;
* Thượng tọa Thích Nhật Từ (ủy viên hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiệu phó Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM):
Chưa từng có trong lịch sử Phật giáo
Từ xưa đến nay, trong lịch sử Phật giáo, chùa đều do các thí chủ, người dân phát tâm xây dựng, trùng tu. Thiện chí của người phát tâm cúng dường cần được khích lệ, và việc ghi nhận công đức của gia chủ là công việc và trách nhiệm của nhà chùa, của người trụ trì. Gia chủ có thể có quyền yêu cầu, còn ghi nhận như thế nào cho phù hợp với văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc hoàn toàn là việc của nhà chùa. Nếu có yêu cầu nào không phù hợp, nhà chùa cần có giải thích để gia chủ được hoan hỉ.
Trong lịch sử Phật giáo có ngôi chùa được một, hai người đóng góp mà thành, có chùa được xây bởi tấm lòng của hàng ngàn thí chủ, song chưa có trường hợp nào mà hình ảnh những người phát tâm ấy lại treo ở những vị trí quan trọng trong chùa như tôi thấy trên báo Tuổi Trẻ sáng nay. Nếu ở những vị trí đó, nhà chùa treo một câu Phật ngôn, hay một bức tranh về lịch sử Phật giáo... thì tính thẩm mỹ, giáo dục ắt hẳn sẽ lớn hơn nhiều. Về phía thí chủ, cần phải hiểu rằng khi mình phát tâm xây chùa, hay ở đây là trùng tu, ấy là để cho hàng ngàn, vạn người khác cùng sử dụng. Treo ảnh cá nhân sẽ khiến bá tánh nghĩ rằng chùa này của riêng ông A, bà B, và tâm lý tiêu cực ấy sẽ lây lan, không tốt cho cộng đồng, cho nhà chùa, cho cá nhân thí chủ.
Tuy giáo hội không có quy định về việc ghi nhận công đức lớn hay nhỏ của những người phát tâm xây dựng chùa, nhưng từ trước đến nay vẫn được thực hiện theo những cách khá tốt. Xưa vua cho xây dựng chùa cũng không có ghi tên, treo ảnh, chỉ thể hiện trên tên chùa bằng một chữ “sắc tứ...”. Các chùa có ghi tên cá nhân đóng góp cũng chỉ là một tấm bia hay bảng tên nhỏ gắn ở mặt sau chùa để không ảnh hưởng đến hình ảnh Phật, ghi nhận bằng những phiếu công đức. Khi làm lễ lần đầu, tên của các thí chủ phát tâm sẽ được tán dương công đức... và như thế đủ để hoan hỉ, an lạc.
* Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã:
Có trách nhiệm của nhà chùa
Việc làm công đức, đóng góp vào xây dựng chùa, hoạt động của chùa là truyền thống xưa nay của phật tử. Và trong lịch sử hàng ngàn năm nay của Phật giáo Việt Nam, đóng góp công đức dù lớn đến bao nhiêu cũng chưa có phật tử nào dám để tên mình lên cổng chùa, treo ảnh mình nơi chánh điện. Dù một mình xây chùa, ghi nhận tên tuổi cũng chỉ là một tấm bia nhỏ nơi hậu liêu.
Trong các bài giảng của Phật giáo về việc tích lũy công đức bao giờ cũng có giảng giải cho phật tử hiểu: làm công đức, làm việc thiện tối cần là sự lặng lẽ. Làm công đức mà khoe khoang, càng nhiều người biết thì ý nghĩa của công đức càng tổn thất.
Nay sự việc này đã xảy ra thì người phật tử nên tự xử để xóa những hình ảnh xấu, không thì phải chịu bia miệng khiến công đức mình tích lũy bị mòn hao. Cũng không thể không nhắc đến trách nhiệm của nhà chùa khi để xảy ra sự việc đáng tiếc này.
Hãy để người Trà Vinh tự ghi nhận Trong gần 200 ý kiến phản hồi của bạn đọc có nhiều ý kiến từ người dân ở Trà Vinh cũng bày tỏ không đồng tình với việc phô trương hình ảnh gia đình ông Trầm Bê ở những nơi tôn nghiêm này. Xin giới thiệu một ý kiến: Là người dân Trà Vinh, từ lâu không riêng tôi biết đến ông Trầm Bê như một doanh nhân thành đạt. Có thể nói ông là người có tấm lòng với tỉnh nhà khi nhiều năm qua đã bỏ nhiều tiền của, công sức sát cánh cùng chính quyền trong nhiều công tác từ thiện xã hội của tỉnh. Trên hết, người dân Trà Vinh dễ nhận ra nhất là ông Trầm Bê là người có tâm với đạo Phật, thông qua việc ông phát tâm hỉ cúng đóng góp xây dựng, tôn tạo nhiều ngôi chùa Khmer trong tỉnh, đặc biệt là ở Trà Cú quê hương của ông. “Chùa ông Trầm Bê” là tên gọi được nhiều người dân Trà Vinh nói chung, huyện Trà Cú nói riêng, biết đến từ lâu đối với nhiều ngôi chùa có sự tham gia đóng góp trùng tu, xây dựng của ông. Thật ra việc ghi nhận sự giúp đỡ, công sức đóng góp của một cá nhân, tổ chức là điều hết sức bình thường, là sự tri ân cần thiết. Việc ghi nhận công đức của phật tử phát tâm xây dựng chùa chiền nói riêng, cơ sở thờ tự nói chung, cũng không ngoại lệ. Cho nên tên gọi “chùa ông Trầm Bê”, theo tôi, cũng không có gì đáng nói nếu như đó chỉ là lời truyền miệng quen thuộc của người dân nhằm ghi nhớ sự giúp đỡ của cá nhân ông. Tuy nhiên với việc gắn dòng chữ “gia đình ông Trầm Bê xây dựng ...” ngay cổng chính vốn xưa nay chỉ dùng để ghi tên chùa dễ khiến người dân nghĩ rằng đó là “chùa (của) ông Trầm Bê” thì có phần hơi phản cảm. Ngoài ra, việc treo hình ảnh gia đình “vây khắp” từ lối vào chính của chánh điện, lối lên chánh điện, đặc biệt việc tạc tượng người thân đặt ngang hàng với những tượng thần tôn kính... xem ra không khỏi khiến phật tử nói riêng, người viếng cảnh chùa nói chung, cảm thấy có điều gì đó “lăn tăn” trong lòng. Xưa nay trong rất nhiều ngôi chùa hay cơ sở thờ tự, người ta vẫn thể hiện sự tri ân những cá nhân có công khai sơn lập tự, song chỉ bằng việc tôn trí hình ảnh với kích thước nhất định và bố trí ở vị trí thích hợp hoặc lập bàn thờ khiêm tốn (nếu người đó đã khuất). Tuyệt nhiên không hề thấy việc mang hình ảnh cả gia đình lộng kính hay vẽ tranh hoành tráng giăng khắp các nơi trong chánh điện tôn nghiêm, lại càng khó thấy việc tạc tượng đặt ngang hàng với các đấng tôn kính trong tôn giáo. Đạo Phật dạy rằng ở đời mọi sự đều tùy duyên, những việc làm công đức nên xuất phát từ nơi tâm, và một khi đã xuất phát từ nơi tâm thì công đức chắc chắn được ghi nhận mà không cần bằng cách này cách khác “nhắc nhở” mọi người phải ghi nhận, đặc biệt là bằng những hình thức như treo hình, tạc tượng, khắc tên hoành tráng... có thể làm ảnh hưởng chốn tôn nghiêm. CHÁNH TÂM (Trà Vinh) |