;
Nguyên văn bài viết đó như sau:
TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC Ở ĐÂU ?
Trong Kinh A DI ĐÀ Phật đã chỉ rõ:"Từ đây, đến Tây Phương Cực Lạc, cách 10 vạn ức, cõi Phật". Câu nầy Đức Phật đã chỉ rõ ràng, ở đâu. Nhưng vì ta chạy theo mặt chữ, con số. Không tìm hiểu ẩn dụ trong đó.
- Từ đây, không phải là từ núi Linh Thứu. Mà là từ cái Thân, Tâm không thanh tịnh, còn đầy Tham, Sân, Si này. Cõi Phật tức là Thân, Tâm thanh tịnh.
- 10 vạn ức: Là nói con số quá xa, để ta không thể đến, mà quay về Thân,Tâm của mình.
- Số10: là tượng trưng cho Thân 3( Sát, đạo, dâm) Khẩu 4 (nói dối, nói lời hai chiều, nói lời ác..).Ý 3 (Tham, Sân, Si).
--Như vậy, chuyển từ 10 điều không Thanh tịnh của Thân, Tâm sang thanh tịnh là đến Tây phương Cực Lạc.
Do đó, Tây phương Cực Lạc không ở đâu xa mà ngay tại Thân, Tâm mình.
Xin nhớ rằng đừng chạy theo con số, mặt chữ, tất cả kinh Phật đều ám chỉ trên Thân, Tâm của mình.
-Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
(Hết)
LỜI BÌNH CHÂN THẬT
Bài này có rất nhiều tà kiến, dưới đây là bình luận theo từng tà kiến đó.
1. Người viết cho rằng “10 vạn ức (cõi Phật) là nói con số quá xa, để ta không thể đến, mà quay về Thân,Tâm của mình.” Câu này là không hiểu gì về Phật pháp. Phật đã nói rõ sau khi xả báo, tùy theo hạnh nguyện và công đức của người ấy mà có hoa sen (chất liệu khác nhau) đến đón rước, hay là có Phật đến đón rước, chỉ trong 1 cái khảy móng tay là đến Tịnh Độ.
Lúc đó, hành giả đi bằng Tâm thức chứ không đi bằng Thân xác, dù xa đến mấy cũng có thể đến trong khoảnh khắc một sát na. Điều này đã được ghi lại trong kinh Phật, nhiều Đại sư chuyên tu Tịnh Độ đã giảng, nhiều người đã đi vãng sinh Tịnh Độ làm chứng, sao có thể nói là “10 vạn ức (cõi Phật) là nói con số quá xa, để ta không thể đến, mà quay về Thân,Tâm của mình.”? Như thế chẳng phải là xuyên tạc lời kinh ý Phật hay sao?
2. Người viết cho rằng “Số 10, là tượng trưng cho Thân 3( Sát, đạo, dâm). Khẩu 4 (nói dối, nói lời hai chiều, nói lời ác..).Ý 3 (Tham, Sân, Si)”, thực chất chỉ là Thập ác nghiệp chuyển thành Thập thiện nghiệp.
Đây là Thiên thừa trong Ngũ thừa của Phật pháp, hành giả quy y và thụ trì ngũ giới, thực hành Thập thiện nghiệp, sau khi chết có thể được vãng sinh lên trời, ở các cảnh giới trời khác nhau tùy thuộc vào phúc đức mình có được.
Nếu hành giả không tu Thiền định, không đạt Sơ thiền thì vẫn chỉ được vãng sinh trong Dục giới Lục thiên, không hề thoát khỏi Tam giới, hoàn toàn là phàm phu vẫn có dục vọng.
Dục vọng ở đây là vì người trời ở Dục giới thiên vẫn có sắc thân, vẫn có thân nam nữ, vẫn tham quyến thuộc...Dù tâm có thanh tịnh đến mấy, thì ở Dục giới thiên vẫn có tham ái, cho nên mới bị quy vào DỤC GIỚI THIÊN, cùng tầng Dục Giới còn có Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, Atula và người, chẳng qua phúc đức lớn nhất nên mới lên trời mà thôi.
Do đó, hành Thập thiện dưới Phật nhãn thì vẫn là ác đạo, hưởng hết phúc đức thì vẫn đọa xuống Tam ác đạo, làm gì có chuyện hành Thập thiện lên trời lại tương đương với Tây Phương Cực Lạc?
3. Người viết cho rằng “Như vậy: Chuyển từ 10 điều không Thanh tịnh của Thân, Tâm sang Thanh tịnh. Là đến Tây Phương Cực Lạc.”, đây là một sự xuyên tạc Phật pháp.
Tây Phương Cực Lạc là cõi thuần thiện, không có điều ác. Còn hành Thập thiện chỉ lên trời thuộc Dục giới thiên, vẫn có ác pháp. Đó là tham ái, tham phúc đức, vẫn có hình tướng, màu sắc âm thanh, vẫn có quan hệ nam nữ, vẫn có ăn uống (Cam lộ), vẫn có quyến thuộc, vẫn có già và chết (không có bệnh).
Lại nữa, Phật pháp chính tông không hề có cái gọi là “chuyển Thân Tâm bất tịnh sang thanh tịnh”. Nhiều người sẽ thắc mắc vấn đề này. Kỳ thực, “chuyển Thân Tâm bất tịnh sang thanh tịnh” chỉ là THỨ PHÁP, tức là Pháp tu thứ yếu, chỉ thiện pháp thế gian nhằm tích lũy tư lương phúc đức. Trong nhiều trường hợp hành thiện vẫn hàm chứa bất thiện, vì hành thiện để cầu phúc báo giàu sang đời sau, để cầu lên trời hưởng phúc.
Chuyển Thân Tâm bất tịnh sang thanh tịnh, trên thực tế chỉ là sự chuyển đổi của Tâm ý thức, hoàn toàn là sự đối lập nhị nguyên của Tâm ý thức hư giả, vọng tưởng, tuyệt đối không phải và không liên quan gì đến Chân Tâm.
Mà chỉ có pháp nói đến Chân Tâm mới là Phật pháp, vì Phật pháp đơn giản là “Pháp tu để thành Phật”. Những pháp tu chỉ đưa con người loanh quanh lục đạo luân hồi không phải là Phật pháp. Điều này nhiều người nhầm lẫn vô cùng.
4. Người viết kết luận: “Do đó, Tây Phương Cực Lạc không ở đâu xa. -- Mà ngay tại Thân, Tâm mình.” Đây là một kết luận sai lầm nghiêm trọng. Nhiều người vẫn nói Tịnh Độ là ở Tâm mình, tuy là không sai, nhưng thực tế người ấy nói mà không hiểu mình nói cái gì, tức nói một đằng nghĩ một nẻo.
Thực chất, Tịnh Độ có hai hàm nghĩa chính cần phải hiểu rõ.
Nghĩa thứ nhất: Tịnh Độ tại Tâm, điều này đúng, bởi Chân Tâm – Niết Bàn – Phật tính – Như Lai Tạng – Chân Như, dù có tên khác nhau nhưng bản chất là một, cũng có thể gọi chính là TỊNH ĐỘ, vì đây là cõi tịch tĩnh, hằng thường bất sinh bất diệt. Đây là nghĩa về mặt Tinh Thần.
Để đạt được đến cõi này, hành giả phải tu hành theo các pháp môn của Đại thừa, thực hành theo các thứ bậc đã định. Tổng cộng có 52 thứ bậc tu hành, hết 52 thứ bậc này là thành Phật.
Ở Thất trụ vị trong Thập trụ là lúc hành giả chứng ngộ Chân Tâm – Phật tính của mình, có thể quán sát thấy Chân Tâm của mình thực sự tịch tĩnh, thường hằng, thanh lương thanh tịnh, bất sinh bất diệt...Sau đó còn phải tu tiếp gần 3 đại a tăng kỳ kiếp nữa mới thành Phật.
Nghĩa thứ hai: Tịnh Độ là quốc thổ Tây Phương Cực Lạc do Phật A Di Đà làm giáo chủ. Nơi đây thuần thiện, thanh tịnh, chúng sinh an lạc, cảnh giới vi diệu...tất cả đều đã được ghi chép trong hệ kinh Di Đà – Vô Lượng Thọ. Đây là cảnh giới vật chất có thật.
Đến đây, chúng sinh được vào trong các hoa sen – ngôi nhà do chính mình tạo ra, tùy theo phúc báo mà vào các phẩm cấp khác nhau, với thời gian dài ngắn tương ứng. Sau khi ra khỏi hoa sen, hành giả bắt đầu tu hành Phật pháp từ thấp đến cao, theo đúng thứ tự 52 quả vị, cho đến khi chứng ngộ Chân Tâm, rồi tu tiếp thành Bồ Tát ở các quả vị khác nhau...
Lúc chứng ngộ, hành giả mới hiểu thế nào là Tịnh Độ ở TÂM.
Sau khi thành Bồ Tát, đi cứu độ chúng sinh ở các quốc thổ khác, khi công đức và tu hành viên mãn thì mới thành Phật. Như vậy, đi đến Tịnh Độ Cực Lạc chỉ là đến một nơi thuần thiện để tu hành, thay vì tu hành ở thế giới Ta Bà, tránh để bị các ác pháp làm phiền nhiễu.
Qua đó, có thể thấy nội hàm của Tịnh Độ rõ ràng có sự khác biệt về cảnh giới tinh thần và vật chất. Không thể nói một cách hàm hồ hoặc đánh tráo khái niệm, cho rằng tu tâm thanh tịnh một cách đơn giản là có thể đến ngay Tịnh Độ, nhập nhằng giữa cảnh giới Tinh thần Tịnh Độ và thế giới vật chất Tịnh Độ.
Cho nên, nếu như người viết cho rằng: “Do đó, Tây Phương Cực Lạc không ở đâu xa. -- Mà ngay tại Thân, Tâm mình.” là một kết luận sai lầm. Điều này sẽ khiến cho hành giả không biết phải làm như thế nào, rốt cuộc là có nên niệm Phật vãng sinh Thế giới Cực Lạc hay không, hay là ở lại Ta Bà tu Tịnh Độ. Mà nếu không vãng sinh, ở lại Ta Bà thì sẽ phải tu như thế nào để chứng ngộ Chân Tâm, để thấy Tâm Tịnh Độ?
Điều này, người viết không những không hiểu, không nói ra được, ngược lại còn dẫn dắt sai lầm người học Phật hiểu nhầm sang việc tu thập thiện, vốn dĩ chỉ được lên Dục giới thiên nhưng lại xuyên tạc thành Tây phương Cực Lạc.
Nói cách khác, đây là một quan điểm không những sai lầm mà còn vô cùng nguy hiểm, phạm tội phỉ báng Phật Pháp Tăng. Thứ nhất, tin Phật mà không hiểu Phật là phỉ báng Phật. Thứ hai, xuyên tạc giải thích sai lầm ý nghĩa của kinh Phật, tức Phật không nói mà bảo Phật nói, Phật nói mà bảo Phật không nói, thành tựu tội phỉ báng Phật.
Thứ ba, nếu những lời lẽ này khiến cho người nghe trên cộng đồng mạng nghe thấy, đọc thấy, khiến họ tin tưởng, vui vẻ, tán thán, cho rằng đó là đúng (thực tế đã có nhiều người tán thán, còn cho rằng nói thế là chính xác...), tức là dạy người phỉ báng Phật. Từng ấy trọng tội địa ngục đều thành tựu, có khác gì phá hoại Phật pháp đâu.
Thành thực khuyên người viết SÁM HỐI trước Tam Bảo kẻo quá muộn, sau đó Sám Hối công khai trên mạng, cuối cùng xóa bỏ bài viết này. Nếu không, dù có nhanh miệng niệm Phật thì cũng vô phương cứu chữa, vì Phật A Di Đà không cứu độ cho người phỉ báng Tam Bảo.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nguyễn Thị Xuân
Nam mô a Di Đà Phật, con xin đảnh lễ thầy và xin tri ân công đức của thầy ạ. Thầy đã đưa lên bài viết này để nhiều người được đọc được hiểu thật rõ. Con nguyện cầu cho tất cả mọi người đều được đọc bài viết này ạ con kính chúc thầy thật nhiều sức khỏe thầy là con thuyền đưa chúng con đến bờ giải thoát ạ. Nam Mô A Di Đà Phật!
Võ Văn Phương
- Ăn chay gia hộ rất tốt cho TÂM THỨC, ăn mặn với món mặn bình thường cũng không làm sa sút thần thức, nhưng ăn mặn những món kinh nhân động phách thần thức không những lu mờ mà còn u ám suy truỵ. 😔😔😔 - Năng lực TÂM THỨC mạnh hay yếu, tinh tấn hay không là do lúc sinh thời ăn, nói, nghĩ, hành động, thái độ mà có. 😔😔😔 - Sau khi chết sinh linh có một thứ tồn tại, thứ tồn tại đó là TÂM THỨC. Do năng lực, do tinh tấn hay không mà nó đến cảnh giới tương thích; nặng/ yếu nó là đà hoặc chìm xuống, nếu mạng/ tinh tấn nó sẽ lên trên theo năng lực mà có được độ. Thứ tồn tại đó nó phi vật chất nên nơi nó tới cũng là thế giới phi vật chất. Do/ vì nó là phi vật nên sự di chuyển của nó không giống như chuyển động của vật chất; một cỏi Phật nó tới trong một sát na. Đọc bài bình này của Nguoiphattu.com tôi vô cùng hoan hỉ vì sau nhiều năm quán xét tôi cũng quả quyết như trên; nước Cực Lạc đến chỉ trong một sát na của TÂM THỨC.
Thích Trả lời 2/22/2024 4:15:09 PM