;
365 lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt lai Lạt Ma (phần 9)
Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay
Lời giới thiệu của người chuyển ngữ
Quyển sách "365 Lời khuyên Tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma - Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay" (365 Méditations quotidiennes du Dalai-Lama pour éclairer votre vie) của Đức Đạt-lai Lạt-ma cùng nhà sư Matthieu Ricard, đã được nhà xuất bản Presses de la Renaissance tại Paris ấn hành lần đầu tiên năm 2001, và sau đó đã được tái bản nhiều lần và cũng đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Quyển sách này cũng có nhiều ấn bản khác nhau, mang nhiều tựa khác nhau, trong số này có nhiều ấn bản đã được tóm lược. Một trong số các ấn bản rút ngắn này - gồm 53 câu thay vì 365 câu - cũng đã được dịch sang tiếng Việt và đã được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo ấn hành tại Việt Nam năm 2009, và sau đó cũng đã được Nhà Xuất Bản Phương Đông tái bản năm 2011 ("Những lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma", Hoang Phong chuyển ngữ, nguyên bản tiếng Pháp là "Dalai Lama - Conseils du coeur", Pocket, 2003).
Lần tái bản bằng tiếng Pháp gần đây nhất và cũng đầy đủ nhất gồm toàn bộ 365 câu, là vào năm 2017. Bản chuyển ngữ tiếng Việt dưới đây được dựa vào ấn bản mới này. Người đọc cũng có thể tham khảo bản tiếng Anh của quyển sách này: "365 Dalai-Lama: Daily Advice From The Heart" (Hampton Roads Publishing Company, 2012).
Các câu "suy tư" trong quyển sách này chính thật là những "lời khuyên", giúp chúng ta biến cải chính mình hầu đối phó hay thích nghi với mọi cảnh huống trong cuộc sống, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ trên thân xác đến bên trong nội tâm mình. Những lời khuyên rất thiết thực nhưng cũng thật thâm sâu này của Đức Đạt-lai Lạt-ma đã được nhà sư Matthieu Ricard trực tiếp ghi chép bằng tiếng Tây Tạng, và sau đó đã được học giả Christian Bruyat dịch sang tiếng Pháp.
Nếu nhìn Phật giáo như là một tín ngưỡng thì tín ngưỡng đó không hề bị ám ảnh bởi cái chết và những lời hứa hẹn phía sau cái chết, bởi vì đối với Phật giáo thì cái chết cũng chỉ là thành phần của sự sống mà thôi. Những lời khuyên trong quyển sách này nhất thiết chỉ nói lên sự sống đó với tất cả các khía cạnh khó khăn cũng như thuận lợi của nó. Thật ra thì đấy cũng là những gì hiện lên bên trong tâm thức và trên thân xác mình trong từng ngày.
Do đó chúng ta có thể xem quyển sách này như là một quyển sách "gối đầu giường", hoặc một người bạn đồng hành trong cuộc sống của mình. Mỗi khi cần phải đối phó với một nghịch cảnh hay gặp phải một vấn đề nan giải thì biết đâu chúng ta cũng có thể tìm được một vài lời khuyên trong sách để suy ngẫm hầu tìm một giải pháp thích nghi.
Quyển sách gồm tất cả năm phần:
I. Suy tư về sự sống (câu 1 đến 48)
- Sự sống nói chung (1 - 16)
- Tuổi trẻ (17 - 35)
- Tuổi trưởng thành (36 - 42)
- Tuổi già (43 - 48)
II. Suy tư về các cảnh huống trong cuộc sống (câu 49 đến 129)
- Đàn ông và đàn bà (49 - 53)
- Cuộc sống trong gia đình (54 - 70)
- Cuộc sống độc thân (71 - 74)
- Cuộc sống tập thể (75 - 79)
- Cuộc sống sung túc (80 - 92)
- Cuộc sống trong cảnh nghèo khó (93 - 97)
- Bệnh tật (98 - 101)
- Những kẻ tật nguyền và những người chăm sóc họ (102 - 105)
- Người sắp lìa đời và những người thân chung quanh (106 - 118)
- Công ăn việc làm và tình trạng thiếu giải trí (119 đến 120)
- Nhà giam và các tù nhân (121 - 129)
- Đồng tính luyến ái (130 - 132)
III. Suy tư về cuộc sống tập thể trong xã hội (câu 133 đến 181)
- Chính trị (133 - 139)
- Công lý (140 - 144)
- Tương lai thế giới (145 - 147)
- Giáo dục (148 - 150)
- Khoa học và kỹ thuật (151 - 153)
- Thương mại và kinh doanh (154 - 156)
- Nghệ thuật viết lách và nghề làm báo (157 - 161)
- Canh nông và môi trường (162 - 167)
- Chiến tranh (168 - 175)
- Dấn thân vì kẻ khác (176 - 181)
IV. Suy tư về các khó khăn trong cuộc sống (câu 182 đến 304)
- Hạnh phúc (182 - 188)
- Bất hạnh (189 - 198)
- Yếm thế (199 - 210)
- Sợ hãi (211 - 215)
- Tự tử (216 - 219)
- Cô đơn và sự cô lập (220 - 229)
- Giận dữ (230 - 241)
- Kiềm tỏa dục vọng (242 - 247)
- Ganh tị và chứng ghen tuông (248 - 253)
- Kiêu hãnh (254 - 257)
- Khổ đau (258 - 267)
- Rụt rè (268 - 271)
- Do dự (272)
- Oán ghét chính mình (273 - 276)
- Nghiện rượu và ma túy (277 - 280)
- Đam mê tình ái (281 - 285)
- Thiếu suy nghĩ (286 - 289)
- Tính hay nói xấu (290 - 294)
- Tính độc ác (295 - 303)
- Thờ ơ (304 308)
V. Suy tư về cuộc sống tâm linh (309 -365)
- Người có đức tin (309 - 315)
- Người vô thần (316 - 327)
- Người tu sĩ và cuộc sống nơi tu viện. (328 - 339)
- Người hành thiền (340)
- Đức tin (341 - 344)
- Các giáo phái (345 - 347)
- Người muốn bước theo con đường Phật giáo (348 - 356)
- Việc Tu tập Phật giáo (357 - 365).
V- SUY TƯ VỀ CUỘC SỐNG TÂM LINH
Suy tư dành cho những người có đức tin
309
Tin hay không tin là quyền tự do của mỗi người. Thế nhưng một khi đã theo một tôn giáo và tin vào giáo huấn của tôn giáo ấy thì phải xem trọng tôn giáo ấy, không nên ngày thì tin ngày thì không. Không nên có thái độ bừa bãi và phải hành xử như thế nào để những gì mình làm phù hợp với những lời mình nói.
310
Một số người nghĩ rằng: "Nếu tôi đặt hết lòng tin vào Phật giáo thì tôi sẽ phải đủ sức để sống trọn vẹn và hoàn hảo với lý tưởng đó của tôi, nếu không thì tôi sẽ bỏ". Thái độ hoặc thắng hoặc thua đó rất thường thấy nơi người Tây phương. Tiếc thay thật hết sức khó để đạt được sự hoàn hảo trong chốc lát.
311
Chỉ có sự luyện tập mang lại một sự thăng tiến tuần tự mới có thể giúp mình đạt được mục đích, phải chăng đó cũng là điều thật quan trọng? Dầu sao các bạn cũng không nên thốt lên: "Tu tập hay không tu tập đối với tôi chẳng có gì khác biệt cả, bởi vì tôi chỉ là một người vô tích sự". Các bạn hãy cứ đặt ra cho mình một mục tiêu, vận dụng mọi phương tiện tập trung vào mục tiêu đó, và từng bước một các bạn sẽ thành công.
312
Mỗi người có một bản tánh và khát vọng riêng, những gì thích hợp với người này không bắt buộc cũng phải thích hợp với người khác. Phải quyết tâm ghi khắc điều đó trong tâm mỗi khi phán đoán các tôn giáo và các đường hướng tâm linh khác. Sự đa dạng của các tín ngưỡng liên quan đến sự phức tạp của con người, và dù cho các tín ngưỡng đó không bắt buộc phải được chấp nhận bởi tất cả mọi người đi nữa, thế nhưng không phải vì thế mà không có nhiều người đã từng tìm được và vẫn còn tiếp tục tìm được một sự trợ giúp lớn lao. Không nên quên điều đó và phải kính trọng tất cả các tôn giáo, đúng với sự xứng đáng của các tôn giáo ấy. Điều này thật hết sức quan trọng.
Kính trọng là một sự hỗ tương, tôn giáo cũng phải kính trọng con người. Hung bạo và sự cải đạo mù quáng, dù với bất cứ một chủ đích hay thiện chí nào - chẳng hạn như công cụ hóa tôn giáo vì lợi ích chính trị, quyền lực hay kinh tế - đều có thể làm giảm đi giá trị và vai trò của tôn giáo trong cộng đồng xã hội. Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều đó - gccncntV.
313
Tất cả các tôn giáo đều có các nghi lễ riêng, tuy nhiên cũng hàm chứa một số khía cạnh căn bản hơn. Chẳng hạn đối với Phật giáo thì mục đích chủ yếu nhất trong việc tu tập là chủ động tâm thức mình. Thế nhưng điều này thì lại rất khó, đòi hỏi thật nhiều cố gắng và sức kiên trì, do vậy mà nhiều người không phát tâm đúng mức hướng vào mục tiêu đó mà chỉ xem là thứ yếu.
Một mặt thì đặt hết lòng tin vào Phật giáo, một mặt thì lại không đủ khả năng thể hiện lòng tin đó đến chỗ tột cùng của nó, mà chỉ loanh quanh với các nghi thức lễ lạc bên ngoài, biểu lộ sự sùng kính của mình một cách hời hợt, tụng niệm thì chỉ là ở đầu môi.
Trong các nghi lễ của Phật giáo Tây Tạng người ta thường sử dụng trống, chuông, chũm chọe cùng các khí cụ âm nhạc khác. Những người tham dự mỗi khi nhìn vào cảnh tượng đó thì thường cho rằng: "Đây mới đúng là những người tu hành chân chính!". Thế nhưng họ quên rằng các nghi thức lễ lạc cũng chỉ là cách giúp người tu hành ngoảnh mặt đi trước thế giới ảo giác, hầu giúp mình hướng vào tình thương yêu, lòng từ bi và tinh thần Giác Ngộ, bởi vì đó mới đúng thật là sự tu tập sâu xa mà người tu hành phải dồn tất cả sinh lực của mình vào đó. Có phải đúng là như thế hay chăng? (những ai thật sự bước theo con đường Phật giáo nên ghi khắc trong tâm lời khuyên vô cùng thiết thực này của Đức Đạt-lai Lạt-ma).
Dầu sao đi nữa, điều đó cũng có nghĩa là nếu mình không tự biến cải chính mình thì mình nào có khác gì với các kẻ khác đâu? (các việc tụng niệm, cầu xin, van vái... kể cả lòng sùng kính không phải là các tiêu chuẩn khả dĩ có thể giúp xác định một người tu tập hay không tu tập. Một người tu tập chân chính phải phát huy được một phong cách hành xử nhân từ và tích cực, các tư duy và xúc cảm sâu sắc và tinh khiết, nhất là một sự chú tâm thật tỉnh giác và sắc bén).
314
Tôn giáo nói chung qua một góc nhìn nào đó thì cũng chẳng khác gì với các món thuốc chữa trị bệnh tật. Thuốc thang chỉ công hiệu khi mang bệnh, nhưng sẽ không có tác dụng gì khi khỏe mạnh. Đối với những người mà mọi sự đều xảy ra suông sẻ thì không nên phô bày các món thuốc ấy để mà nói với họ: "Thuốc này thật hiệu nghiệm, giá rất đắt, màu sắc thật hấp dẫn...". Dù vẻ bên ngoài có như thế nào đi nữa thì công dụng duy nhất của các món thuốc đó cũng chỉ là để chữa trị bệnh tật. Khi nào chưa cần đến thì không có lý do gì để mà phô trương.
Cũng vậy, tôn giáo hay bất cứ một đường hướng tâm linh nào cũng chỉ ích lợi khi tâm thức phải đương đầu với các vấn đề khó khăn. Nếu cứ khăng khăng phô trương những thứ ấy khi mọi sự đều suông sẻ, hoặc trong khi mọi người cứ dửng dưng như các kẻ phàm tục khác dù các vấn đề khó khăn đang ra với họ, thì nào có ích lợi gì đâu?
315
Điều quan trọng hơn cả là phải hòa nhập thật sâu vào bên trong tâm thức mình giáo huấn và các phép luyện tập mà mình đã tiếp nhận được, và sau đó mang ra ứng dụng vào cuộc sống thường nhật của mình. Đấy là những gì mà chúng ta không thể đạt được trong đầu hôm sớm mai, mà chỉ có thể thực hiện từng chút một nhờ vào sự luyện tập kiên trì.
Suy tư dành cho những người vô thần
316
Nhiều người không theo tôn giáo nào cả. Đấy là quyền của họ, không ai có quyền bắt buộc họ phải thay đổi quan điểm đó của họ. Điều quan trọng hơn nhiều là cuộc sống của họ phải có một chút ý nghĩa nào đó, có nghĩa là ít nhất họ cũng phải tìm được cho mình hạnh phúc. Hạnh phúc thì được, thế nhưng hạnh phúc đó không được gây ra tác hại cho kẻ khác. Nếu sự thỏa mãn của mình phải giẫm lên khổ đau của kẻ khác thì sớm muộn chính mình cũng sẽ khổ đau.
317
Kiếp người kéo dài tối đa khoảng một trăm năm. Quả hết sức ngắn so với các thời kỳ địa chất (tuổi của vũ trụ là 13.8 tỉ năm, tuổi của địa cầu là 4.5 tỉ năm, sự sống thô sơ nhất dưới hình thức vi sinh vật đơn bào xuất hiện cách nay khoảng 3.5 đến 3.8 tỉ năm. Giống người xuất hiện cách nay 2.8 triệu năm, con người như chúng ta ngày nay xuất hiện cách nay khoảng 200.000 năm). Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó nếu chúng ta chỉ biết tạo ra những điều tồi tệ, thì kiếp người của mình sẽ chẳng mang một ý nghĩa nào cả.
Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng hạnh phúc, nhưng không một ai có quyền tàn phá hạnh phúc của kẻ khác. Mục đích của sự hiện hữu con người không phải là để tạo ra khổ đau cho những người khác (nếu hình dung sự hiện hữu của mình đang cuồng quay giữa cơn lốc của thế giới hiện tượng qua dòng lịch sử mênh mông của địa cầu và vũ trụ, thì mình sẽ không khỏi cảm thấy sự "vô nghĩa" của mình trong không gian và thời gian.
Nếu không biết lợi dụng sự "vô nghĩa" đó để làm được một chút gì "có ý nghĩa", mà chỉ để tạo ra khổ đau cho kẻ khác, thì sự "vô nghĩa" ấy của mình sẽ nhân lên bội phần. Tệ hại hơn nữa nếu sử dụng sự "vô nghĩa" đó của mình để sáng chế ra các thứ ý thức hệ, các chủ nghĩa, đưa đến chiến tranh và xung đột với tầm cỡ to lớn, thì sự "vô nghĩa" ấy của mình sẽ còn nhân lên nghìn lần. Trái lại nếu biết mượn sự "vô nghĩa" đó để tạo ra một chút gì "có ý nghĩa" thì biết đâu đấy sẽ là vốn liếng giúp mình ngao du với "nhiều ý nghĩa" hơn trong vũ trụ này).
318
Dù đạt được điểm tột đỉnh của sự hiểu biết hay sự giàu sang nhưng không hề biết kính trọng hay phát lộ lòng từ bi với kẻ khác, thì sự hiện hữu đó của mình quả không xứng đáng là sự hiện hữu của con người. Sống hạnh phúc bằng cách cố tránh không gây ra một điều tồi tệ nào, thì đấy mới đúng là thứ hạnh phúc mà con người có quyền được hưởng, và đáng để thực hiện.
319
Đối với hầu hết chúng ta, hạnh phúc được căn cứ vào số của cải vật chất mà mình chiếm hữu. Thế nhưng thật hết sức rõ ràng các thứ đó tự chúng không thể nào mang lại sự hài lòng cho chúng ta được. Chỉ cần nhìn vào những người chung quanh thì cũng rõ, nhiều người sống tiện nghi và đầy đủ nhưng phải dùng thuốc an thần hay rượu chè say sưa để làm giảm bớt những nỗi lo buồn của mình. Ngược lại nhiều người chẳng có gì cả, thế nhưng họ thật hạnh phúc, thanh thản, sức khỏe tốt và sống lâu hơn.
320
Chúng ta không nên quên là sự thỏa mãn quan trọng hơn cả không phải là sự thỏa mãn thô thiển và cấp thời tạo ra bởi các cơ quan giác cảm, mà là sự thỏa mãn bên trong nội tâm mình. Chính vì thế mà lòng tốt, sự giúp đỡ kẻ khác có thể làm giảm bớt các sự thèm khát giúp mình biết hài lòng với số phận mình.
Không nhất thiết là phải theo một tôn giáo nào thì mới thực hiện được điều đó. Tôi nêu lên điều này không nhất thiết là để làm vui lòng Trời (vì Phật giáo không phải là tín ngưỡng độc quyền giúp con người tìm được sự thỏa mãn nội tâm) hay đưa đến một kiếp tái sinh tốt đẹp hơn, mà chỉ muốn nói rằng những ai muốn tạo cho mình một sự an bình trong nội tâm thì đấy là những gì mà mình không thể thiếu sót (tức là lòng nhân từ và bổn phận phải giúp đỡ kẻ khác).
321
Kinh tế và kỹ thuật ngày càng phát triển thì chúng ta cũng ngày càng phải lệ thuộc vào nhau chặt chẽ hơn. Bất cứ điều gì mà chúng ta làm đều tác động đến phần còn lại của thế giới, chỉ sớm hay muộn mà thôi, và tình trạng chung của thế giới cũng sẽ tác động ngược lại đối với các niềm an vui và bất hạnh của từng mỗi cá thể. Không như các thời kỳ xa xưa, ngày nay con người không thể chỉ quán xét mọi sự qua một tầm nhìn thu hẹp, hoặc căn cứ vào một thành phần, một nguyên nhân hay một yếu tố duy nhất nào đó là cũng đủ.
Vào thời buổi tân tiến ngày nay, mỗi khi đứng trước bất cứ một cảnh huống nào cũng phân tích toàn bộ các khía cạnh đa dạng của nó (ngày xưa con người thưa thớt, các nền văn minh thường khá biệt lập với nhau, sự sinh hoạt xã hội cũng đơn giản hơn, trái lại ngày nay các phương tiện giao thông và truyền thông mang con người đến gần với nhau hơn. Các thể chế chính trị, kinh tế, luật pháp, cùng các sinh hoạt xã hội..., tất cả đều trở nên phức tạp và liên hệ với nhau chặt chẽ hơn, do đó việc tìm hiểu một sự kiện hay một cảnh huống xảy ra cũng sẽ rắc rối và tế nhị hơn).
322
Tôi không muốn nói là phải hy sinh hạnh phúc của chính mình vì hạnh phúc của kẻ khác, mà chỉ muốn nêu lên là hạnh phúc của cả hai phía - mình và kẻ khác - đều liên hệ mật thiết với nhau. Nếu chúng ta cảm thấy trách nhiệm mình đối với nền hòa bình và niềm phúc hạnh của tất cả mọi con người trên địa cầu này, thì hãy tập quán xét mọi sự vật qua một tầm nhìn bao quát hơn, hầu ý thức được sự đóng góp của từng cá thể qua cung cách hành xử của mình.
323
Chúng ta gồm 6 tỉ người trên Địa cầu này (năm 2018 dân số trên địa cầu là 7.7 tỉ). Phần đông trong số sáu tỉ người đó chỉ biết nghĩ đến các thứ tiện nghi vật chất, và tuyệt nhiên không quan tâm gì đến tôn giáo hay đời sống tâm linh (thông thường không mấy khi người ta nghĩ đến tôn giáo, bởi vì dù họ rất sợ chết thế nhưng họ cảm thấy rằng mình chưa chết ngay, nếu có chết thì người khác chết trước, do đó bản năng sợ chết bên trong chính họ không mạnh bằng hai thứ bản năng khác là sinh tồn và truyền giống.
Theo thứ tự thì bản năng sinh tồn mạnh hơn cả, bởi vì mỗi ngày phải ăn, đói là sự ám ảnh to lớn nhất đối với con người. Sự thèm khát tính dục đôi khi cũng có thể "nhịn" được.
Sau khi đã no cơm ấm cật thì mới dâm dật mọi nơi, do đó bản năng truyền giống đứng hàng thứ hai sau bản năng sinh tồn. Bản năng sợ chết chỉ đứng hàng thứ ba, điều này cho thấy tại sao phần đông trong số "sáu tỉ" người trên hành tinh này không mấy quan tâm đến tôn giáo, hoặc nếu quan tâm thì lại quan tâm "quá đáng" gây ra mọi sự xung đột âm ỉ hoặc lớn lao giữa các tôn giáo với nhau. Chỉ có bản năng truyền giống là tương đối không gây ra các sự xung đột rộng lớn mà chỉ xoay quanh các chuyện ghen tưông, thất tình và tự tử).
Tóm lại những người không tín ngưỡng là thành phần đa số trong toàn thể nhân loại, do đó cách suy nghĩ và hành động của họ tất nhiên sẽ giữ một vai trò then chốt trong sự diễn tiến của thế giới. Thế nhưng cũng thật may mắn, không cần phải theo một tôn giáo nào thì mới phát động được một cung cách hành xử nhân từ, mà chỉ cần là một con người là cũng đủ!
324
Đối với các loài thú vật cũng vậy, các con thú có xu hướng thích sinh hoạt tập thể (gọi đàn hay nhập bọn với các con thú khác...) thường thu hút được các con thú chung quanh, trái lại các con thú hung dữ sẽ khiến các con khác tránh ra xa. Người ta thường nhận thấy những con chó hung hăng sẽ khiến các con chó khác không dám đến gần, kể cả những con to lớn hơn.
Điều đó cũng đúng với trường hợp con người. Những người chủ động được tâm thức mình thường suy nghĩ nhân từ và ăn nói hòa nhã, và đương nhiên họ cũng có nhiều bạn hữu hơn. Đến gần bên họ, người ta cảm thấy an vui hơn, kể cả thú vật cũng thích đến gần với họ. Sự hiện diện của họ dù là trong bối cảnh nào cũng đều tạo được một bầu không khí thật thú vị khiến không ai muốn rời xa họ.
325
Ngược lại nếu tư duy của mình bất trị, ăn nói hung hăng, cử chỉ hung bạo thì kẻ khác sẽ tránh ra xa và không khỏi cảm thấy khó chịu mỗi khi trông thấy mình. Họ sẽ không chú ý đến những gì mà mình nói, quay mặt đi khi nhận thấy mình có vẻ muốn gợi chuyện với họ. Làm thế nào mà họ có thể cùng vui đùa và cảm thấy thích thú bên cạnh mình được?
326
Mặc dù con người thật đông đảo trên địa cầu này, thế nhưng mỗi người trong chúng ta chỉ trông thấy có riêng mình mà thôi. Tuy nhiên không nên quên một điều là chúng ta phải luôn nhờ vào người khác để có cơm ăn, áo mặc, tạo được một vị trí trong xã hội, trở nên nổi tiếng (nhờ có các người khác biết đến mình thì mình mới "nổi tiếng" được), thế nhưng mình thì lại xem những người liên hệ với mình thật gắn bó là kẻ thù. Chẳng phải đấy là một sự nghịch lý thật lạ lùng hay sao?
327
Chỉ cần lo nghĩ đến kẻ khác từ bên trong tâm thức mình hay biểu lộ bằng các cử chỉ bên ngoài, thì cũng đủ giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc và dễ chịu trong lòng, ngay trong kiếp sống hiện tại này - đấy là chưa nói đến các sự lo nghĩ đó sẽ còn tiếp tục tác động đến cả các kiếp sống tương lai - và đó cũng là cách giúp mình mỗi khi gặp phải khó khăn thì sẽ có nhiều người thăm hỏi và giúp đỡ mình; và chính kẻ thù của mình biết đâu cũng sẽ trở thành bạn hữu của mình.
Nếu chỉ biết duy nhất nghĩ đến bản thân mình và xem các kẻ khác là kình địch của mình, thì chúng ta sẽ khó tránh khỏi phải đối đầu với mọi thứ khó khăn thật phi lý do chính mình tạo ra cho mình. Trong thế giới tân tiến ngày nay, dù sự sống gần như không thể nào tồn tại được nếu thiếu sự cạnh tranh tác động đến nó, thế nhưng chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn các kẻ khác, mà không cần phải nghiền nát họ (không cần phải cạnh tranh một cách ác liệt và bất chính).
Suy tư về người tu sĩ và cuộc sống nơi tu viện
328
Phần đông những người tu hành đều từ bỏ cuộc sống gia đình. Nhiều tôn giáo xem trọng cuộc sống độc thân của người tu sĩ vì nhiều lý do. Đối với Phật giáo nếu muốn đạt được sự Giác Ngộ thì trước hết phải loại bỏ được các thứ độc tố tâm thần, trước hết là các thứ thô thiển nhất. Độc tố nguy hiểm hơn cả là sự thèm khát, đó là thứ độc tố chắc chắn sẽ buộc chặt chúng ta trong cõi luân hồi (samsara), tức là vòng xoay vần và níu kéo của sự tái sinh.
Nếu hiểu được mười hai mối dây tương liên (kinh sách tiếng Hán gọi là "Thập nhị nhân duyên", tức là mười hai thể dạng hình thành và hủy hoại tiếp nối nhau nhau do nghiệp tạo ra, đưa đến sự hiện hữu luôn biến động của một cá thể trong thế giới hiện tượng), tức là các giai đoạn trói buộc chúng ta trong cõi luân hồi, thì chúng ta sẽ hiểu ngay là nếu các tác động của sự thèm khát chấm dứt thì nghiệp quá khứ cũng theo đó sẽ không tạo ra một hậu quả nào.
Sự thèm khát phản ảnh các sự đòi hỏi của sáu cơ quan giác cảm: ngũ giác và tâm thần. Phía sau các sự đòi hỏi và thúc dục đó của lục giác là các bản năng của sự sống: gay gắt nhất là bản năng sinh tồn, sôi sục nhất là bản năng truyền giống và tối tăm nhất là bản năng sợ chết.
Động cơ thúc đẩy ba thứ bản năng trên đây là ba thứ thứ độc tố tâm thần: sự u mê (vô minh, có thể hiểu như là sự "dại dột"), sự thèm khát (lòng tham, sự chiếm hữu) và ghét bỏ (thù hận, giận dữ). Trong số này sự thèm khát là động cơ trực tiếp, lộ liễu và mạnh nhất, buộc chặt một cá thể trong sự chuyển động của thế giới hiện tượng. Cả ba thứ độc tố trên đây là hậu quả phát sinh từ nghiệp của một cá thể - gccncntV.
329
Trong số tất cả các sự thèm khát đó thì sự thèm khát dục tính là mạnh hơn cả, bởi vì nó liên hệ đến sự cảm nhận của tất cả năm cơ quan giác cảm: hình tướng, âm thanh, mùi, vị và sự đụng chạm (kể cả tâm thức là cơ quan cảm giác thứ sáu, giữ vai trò diễn đạt các cảm giác phát sinh từ ngũ giác, đưa đến các sự tưởng tượng, liên tưởng và các ý nghĩ dâm ô, còn gọi là các thứ tạo tác tâm thần. Độc giả có thể xem lại lời khuyên 282 về sự thèm khát dục tính). Vì thế nếu muốn chữa trị sự thèm khát, thì trước hết phải tấn công ngay thứ nóng bỏng nhất (đối với người tu hành thì nóng bỏng nhất là sự thèm khát dục tính), sau đó là các thứ thô thiển và dần dần là những thứ tinh tế hơn (tức là các thứ thèm khát thuộc các thứ bản năng khác.
Xin nhắc lại bản năng truyền giống đôi khi rất "nóng bỏng" thế nhưng chủ yếu chỉ liên quan nhiều hơn với cuộc sống của một cá thể. Trái lại bản năng sinh tồn tác động trực tiếp đến toàn thể xã hội và quốc gia, có thể đưa đến các sự tranh dành và xung đột lớn lao). Càng giảm bớt sự thèm khát và tạo được sự hài lòng sẽ giúp mình thăng tiến dễ dàng hơn trên con đường phi-bám-víu. Đấy là quan điểm của Phật giáo. Đối với các truyền thống tín ngưỡng khác thì mỗi truyền thống đều có một cách giải thích riêng.
330
Trên phương diện thực hành, thì cuộc sống nơi tu viện, tức là cuộc sống độc thân, là cách giải thoát mình khỏi một số các mối dây trói buộc mình. Đối với các nữ và nam tu sĩ, một khi đã từ bỏ cuộc sống thế tục, thì tất nhiên sẽ không còn quan tâm đến sự phẩm bình của thiên hạ. Quần áo xuềnh xoàng, các nhu cầu vật chất khác cũng chỉ là tối thiểu mà thôi.
331
Một khi đã lập gia đình thì dù muốn hay không, cũng khó tránh khỏi một số các ràng buộc xã hội. Phải tiêu xài nhiều hơn so với cuộc sống độc thân; càng xài nhiều thì càng phải làm việc nhiều, phải tính toán và hoạch định đủ mọi thứ. Càng làm việc và càng phải phác họa lắm thứ chương trình thì lại càng dễ đụng chạm hơn với các sức mạnh đối nghịch (cạnh tranh, ganh tị, bon chen...) và càng dễ khiến mình phạm vào các hành động gây tai hại cho kẻ khác.
Sự chuyển đổi từ cuộc sống gia đình sang cuộc sống xa lìa thế tục sẽ tạo các điều kiện thuận lợi giúp các người nữ và nam tu sĩ Ki-tô giáo cầu nguyện, đọc sách, thiền định từ năm đến sáu lần mỗi ngày, và gần như không còn tham gia vào các sinh hoạt thế tục nữa. Sự chuyển đổi từ cuộc sống trong gia đình sang cuộc sống nơi tu viện sẽ mang lại thật nhiều lợi điểm.
332
Lúc nhắm mắt những người đã từ bỏ thế tục (những người tu hành nơi tu viện) sẽ tìm thấy thanh thản. Những người khác sẽ còn lắm thứ bận tâm: "Con cái tôi sẽ phải xoay sở như thế nào? Ai đưa chúng đi học? Ai nuôi nấng chúng? Vợ tôi sẽ phải đối phó ra sao? Nếu không có tôi thì ông chồng già của tôi làm thế nào xoay sở được? Nhất định người vợ trẻ của tôi sẽ sống với một người đàn ông khác". Đấy chẳng phải là những mối khổ tâm không nên có trong lúc lâm chung hay sao?
365 lời khuyên tâm huyết
đức đạt lai lạt ma
lời khuyên của đức đạt lai lạt ma
Phật giáo
cuộc sống
tình thương
khổ đau
thương yêu
xã hội
tôn giáo
TIN LIÊN QUAN