cho ba đời chư Phật. Tại vì
sao? Vì Phật Pháp vốn không có một Pháp, tất cả pháp cũng không ở ngoài Phật Pháp cho nên gọi là Phật pháp. Vạn vật muôn loài chúng sinh theo vòng nghiệp báo chiêu cảm thọ sinh theo từng trạng thái theo biệt nghiệp, trăm sai vạn biệt đều không đồng nhau, căn tánh mỗi chúng sinh đều mỗi khác. Do đó, Phật pháp lại có vô lượng pháp môn để thâu nhiếp hết tất cả. Ví như có một loại bệnh thì có một loại thuốc điều trị, có nhiều loại bệnh thì cũng sẽ có nhiều loại thuốc để khắc phục. Nhưng nếu không có bệnh nào thì cũng sẽ không có loại thuốc nào hết.
Cũng vậy, vì chúng sinh có trăm sai vạn biệt, vọng tưởng, phiền não, thì Phật pháp cũng sẽ có vô lượng pháp môn thể thâu nhiếp. Do đó, nếu như chúng sinh không có vọng tưởng thì cũng sẽ không có Phật pháp, vì tất cả đều là Phật Pháp, ngoài Phật pháp vốn không có một pháp nào.
Vì căn tánh của chúng sinh có khác nên lại có vô lượng pháp môn tu để nhiếp phục. Đức Phật thuyết pháp độ sinh là quán theo căn trí của họ mà ban pháp, vì vậy mà pháp cũng sẽ theo đó mà có trăm sai vạn biệt, pháp này thì thích hợp trị lành vọng tưởng của người này, nhưng cũng là pháp này mà không trị khỏi vọng tưởng của người kia. Cho nên chúng ta hãy nói thử xem pháp nào là pháp tối diệu? Pháp nào là pháp không rốt ráo? Thuốc trị lành căn bệnh là thuốc hay. Pháp trị lành vọng tưởng là Pháp diệu. Chỉ có những người đến với Phật pháp còn mang theo cái tánh ngã mạn, cái kiến chấp quá nặng, tự cho mình thông minh mà không y theo lời dạy của đức Phật lại không dùng Phật pháp để tắm gội những ô trược mang dính trên thân đeo theo tự tánh vô số kiếp, làm cho bản tánh sáng suốt, trong sáng thường hằng luôn có trong mỗi chúng sinh, bị che khuất. Nếu có người vì sự chấp trước để luôn luôn chấp chặt vào nhất pháp để rồi áp lên từng bản thể và cho đó là pháp tuyệt đối, thì đó gọi là "Y Kinh Giải Nghĩa Tam Thế Phật Oan". Vì sao? Vì chư Phật chỉ theo căn bệnh mà cho thuốc để trị lành căn bệnh ngay hiện tại. Nhưng nếu lành bệnh rồi thì thuốc kia cũng sẽ không có diệu dụng gì nữa đối với người bệnh, chỉ có thể áp dụng để trị cho người nào cùng mang căn bệnh giống như vậy mà thôi. Đó chỉ là phương tiện, không phải là rốt ráo, càng không phải là tuyệt đối, nhưng nếu mang ra và cho đó là tuyệt đối là pháp rốt ráo thì là oan cho ba đời chư Phật.
Câu nói này, người Phật tử chân chánh không nên sử dụng ở bất cứ trường hợp nào, vì sao vậy? Vì mỗi người trong chúng ta chưa lên bờ, mà chúng ta hiện đang ở trên chiếc thuyền (Phương tiện), đã như chưa lên bờ thì chớ có bảo rằng không cần chiếc thuyền này? Nếu không, đó chỉ là lời nói ngoa mị mà thôi. Câu nói này chỉ có thể xuất phát từ những bậc đại tổ sư (Thượng căn, thượng trí), là những người đã đắc đạo hoặc để phá chấp cho hàng đệ tử trực chỉ chân tâm. Những người thời nay tự xưng là liễu ngộ được Bát Nhã, chứng nhập được pháp nào đó. Rồi lượm vặt ý tưởng Bát Nhã của hàng Bồ tát (họ chẳng biết bản thân họ là ai, là Bồ tát chăng?) được đức Phật dạy trong Kinh Kim Cang, mang ra để lập đi lập lại. Còn hơn thế nữa, chúng tôi đã từng chứng kiến, một số người họ lại dám sửa bốn câu kệ trong kinh Kim Cang:
"Nếu dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Người này hành tà đạo
Không thấy được Như Lai". (Kinh Kim Cang)
Họ sửa thành:
"Nếu tụng Kinh cầu ta,
Lễ bái để thấy ta,
Người này hành tà đạo
Không thấy được Như Lai".
Những người này họ thật sự không sợ địa ngục là gì hết? Trong tâm họ chắc đã tự cho rằng địa ngục không có thật, mà chỉ là để dọa người nên mới có thể tự biên tự diễn như thế. Là người con Phật chân chánh, khao khát được vị giải thoát, thật sự sợ sinh tử thì đừng học theo cũng đừng gần gũi đối với những hạng người này, vì sẽ cùng chung đọa vào ác đạo mà không biết nguyên nhân là tại sao?
Thời mạt pháp này, có quá nhiều người tự xưng cho họ thông minh (thông minh lại bị thông minh hại), chẳng xem trọng lời dạy của đức Phật, cho đó chỉ là chữ viết, đã không còn hợp với thời đại này (cũng vì cho là không hợp thời đại này, nên mới đưa họ vào ma đạo không ngày ra). Đi qua sông phải cần đò, trái lại họ lớn tiếng hô hào thôi không cần, đã không cần thì không biết họ làm sao để qua sông? Chắc họ có tài đặc biệt nào đó chăng? Có thể xây nhà trên không trung (nói bằng miệng). Thôi thì kệ họ, ai ăn nấy no không cần phải quan tâm đến họ làm gì? Vì họ đã quá thông minh không cần phải tụng kinh, tọa thiền, niệm Phật hay trì chú v.v... Nhưng còn chúng ta là những người con Phật cần phải thực hành trái ngược đối với những gì mà họ đã nói ra. Phật pháp mênh mông, nhưng mỗi người trong chúng ta đã chứng được gì chưa? có qua sông được chưa? Ít nhất cũng đắc được quả vị giải thoát của bậc A-La-Hán chưa, mà dám bảo rằng: "Y Kinh Giải Nghĩa Tam Thế Phật Oan?". Cho nên những ai là người con Phật chân chánh không nên sử dụng câu nói này ở bất cứ vào trường hợp nào, nếu không tự mình sẽ tự đi vào địa ngục, trái lại nếu tự cho mình đã chứng Thánh, đã qua sông thì không sao? Đó là tuỳ vào sự lựa chọn của bản thân chúng ta.
Đặc biệt là trong thời đại tranh đấu kiên cố này, nếu người con Phật không chú trọng vào Kinh văn, khó mà thành tựu. Vì kinh văn chính là một bản đồ vĩ đại, đã được đức Từ Phụ ghi chú mọi chi tiết, chành-tà, thiện-ác, Phật-chúng sinh v.v...Nếu đi trên biển sinh tử muốn vượt thoát khỏi luân hồi mà bảo không cần có bản đồ (Kinh văn) thì đều là lời nói dối trá, ma mị cần phải lánh xa những hạng người như thế.
Kinh văn không phải là lý thuyết mà là để thực chứng, vì kết quả (mục đích đến) đã có, nhưng tại chúng ta không thực hành để đạt đến mục tiêu, tầm quan trọng đối với Tam Tạng Kinh thật quá quan trọng đối với người con Phật như chúng ta. Chúng ta cũng đừng thắc mắc hay để ý làm gì những lời tuyên bố vô tri của một số người. Họ đều tự đề cao cái trí thông minh của họ hoặc đem so sánh bản thân họ với Lục tổ đại sư? Có ai biết đâu rằng, Lục tổ đại sư cũng đã từng trãi vô lượng kiếp để tu hành, nào là giữ giới, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, tư duy vân vân và vân vân...Mới có thể chỉ nghe qua đoạn Kinh trong Kim Cang mà trực chỉ chân tâm mà thôi. Muốn thành Phật đạo (viên mãn) mà không trụ vào tướng để hành thì là không có chuyện đó bao giờ, giống hoa sen nếu muốn nở hoa mà rời khỏi bùn nhơ thì không bao giờ có việc đó, trăm ngàn đời đều như một không thể sai khác được. Nếu có người bảo có thể làm được thì đó chỉ là việc không tưởng mà thôi. Phật giáo không có những pháp tu như thế.
Do đó, tất cả đều ở chính bản thân của mỗi chúng ta, nếu có người đã vượt khỏi thì có thể đi vào từ Không Môn, còn người còn vướng mắc (đầy nghiệp chướng) thì phải từ Hữu Môn mà đi vào. Cần phải tụng kinh nhiều hơn, niệm Phật nhiều hơn, bái sám nhiều hơn, trì chú nhiều hơn v.v...mới hòng tiêu được bao ác nghiệp. Xin nhớ một điều, muốn giải thoát cần phải thực hành chân thành không phải tu ở đầu môi. Muốn giải thoát cần phải cẩn thận và tinh tấn tiến bước để qua sông sinh tử bằng những chiếc thuyền phương tiện của Phật Pháp. Đã như chưa qua sông chớ vội bỏ thuyền, nhưng nếu đã qua sông thì thuyền lại chính là vật chướng ngại. Người con Phật chúng ta hãy cùng y theo lời dạy của Phật đà để tự thắp đuốc lên mà đi, để cùng chung giải thoát. Đức Phật dạy:
Biết đủ tịch định rất an lạc
Biết đủ quán sát rất sâu xa
An lạc không phiền não trong đời
Lại không sát hại các chúng sinh.
Nếu muốn ở đời thật an lạc
Tất cả tham dục phải xa lìa
Xả bỏ ngã mạn, tánh kiêu căng
Vui này tối thắng rất an lạc
Bao nhiêu dục lạc ở nhân gian
Nếu bỏ được hết không còn ái
Vui đời so sánh với vui đạo
Đạo mười sáu phần, đời không một. (Kinh Phật Bản Hạnh Tập)
Đôi lời thiển cận xin cùng trao đổi, nguyện rằng những lời nói đầy chướng ngại này, sẽ giúp ích và giải tỏa được thắc mắc cho đạo hữu. Chúc đạo hữu tinh tấn và sớm được nhất tâm trong mọi pháp tu.
Nam Mô A Di Đà Phật.
(Thư trả lời đạo hữu Hoằng Thường)
Nguồn:http://www.tangthuphathoc.net/vn/phvd/tn-6.htm