;
"Tự do" là một thuật ngữ ngày nay thường nghe nói đến trong mọi lãnh vực: xã hội, chính trị, luật pháp, tín ngưỡng, ngôn luận, truyền thông và cả nghệ thuật. Thế nhưng đôi khi chúng ta cũng có thể tự hỏi tự do là gì, ý niệm về sự tự do phát sinh từ lúc nào trong lịch sử tiến hóa của nhân loại? Dường như trong các xã hội ngày nay ngày càng có khuynh hướng biến nó trở thành một lý tưởng, một quyền hạn thiêng liêng, như vậy thì tự do thật sự là gì, phải chăng là một thứ gì có thật?
Nêu lên thắc mắc trên đây cũng có thể tạo ra một chút ngạc nhiên cho một số người, bởi vì đối với họ tự do là một thứ gì đó thật hết sức hiển nhiên, một quyền hạn bất khả xâm phạm, bảo đảm quyền suy nghĩ và hành động của mỗi cá thể và của các tập thể trong xã hội. Thật vậy trong xã hội ngày nay ý niệm về sự tự do ngày càng trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng - nếu không muốn nói là cả một sự ám ảnh. Từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ mỗi quốc gia đến cộng đồng thế giới, từ tín ngưỡng đến phi-tôn-giáo, từ độc tài đến phi-chính-phủ, con người luôn tìm mọi cách để thực hiện và bảo vệ sự tự do đó và xem đấy như là một nguồn hạnh phúc căn bản nhất của con người, thế nhưng đôi khi sự tự do cũng bị biến thành một công cụ hay một lợi khí.
Chúng ta hãy thử dừng lại trước cuộc chạy đua tìm kiếm sự "tự do" đầy phức tạp đó hầu tìm hiểu xem thật sự nó là gì? Dưới một góc nhìn nào đó đôi khi sự tự do cũng đơn giản chỉ là một sự cảm nhận bên trong tâm thức con người, và biết đâu cũng có thể chỉ là một ước mơ trước sự thật của cuộc sống và thân phận con người? Dầu sao thì bài viết dưới đây cũng không hề mang tham vọng giải đáp các thắc mắc phức tạp và tế nhị trên đây mà trước hết chỉ nêu lên một vài sự nghịch lý và mâu thuẫn trên dòng tiến hóa của lịch sử con người. Sau đó bài viết sẽ đưa ra quan điểm của Phật giáo về vấn đề này với hy vọng có thể mang lại một vài góc nhìn mới hơn về sự tự do hầu giúp chúng ta nhìn lại mình và xã hội chung quanh xem sự tự do là gì, có thật hay không, nó ở đâu, phải làm thế nào để tìm thấy nó?
Một vài thiển kiến nêu lên trong bài viết - dù là mang tính cách lịch sử, khoa học và triết học - cũng có thể gây ra một vài bất đồng chính kiến với người đọc. Do đó nếu người đọc nghĩ rằng mình hiểu rõ tự do là gì và không thích tìm hiểu thế nào là sự tự do qua các góc nhìn khác hơn thì xin đơn giản dừng lại đây, vì ít ra đấy cũng là sự tự do của người đọc và quyền tối thiểu của người cầm bút.
Chúng ta hãy lần lượt tìm hiểu các về các thắc mắc nêu lên trên đây là "tự do" phải chăng là một thứ gì đó có thật, và nếu có thật thì nó được khám phá ra từ lúc nào trong lịch sử tiến hóa của nhân loại? Nó xuất hiện ở đâu, trong nền văn minh nào và trong bối cảnh nào? Con người tôn trọng, bảo vệ và thực hiện sự "tự do" đó như thế nào và bằng cách nào? Các tín ngưỡng nói chung và Phật giáo nói riêng quan niệm như thế nào về sự tự do đó?
Bải viết dưới đây sẽ gồm có ba phần: Phần I nêu lên sự hình thành của các nền văn minh nhân loại vào các thời kỳ cổ đại tức là sau khi con người như chúng ta bắt đầu hiện hữu trên hành tinh này; Phần II trình bày một vài xu hướng sinh hoạt và các trào lưu tư tưởng trong xã hội từ các thời kỳ thượng cổ và trung cổ đến nay. Sau hết là Phần III sẽ trình bày quan điểm của Phật giáo về sự tự do.
Phần I
Sự hình thành của các nền văn minh cổ đại
Thủy tổ xa xưa nhất của loải người (hominid, primate) xuất hiện cách nay khoảng 7 triệu năm tại Phi Châu và gồm nhiều giống (genus) và loài (species) khác nhau, đó là các chúng sinh biết đứng bằng hai chân và sống trên mặt đất. Sau đó cách nay khoảng 2,5 triệu năm trong số các chúng sinh này xuất hiện thêm một giống mới gọi là Homo, và giống này cũng gồm có nhiều loài khác nhau. Trong số các loài này có một loài mà các khoa học gia gọi là Homo sapiens, đó là tổ tiên trực tiếp và xa xưa nhất của tất cả chúng ta ngày nay. Cách nay khoảng 200 000 năm trong số các chúng sinh Homo sapiens trên đây lại xuất hiện thêm một nhóm mới mà các khoa học gia gom chung vào một thứ loại (sub-species) gọi là Homo sapiens sapiens, là "loài người" chúng ta ngày nay - kể cả da trắng, da đen, da đỏ, da vàng.... Gần như suốt thời gian hiện hữu cách nay 200 000 năm, các con người tiền sử đó sống du mục, họp nhau thành từng nhóm nhỏ, từng toán hay từng đoàn. Cuộc sống của họ diễn ra trong màn đêm của các thời tiền sử và bán khai, chi phối bởi bản năng và các sự sợ hãi: đói khát, thú dữ, sấm sét, bão tố, cướp giật, tranh dành, gây hấn... Cách nay khoảng 7 000 năm, lẩn đầu tiên con người bắt đầu sống định cư, biết trồng trọt và chăn nuôi, mở màn cho sự hình thành các nền văn minh đầu tiên của nhân loại.
Vào các thời kỳ tiền sử và bán khai nếu con người chỉ biết nhón chân để canh chừng thú dữ thì ngày nay họ biết làm phi cơ để bay trong không trung, làm hỏa tiễn để lên cung trăng và trở về địa cầu. Vào các thời kỳ xa xưa đó nếu họ chỉ biết đấm đá, đánh nhau bằng gậy gộc, ném đá, ném lao để tranh dành và bảo vệ miếng ăn, thì ngày nay họ biết làm súng đạn và bom hạt nhân. Trước đây trong cuộc sống hằng ngày chỉ toàn là lo sợ, nay thì họ biết sáng chế ra triết học, tôn giáo, văn chương, thi phú, nghệ thuật... mang lại cho mình những phút giây "thư giãn". Từ cách sống du mục họ biết thành lập làng mạc, đô thị, quốc gia, các thế liên minh, và cũng từ đó mà các cuộc xung đột cũng mang các kích thước to lớn hơn, chiến tranh mang tính cách toàn cầu hơn. Năm 1945 sau hai cuộc thế chiến, con người thiết lập được một tổ chức gọi là "Liên Hiệp Quốc", nhưng cũng chỉ là một tổ chức không có thực quyền gì cả. Vậy trên dòng tiến hóa đó ý niệm về sự tự do phát sinh từ lúc nào và trong bối cảnh nào?
Sự tiến hóa của xã hội con người nói chung rất phức tạp và đa dạng, bắt đầu bằng sự hình thành của nhiều nền văn minh khá khác biệt tại nhiều nơi trên địa cầu, nhưng tất cả đều xuất hiện gần như cùng một thời kỳ với nhau. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về các nền văn minh cổ đại này để xem tổ tiên chúng ta có được thừa hưởng sự tự do hay không và từ lúc nào?
Thời kỳ tiền sử
Dòng tiến hóa của con người nói chung có thể chia ra thành hai giai đoạn: thời kỳ tiền sử khi con người chưa có chữ viết và thời đại lịch sử sau khi chữ viết được phát minh. Gần như trong suốt khoảng thời gian 200 000 năm hiện diện trên hành tinh này, con người sống trong đêm tối của thời tiền sử, chúng ta không biết được gì nhiều trong khoảng thời gian này ngoài những sự suy diễn dựa vào các di tích và các dấu vết lưu lại từ các sinh hoạt của họ trong thời gian trên đây. Cách nay 35 000 năm tổ tiên chúng ta biết đục khắc và vẽ tranh trên các vách đá và trong các hang động. Cách nay 20 000 năm họ biết làm các dụng cụ thô sơ bằng đá, sau đó thì biết mài các dụng cụ này làm cho chúng sắc bén hoặc tinh xảo hơn, biết sáng chế ra kim may bằng xương với lỗ xỏ chỉ, dùng để khâu các tấm da thú làm quần áo hoặc lều. Cách nay 13 000 năm họ bắt đầu biết chôn người chết với một vài nghi thức, chẳng hạn như chôn theo trang sức và một vài vật dụng trong cuộc sống thường nhật, rắc lên xác chết các bột đất màu đỏ. Các nhà khảo cổ và các nhà nhân chủng học cho rằng đây là các dấu hiệu đầu tiên cho thấy ý niệm "tín ngưỡng" phát sinh nơi con người. Sau thời gian tiền sử và bán khai trên đây là thời kỳ cổ đại với sự xuất hiện của nhiều nền "văn minh" đầu tiên của nhân loại. Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua vài nét chủ yếu về các nền văn minh này.
Nền văn minh Mesopotamia
Nền văn minh Mesopotamia - còn gọi là Lưỡng Hà - là nền văn minh được hình thành tương đối sớm nhất, cách nay khoảng 7 000 năm trong một vùng đồng bằng nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrate thuộc Iraq và Syria ngày nay. Với nền văn minh này lần đầu tiên con người biết trồng trọt, thuần hóa thú rừng, thành lập làng mạc. Khoảng hơn 1 500 năm sau đó tức là khoảng 3 500 năm trước Tây Lịch, "chữ viết" xuất hiện trong nền văn minh này, thế nhưng đấy cũng chỉ là các ký hiệu hình "đầu đinh" (cuneiform), ghi khắc bằng cách dùng một que nhọn ấn xuống các tấm đất sét còn mềm. Các tấm đất sét này dùng để ghi chép các chi tiết trong việc buôn bán và trao đổi. Sau khi phơi khô thì các tấm đất sét này được sử dụng như các chứng từ thương mại. Sự phát minh ra chữ viết hình "đầu đinh" trên đây tuy chưa mang lại văn chương, thi phú, cũng không ghi chép các biến cố và sự kiện lịch sử, nhưng cũng có thể xem như một bước tiến quan trọng đánh dấu sự chấm dứt của giai đoạn tiền sử và bán khai và mở đầu cho giai đoạn "lịch sử" của nhân loại. Gạch dùng để xây cất cũng đã được phát minh lần đầu tiên trong nền văn minh này, nhưng lúc đầu thì chưa biết nung. Các công cuộc khai quật phát hiện nhiều di tích nhà cửa, đường xá, đô thị, các bức tường thành, v.v. Nhiều nhà khảo cổ xem vùng Lưỡng Hà là cái nôi của nhân loại.
Tín ngưỡng của nền văn minh này mang tính cách đa thần, dựa vào các huyền thoại và vô số các thần linh (gods): thần Bầu Trời (không gian), thần Gió, thần Vực Sâu, thần Sấm Sét (Thiên Lôi), thần Mặt Trời, thần Mặt Trăng, v.v. Huyền thoại là các câu chuyện tưởng tượng thường mang tính cách mầu nhiệm nói lên một sức mạnh siêu nhiên nhằm mục đích tạo ra một sự kính phục và sợ hãi, thúc đẩy con người cầu xin, an phận và ngoan ngoãn. Đây cũng là một nét chung thường thấy ở hầu hết các tín ngưỡng của các nền văn minh cổ đại khác. Đứng trước các hiện tượng thiên nhiên mà nguyên nhân không biết là do đâu - chẳng hạn như đêm tối, hừng đông, ban ngày, ban đêm, sấm sét, lụt lội, động đất, cháy rừng... - người ta thường tưởng tượng ra các sức mạnh huyền bí tạo ra các hiện tượng ấy, và từ đó họ tạo dựng các huyền thoại (mythologies) bằng cách cụ thể hóa và nhân cách hóa các sức mạnh ấy dưới hình thức các vị thần linh (gods). Các vị thần linh đủ loại biến dạng qua sự tưởng tượng trên dòng tiến hóa của xã hội con người, dần dần trở thành "trừu tượng" hơn, các sức mạnh thần bí cụ thể hóa bằng các vị thần linh được gom chung biểu trưng cho một Đấng Toàn Năng duy nhất (God) thường được gọi là Trời, Thượng Đế, Đấng Sáng Tạo... Chỉ có một trường hợp duy nhất đi ngược với quá trình tiến hóa trên đây là bản kinh Vệ-đà (Veđa) của nền văn minh cổ đại Ấn Độ, trong kinh này sức mạnh thiêng liêng được hình dung bởi một vị duy nhất là Vị Trời Brahma, sau đó trên dòng tiến hóa của xã hội Vị Trời Brahma biến thành một lô các vị trời khác, đưa đến sự hình thành của Ấn giáo (Hinduhism) mang tính cách đa thần (sẽ nói thêm trong phần trình bày về nền văn minh Ấn Độ).
Nền văn minh Trung Quốc
Nền văn minh cổ đại của Trung Quốc cũng xuất hiện rất sớm cách nay cũng khoảng 7 000 năm, tức gần như đồng lượt với nền văn minh Lưỡng Hà, với làng mạc, ruộng vườn xuất hiện trong vùng đồng bằng dọc hai bên bờ sông Hoàng Hà. Giai đoạn lịch sử bắt đẩu từ triều đại nhà Thương (Shang) từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ XI trước Tây Lịch, các triều đại trước đó có thể chỉ là truyền thuyết hay huyền thoại. Dầu sao thì chế độ quân chủ cũng là chế độ chung của tất cả các nền văn minh cổ đại.
Trong nền văn minh cổ đại của Trung Quốc, Vạn lý Trường Thành là kiến trúc đồ sộ nhất, dài hơn sáu nghìn cây số, khởi công từ thế kỷ thứ III trước Tây Lịch và chỉ hoàn tất vào thế kỷ XVII sau Tây Lịch, và đây cũng là một trong số các công trình xây dựng to lớn nhất trong lịch sử văn minh nhân loại trên tất cả mọi phương diện: chiều dài, diện tích và khối lượng. Dưới một góc nhìn nào đó thì bức tường thành này đã khiến cho người Trung Quốc tự cô lập mình và mang lại cảm tính mình là trung tâm của thế giới.
Chữ viết được phát minh rất sớm trong nền văn minh này, người ta tìm thấy các mu rùa và các mảnh xương có khắc các ký hiệu dùng vào việc bói toán từ thế kỷ XV trước Tây Lịch. Giấy viết được phát minh vào thế kỷ thứ II trrước Tây Lịch. Người Trung Quốc cũng sử dụng tiền giấy trước nhất, và có đầu óc buôn bán từ các thời kỳ cổ dại.
Trong lãnh vực tư tưởng và tôn giáo thì người ta thấy xuất hiện hai nhân vật nổi bật nhất là Khổng Tử và Lão Tử vào thế kỷ thứ VI trước Tây Lịch, tức là cùng thời đại với Đức Phật. Khổng Tử chủ trương một nền luân lý tạo ra một xã hội an bài và trật tự nhằm phục vụ vương quyền. Nền luân lý và trật tự đó đưa đến sự hình thành một giai cấp lãnh đạo và trên trước trong xã hội, gọi là giới sĩ phu (mandarin/quan lại) tuyển chọn bằng thi cử và xem đó như một lý tưởng xã hội, điều này rõ ràng là đi ngược lại với sự "tự do" theo quan điểm ngày nay. Cũng xin nhắc thêm là cách quản lý con người trên đây đã ảnh hưởng sâu đậm đến nền văn hóa và xã hội Việt Nam. Việc thi cử tuyển chọn sĩ phu được tổ chức ở Việt Nam không gián đoạn suốt 1300 năm, từ năm 605 đến năm 1905, tức là chỉ chấm dứt dưới thời Pháp thuộc.
Đi ngược lại với chủ trương "nhập thế" của Khổng Tử, Lão tử trong quyển Đạo Đức Kinh đã đưa ra một học thuyết triết học mang các đường nét "thoát tục". Theo một số các các học giả Tây Phương thì Lão Tử có thể không phải là một nhân vật lịch sử mà chỉ là huyền thoại, vì họ nghĩ rằng tập Đạo Đức Kinh là một quyển sách gom góp các câu phát biểu của một số tư tưởng gia vào thời bấy giờ. Dù thế nào đi nữa thì quyển Đạo Đức Kinh cũng đã phản ảnh toàn bộ tư tưởng siêu hình của Trung Quốc vào thời cổ đại. Nội dung của quyển sách rất trừu tượng, các ý tưởng rất bao quát và đôi khi khá mơ hồ khó nắm bắt, do đó mọi sự suy diễn đều có thể xảy ra và trên thực tế cũng đúng như vậy vì đã đưa đến các cách hiểu biết và áp dụng lệch lạc. Và cũng thật hết sức bất ngờ là trên dòng thoái hóa của học thuyết này tư tưởng của Lão Tử đã đưa đến sự hình thành của một tín ngưỡng gọi là Lão giáo (Taoism) với các huyền thoại, nghi lễ, các phép luyện tập trường sinh, các phương pháp luyện đan, phong thủy, v.v.
Chữ Đạo (道/Tao) trong quyển Đạo Đức Kinh có nghĩa là "Con Đường", biểu trưng cho một thể dạng vượt lên hai thái cực là Âm (Yin/陰) và Dương (陽/Yang) vừa đối nghịch vừa bổ khuyết cho nhau, nhằm nói lên bản chất của mọi sự vật trong vũ trụ. Tập sách này còn nêu lên một khái niệm khá quan trọng nữa là Qi (氣, Khí, Khí lực, Sinh khí) là nguồn gốc của sự sống và của cả vũ trụ. "Đạo" cần có "Khí" để vận hành. Hai khái niệm "Đạo" và "Khí" theo thời gian dần dần trở thành nền tảng chung của toàn bộ tư tưởng, triết học và cả "tín ngưỡng" của Trung Quốc, ảnh hưởng đến y khoa, văn hóa, nghệ thuật và tất cả mọi hình thức sinh hoạt khác, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ các phép luyện đan bất tử, xem phong thủy, bói toán, võ thuật, tài chí, khí công, cách hành xử "vô vi" (wuwei/無爲)... cho đến cả nghệ thuật tình dục gọi là "mây mưa". Từ các thời kỳ thượng cổ cũng đã có rất nhiều sách giảng dạy về tính dục với mục đích làm gia tăng "khí lực" (Qi/Khí) giúp sống lâu, chẳng hạn như quyển sử ký của Sima Quan (Sư Mã Thiên) cho biết rằng Chu Vũ Vương (thế kỷ XII trước Tây Lịch) từng tổ chức các buổi làm tình tập thể với các cung nữ lõa thể được ngâm trong các vại chứa rượu. Người ta tìm được một quyển sách rất xưa mà ngày nay vẫn còn nhiều người thích đọc và cũng đã được dịch ra các ngôn ngữ Tây Phương, đó là quyển sách nói về nghệ thuật phòng the (素女經/Sunu Jing/Tố Nữ Kinh), quyển sách này có thể đã được trước tác từ các thời kỳ cổ đại, dựa vào thuyết âm dương của Lão giáo, chỉ dạy các tư thế và kỹ thuật làm tình hầu làm gia tăng "khi lực" (Qi) giúp sống lâu. Theo quyển sách này thì nếu người đàn ông làm tình liên tiếp với nhiều phụ nữ nhưng không xuất tinh sẽ tồn giữ được "sinh khí" bên trong cơ thể, "sinh khí" sẽ theo cột xương sống di chuyển lên não bộ. Tóm lại là ý nghĩ "trường sinh bất tử" là một thứ ám ảnh sâu kín của Lão giáo. Mặt khác các nhà sử học và nhân chủng học cũng cho biết là dân tộc Hán sinh sản mạnh nhất thế giới, trong các thời kỳ cổ đại mỗi người phụ nữ Hán sinh trên dưới mười lần và trung bình nuôi được từ hai đến ba con. Từ trong các thời kỳ tiền sử cho đến ngày nay dân tộc Hán luôn là dân tộc đông người nhất thế giới. Giống tê giác gần bị tuyệt chủng, nhiều quốc gia lân bang bị đồng hóa, dân tộc Hán ngày nay lan tràn khắp nơi trên địa cầu..., nguyên nhân sâu xa của tất cả các hiện tượng này phải chăng cũng có thể đã bắt nguồn từ khái niệm âm dương hòa hợp của Lão giáo? Mạn phép dài dòng như trên đây bởi vì Phật giáo đã chịu ít nhiều ảnh hưởng của Lão giáo khi phát triển tại Trung Quốc, các ảnh hưởng này làm biến dạng không ít Giáo Huấn của Đức Phật.
Dầu sao thì nền văn minh cổ đại của Trung Quốc cũng khá cao thế nhưng tuyệt nhiên không thấy nói gì đến ý niệm về sự "tự do" theo cách hiểu ngày nay, lý do có thể là tư tưởng của Khổng Tử chủ trương một xã hội giai cấp, an phận và trật tự đã ăn sâu vào đời sống của dân tộc Hán (?). Tuy nhiên khía cạnh "vô vi" trong Lão giáo dường như cũng đã thổi vào tâm hồn của người dân Hán một cảm tính "thoát tục", phản ảnh một nhu cầu tự nhiên đòi hỏi một sự "tự do" nào đó trên phương diện tư tưởng. Có thể từ điểm này đã đưa đến sự lẫn lộn và mập mờ giữa thái độ "vô vi" của Lão giáo và sự "giải thoát" trong Phật giáo. Dầu sao thì "vô vi" trong Lão giáo không phải là một thái độ "bầt cần" và thụ động tức không tham gia vào cuộc sống thế tục, mà thật ra phản ảnh một sự khiêm tốn, xa lánh sự bon chen trong xã hội, với hậu cảnh là lòng thương người, phù hợp với bản thể của "Đạo". Tuy nhiên đấy cũng chỉ là cách đề cao một thái độ, một cung cách hành xử, nhưng không nêu lên một phương pháp tu tập mạch lạc nhằm mang lại một thành quả hay một sự hiểu biết nào cả.
Gần như đồng thời với nền văn minh cổ đại Trung Quốc, tại phương Tây một nền văn minh khác cũng đã được hình thành, đó là nền văn minh Hy Lạp. Nền văn minh này tạo ra nhiều ảnh hưởng sâu rộng không những trong nền văn hóa và tư tưởng tại phương Tây mà còn lan rộng ra trên toàn thế giới ngày nay qua các phong trào di dân, xâm chiếm thuộc địa, quảng bá đức tin và nhất là chủ trương đồng hóa các nước khác của người Tây Phương trong các thời kỳ cận đại. Cũng không phải khó để nhận thấy các ảnh hưởng của người phương Tây trên các lục địa khác: từ cách ăn mặc, giao tiếp, các mẫu mực trong cuộc sống thường nhật cho đến luật pháp, ngôn ngữ (tiếng Anh chẳng hạn), ngữ tự La Tinh, triết học, chính trị, kinh tế, kể cả các lý tưởng xã hội chẳng hạn như sự "tự do", chủ thuyết cộng sản, v.v. Dưới đây chúng ta sẽ bước sang tìm hiểu về nền văn minh cổ đại của Hy Lạp và cũng là của toàn thể Âu Châu.
Nền văn minh Hy Lạp
Nền văn minh cổ đại Hy Lạp bắt đầu bằng sự hình thành các làng mạc vào thế kỷ thứ VIII trước Tây Lịch, và điểm cao nhất là vào thế kỷ thứ V với sự xuất hiện của các triết gia thật uyên bác như Socrates (thế kỷ thứ V trước Tây Lịch), Plato (thế kỷ thứ V trước Tây Lịch), Aristotle (thế kỷ thứ IV trước Tây Lịch). Athens là thành phố xưa nhất của nhân loại, được xây dựng vào thế kỷ thứ V trong một vùng làng mạc và đô thị thiết lập từ thế kỷ thứ VII trước Tây Lịch. Điều đáng lưu tâm hơn là tiếng Hy Lạp có chung nguồn gốc Âu Ấn với tiếng Phạn. Ngôn ngữ có nguồn gốc Ấn Âu được đưa vào Hy Lạp qua nhiều đợt từ thế kỷ thứ IX đến thứ IV trước Tây Lịch, đã ảnh hưởng và góp phần làm phong phú hơn các ngôn ngữ địa phương (thổ ngữ) của nước này. Ngày nay người ta có thể nhận thấy một số nét tương đồng về ngữ pháp giữa các ngôn ngữ Tây Phương và tiếng Phạn. Ngữ tự (chữ viết) được đưa vào Hy Lạp vào khoảng thế kỷ thứ VII hay VIII trước Tây Lịch, vay mượn từ xứ Phoenicia trong vùng Cận Đông (Liban ngày nay). Ngữ tự Hy Lạp biến dạng và trở thành ngữ tự La Tinh vào khoảng thế kỷ thứ VI trước Tây Lịch. Sở dĩ dài dòng là vì ngày nay trên toàn thế giới, ngữ tự La Tinh được sử dụng nhiều nhất. Gần bốn mươi phần trăm dân số thế giới sử dụng ngữ tự La Tinh để làm chữ viết của họ. Anh Quốc là một trong số các nước từng xâm chiếm và thiết lập thuộc địa nhiều nhất trên thế giới, đã đặc biệt thành công trong việc "áp đặt" ngôn ngữ, thói tục, tập quán và cả tín ngưỡng của họ trên đất Mỹ cũng như tại các cựu thuộc địa của nước này như Úc, Gia Nã Đại, Tân Tây Lan ..., trước khi lan sang các quốc gia khác trên thế giới.
Trở lại với nền văn minh cổ đại của Hy Lạp thì tín ngưỡng là đa thần, xoay quanh các huyền thoại sáng chế ra các vị thần linh (gods) đủ loại, trong số này có 12 vị quan trọng nhất, 7 là nam và 6 là nữ. Ba vị cao nhất đều thuộc nam giới là: thần Sấm Sét Zeus (Thunder God) cai quản cõi trời, thần Đại Dương Poseidon (God of the Sea) tạo ra giông tố, động đất..., và thần Hades (God of the Underworld) là chúa tể Địa Ngục, cả ba chia nhau đảm trách việc điều hành thế giới. Dân chúng rất sùng đạo, tôn trọng lễ nghi. Việc tôn thờ các thần linh được tổ chức long trọng trong các đền đài to lớn và cả ở các nơi công cộng, về mặt dân gian thì quy định một số cung cách hành xử phải tôn trọng trong cuộc sống thường nhật trong môi trường gia đình cũng như ngoài xã hội. Tín ngưỡng hoàn toàn được xây dựng trên huyền thoại, không có giáo điều cũng không có thánh kinh, do đó các việc thờ phụng thần linh và các nghi thức lễ bái - ít nhất là theo quan điểm ngày nay - mang nặng tính cách "dị đoan". Di tích ngôi đền đồ sộ Parthenon còn lưu lại ngày nay tại thủ đô Athens từng là nơi thờ phụng 12 vị thần linh quan trọng nhất. Các sự kiện trên đây cho thấy một sự tương phản với nền triết học và tư tưởng rất cao của Hy Lạp vào thời bấy giờ. Thật vậy tôn giáo thường mang tính cách dân gian phát triển trong một môi trường rộng lớn, trong khi đó triết học và khoa học phát triển trong một khuôn khổ thu hẹp hơn, các phương tiện truyền thông giới hạn vào thời bấy giờ không giúp được gì vào việc phổ biến tư tưởng của các nhà thông thái.
Trên phương diện chính trị thì Alexandros Đại Đế (A-lịch-sơn Đại đế/Alexander The Great, -356-323 trước Tây Lịch) vua xứ Macedonia (bắc Hy Lạp ngày nay), từng là đệ tử của triết gia Aristotle, là một trong các tướng lãnh và chiến lược gia nổi tiếng nhất trong các thời kỳ cổ đại trên địa cầu, từng đánh chiếm khắp nơi và thành lập một đế quốc mênh mông kéo dài từ các vùng phía đông Địa Trung Hải đến tận tây bắc Ấn Độ. Chính dưới triều đại của Alexandros Đại Đế lần đầu tiên có sự tiếp xúc và trao đổi văn hóa giữa hai thế giới Đông và Tây Phương. Đối với Phật giáo thì các sự tiếp xúc này đã đưa đến sự hình thành của một quyển sách rất quan trọng, được xem như là một quyển kinh với đầy đủ ý nghĩa của nó, đó là quyển Malindapanha (Di-lan-đà vấn đạo Kinh, còn gọi là Na Tiên Tỳ kheo Kinh) ghi lại các câu hỏi và lời giải đáp giữa vua Milanda (Di-lan-đà) và một nhà sư tên là Nagasena (Na-tiên). Milanda là tiếng Phạn và Pa-li, dịch âm tên của vua Menandros I/Menander I trị vì một vương quốc to lớn là Bactria (Greco-Bactrian Kingdom) giáp ranh với đế quốc của vua Azoka (A-dục) về mạn tây bắc, từ năm -160 đến năm -135 (trước Tây Lịch). Vương quốc Bactria thuộc đế quốc của Alexandros Đại Đế thành lập từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Nagasena (Na Tiên) là một nhà sư thuộc học phái Sarvastivada (Nhất thiết Hữu Bộ/một học phái cho rằng mọi hiện tượng đều là thật), sinh tại Kashmir, sống khoảng năm -150 (trước Tây Lịch). Các lời giải đáp trong quyển sách này cho thấy nhà sư Nagasena vô cùng uyên bác, thế nhưng cũng lạ và đáng tiếc là ngoài tập Malindapanha trên đây không thấy kinh sách Phật giáo nào khác nói đến nhà sư này. Tập sách Malindapanha được trước tác trong khoảng thời gian giữa năm -100 (trước Tây Lịch) và năm 200 (sau tây Lịch). Sau khi nghe các lời giải đáp vô cùng sâu sắc của nhà sư Nagasena thì vua Milinda (Menander I) quyết định theo Phật giáo. Thật ra sự du nhập của Phật giáo vào thế giới Tây Phương cũng chỉ có vậy, phải chờ gần 20 thế kỷ sau đó thế giới Tây Phương mới thật sự bắt đầu khám phá Phật giáo qua các phong trào xâm chiếm thuộc địa vào các thời kỳ cận đại (thế kỷ XVIII và XIX).
Về phía Phật giáo thì cũng đã chịu một số ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp trong lãnh vực điêu khắc, Người ta tìm thấy các pho tượng đầu tiên biểu thị nhân dạng Đức Phật được tạc vào thế kỷ thứ I sau Tây Lịch, tức cùng thời kỳ với sự phát triển của Phật giáo Đại Thừa và sự xuất hiện của kinh sách bằng Phạn ngữ. Các pho tượng này cho thấy Đức Phật mặc y phục Hy Lạp hoặc La Mã, gương mặt người Âu Châu. Trước thời kỳ này, có nghĩa là trước thế kỷ thứ I, các biểu tượng nói lên sự hiện diện của Đức Phật trong thế giới này chỉ là các điêu khắc cho thấy một cái ngai trống không, một cội cây Bồ-đề, hoặc dấu chân mang các tướng tốt của Ngài mà thôi..
Ngoài nền văn minh Hy Lạp, thế giới Tây Phương còn có thêm một nền văn minh thứ hai là nền văn minh La Mã được hình thành tiếp theo nền văn minh Hy Lạp.
Nền văn minh La Mã
La Mã thật ra chỉ là tên gọi của một vùng đô thị nhưng sau đó đã được dùng để gọi một đế quốc thật to lớn trong thời cổ đại. Nền văn minh La mã cũng có một quá khứ khá lâu đời, các làng mạc đầu tiên được hình thành từ thế kỷ thứ VII trước Tây Lịch và sau đó là các vùng đô thị, thế nhưng không có gì sáng chói cả cho đến khi đế quốc La Mã được thành lập từ thế kỷ thứ I trước Tây Lịch đến cuối thế kỷ thứ IV sau Tây Lịch. Sau ba cuộc viễn chinh liên tiếp vào các năm -217, -197 và -168 (trước Tây Lịch), người La Mã chiếm trọn đế quốc Macedonia của Alexandros Đại đế trước đây, sự tan rã của đế quốc này đánh dấu sự chấm dứt của nền văn minh Hy Lạp. Không những chiếm trọn đế quốc Macedonia mà người La Mã còn tiếp tục chiếm gần như toàn thể Âu Châu, từ bắc nước Anh cho đến toàn vùng chung quanh Địa Trung Hải - trong đó kể cả đế quốc Ai Cập của các vua Pharaohs cuối cùng - và cả vùng Lưỡng Hà tại Trung Đông. Sau khi đế quốc La Mã bắt đầu suy tàn từ cuối thế kỷ thứ IV và lãnh thổ bị thu hẹp chỉ còn lại các vùng phía đông Địa Trung Hải từ năm 395, thì các sử gia ngày nay đổi tên đế quốc La Mã thành đế quốc Byzantine.
Một cách tổng quát đế quốc La Mã đã thừa hưởng toàn bộ nền văn minh Hy Lạp, kể cả tín ngưỡng. Tuy nhiên trước khi du nhập tín ngưỡng Hy Lạp, dân tộc La Mã cũng đã có tín ngưỡng riêng của họ. Tín ngưỡng này cũng đa thần và dựa vào các huyền thoại tương tự như các tín ngưỡng cổ đại khác, thế nhưng sau đó tín ngưỡng Hy Lạp dần dần được du nhập và tạo ra nhiều ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội La Mã. Thần linh Hy Lạp trở thành thần linh La Mã dưới các tên khác, chẳng hạn như thần Zeus và thần Athena của Hy Lạp trở thành thần Jupiter và thần Minerve của La Mã, v.v. Sau khi đế quốc La Mã được thành lập từ thế kỷ thứ I thì người La Mã lại dần dần tiếp nhận thêm các vị thần linh của các nơi mà họ đánh chiếm, chẳng hạn như thần Teutatès của dân tộc Gallia (Gaul, một dân tộc sinh sống trên đất Pháp và các vùng lân cận từ thế kỷ thứ V trước Tây Lịch đến khi đế quốc La Mã được thành lập), thần Isis của Ai Cập, v.v. Việc thờ phụng thì cũng nhất thiết dựa vào sự hiến sinh, lễ vật, sự cầu khẩn, một cách tổng quát là dưới các hình thức trao đổi và đền ơn giữa con người và thần thánh.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ I, sau khi được sáng lập Ki-tô giáo bành trướng nhanh chóng trong đế quốc La Mã. Ki-tô giáo chủ trương chỉ thờ một vị Trời duy nhất, đi ngược lại với tín ngưỡng đa thần của La Mã thời bấy giờ, do đó không tránh khỏi các cuộc xung đột và chống đối. Ki-tô giáo lúc đầu bị cấm đoán trên toàn lãnh thổ của đế quốc La Mã, thế nhưng vẫn tiếp tục bành trướng. Năm 312 hoàng đế Constantine của La Mã cải đạo theo Ki-tô giáo. Tín ngưỡng "cổ truyền" của người dân La Mã trước đây không còn giữ được vị thế "quốc giáo" nữa và đến năm 391 thì chính thức bị cấm đoán tại thành phố La Mã, và một năm sau thì lệnh cấm này được áp dụng trên toàn thể lãnh thổ, và hoàng đế Theodose I chính thức tuyên bố Ki-tô giáo là quốc giáo ngày 8 tháng 11 năm 392. Tuy nhiên tín ngưỡng đa thần trước đây của dân tộc La Mã vẫn còn được duy trì kín đáo nhưng chỉ là các hình thức tín ngưỡng dân gian. Dầu sao thì cả hai nền văn minh cổ đại Hy Lạp và La Mã đã góp phần làm nền tảng chung cho toàn bộ nền văn minh Âu Châu từ thời Trung Cổ đến ngày nay, và trên phương diện tín ngưỡng thì quyết định của hoàng đế Theodose I đưa Ki-tô giáo lên hàng quốc giáo của đế quốc La Mã mênh mông đã trở thành tín ngưỡng "lâu đời" của toàn thể thế giới Tây Phương ngày nay.
Dưới đây chúng ta lại tiếp tục tìm hiểu về hai nền văn minh cổ đại khác là Ai Cập và Maya, trước khi đề cập đến nền văn minh Ấn Độ, nơi mà Phật giáo đã được hình thành. Hai nền văn minh Ai Cập và Maya cũng rất lâu đời nhưng khá biệt lập, không lan rộng và không gây ra các ảnh hưởng đáng kể bên ngoài ranh giới của các quốc gia này, khác hơn với hai nền văn minh Hy Lạp và La Mã luôn mở rộng biên giới, xâm chiếm khắp nơi và mang theo văn hóa của họ. Do đó chúng ta sẽ vắn tắt hơn khi đề cập về hai nền văn minh này.
Nền văn minh Ai Cập
Khoảng hơn ba ngàn năm trước Tây Lịch tại đông bắc Phi Châu dọc theo dòng sông Nil, một đế quốc và một nền văn mình thật sáng chói đã hình thành. Hàng chục triều đại của các vị vua Pharaohs nối tiếp nhau cai trị cho đến năm -2050 (trước Tây Lịch) thì bị dân tộc Kyksos - tổ tiên của giống dân Hebreux (Do Thái) sau này - từ các vủng Cận Đông xâm chiếm. Sau đó các vị vua Pharaohs dành lại được quyền bính từ năm -1590 (trước Tây Lịch). Thế nhưng kể từ năm -1085 (trước Tây Lịch) lại liên tiếp bị các nước khác xâm chiếm. Năm -30 (trước Tây Lịch) thì bị sáp nhập vào đế quốc La Mã.
Chữ viết được phát minh rất sớm từ khi đế quốc này mới được thành lập, tức là khoảng ba ngàn năm trước Tây Lịch. Loại chữ này gồm khoảng 500 ký hiệu tượng hình (hieroglyph), mỗi ký hiệu có thể là một chữ với đầy đủ ý nghĩa, hoặc cũng có thể chỉ là một vần hay một âm vận, do đó rất khó giải đoán cho các sử gia và các nhà khảo cổ sau này. Xã hội được tổ chức rất chặt chẽ; luật pháp, văn hóa, nghệ thuật (hội họa, điêu khắc...) , khoa học (toán học, thiên văn, y khoa...), kỹ thuật (thuyền bè, kiến trúc...) phát triển cao độ. Các phát minh đáng kể nhất là gốm sứ, thủy tinh, nghệ thuật ướp xác, các kim tự tháp đồ sộ và kiên cố nhằm chuẩn bị cho "cuộc sống trong thế giới bên kia".
Tín ngưỡng đa thần, xoay quanh sự tin tưởng là sau khi chết sẽ có một "thế giới bên kia". Thần linh rất nhiều và đủ loại, thường được tượng trưng dưới các hình tượng khá kỳ quặc, nhân dạng nhưng đầu thú vật. Trong số các vị thần linh có 10 vị quan trọng nhất và trong số này thì thần Osiris là quan trọng hơn cả, đó là vị thần của hoa mầu cây cỏ, và cũng là vị thần mang lại văn minh cho loài người. Vị thần Osiris cũng là vị thần cai quản cả thế giới bên kia, được biểu trưng bởi một xác ướp, tay trái cầm phương trượng (scepter) biểu trưng cho vương quyền, tay phải cầm một cái roi tượng trưng cho việc xử phạt, và cũng là vị thần được thờ phụng nhiều nhất. Sau thần Osiris là thần Ra hay thần "Mặt Trời", nhân dạng nhưng đầu ó. Thần Ra vận hành trên không trung ban ánh sáng và hơi nóng cho con người; Thần Anubis mang thân người nhưng đầu là chó rừng (jackal/chacal), là vị thần tẩm liệm và ướp xác, giữ trách vụ đưa người chết ra tòa án cho thần Osiris xét xử. Isis là một vị nữ thần có nhiều "phù phép", em gái và cũng là vợ của thần Osiris, và là mẹ của thần Horus. Thần Horus có thân người nhưng đầu là chim ưng, giữ trọng trách bảo vệ cho vương quyền, v.v. Nói chung các vị thần linh Ai Cập cũng tương tự như các vị thần linh Hy Lạp và La Mã là các vị thần linh được tạo dựng bằng trí tưởng tượng qua các huyền thoại.
Các vị thần được thờ phụng trong các đền đài mà chỉ có các vị pharaohs và các giáo sĩ mới được bước chân vào. Việc thờ phụng gồm các nghi lễ hiến dâng, cầu khẩn và tụng niệm. Vào các dịp lễ lạc, các pho tượng thần linh mới được cung thỉnh và diễn hành bên ngoài đền đài để dân chúng chiêm bái. Năm -1365 (trước Tây Lịch) vua Pharaoh Akhenaton IV có ý định sửa đổi tôn giáo và chủ trương chỉ thờ một vị thần linh duy nhất nhưng bị thất bại.
Nền văn minh Maya
Trên lục địa Mỹ Châu một nền văn minh khá biệt lập bắt đầu được hình thành kể từ thế kỷ thứ III trước Tây Lịch trong vùng Trung Mỹ, muộn hơn so với các nền văn minh khác, và dần dần suy tàn sau đó kể từ thế kỷ thứ VIII sau Tây Lịch. Người Maya vào các thời văn minh cổ đại của họ rất giỏi về toán học và thiên văn, chẳng hạn như họ tính được trong một năm có 365, 2420 ngày, theo các nhà thiên văn hiện đại ngày nay thì một năm có 365, 2422 ngày. Tín ngưỡng của họ là đa thần, tin vào sự xoay vần của vũ trụ và mọi hiện tượng theo các chu kỳ hình thành và hủy hoại. Các giáo sĩ giữ vai trò tiên đoán vận mệnh và thời cơ của con người và xã hội, nếu thời cơ sắp gặp vận xấu thì họ tổ chức các nghi lễ hiến sinh nhằm cầu khẩn các vị thần linh tái lập lại sự vận hành bình thường cho họ. Người Maya và các giáo sĩ của họ tiên đoán vào thế kỷ XVI (thời điểm này được chuyển từ niên lịch Maya sang niên lịch Tây Phương) sẽ xảy ra tận thế, do đó khi người Tây Ban Nha ào ạt xâm chiếm các nước Trung Mỹ vào thế kỷ này thì các dân tộc thừa hưởng nền văn minh trước kia của người Maya là các dân tộc Aztec (Mễ Tây Cơ này nay) và Inca (xứ Perou ngày nay) nghĩ rằng các sự xâm lược đó là do lệnh của thần linh nên họ cam phận không kháng cự gì. Thật ra dù có kháng cự thì cũng không sao đủ sức ngăn chận được các đạo quân Tây Ban Nha.
Tín ngưỡng của người Maya cũng như của các sắc tộc khác thuộc vùng trung Mỹ thời bấy giờ là đa thần. Người Maya tin vào sự xoay vần của thiên nhiên gồm các các chu kỳ hình thành và hủy hoại và vũ trụ thì gồm có ba thế giới hay ba cõi: mặt đất nơi con người sinh sống thì dẹp và hình vuông, bên trên là bầu trời gồm mười ba tầng, mỗi tầng có một vị thần linh cai quản, bên dưới mặt đất là cõi âm, tối tăm và lạnh lẽo. Tất cả mọi người sau khi chết sẽ tái sinh vào cõi âm, duy nhất chỉ có vua chúa nhờ có sức mạnh siêu nhiên nên từ cõi âm sẽ trực tiếp tái sinh lên cõi trời. Họ thờ phụng vô số thần linh trong các huyền thoại.
Người Maya cho rằng thế giới và các vị thần linh được sinh ra từ một người cha chung là Hun Nal Ye là vị Thần Rắn lông chim và Mẹ là Nữ Thần Mặt Trăng. Ngoài ra còn có hai vị thần quan trọng khác là một cặp sinh đôi Hunahpu và Xhalanque, là các vị thần chống lại sức mạnh của cõi âm, hai vị này sinh ra loài người. Ngoài ra còn có thần Yum Kaax là Thần Bắp, xin nhắc thêm bắp hay ngô là loại ngũ cốc căn bản nuôi sống dân tộc Maya. Thần Itzamna là vị thần thiêng liêng nhất, vua chúa và các giáo sĩ thường xuyên cầu khẩn vị này giúp cho dân chúng được bình an, vị thần này cũng sáng tạo ra chữ viết và có một sự hiểu biết siêu nhiên. Nữ thần Ix Chel lả vợ của Thần Itzamna, trợ giúp người phụ nữ trong việc sinh đẻ, và cũng vừa là thần lương y chữa trị bệnh tật. Kinich Ahau là thần Mặt Trởi, Chac là Thần Mưa, v.v.
Người Maya xem máu là nguồn sinh lực mang lại sự sống cho con người và cho cả các vị thần linh, do đó trong các nghi lễ tín ngưỡng việc hiến sinh rất quan trọng. Hiến sinh có thể là giết thú vật, người, hoặc tự cắt máu, tự gây thương tích hoặc tự hy sinh mạng sống của mình để hiến máu cho thần linh. Người mang ra hiến sinh thường là tù binh, nô lệ, trẻ con mồ côi hay ngoại hôn, hoặc bên thua hay bên thắng trong một trò chơi dùng thân người để tung một quả bóng bằng mủ cao-xu. Các kim tự tháp của người Maya là các nơi hành lễ hiến sinh, vị trí xây dựng được căn cứ vào sự phân bố các vì sao trên trời. Sau đây chúng ta lại tiếp tục tìm hiểu về nền văn minh cổ đại của Ấn Độ.
Nền văn minh cổ đại Ấn Độ
Nền văn minh cổ đại của nước Ấn được hình thành từ hai nơi khác nhau và biệt lập với nhau và do đó có thể xem là hai nền văn minh khác biệt nhau: nền văn minh sông Indus trên miền tây bắc và nền văn minh sông Hằng (Gange) thuộc miền đông bắc nước Ấn ngày nay. Nền văn minh sông Indus được hình thành sớm hơn nhưng đã suy tàn nhanh chóng và biến mất sau đó, gần như không lưu lại một ảnh hưởng quan trọng nào, trái lại nền văn minh sông Hằng đã trực tiếp ảnh hưởng đến toàn bộ văn hóa và xã hội nước Ấn và cả toàn thể Á Châu.
Nền văn minh sông Indus
Khoảng 7 000 năm trước Tây Lịch, một sắc tộc có nguồn gốc Ấn-Âu (Indo-European race) trong vùng Trung Á (Iran, Turkmenistan... ngày nay) di trú về phương đông và định cư trên miền bắc Ấn. Khoảng 5 000 năm trước Tây Lịch làng mạc và đô thị bắt đầu được thành lập trong thung lũng sông Indus, một vùng đồng bằng rộng lớn thuộc tây bắc Ấn Độ và một phần của các nước Pakistan và Afghanistan ngày nay, tạo ra một nền văn minh khá cao, thế nhưng cũng đã suy tàn nhanh chóng sau đó. Bắt đầu từ các năm -1900 (trước Tây Lịch) nhiều dấu hiệu cho thấy dân chúng bỏ đi nơi khác, khoảng 100 năm sau đó thì các vùng đô thị này hoàn toàn trở thành hoang phế, và nền văn mình sông Indus rơi vào sự quên lãng của lịch sử nhân loại từ đó, và chỉ mới được khám phá ra vào các thập niên sau này nhờ các công cuộc khảo cổ tìm thấy nhiều di tích và dấu vết làng mạc, đô thị của nền văn minh này. Các sử gia và khoa học gia cho rằng một trong các nguyên nhân gây ra sự suy tàn nhanh chóng trên đây là khí hậu. Vào những năm -1900 (trước Tây Lịch) khí hậu vụt trở nên lạnh lẽo và khô cằn, khiến dân chúng rời bỏ vùng này. Các địa chất gia cho rằng các trận động đất xảy ra vào các thời kỳ trên đây làm cho sông ngòi đổi hướng và trở nên khô cạn, khiến khí hậu đổi thay gây khó khăn cho việc canh tác. Các sử gia thì lại cho rằng các dân tộc hiếu chiến trong các vùng tây bắc sông Indus kéo vào thung lũng sông Indus cướp bóc gây ra loạn lạc. Các nhà khảo cổ đưa ra một chi tiết về sự biến mất của nền văn minh này, đó là các tấm đất sét ghi chép việc buôn bán giữa hai nền văn minh Indus và Lưỡng Hà (Mesopotamia) và các bộ tộc khác trong vùng, không còn tìm thấy sau năm -1800 (trước Tây Lịch).
Sự pha trộn giữa một sắc tộc di dân ăn lúa mì, với vài nét Tây Phương - chẳng hạn như râu tóc - pha trộn với các sắc tộc địa phương ăn lúa gạo, mang vóc dáng Á Đông với làn da sậm màu, đã tạo ra một sắc tộc "mới" tự nhận mình là dân tộc Arian (tiếng Phạn Arya có nghĩa là cao quý, đáng kính/noble, honorable, một thuật ngữ rất thường thấy trong các kinh sách Phật giáo và Ấn giáo). Thế nhưng điểm nổi bật và đáng lưu tâm hơn về nền văn minh này là tính cách hiếu hòa và phi-bạo-lực của cả một xã hội. Các công cuộc khảo cổ không tìm thấy một dấu tích nào cho thấy sự độc tài và hung bạo của vua chúa thời bấy giờ: không vũ khí, không quân đội, không nô lệ, không khám đường cũng không thấy các loại vũ khí tra tấn, cũng như các dấu vết cho thấy các cuộc bạo động hay nổi loạn như thường thấy xảy ra trong các nền văn minh khác. Về phương diện tín ngưỡng các nhà khảo cổ tìm thấy các hình tượng "thánh mẫu" (mother-goddess), các cội cây (mang tính cách thiêng liêng), các bùa hộ mệnh, các tượng bằng đất nung trong tư thế du-già (yoga) mà một số học giả xem là các dấu hiệu đầu tiên đưa đến sự hình thành của Ấn giáo và đạo Ja-ïn (Jaïnism) trong thung lũng sông Hằng sau này. Trong phần dưới đây, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về nền văn minh sông Hằng nơi mà Phật giáo đã được hình thành.
Nền văn minh sông Hằng
Sau đợt di dân đầu tiên của sắc tộc Aryan đến vùng tây bắc Ấn tạo ra nền văn minh sông Indus và sau khi suy tàn nền văn minh này đã để lại một khoảng trống mênh mông trong lịch sử của toàn vùng bắc Ấn. Các nhà khảo cổ dựa vào một số di tích khai quật được gần đây cho thấy có thể là một đợt di dân thứ hai của sắc tộc Aryan từ các vùng Punjab phía tây của Pakistan ngày nay và vùng Doab một giải đất nằm giữa thượng lưu sông Hằng và sông Jumna thuộc vùng đồng bằng sông Indus, đã đến lập nghiệp trong thung lũng sông Hằng vào khoảng 1 500 năm trước Tây Lịch và đã mang lại một nền văn minh thật đặc thù, hoàn toàn khác biệt với các nền văn minh cổ đại khác.
Thật vậy nền văn minh sông Hằng thật hết sức huyền bí, lạ lùng, không lưu lại một công trình đồ sộ nào - chẳng hạn như lăng tẩm của Tần Thủy Hoàng với các đạo quân bằng đất nung, các kim tự tháp của các vị Pharaohs hay ngôi đền Parthenon khổng lồ của thành phố Athens... Nền văn minh sông Hằng và cả trước đó là nền văn minh sông Indus, không hề lưu lại các công trình đồ sộ vượt khỏi sự tàn phá của thời gian. Nếu muốn tìm kiếm các kiến trúc lâu đời nhất của nước Ấn thì cũng chỉ là các trụ đá ghi khắc chỉ dụ của triều đình và một vài bảo tháp do vua Azoka (A-dục) thiết kế và xây dựng vào thế kỷ thứ III trước Tây Lịch. Các sử gia phải bó tay không biết phải giải đoán như thế nào về sự im lặng mênh mông trên đây của thời cổ đại trong thung lũng sông Hằng. Một số lớn các sử gia, học giả và các nhà khảo cổ Tây Phương cho rằng không có gì đáng để thán phục và ngưỡng mộ đối với nền văn minh Ấn Độ trước thời kỳ của vua A-dục cả. Quả đây là một sự đánh giá hết sức nông cạn và thiển cận, thật vậy có thể là họ chẳng bao giờ tìm hiểu về kho tàng khổng lồ của kinh sách Phật giáo. Ngoài một nền tư tưởng có một không hai của nhân loại thì kho tàng kinh sách đó còn là cả một nguồn tư liệu về lịch sử, triết học, văn hóa, xã hội của các thời kỳ trước khi đế quốc đầu tiên của Ấn Độ là Maurya do ông nội của vua Azoka là Chandragupta Maurya thành lập vào hậu bán thế kỷ thứ IV trước Tây Lịch.
Chỉ cần đơn cử một vài sự kiện cũng đủ cho thấy là các học giả, sử gia và các nhà khảo cổ Tây Phương không nhìn xa hơn những gì mà họ quan sát trực tiếp trên thực địa. Tam Tạng Kinh (Tipitaka) gồm hơn mười ngàn bài kinh, tức là các bài giảng của Đức Phật mà các môn đệ của Ngài dã học thuộc lòng và lưu truyền hết thế hệ này sang thế hệ khác suốt năm thế kỷ trước khi được ghi chép bằng chữ viết. Chẳng phải đấy là kết quả mang lại từ một sức cố gắng tập thể phi thường, một gia tài tư tưởng vô giá của một con người siêu việt, một kỳ quan to lớn và độc đáo nhất của nhân loại không hề có trong các nền văn minh khác hay sao? Nếu nhìn vào lâu đài của trí tuệ đó, thì thử hỏi ngôi đền đổ nát Parthenon, các kim tự tháp Ai Cập, Maya, vạn lý trường thành có so sánh được không, hay chỉ là những di tích không còn giữ được một công dụng nào mà chỉ để du khách mua vé vào xem?
Dầu sao qua tầm nhìn của các sử gia, các nhà xã hội học, ngôn ngữ học, triết gia và cả các nhà khoa học thì những gì mà sắc tộc Aryan đã mang vào thung lũng sông Hằng cũng đã nhào nặn ra cả một nền văn minh cho nước Ấn sau này: đó là ngôn ngữ có nguồn gốc Ấn Âu (Indo-European language), bản kinh Vệ-đà (Veda) và sự quản lý xã hội bằng cách phân chia con người thành bốn giai cấp. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về ba gia tài này của nước Ấn.
Ngôn ngữ Ấn-Âu
Ngôn ngữ có nguồn gốc Ấn Âu mà sắc tộc Aryan đã mang vào thung lũng sông Hằng từ thế kỷ XIV trước Tây Lịch dần dần biến dạng và trở thành các ngôn ngữ địa phương, tiếng Phạn là một trong số các ngôn ngữ này và đã được dùng để chuyển tải các kinh Vệ-đà. Tiếng Phạn xưa lại tiếp tục biến dạng và trở thành một ngôn ngữ cải tiến hơn từ thế kỷ thứ V hay thứ IV trước Tây Lịch dùng chuyển tải giáo lý của đạo Bà-la-môn và sau đó là Phật giáo kể từ thế kỷ thứ I trước Tây Lịch. Tiếng Pa-li được hình thành từ tiếng Phạn vào khoảng thế kỷ thứ III trước Tây Lịch và thường bị hiểu lầm là ngôn ngữ mà Đức Phật đã sử dụng để thuyết giảng. Điều này không đúng vì tiếng Pa-li và cả tiếng Phạn cải tiến đều được hình thành sau thời đại của Đức Phật. Khi còn tại thế Đức Phật thuyết giảng bằng một ngôn ngữ địa phương gọi là ardhamagadhi của quê hương Ngài trong xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) và vào thời kỳ đó cũng chưa có chữ viết.
Chữ viết xuất hiện trong thung lũng sông Hằng vào khoảng thế kỷ thứ III trước Tây Lịch dưới triều đại của vua Azoka (A-dục), thể loại chữ viết này gọi là ngữ tự brahmi. Ngoài ra cũng còn một thể loại ngữ tự khác là karoshti được mang vào thung lũng sông Hằng từ các vùng tây bắc Ấn (Pakistan-Afghanistan ngày nay). Tuy nhiên cũng có giả thuyết cho rằng ngữ tự karoshti được hình thành trong các vùng miền nam nước Ấn. Dầu sao thì ngữ tự bhrami cũng giữ một vai trò quan trọng hơn nhiều vì đã trở thành ngữ tự chung cho cả nước Ấn, và sau đó cũng đã biến dạng và trở thành ngữ tự của các nước Á Châu như Miến Điện, Sri-Lanka, Lào, Kampuchea, Thái Lan, Java, Bali, v.v.., ngoại trừ Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản thì du nhập và vay mượn ngữ tự Trung Quốc trước khi biến ngữ tự này thành ngữ tự riêng của mỗi nước. Trong trường hợp Việt Nam thì ngữ tự tượng hình của Hán ngữ được sửa đổi và biến thành chữ Nôm và sau đó tiếng Việt Nam được chuyển tải bằng các chữ cái trong tiếng La Tinh. Tuy nhiên theo các nhà ngôn ngữ học thì chữ Nhật và Triều Tiên sau này ngoài gốc tiếng Hán ra cũng có một vài nét vay mượn từ ngữ tự bhrami. Chữ viết của các nước trong vùng Hy-mã Lạp-sơn như Nepal, Tây Tạng, Khotan... đều có nguồn gốc ngữ tự bhrami. Sự kiện trên đây cho thấy Phật giáo hình thành và phát triển ở Ấn sau đó được truyền bá sang các nước Đông Nam Á đều nhờ vào ngữ tự bhrami, tiếng Phạn và tiếng Pa-li, ngoại trừ các nước Triều Tiên, Nhật bản và Việt Nam chịu ảnh hưởng Hán ngữ. Nêu lên điều này để cho thấy rằng sự phát triển và truyền bá Giáo Huấn của Đức Phật không những đã mang lại chữ viết, văn hóa và lịch sử cho toàn thể bán lục địa Ấn độ mà còn cho một số lớn các nước Á Châu khác.
Ngoài ra cũng có giả thuyết cho rằng Phật giáo trước khi được đưa vào Việt Nam bằng Hán ngữ và từ phương bắc, cũng đã du nhâp từ phương Nam bằng đường biển, thế nhưng dường như không thấy ảnh hưởng trực tiếp nào của tiếng Phạn trong văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam (?).
Kinh Vệ-đà, đạo Bà-la-môn và Ấn giáo
Gia tài thứ hai mà sắc dân Aryan đã mang vào thung lũng sông Hằng là bản kinh Vệ-đà (Veda), nguyên nghĩa là sự "Quán thấy" hay sự "Hiểu biết". Vệ-đà là một bản kinh tín ngưỡng xưa nhất của nhân loại. Các học giả Tây Phương cho rằng kinh này được trước tác và truyền khẩu từ thế kỷ XV trước Tây Lịch tức là trước sự xuất hiện của Đức Phật chín thế kỷ. Kinh Vệ-đà gồm nhiều phiên bản dưới thể văn vần do đó cũng được xem là các "vần thơ" đầu tiên của nhân loại. Kèm theo kinh Vệ-đà còn có một số bài tụng với các câu thần chú mang tính cách thiêng liêng và mầu nhiệm, và chính từ điểm này mà các học giả Tây Phương xem các kinh Vệ-đà biểu trưng cho cả một tôn giáo gọi là đạo Vệ-đà (Vedism).
Đạo Vệ-đà hình dung ra một sức mạnh thiêng liêng, nhất thể (monism) mang tầm vóc vũ trụ, và toàn thể vũ trụ thì vận hành theo các chu kỳ xoay vần bất tận. Việc thờ phụng sức mạnh đó gồm có các nghi thức cúng dường và cầu xin. Sức mạnh thiêng liêng trong đạo Vệ-đà dần dần được hình dung cụ thể hơn qua một Đấng Thiêng Liêng, siêu hình và tuyệt đối gọi là Vị Trời Brahma. Sự xuất hiện của Vị Trời Brahma đưa đến sự hình thành của đạo Bà-la-môn (Brahmanism) với sự xuất hiện của kinh Brahmana. Dưới góc nhìn này thì khái niệm độc thần trong đạo Bà-la-môn được hình thành trước Ki-tô giáo của chúa Giê-su khoảng 1 000 năm!
Sau đó sức mạnh toàn năng của Vị Trời duy nhất là Brahma mang tính cách siêu hình và trừu tượng trong đạo Bà-la-môn lại được tiếp tục cụ thể hóa "tích cực" hơn nữa để biến Vị Trời Brahma thành ba vị khác nhau: Brahma, Civa (Shiva), Vishnu, kéo theo sự xuất hiện của một lô các vị thần linh khác, biến đạo Bà-la-môn trở thành đa thần và được gọi bằng một tên khác là Ấn giáo (Hindouism) với sự xuất hiện của các kinh Upanisad. Ấn giáo lại tiếp tục biến đổi với sự xuất hiện của nhiều tông phái khác nhau: Shivaism (thờ thần Shiva), Visnhuism (thờ thần Vishnu)..., và các phương pháp tu tập đa dạng mang các sắc thái "triết học" khác nhau, như Vedanta, Yoga, Tantra, v.v.
Sư phân chia giai cấp trong xã hội
Nếu kinh Vệ-đà đã mang lại cho thung lũng sông Hằng một tín ngưỡng lâu đời nhất của nhân loại thì bên trong bản kinh này cũng đã nêu lên sự phân chia con người thành bốn giai cấp hay đẳng cấp, chận đứng mọi sự tiến bộ của cả một xã hội mà ảnh hưởng vẫn còn hết sức nặng nề ngày nay. Ý niệm về bốn giai cấp được xác nhận và triển khai sau đó trong "Bộ luật Manu" (Manu Smriti/Manava Dharma Shastra/Law of Manu). Manu chỉ là một nhân vật mang tính cách biểu trưng, một vị thánh nhân siêu phàm hướng dẫn và điểu khiển dân tộc Aryan. Bộ luật này hình dung ra quá trình và các quy tắc vận hành của vũ trụ và đưa ra các giới luật chi phối con người. Bộ luật được trước tác vào khoảng 1 000 năm trước Tây Lịch và sau đó tiếp tục được bổ khuyết thêm cho đến thế kỷ thứ V trước Tây Lịch, gồm khoảng 100 000 câu thơ với hơn 1 000 chương. Cũng xin nêu thêm một chi tiết là bộ luật nãy đã được dịch ra các ngôn ngữ Tây Phương từ thế kỷ XIX với nhiều phiên bản khác nhau. Theo bộ luật Manu sự phân chia con người thành bốn giai cấp là một "quy luật" thiêng liêng: giai cấp cao nhất là những người Bà-la-môn (Brahmana) tức là các vị giáo sĩ, tuần tự sau đó là các chiến binh (Kshatriya), thương nhân, nông dân, thủ công (Vaishya), nô bộc (Shudra). Ngoài bốn thành phần này cũng còn một giai cấp nữa nhưng không được xếp hạng, thuộc bên lề xã hội, không có một quyền hạn nào cả, đó là giai cấp tiện dân (Panchama). Con người sinh ra trong giai cấp nào thì phải gánh chịu số phận mình trong giai cấp đó, không thay đổi được.
Đức Phật xuất hiện trong khung cảnh của nền văn minh chi phối bởi kinh Vệ-đà, Bộ luật Manu, đạo Bà-la-môn và một xã hội phân biệt giai cấp trên đây. Vậy Giáo Huấn và tư tưởng của Đức Phật liên hệ và đã vượt lên trên nền văn minh đó như thế nào, và đã mang lại một giải pháp nào cho con người trong thời đại của Ngài và cả cho chúng ta hôm nay?
Sự xuất hiện của Đức Phật
Đức Phật tên là Siddhartha Gautama (Tất-đạt-đa Cồ-đàm) là một nhân vật lịch sử, ra đời trong bối cảnh của nền văn minh sông Hằng trên đây năm -566 và tịch diệt năm -486 (trước Tây Lịch). Cũng xin lưu ý là có nhiều khác biệt về năm sinh và tịch diệt trên đây của Đức Phật đối với Phật giáo Tây Tạng và Trung Quốc, kể cả giữa một số các học giả Tây Phương, tuy nhiện các mốc thời gian trên đây được chấp nhận rộng rãi nhất.
Dù sinh ra đời chinh xác vào năm nào thì trước hết Ngài vẫn là một con người, cha mẹ Ngài cũng là những con người. Sự hiện diện của Ngài trên hành tinh này rất thật, thật như chính chúng ta hôm nay, tức là không mang một chút huyền thoại nào cả. Giáo Huấn của Ngài được xây dựng bằng lý trí, sự hiểu biết và các kinh nghiệm thực tiễn do chính Ngài đã thực hiện được cho mình. Nền Giáo Huấn đó không dựa vào đức tin, sự cầu khẩn hay một sự đổi chác bằng lễ vật với một vị thần linh nào, cũng không dựa vào một sức mạnh hay một Đấng Thiêng Liêng nào, mà duy nhất chỉ hướng vào con người, vì con người và thuộc tầm tay con người.
Vậy nền giáo huấn duy nhất đó là gì, đã mang lại những gì mới lạ và khác hơn so với tất cả các nền văn minh cổ đại khác, mà ngày nay vẫn còn tiếp tục chinh phục hằng trăm triệu người trên hành tinh này? Chúng ta sẽ tìm hiểu sâu xa hơn về nền giáo huấn này trong Phần III.
Trên đây chúng ta đã có dịp lướt qua sự xuất hiện và diễn tiến của các nền văn minh cổ đại trên hành tinh này sau một đêm tối kéo dài 200 000 năm của suốt thời tiền sử. Thật khó cho chúng ta biết được là trong đêm tối đó con người có được tự do hay không? Thượng Đế và vô số các vị thần linh đủ loại đã làm gì trong thời gian đó, hay cũng chỉ xuất hiện và cùng thức dậy với chúng ta vào một buổi hừng đông cách nay 7 000 năm trên trên địa cầu này? Sự tự do xuất hiện từ lúc nào, từ trong đêm tối của thời tiền sử hay vào một ngày nào đó gần đây hơn trong các xã hội tân tiến của chúng ta ngày nay?
Y niệm về sự tự do trong các nền văn minh cổ đại
Nếu duy nhất chỉ nêu lên các tiến bộ mang lại từ các nền văn minh cổ đại nhưng lại không nói gì đến các sự xung đột và chiến tranh liên tiếp xảy ra trong các nền văn minh đó thì quả là một sự thiếu sót. Trong số tất cả các sinh vật sống trên hành tinh này thì con người "thông minh" nhất nhưng cũng hung hăng nhất, gây chiến nhiều nhất, và cũng là các sinh vật cùng một chủng loại giết nhau nhiều nhất, gây ra đau thương và tác hại cho nhau nhiều nhất. Ngoài trí thông minh phải chăng đây cũng là một trong các điểm khác biệt nổi bật nhất giữa con người và các sinh vật khác? Lý do phải chăng là vì "bản năng sinh tồn" của con người quá mạnh mà lại còn được thúc đẩy và hỗ trợ bởi trí "thông minh"?
Từ khi con người biết thuần hóa thú vật để sai khiến và ăn thịt thì ngay sau đó con người cũng bắt đầu thuần hóa chính con người để biến một số đồng loại trở thành những kẻ nô lệ phục vụ cho mình. Nguyên nhân sâu xa và trực tiếp nhất là sự tham lam đưa đến tình trạng tranh dành, xung đột, chiến tranh và tình trạng khai thác con người và biến con người trở thành nô lệ cho con người.
Người tiền sử bắt đầu đánh nhau bằng tay chân, gậy gộc, sau đó là bằng cung tên, dao mác, và gần đây hơn là bom hạt nhân. Chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt từ các thời kỳ cổ đại cho đến ngày nay. Vậy trong bối cảnh nô lệ, chiến tranh, bảo vệ lãnh thổ, mở rộng biên thùy đó của các thời kỳ cổ đại, "ý niệm về sự tự do" - ít nhất là theo cách hiểu của chúng ta ngày nay - phát sinh từ lúc nào và ở đâu? Nếu bất thần nêu lên câu hỏi này với các sử gia, triết gia, các nhà khảo cổ, nhân chủng học, thần học..., thì có thể là sẽ khó cho họ tìm thấy nhanh chóng được lời giải đáp, bởi vì "ý niệm về sự tự do" dường như chỉ là một phát minh khá mới mẻ trên dòng lịch sử tiến hóa của nhân loại. Trong suốt thời gian diễn ra các nền văn minh cổ đại dường như con người chỉ cướp đoạt sự tự do của nhau dưới mọi hình thức nhưng không hề ý thức được cung cách hành xử đó của mình. Phải chăng ý niệm về sự tự do là một sự tiến bộ xảy đến rất chậm và cũng rất muộn trên dòng tiến hóa của lịch sử nhận loại.
Tuy nhiên nếu chịu khó tra cứu thì chúng ta cũng sẽ thấy rằng các triết gia Hy Lạp cũng đã từng nói đến sự "tự do" vào thế kỷ thứ III trước Tây Lịch, thuật ngữ "Eleutheria" trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là sự "tự do" thế nhưng vào thời bấy giờ thì thuật ngữ này cũng chỉ có nghĩa là "một vùng đô thị hay một thành phố không bị chiếm đóng bởi một sức mạnh bên ngoài", do đó ý nghĩa của thuật ngữ này gần với ý nghĩa của chữ "độc lập" hơn. Ý nghĩa của thuật ngữ "tự do" chỉ mở rộng và trở nên trừu tượng rất muộn sau này và dần dần mang thêm khía cạnh hay tính cách "cá nhân" như ngày nay. Các triết gia Hy Lạp Aristotle, Platon... cũng có nói đến sự "tự do", nhưng đấy cũng chỉ là các ý nghĩ siêu hình mang tính cách tự suy diễn (speculation), chẳng tạo ra một tác động nào hay một ảnh hưởng nào trong xã hội, các sự tự suy diễn của các triết gia ấy cũng đã rơi vào sự quên lãng của ký ức của con người từ lâu, các triết gia ngày nay cũng không mấy khi lật lại những trang sử lâu đời ấy. Vậy chúng ta hãy thử tiếp tục tìm hiểu thêm xem ý niệm về sự tự do đã được hình thành như thế nào trên dòng tiến hóa của nhân loại sau sự xuất hiện của các nền văn minh cổ đại trên đây, trước khi trở thành một thứ lý tưởng cao quý nhất của con người trong các xã hội ngày nay.
Phần II
Y niệm về sự tự do trong các thời kỳ cận đại
Sau khi bước vào thời đại lịch sử thì nhân loại tiến bộ rất nhanh, thế nhưng đồng thời lịch sử cũng thuật lại không biết bao nhiêu trận chiến khốc liệt, sự hình thành và sụp đổ của không biết bao nhiêu đế quốc. Phía sau những sự hình thành và sụp đổ đó chỉ là chết chóc, đau thương, không hề phản ảnh một sự tự do nào cả, ít nhất là một sự tự do đúng nghĩa của nó, nêu lên một cách can đảm và không xấu hổ. Sự khác biệt nổi bật nhất giữa các nền văn minh cổ đại và các nền văn minh cận đại là vào thời cổ đại con người giết hại và tàn phá, gây tổn thương cho nhau nhưng không nêu lên một khẩu hiệu tự do nào cả, trái lại trong các thời kỳ cận đại và cả ngày nay con người vẫn tiếp tục tước đoạt sự tự do của nhau và đồng thời thì hô hào sự tự do rất hăng.
Ý niệm về sự tự do dường như xuất hiện trong các xã hội tiến bộ và văn minh trước hơn các xã hội chậm tiến, và nếu nhìn vào thế giới ngày nay, thì không phải là khó để nhận thấy là các nước Tây Phương đã đạt được các tiến bộ và một nền văn minh hiện đại sớm nhất và họ cũng đã ảnh hưởng và áp đặt nền văn minh đó của họ trên các phần đất khác trên địa cầu. Do đó chúng ta cũng sẽ đặc biệt hướng vào thế giới Tây Phương để tìm hiểu ý niệm về sự tự do đã được hình thành từ lúc nào, như thế nào và được tôn trọng ra sao trong thế giới đó.
Ý niệm về sự tự do vào thời Trung Cổ
Sau khi nền văn minh Hy Lạp bắt đầu suy tàn vào thế kỷ thứ III trước Tây Lịch và sau đó là sự tan rã của đế quốc Macedonia của Alexander the Great (A-lịch-sơn Đại Đế) vào thế kỷ thứ II trước Tây Lịch thì các đạo quân La Mã nổi lên xâm chiếm toàn thể Âu Châu và các vùng chung quanh ĐịaTrung Hải tạo ra đế quốc La Mã, đánh dấu sự chấm đứt của nền văn minh cổ đại mở ra cho Âu Châu một giai đoạn lịch sử mới. Giai đoạn lịch sử này bắt đầu bằng một thời kỳ chuyển tiếp đặt dưới sự đô hộ và cai trị của đế quốc La Mã từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ V, trước khi bước vào thời kỳ Trung Cổ kéo dài suốt 10 thế kỷ sau đó song song với sự tan rã của đế quốc La Mã.
Sau khi xứ Judaea của người Do Thái nằm trong lãnh thổ của đế quốc Macedonia trước đây bị người La Mã tàn phá vào thế kỷ thứ I thì họ tản mát khắp nơi, mang theo tín ngưỡng của mình là Do Thái giáo (Israelism) với thánh kinh là Torah gồm năm quyển bằng tiếng Hebreu (tiếng Do Thái). Trong số những người Do Thái mất nước đó và cũng tại xứ Judaea của họ, một tôn giáo mới là Ki-tô giáo (Christianism) đã được sáng lập với vị giáo chủ là Jesus Christ (Chúa Ki-tô, còn gọi là Chúa Giê-su) với quyển kinh thánh là Bible. Cũng xin nhắc thêm là Hồi giáo (Islam) được hình thành muộn hơn nhiều vào thế kỷ VII, với vị giáo chủ là Muhammad (570-632) và kinh thánh là Koran (Qur'ran). Hồi giáo tự cho mình là một tôn giáo toàn cầu, công nhận tất cả các vị tiên tri và thần khải trước đó của Do Thái giáo và cả Ki-tô giáo: Noah, Abraham, Moses, Jesus. Sở dĩ nêu lên sự kiện này là vì tính cách quan trọng của nó, bởi vì cả ba tín ngưỡng độc thần mang cùng một nguồn gốc trên đây đã làm biến đổi thật sâu xa xã hội con người và cả bộ mặt của nhân loại.
Trở lại với thế kỷ thứ I thì sau khi Ki-tô giáo được thành lập đã lan rộng khắp nơi trong lãnh thổ của đế quốc La Mã kể từ thế kỷ thứ II, đánh bạt các tín ngưỡng đa thần đã có từ trước tại các nơi này, sau đó độc chiếm và đè nặng lên toàn thể Âu Châu kể từ thế kỷ thứ IV trước khi bước vào thời kỳ Trung Cổ bắt đầu từ thế kỷ thứ V. Trong thời gian chuyển tiếp trên đây cũng như từ trước đó qua các nền văn minh cổ đại, ý niệm về sự tự do không hề thấy ai nói đến, ngoại trừ vài triết gia Hy Lạp trên đây.
Bước sang thế kỷ thứ V mở đầu thời kỳ Trung Cổ, Ky-tô giáo thừa hưởng từ đế quốc La Mã cũng bắt đầu ăn sâu vào các sinh hoạt xã hội, văn hóa và tư tưởng của toàn thể Âu Châu. Trong bối cảnh tín ngưỡng độc thần và độc chiếm đó và dưới các thể chế quân chủ, quả hết sức khó cho con người thời bấy giờ hình dung ra một ý niệm nào về sự tự do theo cách hiểu của chúng ta ngày nay. Tuy nhiên các học già, triết gia và các nhà thần học thời bấy giờ cũng đã bắt đầu thắc mắc và tìm hiểu sự "tự do" là gì, thế nhưng tất cả mọi cố gắng của họ cũng chỉ xoay quanh giữa sự lệ thuộc vào ý chí của Thượng Đế (God'will, Desire of God) và sự tự do hành động (self determination), một sự lưỡng nan và bất định không giải quyết được giữa một bên là lý trí (reason) và đức tin (faith) và một bên là sự tự nguyện (self-will, volition, free-will/volonté, libre-arbitre). Sự giằng co đó không nói lên một sự tự do nào cả, không đưa đến một khái niệm thiết thực nào, nếu không muốn nói là một sự bế tắc và ràng buộc trước một xã hội quản lý bởi hai sức mạnh thần quyền và vương quyền, thế nhưng đấy lại là bầu không khí triết học của thời Trung Cổ ở Âu Châu.
Thật ra các triết gia và học giả đúng nghĩa của nó - tức không bị chi phối bởi tín ngưỡng - dường như cũng không có mấy ai. Vị giáo sĩ, triết gia và thần học lỗi lạc và tiêu biẻu nhất trong giai đoạn lịch sử này của Ấu Châu là Thánh Thomas d'Aquin (1224-1274), ông cho rằng "sự tự do là một hình thức cứu rỗi linh hồn xuyên qua ý chí của Thượng đế". Nói chung ý niệm về sự tự do trong thời kỳ Trung Cổ cũng chỉ lanh quanh giữa các khái niệm về linh hồn và ý chí của Thượng Đế. Trong tiếng Anh thời Trung Cổ (Middle Ages) còn được gọi là "Dark Ages" (Thời kỳ Tối Tăm). Bước sang thời Phục Hưng cởi mở hơn, người ta mới bắt đầu nhận thấy các học giả và triết gia nêu lên các ý niệm phóng khoáng hơn đôi chút về sự tự do.
Các tiến bộ và đổi mới trong thời Phục Hưng
Sự chuyển tiếp từ thời Trung Cổ sang thời Phục Hưng (Renaissance) được đánh dấu bởi các biến cố và sự kiện trọng đại: trước hết là các phong trào đổi mới về tín ngưỡng, sau đó là các phát minh khoa học và các tiến bộ kỹ thuật. Phát minh nổi bật nhất - có thể nói là quan trọng nhất đã làm thay đổi bộ mặt của Âu Châu - là ngành in ấn, giúp cho việc truyền thông và quảng bá tư tưởng được rộng rãi hơn. Năm 1454 Johannes Gutenberg người Đức lập nghiệp ở Pháp, phát minh ra cách in bằng các chữ rời đúc bằng kim loại. Cách làm giấy thì học được của người Hồi giáo một thế kỷ trước đó. Thánh Kinh là quyển sách được in đầu tiên. Sách in và các tư liệu ấn loát đã mang lại nhiều cải tiến cho toàn thể Âu Châu về đủ mọi mặt, từ xã hội, tôn giáo, tư tưởng, văn chương, triết học, cho đến nghệ thuật..., tạo ra một bầu không khí cởi mở và phóng khoáng hơn so với thời Trung Cổ khép kín và ngột ngạt. Ngoài ra cũng có rất nhiều phát minh khoa học và kỹ thuật dần dần đưa đến thời đại Tân Tiến ngày nay.
Phát minh quan trọng thứ hai sau ngành in ấn là kỹ thuật đóng tàu. Tàu thuyền lần đầu tiên được đóng với kích thước to lớn, đầu và đuôi tàu là hai phần chính, cao và nặng giúp cho tàu ít bị chòng chành có thể đi xa trên biển. Bản đồ thế giới dần dần được phác họa chính xác hơn. Dù rằng địa cầu là một khối hình cầu đã được biết từ thời văn minh cổ đại Hy Lạp và cả Ai Cập thế nhưng trong quảng đại quần chúng Âu Châu người dân chỉ mới bắt đầu khám phá ra "mặt đất" là một quả cầu hình tròn một cách "cụ thể" nhờ Christophe Colomb (Kha Luân Bố) một nhà hàng hải người Ý vượt tàu về hướng tây nhưng lại khám phá ra "Ấn Độ" (ngày nay là Mỹ Châu) năm 1492 (cuối thời Trung Cổ đầu thời Phục Hưng), và Fernand de Magellan người Bồ Đào Nha dùng tàu đi vòng quanh thế giới năm 1522. Ông rời Tây Ban Nha tháng 8 năm 1519 với năm tàu buồm và thủy thủ đoàn gồm 237 người. Đến Phi L