;
Bìa sách tiếng Pháp
Đức Đạt-lai Lạt-ma (ảnh Jamie Williams)
Lời Tựa
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay.
Thật vậy tư tưởng của Ngài có thể biểu trưng cho toàn thể lòng từ bi và trí tuệ Phật Giáo trên một hành tinh mà con người dường như đã mất hết định hướng. Các sự xung đột không hề chấm dứt, con người bóc lột con người, giết hại muôn thú và tàn phá thiên nhiên. Phật giáo thường được coi như là một tín ngưỡng nhưng những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển sách này vượt lên trên khuôn khổ hạn hẹp của một tôn giáo:
- "Mỗi khi phải đề cập đến các vấn đề tâm linh thì không nhất thiết là tôi buộc phải nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo(câu 87).
- "Niềm hạnh phúc cũng như những nỗi khổ đau của chúng ta và của tất cả chúng sinh đều liên hệ với nhau thật chặt chẽ. Ý thức được sự liên hệ đó sẽ giúp mình phát huy được tình thương yêu, sự ân cần và cởi mở đối với kẻ khác. Tất cả chúng ta đều có thể tạo ra cho mình những kinh nghiệm cảm nhận ấy mà chẳng cần phải nhờ đến các giáo điều do các triết thuyết hay các truyền thống tôn giáo quảng bá" (câu 79)
Chẳng phải là chúng ta vẫn thường thấy các cơ quan truyền thông loan tin về những xung đột mang ít nhiều màu sắc tôn giáo hay sao? Các lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma không những vượt ra khỏi biên giới của một tôn giáo mà còn mở ra cho nhân loại cả một hướng đi mới:
- "Thật hết sức quan trọng là chúng ta phải sống hòa mình với thế giới hầu có thể mang lại lợi ích cho kẻ khác. Nếu muốn thực hiện được điều ấy thì phải hòa nhập với hiện thực và thời đại mà mình đang sống (câu 101).
-"Việc tu hành đích thật không phải là ở các nơi thờ phượng, mà là ở bên ngoài những nơi ấy, ở ngay giữa thế giới này, nơi mà chúng ta phải đối đấu với những cảnh huống của sự sống đích thật và chung đụng với những con người có thể gây ra hận thù, thương yêu, thèm khát... (câu 90).
Tuy chủ trương một nền tảng đạo đức toàn cầu, vượt lên trên khuôn khổ của một tôn giáo, thế nhưng đôi khi Ngài cũng nhắc đến tín ngưỡng của mình một cách vô cùng kín đáo và khiêm tốn:
- "Không nhất thiết bắt buộc phải theo một tôn giáo thì mới có thể biến cải được tâm thức mình. Dù tin hay không tin vào tôn giáo thì bất cứ một con người nào cũng đều có thể biến cải tâm thức mình. Dù các truyền thống tâm linh có đưa ra các phương tiện giúp đạt được mục đích ấy, thì đấy cũng không phải là con đường duy nhất bắt buộc phải theo".
“Chính vì lý do thật dứt khoát ấy nên tôi vẫn thường quảng bá về một "nền tảng đạo đức nghìn năm" có thể áp dụng cho tất cả mọi con người, dù là có đức tin hay không“ (câu 67).
Sự khiêm tốn đó không phải chỉ phản ảnh qua những câu phát biểu hay những lời thuyết giảng mà cả trong cuộc sống vô cùng giản dị của Ngài:
"Sự sinh hoạt hằng ngày của tôi bắt đầu từ 3 giờ hoặc 3 giờ rưỡi sáng. Vừa thức giấc là tôi nghĩ ngay đến Đức Phật và niệm những lời tôn vinh Ngài do nhà hiền triết Long Thụ viết. Hai tay chắp lại tôi xướng lên những lời thật đẹp ấy, nửa phần thì kính cẩn nhưng nửa phần thì vẫn còn mơ màng ngái ngủ. Là một nhà sư Phật Giáo vừa thức giấc là tôi bước đến bàn thờ để lễ Phật. Nhằm chuẩn bị cho một ngày trước mặt, tôi phát động tình nhân ái và lòng từ tâm trong tâm thức tôi hướng về tất cả chúng sinh. Sau đó tôi ngồi xuống để thiền định.
"Sau khi chấm dứt buổi ngồi thiền đầu tiên ấy, tôi tập vài động tác thể dục. Khoảng năm giờ sáng thì tôi dùng điểm tâm. Sau đó tôi lại ngồi thiền và tụng niệm đến khoảng tám hay chín giờ sáng. Sau các buổi thiền định ấy thì tôi thường hay đọc báo hoặc cũng có thể bước ngay sang phòng tiếp tân để tiếp đón những người đã hẹn trước. Nếu không có việc gì cần thì tôi đọc những kinh sách mà các vị thầy tôi đã giảng giải cho tôi trước đây, đôi khi tôi cũng đọc các sách mới hơn.
"Sau đó tôi thực thi phép thiền định phân tích về lòng vị tha mà kinh sách gọi là bồ-đề-tâm (bodhicitta), hoặc các phép thiền định về "Tánh Không", và "Tánh Không đối với Tinh Thần Giác Ngộ", đấy là các phép thiền định quan trọng nhất trong việc tu tập hằng ngày của tôi. Các buổi thiền định này sẽ trợ giúp tôi rất nhiều trong suốt ngày hôm đó. Dù có gặp phải những khó khăn nào, những nỗi đau buồn nào hay nhận được những tin đáng buồn nào, thì các phép thiền định ấy đều giúp tôi giữ được sự thăng bằng sâu xa trong tâm thức và mang lại một sự trợ lực cho nội tâm tôi.
"Sau buổi ăn trưa tôi lại trở ra phòng tiếp tân để tiếp tục tiếp khách. Trong thời gian gần đây tuần nào tôi cũng có dịp tiếp đón những người Tây Tạng vượt qua được biên giới đến tìm tôi. Khoảng 5 giờ chiều là giờ uống trà. Là một người tu hành Phật Giáo tôi không ăn chiều, nếu có đói thì tôi nhâm nhi một chiếc bánh quy sau khi xin tạ lỗi với chư Phật (kể đến đây Ngài mỉm cười) và ngay sau đó lại tụng niệm và hành thiền....
"Khoảng 7 hay 8 giờ tối, tôi bắt đầu ôn lại những gì tôi đã làm trong ngày trước khi đi ngủ..." (dựa theo một bản dịch tiếng Pháp trên một trang web Phật Giáo Tây Tạng)
Trên đây là hình ảnh một ngày thật bình dị của một nhà sư Tây Tạng lưu vong trên miền bắc Ấn. Thế nhưng người ta cũng hiểu rằng Ngài không phải là một người tu hành an phận bởi vì Ngài còn gánh vác cả dân tộc Ngài trên lưng và đội cả nhân loại trên đầu mình. Ngài ngược xuôi trên khắp hành tinh này, thuyết giảng không ngừng, đối thoại với các khoa học gia và hội kiến với các nhà lãnh đạo khắp nơi. Ngồi chờ chuyến bay ở phi trường hay bước ra khỏi một giảng đường, dù gặp bất cứ một ai, từ những đứa bé cho đến những người trọng tuổi, Ngài đều chắp tay vái lạy. Cái cử chỉ thương yêu, nhân từ và khiêm tốn bên ngoài đó bao bọc bên trong tâm thức Ngài một trí thông minh khác thường và một trí tuệ siêu việt mà không một con người nào trên hành tinh này có thể sánh kịp.
Một ngày thật bình dị của một nhà sư khiêm tốn trong một gian nhà bên sườn đồi trong một vùng núi non trên miền bắc Ấn thực sự không tiêu biểu cho một cuộc đời bình lặng và cũng không che khuất được những lúc mà vị lãnh đạo phi thường này phải dấn thân ròng rã trên khắp nẻo đường. Một bữa cơm trưa, một chiếc bánh quy buổi chiều của một nhà sư không làm xao lãng được những buổi hành thiền thật lâu của một vị giác ngộ. Ngài cho biết là Ngài thiền định về quá trình của cái chết từ sáu đến bảy lần mỗi ngày và còn nói thêm rằng "trên nguyên tắc thì Ngài đã thuộc bài, thế nhưng đến khi chết thật thì chưa biết ra sao". Câu nói vừa khiêm tốn lại vừa khôi hài và dí dỏm đó cho thấy là Ngài không hoàn toàn sống trong cái thế giới thô thiển của chúng ta, mà trong những lúc hành thiền đó Ngài đã hòa nhập vào thể dạng của "ánh sáng trong suốt" của tri thức phi thời gian và không gian của Ngài mà Ngài đã thực hiện được qua phép thiền định vể quá trình của "cái chết". Ngài bước vào thế giới ấy như một vị A-la-hán, một thế giới hoàn toàn tĩnh lặng và trống không, đấy là thế giới của sự đình chỉ tuyệt đối mà chúng ta thường hình dung qua trí tưởng tượng thô thiển của mình như là một cõi của mọi thứ phúc hạnh, và kinh sách thì gọi là niết-bàn. Mỗi ngày Ngài trở lại với thế giới này trong những lúc nào đó qua hóa thân của một vị Bồ-tát đã đạt được giác ngộ, để cùng sống với chúng ta, làm tấm gương cho chúng ta soi và thuyết giảng cho chúng ta nghe.
Quyển sách này biểu trưng cho một phần thật nhỏ trong cái kho tàng rộng mênh mông những lời thuyết giảng của Ngài. Tựa của nguyên bản là: "108 viên ngọc trí tuệ của Đức Đạt-lai Lạt-ma - giúp mang lại sự thanh thản" ("108 perles de sagesse du Dalai-Lama pour parvenir à la sérénité", nhà xuất bản Presse de la Renaissance, Paris 2006). Thế nhưng tại sao lại là con số 108? Con số này mang nhiều đặc tính rất lạ và đặc biệt trong toán học, tuy nhiên đấy không phải là lãnh vực mà chúng ta đang bàn thảo với nhau, chúng ta chỉ cần hiểu rằng xâu chuỗi hay tràng hạt của Phật Giáo gồm 108 hạt, và đấy cũng là ngụ ý của tựa quyển sách. Xâu chuỗi có nguồn gốc rất lâu đời, xuất phát từ đạo Bà-la-môn, có nghĩa là có thể có trước cả Phật Giáo. Người Hồi Giáo bắt chước xâu chuỗi của Phật Giáo khi tín ngưỡng này bành trướng rất mạnh ở các vùng Cận Đông và cả Trung Đông. Sau đó vào thời Trung Cổ người Thiên Chúa Giáo lại bắt chước xâu chuỗi của người Hồi Giáo khi các đạo quân Thập Tự Chinh của Âu Châu kéo sang tiến chiếm Trung Đông. Số hạt trong các xâu chuỗi thì hiển nhiên là cũng có thể khác nhau tùy theo các tôn giáo nhưng tất cả đã bắt đầu từ cùng một nguồn gốc.
Các sách gom góp các câu thuyết giảng sâu sắc của Đức Đạt-lai Lạt-ma nói chung rất được ưa chuộng trong thế giới tây phương. Riêng bằng tiếng Pháp ít nhất cũng đã có đến khoảng hơn chục quyển với hàng nghìn câu đã được chọn lọc và trích dẫn. Người chọn 108 câu trong quyển sách này là một phụ nữ khá đặc biệt là Cathérine Barry. Bà học đến năm thứ năm ngành Y Khoa thì bỏ ngang và chuyển sang học về các ngành Tâm Lý Học, Đông Y, Hán ngữ, văn minh Trung Quốc... Bà từng điều khiển chương trình Phật Giáo hằng tuần trên đài truyền hình quốc gia Pháp từ năm 1997 đến năm 2007. Ngoài ra bà cũng có viết một số sách về tâm lý học Phật Giáo mang tính cách ứng dụng.
Trong những bài chuyển ngữ khác, người dịch đôi khi cũng ghi chú thêm một vài lời giải thích với hy vọng giúp một vài độc giả chưa quen lắm với các thuật ngữ và các khái niệm trong Phật Giáo có thể theo dõi dễ dàng hơn. Tuy nhiên trong bản dịch các lời vàng ngọc này của Đức Đạt-lai Lạt-ma thì sẽ không có thêm một lời ghi chú nào cả, mặc dù phía sau những lời khuyên đó đều ẩn chứa nhiều khái niệm thật sâu sắc trong giáo huấn Phật Giáo. Lý do cũng dễ hiểu bởi vì đây là những câu giảng rất thâm thúy mà mỗi người trong chúng ta hãy suy tư và tự tìm hiểu lấy. Những lời khuyên dạy này cũng rất thiết thực và dù có hiểu thế nào đi nữa mà không mang ra thực hành thì cũng chỉ là vô ích mà thôi.
Hoang Phong, 14.08.2014
Đức Đạt-lai Lạt-ma và bà Cathérine Barry
108 Lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma
1- Mỗi khi cảm thấy hoang mang và mất tự tin thì hãy nghĩ ngay đến các phẩm năng tuyệt vời của con người mà mình đang có, các phẩm năng ấy của quý vị chỉ mong sao được nẩy nở thêm. Vậy hãy giữ lòng hân hoan nhìn vào kho tàng quý giá đó đang được cất dấu bên trong nội tâm của quý vị: Hân hoan là một sức mạnh, vì vậy quý vị hãy phát huy nó.
2- Điều cốt yếu có thể mang lại hạnh phúc cho quý vị chính là biết hài lòng với những gì đang là chính mình trong những giây phút hiện tại. Sự toại nguyện bên trong nội tâm đó sẽ biến cải cảm quan của quý vị khi phóng nhìn vào vạn vật chung quanh, và nhất định quý vị sẽ tìm thấy sự an bình trong tâm thức.
3- Khi có kẻ gây ra tổn thương cho mình thì không nên do dự một chút nào cả, hãy tha thứ cho họ. Lý do là vì nếu nghĩ đến những gì đã thúc đẩy họ hành động như vậy thì quý vị tất sẽ thấy rằng đấy chính là những thứ khổ đau mà họ đang phải gánh chịu, chứ không phải là do họ quyết tâm và cố tình làm tổn thương và gây tai hại cho quý vị. Tha thứ là một cách xử sự tích cực dựa vào sự suy nghĩ, chứ không hề là một việc bỏ qua cho xong chuyện. Tha thứ là một hành động ý thức, căn cứ trên sự hiểu biết và chấp nhận thực trạng của những tình huống xảy ra với mình.
4- Hãy bố thí cho kẻ khác mà không mong đợi một sự hồi đáp nào và cũng không tính toán gì cả. Không vì mong muốn tìm sự thích thú mà bố thí hay là để người khác yêu quý mình, thì như thế mới đúng thật là một hành động bố thí mang lại niềm hạnh phúc cho mình. Đạo đức chính là những gì căn cứ trên lòng quyết tâm giúp đỡ kẻ khác. Điều duy nhất có thể mang tất cả chúng sinh có giác cảm đến gần với nhau chính là tình Thương Yêu.
5- Hãy cám ơn kẻ thù của quý vị vì họ là những vị thầy quan trọng nhất của mình. Họ tập cho quý vị đương đầu với khổ đau và phát huy sự nhẫn nhục, sự bao dung và lòng từ bi. Họ không chờ đợi bất cứ một sự hồi đáp nào.
6- Trang sức đẹp nhất mà quý vị đang có chính là tình thương yêu và lòng từ bi. Nếu quý vị tìm hiểu những gì có thể giúp mình đạt được hạnh phúc và mang lại an vui, thì quý vị tất sẽ phải nhận thấy trước hết là chúng liên quan chặt chẽ với các phẩm tính con người mà quý vị đang cố gắng trau dồi trong tâm hồn quý vị, và sau đó là cách suy nghĩ của tâm thức quý vị.
7- Không thể thực hiện được sự giải trừ vũ khí bên ngoài, nếu không có sự giải trừ vũ khí từ trong nội tâm mình. Bạo lực làm phát sinh ra bạo lực. Chỉ có sự an bình trong tâm thức mới có thể mang lại một cuộc sống thanh thản và phi-đối-nghịch. Sự giải trừ vũ khí toàn cầu là một trong những giấc mơ tha thiết nhất của tôi. Thế nhưng đấy cũng chỉ là một giấc mơ mà thôi...
8- Khổ đau trong tâm thần và về mặt tình cảm mà quý vị đang gánh chịu cũng tương tư như một người chỉ dẫn giúp quý vị trông thấy thái độ của mình là đúng hay sai. Tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời mà mình đang sống sẽ giúp lòng mình lắng xuống, hoặc giúp mình vượt lên trên những nỗi khổ đau đang gánh chịu, điều ấy có nghĩa là phải biến cải sự suy nghĩ trong tâm thức mình.
9- Hãy hân hoan trước hạnh phúc của kẻ khác, bởi vì đấy cũng là một dịp để mình tạo ra những phút giây vui sướng cho riêng mình. Hãy hân hoan khi chính mình được hạnh phúc, bởi vì thương yêu kẻ khác chỉ có thể thực hiện được bằng cách không nghĩ đến niềm yêu thương của chính mình. Thương yêu kẻ khác sẽ giúp quý vị phát huy được sự vững tâm và lòng tin tưởng. Phương cách mà quý vị cảm nhận về các cảnh huống xảy ra trong sự hiện hữu của mình sẽ đưa đến các thể dạng hoặc trung hòa, hạnh phúc hay khổ đau mà quý vị cảm nhận được trong cuộc sống của mình.
10- Tình yêu thương và lòng từ bi sẽ làm tan biến nỗi sợ hãi phát sinh từ cảm nhận cho rằng sự sống của mình chỉ là một sự áp đặt mà mình không có quyền lựa chọn. Một khi các xúc cảm tích cực ấy hiển lộ trong nội tâm mình thì sự tự tin cũng sẽ hiển hiện và mọi nỗi sợ hãi sẽ tan biến hết. Chính tâm thức mình đã tạo ra cái thế giới mà mình đang sống.
11- Tập khắc phục tâm thức là cách giúp mình sống hài hòa với chính mình và kẻ khác, dù là mình đang phải đối phó với bất cứ một cảnh huống nào. Không có một điều gì hay bất cứ ai có thể làm cho một người nào đó cảm thấy bất hạnh, nếu người này có một tâm thức minh mẫn đã loại bỏ được những xúc cảm phát sinh từ những xúc cảm đối nghịch.
12- Không thể nào tìm thấy được hạnh phúc nếu chúng ta không nhìn vào hiện thực mà chỉ biết đuổi theo ảo giác. Hiện thực không tốt đẹp cũng chẳng xấu xa gì cả. Vạn vật là như thế, không thể nào đúng với ý mình mong muốn là phải như thế. Quán thấy và chấp nhận điều ấy chính là một trong những chiếc chìa khoá mang lại hạnh phúc.
13- Phật Giáo dạy rằng những giây phút trước khi lìa đời thật hệ trọng, bởi vì đấy là dịp may cuối cùng giúp mình chuẩn bị cho sự hiện hữu của mình trong giai đoạn trung ấm (bardo) - tức là thế giới chuyển tiếp giữa cái chết và sự tái sinh - khởi sự hiện ra sau hơi thở cuối cùng. Nếu muốn được sống với một tâm thức an bình trong những giây phút cuối cùng ấy, thì người tu tập phải chuẩn bị suốt cả đời mình, và ngay trong những giây phút cuối cùng ấy phải tập trung tâm thức hướng vào một cảm tính nhân từ thật sâu xa, hoặc hướng vào mối dây tình cảm giữa người thầy và môn đệ, hoặc là vào Tánh Không và Vô Thường, hầu giúp mình tái sinh trong một hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Những giây phút trước khi lâm chung thật hết sức quan trọng vì đấy là lúc mà chúng ta có thể chủ động được thể dạng mà mình sẽ tái sinh.
Khi đã hiểu được cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào thì chúng ta nên hiểu rằng mình phải sống một cách thật trọn vẹn trong từng giây phút một, và chết trong an bình.
14- Các sự giận dữ, hận thù, ghét bỏ luôn phải cần đến một đối tượng để bộc phát, tương tự như lửa cần phải có củi khô để bốc cháy. Mỗi khi gặp phải nghịch cảnh, hoặc có kẻ khiêu khích mình hay làm hại mình, thì quý vị hãy tận dụng sức mạnh của phẩm tính nhẫn nhục để giúp mình không rơi vào sự chi phối của các thứ xúc cảm tiêu cực. Nhẫn nhục phát sinh từ khả năng chịu đựng không lay chuyển của mình. Nếu quý vị phát huy được sự nhẫn nhục thì sẽ không có bất cứ điều gì hay bất cứ một ai có thể khuấy động được tâm thức của quý vị.
15- Hãy tổ chức cuộc sống của mình hướng vào những gì giá trị có thể mang lại một ý nghĩa nào đó cho sự hiện hữu của mình, có nghĩa là không để cho các thứ lạc thú và những gì trần tục lôi cuốn mình vào một cuộc sống bên ngoài con người của chính mình. Hãy mang lại cho mình một kiếp sống biết gánh vác một trọng trách lớn lao: đó là lý tưởng phục vụ kẻ khác.
16- Nếu đã là một hành động nhân từ thì không thể nào có thể đánh giá nó là nhỏ hay to lớn được, bởi vì tất cả mọi hành động nhân từ đều góp phần vào việc xây dựng hòa bình trên thế giới. Điều hệ trọng duy nhất là hiến dâng tất cả cho kẻ khác và lấy đó làm niềm hạnh phúc cho mình. Phẩm tính lớn nhất của con người là lòng vị tha.
17- Đừng đánh mất thì giờ vì ganh tị hay cải vả. Hãy suy tư về vô thường để ý thức được giá trị của sự sống. Nếu muốn tạo ra sự an bình trong tâm thức và con tim mình thì phải thay đổi các thói quen tâm thần. Nếu không muốn hóa điên vào lúc bắt buộc phải rời bỏ thế giới này, thì quý vị phải tu tập ngay từ bây giờ để hiểu rằng không nên bám víu vào mọi sự vật và đừng mơ tưởng rằng đấy là những thứ mà rồi đây mình có thể mang theo khi chết.
18- Chớ bỏ mặc tấm thân này, nhưng cũng đừng quan tâm đến nó một cách quá đáng, mà phải kính trọng nó, chăm sóc nó như một thứ dụng cụ quý giá và cần thiết hầu giúp cho tâm thức mình đạt được Giác Ngộ.
19- Các hành động mà quý vị thực thi phản ảnh từ tư duy và các cảm tính của quý vị. Tự chúng thì các hành động ấy không mang tính cách tích cực hay tiêu cực. Tích cực hay tiêu cực là tùy thuộc vào sự chủ tâm thúc đẩy và làm phát sinh ra các hành động ấy. Chính sự chủ tâm sẽ tạo ra nghiệp, tức là những cảm nhận tạo ra bởi quy luật nguyên nhân và hậu quả, khiến quý vị cảm thấy cuộc sống của mình có vẻ như là hạnh phúc hay khổ đau.
20- Đối với với việc bố thí trước hết là không được làm tổn thương kẻ khác. Đấy cũng là cách không gây ra tai hại cho chính mình, bởi vì nếu tạo ra sự sai trái cho kẻ khác thì chính đấy cũng là cách tự gây ra tổn thương cho chính mình.
21- Không thể nào nắm bắt được hiện tại. Không có gì tồn tại mãi trong thế giới này, không có bất cứ gì tự chúng có thể hiện hữu được. Vậy thì cố gắng nắm bắt và chiếm giữ các đối tượng giác cảm mà quý vị cảm nhận được trong hiện tại để mà làm gì? Tự nơi chúng, chúng không hàm chứa một thực thể nào cả. Chúng chỉ là hậu quả của vô số nguyên nhân và điều kiện đã tạo tác ra chúng. Chúng không sinh ra để mà tồn tại, chẳng qua cũng vì chúng luôn biến đổi trong từng giây phút một. Vì thế quý vị không nên nắm bắt bất cứ một thứ gì cả.
22- Sự thèm muốn không kiềm chế được sẽ biến tâm thức con người trở thành nô lệ và nó sẽ không bao giờ để cho tâm thức được yên vì nó luôn thúc đẩy tạo ra vô số các cảnh huống trong sự sinh hoạt hằng ngày, nhằm giúp nó đuổi theo các đối tượng của sự thèm muốn mà nó chưa đạt được. Kiềm chế và khắc phục được sự thèm muốn sẽ giải thoát con người ra khỏi mọi cảnh huống xảy ra, dù đấy là hạnh phúc hay khổ đau, và sẽ mang lại sự an bình cho con tim và tâm thức mình.
23- Tập nhẫn nhục là tập phát động lòng từ bi đối với những kẻ làm mình tổn thương, nhưng không chấp nhận để cho họ tàn phá mình. Lòng từ bi là vị lương y tốt nhất để chữa lành tâm thức, giải thoát cho tâm thức khỏi những sự bám víu và các xung năng đối nghịch.
24- Chẳng qua là vì vô minh và thiếu sự nhận xét sáng suốt nên chúng ta liên tiếp tạo ra mọi thứ bất hạnh cho mình. Tâm thức luôn bị giằng co giữa những gì mà mình ưa thích và những gì mà mình ghét bỏ. Chúng ta hành động như bất cần quan tâm đến các cảnh huống đang hiện ra với mình. Chúng ta quên rằng tất cả không có gì tồn tại và tự nó hiện hữu cả. Chúng ta cũng quên là mình có thể chết bất cứ lúc nào.
25- Bám víu vào các đối tượng của giác cảm sẽ làm cho tâm thức thèm thuồng và bệnh hoạn. Gom góp được thật nhiều của cải không có nghĩa là làm cho tâm thức được an bình một cách tương xứng. Hãy nhìn vào những kẻ có đầy đủ tiện nghi vật chất, họ có thể tự cung phụng cho mình suốt đời, thế nhưng họ vẫn sống trong tình trạng âu lo, buồn khổ, bất toại nguyện và khép kín. Họ không hiểu rằng hiến dâng sẽ mang lại một niềm hân hoan to lớn nhất. Họ cũng không thể hiểu được là không cần phải có thật nhiều của cải mới đủ sức hiến dâng một nụ cười hầu giúp cho kẻ khác được sung sướng. Các tiện nghi vật chất của họ thật dồi dào, thế nhưng chúng không hề mang lại cho họ được một mảy may hạnh phúc nào, bởi vì chỉ có một cách duy nhất trong số tất cả các phương tiện mà chúng ta có thể có được nhằm giúp cải thiện cuộc sống nội tâm của mình: đấy là sự tu sửa tâm linh.
26- Tôi xin nguyện được sử dụng sự hiện hữu này của tôi và không dám phí phạm một giây phút nào, để góp phần vào việc giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau và những nguyên nhân gây ra khổ đau, và giúp chúng sinh tìm thấy hạnh phúc cũng như nhìn thấy những nguyên nhân nào sẽ mang đến hạnh phúc. Tôi xin luôn ghi nhớ rằng việc phát lộ lòng từ bi đối với chúng sinh sẽ phải bắt đầu trước hết bằng cách phát lộ lòng từ bi đối với chính mình, nhưng sự phát lộ đó không được hàm chứa một chút dấu vết nào của sự ích kỷ, bởi vì tất cả chúng ta đều thuộc chung trong cùng một cộng đồng chúng sinh.
27- Sự vững tin đạt được bằng phép thiền định phân tích sẽ giúp biến cải được tâm thức mình. Sự biến cải đó đòi hỏi nhiều thời gian, và việc thực hiện cũng rất gần với các phương pháp khoa học. Phân tích các thứ xúc cảm làm cho mình bị đảo điên và xao động sẽ giúp mình biết chọn lựa những liều thuốc hóa giải nào hiệu nghiệm và phù hợp nhất với những gì mà mình mong cầu, chẳng hạn như thoát ra khỏi sự chi phối của các xúc cảm bấn loạn nhằm giúp mình đạt được sự giác ngộ. Nên nhớ rằng hai xung năng đối nghịch không thể nào có thể cùng hòa nhập với nhau trong tâm thức được. Do đó trong trường hợp nếu chúng ta nổi giận với một người nào đó chẳng hạn, thì hãy nghĩ ngay là phải phát lộ tình thương đối với người ấy. Nếu làm phát sinh được tình thương trong lòng mình thì sự giận dữ cũng sẽ biến mất trong tâm thức mình. Tình thương là liều thuốc hóa giải sự giận dữ.
28- Tất cả đều mang tính cách vô thường, và cũng chính nhờ đó mà chúng ta mới có thể biến cải được tâm thức và các xúc cảm bấn loạn làm xao động tâm thức mình. Chẳng hạn như sự phát lộ của các xúc cảm hận thù và giận dữ đều phải lệ thuộc vào các cảnh huống xảy ra. Tự nơi chúng, chúng không hề hàm chứa một sự hiện thực nào, cũng không hiện hữu một cách thường xuyên trong tâm thức mình, và cũng chính nhờ thế mà chúng ta mới có thể khắc phục, biến cải và loại trừ được chúng. Nếu muốn thực hiện được việc ấy thì nhất thiết phải đặt chúng vào các bối cảnh mà chúng phát sinh và phân tích xem chúng bộc phát trong các tình huống như thế nào, hầu giúp mình tìm hiểu chúng. Thực hiện được một thể dạng phúc hạnh lâu bền có nghĩa là loại trừ ra khỏi tâm thức những xúc cảm tiêu cực.
29- Khổ đau không phải là phi lý và cũng không phải là vô ích, đơn giản đấy chỉ là kết quả của nghiệp mà thôi, đấy là quy luật nguyên nhân và hậu quả chi phối các chu kỳ hiện hữu. Thật hết sức khó để hiểu được điều này nếu không tin vào hiện tượng tái sinh. Tư duy và hành động của mình từ những kiếp sống quá khứ sẽ tạo ra hậu quả - có thể là tích cực hay tiêu cực, tất cả đều tùy thuộc vào động cơ thúc đẩy làm phát sinh ra chúng. Nguyên tắc ấy lúc nào cũng đúng, đối với bất cứ một dân tộc nào hay trong một xứ sở nào. Những gì xảy ra với dân tộc Tây Tạng là kết quả của nghiệp. Thế nhưng tuyệt nhiên điều đó không có nghĩa là không được phép tìm cách tái lập nhân quyền ở Tây Tạng, cũng như tín ngưỡng, nền triết học đặc thù và văn hoá ngàn năm, tiêu biểu cho nền văn minh của chúng tôi phải được tôn trọng. Không nên nhầm lẫn nghiệp với định mệnh, mà phải rút tỉa kinh nghiệm từ các bài học trong cuộc sống hầu giúp mình biết hành động một cách tích cực và có trách nhiệm hơn.
30- Làm thế nào để có thể phát triển hoà bình trên thế giới nếu không biết kính trọng thiên nhiên? Tất cả chúng ta, từ con người cho đến muôn thú, đều gắn bó với nhau trong cùng một ước vọng mang tính cách toàn cầu ấy là xa lánh khổ đau và tạo được những điều kiện thuận lợi hầu mang lại cho mình một cuộc sống tốt đẹp và an lành. Điều hết sức quan trọng cần phải luôn tự nhắc nhở mình là sự mong muốn thoát khỏi khổ đau chính là quyền căn bản nhất của tất cả chúng sinh có giác cảm. Nhằm giúp mọi người biết tôn trọng đặc quyền ấy chúng ta phải tự biến cải lấy chính mình trước hết để làm gương cho kẻ khác.
31- Luyện tập để phát động lòng từ bi là tâm điểm của con đường Phật Giáo. Phát huy phẩm tính ấy là một điều thật cần thiết, bởi vì nó sẽ giúp chúng ta hành động một cách đúng đắn hơn vì sự an vui của kẻ khác và cũng giúp mình hiểu được phải làm thế nào để không tạo ra thêm cội nguồn mang lại khổ đau cho mình và cho những khác, tức là không tạo ra thêm nghiệp "xấu". Từ bi là một thứ xúc cảm thật sâu xa hướng vào tất cả những người đang phải gánh chịu khổ đau, không chút mảy may phân biệt. Lòng từ bi phát sinh từ ước vọng sâu xa được giúp đỡ kẻ khác. Nếu một người tu hành Phật Giáo muốn duy trì được sức mạnh của niềm ước vọng đó thì hằng ngày phải tự nhắc nhở mình bằng câu sau đây: "Cầu mong sao cho tôi có thể giúp đỡ được tất cả chúng sinh có giác cảm loại trừ được khổ đau và cả cội nguồn gây ra khổ đau, hầu giúp họ trông thấy được đâu là các nguyên nhân và điều kiện mang lại cho mình sự giác ngộ.
32- Tất cả chúng ta đều mong muốn được hạnh phúc, không một ai muốn gánh chịu khổ đau. Nếu muốn biến cải tâm thức mình thì thật hết sức quan trọng là phải hiểu được điều đó. Khi nào ý thức được hiện thực ấy thì tức khắc một niềm quý mến bao la và một tình thương cảm mênh mông đối với đồng loại sẽ hiển lộ trong tâm thức mình. Thế nhưng điều ấy chỉ có thể thực hiện được khi nào chúng ta cũng biết tỏ lộ tình thương và sự kính trọng đối với chính mình. Thật hết sức hão huyền nếu nghĩ rằng mình đủ sức yêu thương kẻ khác trong khi đó thì mình lại thù ghét mình và không chấp nhận thực trạng của chính mình.
33- Nguyên tắc tương liên giữa chúng sinh và mọi hiện tượng cho thấy là cá nhân mình luôn liên kết với kẻ khác, với thiên nhiên và cả vũ trụ này. Tất cả chúng ta đều lệ thuộc vào nhau, điều đó cho thấy là chúng ta phải gánh chịu trách nhiệm về cách suy nghĩ, phương cách sống, cũng như từng hành động thật nhỏ nhặt của mình, bởi vì tất cả những thứ ấy đều ảnh hưởng đến toàn thể vũ trụ. Hơn nữa, bởi vì tất cả những gì hiện hữu đều tương tác chặt chẽ với nhau, nên chúng ta phải có bổn phận giúp đỡ tất cả chúng sinh có giác cảm loại bỏ khổ đau và nhận thấy được đâu là cội nguồn của hạnh phúc. Giúp đỡ chúng sinh cũng có nghĩa là phải đối phó với các nguyên nhân mang lại khổ đau, trực tiếp liên hệ đến tất cả chúng ta. Đấy là cách hiểu biết đúng đắn về quy luật tương liên.
34- Dù được một vị thầy giúp đỡ hay không, thì mỗi người trong chúng ta đều phải tự mình tìm lấy một phương cách tu tập phù hợp với mình nhất và đáp ứng được các nhu cầu riêng của mình. Tiêu chuẩn trên đây là điều tiên quyết giúp mình biến cải nội tâm, mang lại an bình cho tâm thức và phát huy các phẩm tính tích cực hầu giúp mình trở thành một con người tốt. Do đó điều hết sức quan trọng là các vị thầy phải biết thuyết giảng tùy theo xu hướng tâm linh và khả năng tinh thần của từng người, tương tự như chính Đức Phật đã từng làm như vậy vào thời đại của Ngài. Quý vị nào có ăn uống giống hệt với những người hàng xóm của mình đâu - mỗi người ẩm thực tùy theo sự cấu tạo cơ thể của mình – thì đối với các món ăn tinh thần cũng thế thôi.
35- Hạnh phúc của mình lệ thuộc vào hạnh phúc của kẻ khác, vì thế thật hết sức hệ trọng là phải cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để giúp kẻ khác đạt được hạnh phúc. Đôi khi chúng ta cũng có cảm giác bất lực không sao có thể cứu giúp kẻ khác được, thế nhưng chúng ta không được nản lòng mà phải tiếp tục hành động trong chiều hướng tích cực. Nếu làm được như thế thì chúng ta mới có thể triển khai được trong nội tâm mình khả năng phát động lòng vị tha đích thật mang lại sự an bình trong tâm thức mình.
36- Nếu việc giúp đỡ kẻ khác tỏ ra quá khó khăn đối với mình, thì cứ hành động như là một người ích kỷ cũng chẳng sao, thế nhưng phải hành động một cách thông minh. Nói như thế có nghĩa là phải hiểu rằng làm được điều tốt cho kẻ khác sẽ tạo ra những mối dây liên hệ thân thiện hơn với họ và đưa đến những điều kiện thuận lợi hơn hầu giúp mình mang lại hạnh phúc và tìm thấy sự thanh thản cho chính mình.
37- Các phương pháp khơi động lòng từ bi phải được phát huy song song với sự hiểu biết và trí tuệ thì mới có thể đưa đến các hành động đúng đắn và thích nghi được. Sự hiểu biết và trí tuệ không thể thiếu sót trong việc tìm hiểu bản thể đích thật của mọi sự vật và bản chất căn bản của tâm thức. Một sự thẩm định chính xác những gì mà mình cảm nhận được cũng như những gì mà mình đang sống chỉ có thể thực hiện được bằng cách quan sát một vật thể hay một cảnh huống dưới nhiều góc cạnh khác nhau, hầu có thể mang lại một giải đáp thích nghi và minh bạch giúp mình vượt lên trên các phản ứng và xúc cảm tiêu cực.
38- Nếu muốn đạt được sự giác ngộ, thì điều hết sức quan trọng là phải cảm nhận được thực tại một cách đúng đắn. Nhằm giúp nắm bắt dễ dàng hơn thực tại ấy, Phật Giáo chủ trương phải vận dụng khái niệm về hai sự thật: sự thật tương đối và sự thật tuyệt đối. Sự thật tương đối là những gì mà chúng ta cảm nhận được bằng các giác quan của mình. Sự thật tuyệt đối không thể mô tả ra được bởi vì nó vượt lên trên mọi khái niệm. Theo kinh sách, hai sự thật đó bổ khuyết cho nhau, không thể tách rời nhau và phải luôn luôn lệ thuộc vào nhau, tương tự như một con chim cần phải có đôi cánh để bay. Hiện thực phải nhờ vào cả hai sự thật ấy.
39- Thông thường thì chúng ta cảm nhận bản chất của mọi sự vật một cách sai lầm. Sự lệch lạc giữa những gì đúng thật và những gì mà mình cảm nhận được chính là nguyên nhân đưa đến khổ đau. Biến cải tâm thức để nhìn thấy hiện thực cũng có nghĩa là tập nhìn hiện thực đúng với hiện thực, không diễn đạt, trung thực với từng giây phút trong hiện tại. Nhờ đó chúng ta sẽ không còn nắm bắt hiện thực tùy theo các phóng tưởng của tâm thức mình nữa. Đấy là điều kiện căn bản nhất giúp cho tâm thức được an bình.
40- Đối mặt với khổ đau của kẻ khác cũng có thể sẽ khiến mình cảm thấy kinh hoàng và bị tràn ngập bởi nỗi khổ đau của họ, và đấy lại có thể làm gia tăng thêm khó khăn cho chính mình. Các cảm giác ấy không phải là những kinh nghiệm cảm nhận phát sinh từ lòng từ bi. Nếu đúng là trường hợp của lòng từ bi đích thật, thì một sự can đảm vô biên tất sẽ phải bùng lên trong lòng mình, thay vì là sự bất an hay kinh hoàng. Lòng ước mong cố gắng làm tất cả những gì mà mình có thể làm được nhằm làm vơi đi khổ đau của kẻ khác sẽ vụt trở thành quan trọng hơn là những khổ đau của riêng mình. Các hành động thúc đẩy bởi lòng từ bi sẽ mang lại một niềm hân hoan vô tận.
41- Mọi vật thể cấu hợp chỉ rồi để tan biến mà thôi, chúng đều vô thường, tạm thời và có tính cách giai đoạn. Thân xác chúng ta cũng thế, nhưng tiếc thay chúng ta lại thường hay quên đi điều ấy, chẳng qua là vì chúng ta bám víu vào thân xác mình một cách quá đáng. Đối với một số người mỗi khi nghĩ đến sự thật ấy thì họ cảm thấy khổ đau vô ngần. Nhận biết được thế nào là bản thể đích thật của mọi sự vật sẽ giúp chúng ta chấp nhận dễ dàng hơn là chẳng có gì tự chúng hiện hữu cả, và bản chất của khổ đau cũng thế, cũng phù du, nhất thời và không hiện hữu một cách tự tại. Sự hiểu biết ấy giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều mỗi khi gặp phải những cảnh huống khó khăn và bực dọc trong cuộc sống, hoặc phải đối phó với một số thử thách nào đó.
42- Một vài khát vọng hay ước mong nào đó cũng có thể chấp nhận được trên bước đường tu tập tâm linh. Chẳng hạn như đối với một người tu tập Đạo Pháp thì đấy là niềm ước mong khắc phục được tâm thức mình, và đối với những người tin có Trời thì niềm ước mong của họ là làm sao cho Trời được vui lòng. Những ước mong ấy đều chính đáng. Trái lại, những thứ ham muốn hướng vào các đối tượng bên ngoài chỉ tạo ra sự bám víu và các xúc cảm tiêu cực trong tâm thức mình mà thôi, các thứ ham muốn này quả thật không chính đáng một chút nào cả. Thật hết sức quan trọng là phải giới hạn các thứ thèm muốn và trói buộc ấy. Quả chỉ là một ảo giác khi tin rằng thế giới bên ngoài một ngày nào đó sẽ có thể làm thoả mãn được các khát vọng của mình.
43- Người Tây Tạng rất quan tâm đến thời kỳ đang mang thai. Kể từ lúc mới bắt đầu thụ thai cho đến hết thời gian khi thai nhi còn trong bụng, người mẹ phải giữ tâm thức thật thanh thản, và luôn cảm thấy hạnh phúc và an bình, đấy là cách giúp cho con mình nẩy nở một cách hài hoà. Trong thế giới Tây phương, thái độ giữ gìn ấy ngày càng phổ biến, và nhiều người cũng đã bắt đầu ý thức được rằng một người mẹ lo âu, giận dữ, tham lam, ganh ghét, sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi trong bụng mình. Chúng ta cũng nên khuyến khích người mẹ cho con bú nếu có thể được, vì dòng sữa mẹ nói lên lòng yêu quý con người. Các khám phá y khoa cũng cho biết là các cử chỉ âu yếm đối với một hài nhi sẽ giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ của nó.
44- Cải thiện tâm thức mình đôi khi có vẻ như là một việc rất khó thực hiện đối với những người tây phương với cuộc sống tân tiến và trong bối cảnh sinh hoạt của xã hội ngày nay. Dầu sao thì tất cả cũng còn tùy thuộc vào sức mạnh của lòng quyết tâm của mình, vì sức mạnh ấy sẽ mang lại cho mình lòng nhiệt tâm vô biên giúp mình bước vào sự tu tập không một chút chần chờ, dù là đang ở trong hoàn cảnh nào. Vì thế, nếu thực tâm thì nhất định chúng ta cũng có thể tu tập để biến cải tâm thức mình và đồng thời vẫn tiếp tục đảm đang công ăn việc làm, đời sống gia đình, các sinh hoạt khác, cũng như các công việc lặt vặt hằng ngày.
45- Biến cải tâm thức, phát huy các phẩm tính của tình thương và lòng từ bi, cải thiện con người của mình, tất cả những thứ ấy đều nhất thiết tùy thuộc vào sức mạnh của lòng quyết tâm của chính mình. Nhằm củng cố và khơi động sức mạnh ấy, cần nhất là phải quay nhìn vào nội tâm mình, quan sát chính mình một cách cẩn thận, và phát động niềm ước vọng sẽ cố gắng tự cải thiện mình và học hỏi thêm.
Nhờ trí thông minh chúng ta phải biết cố gắng giữ vững đường hướng tích cực ấy, và từ đó trí tuệ cũng sẽ tăng trưởng một cách tương xứng. Cách tiếp cận trên đây, ít nhất là đối với các bước đầu tu tập, nhất thiết phải dựa vào trí tuệ và lý trí.
46- Sự sinh hoạt nghề nghiệp trong cuộc sống thường nhật chiếm rất nhiều thì giờ, thế nhưng không phải vì thế mà mọi người không tìm được những khoảng thòi gian để thư giãn: nào là đi dạo mát, đi chơi cuối tuần h