;
PHẦN 1: DẪN NHẬP
Sau khi đăng bài “TRONG KINH A HÀM CHỨNG THỰC PHẬT THẾ TÔN CÓ KHAI THỊ HAI TỪ “TIỂU THỪA” VÀ “ĐẠI THỪA”, tôi hy vọng các đạo hữu tu học bên Đại thừa và Tiểu thừa (Đạo Phật Gốc, Nguyên Thủy, Nguyên Chất) đã có cái nhìn tổng thể hơn về hệ thống kinh Tiểu thừa.
Kỳ thực, khi Phật Thế Tôn thuyết pháp lúc ban đầu, chủ yếu là giảng về đạo Giải Thoát, gọi là thời kỳ Sơ chuyển Pháp luân, cốt để thu hút tín đồ, hàng phục ngoại đạo đang tu hành giải thoát mà không thoát. Thập đại đệ tử của Thế Tôn vốn dĩ đều là những hành giả ngoại đạo cả, sau nhờ sự nhiếp thụ của Thế Tôn mà lần lượt đắc A La Hán quả.
Sau này, khi tín đồ đã đông, nhân duyên chín muồi, các đệ tử hàng Bồ Tát có nhân duyên từ các đời trước dần dần xuất hiện và gia nhập tăng đoàn, với ước muốn tiếp tục hành Bồ Tát đạo, cứu độ chúng sinh, hơn nữa đây cũng là mục đích chính của Phật Thế Tôn khi đến nhân gian, truyền pháp tu thành Phật, do đó Thế Tôn bắt đầu giảng Nhị chuyển Pháp luân và Tam chuyển Pháp luân. Hai nội dung sau đều là giáo lý Đại thừa với các mức độ nông sâu khác nhau, dành cho các bậc Bồ Tát từ Thập tín vị cho đến hàng Bồ Tát thập địa.
Những nội dung này hoàn toàn trái ngược với ước muốn tu giải thoát khỏi sinh tử luân hồi của các La Hán, giáo lý lại quá thâm sâu, vượt quá tầm hiểu biết của các La Hán, nên khi kết tập kinh điển lần thứ nhất, các La Hán đã bỏ sót rất nhiều giáo lý Đại thừa, chủ yếu là kết tập các nội dung phục vụ cho đạo Giải thoát mà mình theo đuổi.
Mặc dù vậy, trong các bộ kinh mà các La Hán kết tập vẫn có khi ẩn khi hiện những nội dung giáo lý Đại thừa, nhưng không đi sâu vào chi tiết vì các La Hán không hiểu nghĩa lý vi diệu này. Trong bài trước, tôi đã chỉ ra trong kinh Tạp A Hàm, Thế Tôn đã nhắc đến hai chữ “Tiểu thừa” một lần duy nhất, đó là vì bản thân nội dung kinh mà Thế Tôn giảng, sau đó các La Hán kết tập lại vốn dĩ đã là đạo Giải thoát, tức Tiểu thừa rồi.
Do đó mà Thế Tôn không nhắc đi nhắc lại hai chữ “Tiểu thừa” này. Nhưng để so sánh giáo lý hai bên, đồng thời khuyến khích các đệ tử phấn khích, phát tâm Bồ Đề, “hồi Tiểu hướng Đại”, cho nên khi giảng giáo lý Tiểu thừa, Thế Tôn lại nhắc đi nhắc lại nhiều lần các chữ “Đại thừa”, “Tam thừa” và các danh tướng thường được sử dụng trong kinh điển Đại thừa.
Sở dĩ Thế Tôn chia làm hai loại Tiểu thừa và Đại thừa, tức là chia theo hạnh nguyện tu hành của các đệ tử, tức đạo Giải thoát và đạo Phật Bồ Đề, chứ thực chất Phật pháp duy nhất chỉ có Phật thừa viên mãn. Vì chỉ có duy nhất một, nên Phật thừa còn gọi là Nhất thừa.
Còn sở dĩ có danh từ “Tam thừa” là để phân biệt với Tiểu thừa (Thanh Văn thừa) và Trung thừa (Duyên Giác thừa). Tiểu thừa và Trung thừa hợp lại, gọi là Nhị thừa. Nhưng vì người Duyên Giác không nghe Phật thuyết pháp, nên Thế Tôn ít nhắc đến hơn so với người Thanh Văn (Tiểu thừa).
Các La Hán do không hiểu hết về những gì Thế Tôn đã dạy, cho nên khi kết tập kinh điển, đã đặt tên cho hệ thống kinh này là “A Hàm”, có nghĩa là “Đạo thành Phật”. Kỳ thực, đây là 1 sự ngộ nhận về nội dung tu hành và mức độ chứng lượng. Các La Hán tu theo đạo Giải thoát tuy đã thoát khỏi sinh tử luân hồi, song vẫn không ngộ được Chân Tâm của chính mình, tức không biết Bản Lai Diện Mục, Căn Bản Nhân, Đệ Nhất Nghĩa Đế, Giải Thoát Cứu Cánh...là gì, bởi đó hoàn toàn là nội dung của đạo Phật Bồ Đề.
Đây là những khái niệm cơ bản, tôi muốn điểm qua một lần nữa để các đạo hữu hiểu thêm nguồn gốc của những danh từ trên. Từ đó, khi giảng giải hoặc biện luận pháp nghĩa, sẽ có cái nhìn tổng thể hơn về đạo Phật.
Mặc dù bài viết trước đã có nhiều người đọc và chia sẻ, nội dung phân tích rất rõ ràng, chi tiết, song có nhiều người theo nhóm “Tiểu thừa cực đoan” vẫn không hiểu, không tin và tiếp tục phỉ báng kinh điển Đại thừa, chấp mê bất ngộ. Họ vẫn dùng thủ đoạn cũ, up những bài viết, hình ảnh bôi nhọ kinh điển giáo lý Đại thừa, với những câu hỏi rất ngô nghê, thô thiển và thiếu trí tuệ, lặp đi lặp lại đến mức ấu trĩ.
Kỳ thực, chỉ cần đọc kỹ hệ thống kinh điển A Hàm, đã có sự phân biệt rất lớn giữa Tiểu thừa và Đại thừa rồi, vấn đề gốc rễ đã được giải quyết triệt để rồi thì việc thắc mắc những nội dung bất khả tư nghì trong kinh điển Đại thừa là hành động thừa và thiếu hiểu biết.
Để tiếp tục khẳng định những nội dung trên là chính xác, dưới đây tôi tiếp tục trích dẫn những đoạn kinh điển nói về Đại thừa hoặc Tam thừa để các đạo hữu tham khảo.
PHẦN 2: HỆ KINH A HÀM RẤT NHIỀU LẦN NÓI ĐẾN “ĐẠI THỪA”, “TAM THỪA”
Danh từ “Đại thừa”, “Tam thừa” và “Phật thừa” được nhắc đi nhắc lại có khi đến cả trăm lần trong hệ thống kinh A Hàm trong khi bản thân hệ thống A Hàm là thuộc về đạo Giải thoát của người Tiểu thừa. Trong bài viết này, tôi tiếp tục đưa ra các dẫn chứng lấy từ kinh Tăng Nhất A Hàm.
“Tăng Nhất A Hàm kinh” quyển 1: A Nan đáp lời rằng: “Ca Diếp tôn giả! Nghĩa lý của Tứ A Hàm, trong một kệ, nói hết đầy đủ giáo nghĩa của CHƯ PHẬT, và giáo nghĩa của Bích Chi Phật cùng Thanh Văn. Nguyên nhân là vì, chư ác không làm, giới giữ các điều cấm, hành động thanh bạch, chư thiện phụng hành, tâm ý thanh tịnh, tự tịnh ý mình, loại trừ các loại tà điên đảo, đó là lời chư Phật dạy, trừ bỏ những ngu hoặc tưởng.
Vì sao, Ca Diếp! Người có giới thanh tịnh, thì ý (căn) chẳng lẽ không thanh tịnh ư? Người có ý thanh tịnh, thì không điên đảo. Nhờ không có điên đảo nên ngu hoặc tưởng bị tiêu diệt, thì 37 đạo quả sẽ được thành tựu. Để thành đạo quả, lẽ nào không phải nhờ các pháp này?”
Như vậy là, ngay trong quyển đầu tiên, hệ kinh A Hàm đã xác định rằng nội dung của mình là giáo lý toàn bộ Đạo Phật. Kỳ thực, đây là sự hiểu lầm dẫn đến đặt tên là A Hàm (Đạo thành Phật), nhưng trên thực tế, phần ruột thì chỉ nói đến đạo Giải thoát, với nền tảng cốt lõi là Tứ Đế, tức là Thế Tục Đế, chứ không đề cập gì mấy đến Thực Tướng Chân Đế. Đoạn kinh văn trên cũng nói rõ “A Hàm” (với nghĩa là “Đạo thành Phật”) đã chia ra làm 3 nội dung chính là giáo lý của CHƯ PHẬT, Bích Chi Phật và Thanh Văn.
“Tăng Nhất A Hàm kinh” quyển 5: Thế Tôn nói rằng: “Thiện tai! Thiện tai! Này Ca Diếp! Đem lại nhiều lợi ích, độ người vô lượng, rộng khắp tất cả, thiên nhân đều được độ. Nguyên nhân là vì, như Ca Diếp! Là người có hạnh Đầu đà này ở thế gian, pháp (của) Ta cũng nên trụ lâu ở thế gian.
Nếu như có pháp tại thế gian, lợi ích tăng trưởng đến tận Thiên đạo, thì Tam ác đạo sẽ giảm đi, cũng thành Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm; ĐẠO TAM THỪA cũng đều lưu tồn ở thế gian. Này các tỳ kheo! Những gì cần học đều phải như Ca Diếp đang thực hành. Đúng vậy! Các tỳ kheo! Cần phải học như thế”. Khi đó, các tỳ kheo nghe Phật nói xong đều hoan hỉ phụng hành.
“Tăng Nhất A Hàm kinh” quyển 24: “Người có ngôn thiện tụ lại, tức là ngũ căn vậy. Nguyên nhân là vì, cái tụ lớn nhất này, là sự diệu kỳ nhất trong các loại tụ. Nếu như người nào không hành pháp này, thì không thể thành Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật và Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Nếu người nào có được ngũ căn này, thì sẽ có đạo Tứ quả, ĐẠO TAM THỪA.
Người có ngôn thiện tụ là trên cả ngũ căn này. Vì lẽ đó, này các tỳ kheo! Cần nên cầu phương tiện, hành ngũ căn này. Đúng vậy! Các tỳ kheo! Cần nên học như thế”.
Đạo Tứ quả ở đây chắc hẳn ai cũng hiểu là Đạo Giải Thoát, tức là đạo Tiểu thừa rồi. Để Đạo Tứ quả và Đạo Tam thừa đặt cạnh nhau, phân biệt rõ ràng, chẳng lẽ nhóm người chuyên phỉ báng Đại thừa không hiểu ý, cứ nhất định phải có hai chữ “Tiểu thừa” mới chịu ư?
“Tăng Nhất A Hàm kinh” quyển 36: “Thân Như Lai được tính như Kim Cương, còn ý muốn phá nát thân này chỉ như hạt cải, song lại lan rộng khắp thế gian, khiến trong đời tương lai, thí chủ tín lạc không còn nhìn thấy hình tượng Như Lai, lấy nhân duyên cúng dường làm phúc đức, sẽ sinh vào nhà bốn họ lớn, nhà Tứ thiên vương, sinh lên 33 tầng trời, Diễm thiên, Đâu suất thiên, Hóa tự tại thiên, Tha hóa tự tại thiên; Nhờ có phúc đức này, sẽ được sinh lên Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Hoặc cũng có người đắc Tu Đà Hoàn đạo, Tư Đà Hàm đạo, A Na Hàm đạo, A La Hán đạo, Bích Chi Phật đạo, hoặc thành PHẬT ĐẠO”.
“Tăng Nhất A Hàm kinh” quyển 38: Thế Tôn nói rằng: “Khi người đó phát nguyện: ‘Con nay dựa vào Bát quan trai pháp này, không đọa xuống địa ngục, ác quỷ, súc sinh, cũng không đọa vào nơi bát nạn, không sống ở nơi biên giới xa xôi, không đọa vào nơi hung hiểm, không làm việc cho ác tri thức, cha mẹ chuyên chính, không nhiễm tà kiến, sinh ở trong nước, nghe được các thiện pháp, phân biệt tư duy, pháp pháp được thành tựu.
Trì giữ công đức trai pháp này, nhiếp thu lấy tất cả những việc lành của chúng sinh, lấy công đức này bố thí cho người khác, khiến họ thành đạo Vô thượng chính chân. Trì giữ phúc đức thề nguyện này, tu thành TAM THỪA, khiến không bị thoát lùi giữa chừng. Lại nữa, trì giữ Bát quan trai pháp này, dùng để học PHẬT ĐẠO, Bích Chi Phật đạo, A La Hán đạo, những người học chính pháp ở các thế giới khác cũng tu tập nghiệp này”.
Đoạn kinh văn ở quyển 36 và 38 cũng phân chia rõ cho chúng ta thấy, PHẬT ĐẠO (Phật thừa) hoàn toàn khác với A La Hán đạo (Thanh Văn thừa – Tiểu thừa) và Bích Chi Phật đạo (Duyên Giác thừa).
“Tăng Nhất A Hàm kinh” quyển 41: Khi đó, A Nan lại bạch Phật nói: “Người đó ở bộ nào? Thanh Văn Bộ, Bích Chi Bộ, hay là PHẬT BỘ vậy ạ?”
Phật nói cho A Nan biết: “Người đó đang có tên ở Bích Chi Bộ. Nguyên nhân là vì, người này đều nhờ tạo được nhiều công đức, hành nhiều thiện nghiệp, tu Tứ đế thanh tịnh, phân biệt được các pháp. Người nào mà hành thiện pháp tức đều có từ tâm vậy. Nguyên nhân là vì, có lòng nhân ái, làm việc từ bi, đức ấy lớn vô cùng”.
“Tăng Nhất A Hàm kinh” quyển 41: Lúc đó, A Nan bạch Phật nói: “Vì sao, thưa Thế Tôn! Người đó tự tu phạm hạnh, TAM THỪA HÀNH? Người đó sẽ có chí hướng đi về đâu?” Phật nói cho A Nan biết: “Đúng như lời ngươi nói, Ta thường thuyết TAM THỪA HÀNH. Ba đời chư Phật quá khứ, tương lai, đều nói hết TAM THỪA PHÁP. A Nan nên biết, khi gặp đúng thời, tướng mạo thọ mệnh của các chúng sinh, chuyển sang giảm bớt, hình dáng gầy yếu, không có uy thần, thường mang sân hận, đố kị, ngu si, gian dối, huyễn hoặc, các thành động đều không thật. Hoặc lại có lợi căn nhanh nhẹn, triển chuyển cạnh tranh, cùng nhau tranh tụng; Hoặc dùng nắm đấm, ngói đá, đao côn gây tổn hại đến nhau.
Khi đó, các chúng sinh cầm cỏ cũng biến thành đao kiếm, đoạn mệnh căn nhau. Trong số chúng sinh đó, có những người hành Từ tâm, không có sân nộ, thấy những thay đổi quái dị này, đều sinh sợ hãi trong lòng, cùng nhau tháo chạy, tránh xa những nơi ác hiểm này, vào trong nơi sơn dã, tự cắt râu tóc, mặc áo Tam pháp, tu phạm hạnh vô thượng, khắc chế mình tự tu, đoạn được tâm hữu lậu mà đắc giải thoát, bèn nhập vào cảnh giới vô lậu, ai nấy đều tự nói với nhau rằng: ‘Chúng ta đã thắng được oán gia’. A Nan nên biết, như thế gọi là tối thắng”.
Như vậy, đoạn kinh văn ở quyển 41 này khẳng định rất chắc chắn rằng Phật Thế Tôn và chư Phật ba đời đều thuyết pháp TAM THỪA, tức là Đại thừa chính pháp, với mục đích để chúng sinh đạt giải thoát cứu cánh thành Phật, chứ không phải là để thành La Hán.
“Tăng Nhất A Hàm kinh” quyển 44: “Khi đó, những người phụ nữ dòng Sát Lợi nghe nói Di Lặc Như Lai xuất hiện ở thế gian, thành Đẳng Chánh Giác, bèn kéo đến chỗ Phật đông đến hàng triệu người, dập đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Ai nấy đều phát tâm, cầu xin được làm Sa môn, xuất gia học đạo. Có người vượt cả thứ tự để chứng, cũng có người không chứng.
Khi đó, A Nan, những người không vượt thứ tự để chứng, mới thực sự là người phụng pháp, chán ngán tất cả những lạc tưởng không thể của thế gian. Khi đó, Di Lặc sẽ thuyết GIÁO TAM THỪA, như trong đám đệ tử ngày nay của ta, Đại Ca Diếp hành thập nhị đầu đà, ở các đời chư Phật quá khứ đã tu Phạm hạnh, người này thường hỗ trợ Di Lặc, khuyến hóa nhân dân”.
“Tăng Nhất A Hàm kinh” quyển 45: Khi đó, Trưởng giả Sư tử trầm mặc không đáp. Lúc ấy, thiên nhân lại nói với Trưởng giả: “Đây là người trì giới, đây là người phạm giới, đây là người Hướng Tu Đà Huàn, đây là người đắc Tu Đà Huàn, đây là người Hướng Tư Đà Hàm, đây là người đắc Tư Đà Huàn, đây là người Hướng A Na Hàm, đây là người đắc A Na Hàm, đây là người hướng A La Hán, đây là người đắc A La Hán, đây là Thanh Văn thừa, đây là Bích Chi Phật thừa, đây là PHẬT THỪA.
Bố thí cho người này thì được ít phúc, bố thí cho người này thì được nhiều phúc”. Lúc đó, Trưởng giả Sư tử vẫn trầm mặc không nói. Vì sao vậy? Bởi ông nhớ đến những lời dạy của Như Lai, không được bố thí có lựa chọn…”.
Qua các đoạn kinh văn trên, chúng ta một lần nữa thấy rất rõ rằng Phật Thế Tôn ngay khi tại thế đã thuyết kinh Đại thừa rồi. Khi còn đang thuyết pháp Tiểu thừa, Phật đã nói trước về Đại thừa để mong các đệ tử phát tâm Bồ Đề hành Bồ Tát đạo. Các danh từ như PHẬT THỪA, PHẬT BỘ, PHẬT ĐẠO, TAM THỪA, ĐẠO TAM THỪA, TAM THỪA HÀNH, TAM THỪA PHÁP... liên tục được nhắc đi nhắc lại trong các quyển kinh, số lượng không hề ít.
Một điều đáng chú ý nữa là, về mặt thời gian thuyết pháp, nếu giả sử như Phật Thế Tôn chỉ thuyết pháp Tiểu thừa, tức đạo Giải Thoát cho hàng La Hán nghe mà không thuyết pháp Đại thừa, thì tại sao Phật lại vất vả đi khắp nơi thuyết pháp trong 49 năm chỉ để nói một nội dung duy nhất đó? Bởi nội dung chính của Đạo Giải Thoát chỉ là Tứ đế, trong đó pháp môn chủ yếu để đạt Giải thoát là Bát Chính Đạo.
Nếu cô đọng lại thì có lẽ chỉ thuyết trong vài bộ kinh là đủ, người tu học dù trí tuệ không cao nhưng nhanh thì nửa năm, chậm thì vòng vài năm cũng có thể thông hiểu nội dung của Tiểu thừa. Thậm chí, với những người có lợi căn, Thế Tôn mới chỉ thuyết pháp vài giờ đã đắc quả A La Hán rồi. Hơn nữa, nếu Thế Tôn đi đâu cũng lặp đi lặp lại nội dung về Tứ Đế, chắc hẳn ngay khi Thế Tôn tại thế, đã có người ghi chép lại kinh rồi.
Nhưng trên thực tế, Thế Tôn còn giảng rất nhiều kinh điển Đại thừa, mỗi nơi hoặc với mỗi đối tượng khác nhau lại giảng một bộ kinh Đại thừa khác nhau, nhanh thì vài tháng, chậm thì giảng mất vài năm mới hết. Đó là lý do tại sao Thế Tôn lại vất vả đi truyền Phật pháp mất những 49 năm, và đệ tử nhiều người học không hết, nên cũng không ai nghĩ đến chuyện ghi chép lại kinh ngay.
Một lần nữa, xin khẳng định lại rằng những nội dung trên hoàn toàn được trích dẫn từ kinh Tăng Nhất A Hàm. Ai có nghi ngờ, tốt nhất hãy tự giở các bản kinh Việt dịch ra xem, nếu thấy có sai khác hãy nghĩ đến chuyện sử dụng bản kinh gốc.
Dù kinh tiếng Hán và kinh tiếng Pali có khác nhau về ngôn ngữ, song về mặt ý nghĩa thì chắc chắn sẽ không thể khác nhau, đặc biệt là khi mà các danh từ “Phật thừa”, “Tam thừa”... được nhắc đi nhắc lại với tần suất khá dày như thế, không thể có chuyện dịch lầm hoặc dịch sót được. Còn việc cá nhân tôi dịch bản kinh đó từ tiếng Hán, nếu không được hoàn mỹ 100% thì cũng xin kính mong các bậc Chân thiện tri thức từ bi chỉ giáo cho.
Cũng kính mong các đạo hữu xa gần, xin hãy phát tâm Bồ Đề, chia sẻ nội dung này cho tất cả người học Phật được biết, đặc biệt là những người tu theo Tiểu thừa, để họ nhận thấy toàn bộ sự thật này, để những người đã lỡ phỉ báng Tam Bảo, phỉ báng kinh điển Đại thừa biết sai mà sám hối, nếu không thì sẽ không còn kịp nữa....
Đại thừa, Tiểu thừa đều là một nhà, chúng ta tôn trọng chí hướng tu hành của nhau, nhưng xin đừng vì thiếu hiểu biết, mê lầm nhất thời, nghe theo tà giáo của các ác tăng, ác tri thức như (Thích...)mà tự hủy hoại pháp thân huệ mạng của mình, phá hoại chính pháp Như Lai.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát!
Nam mô Huyền Trang Bồ Tát Ma Ha Tát!
Cẩn bút.
(06.10.2015
Bản Địa Phong Quang