;
Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay
Lời giới thiệu của người chuyển ngữ
Quyển sách "365 Lời khuyên Tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma - Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay" (365 Méditations quotidiennes du Dalai-Lama pour éclairer votre vie) của Đức Đạt-lai Lạt-ma cùng nhà sư Matthieu Ricard, đã được nhà xuất bản Presses de la Renaissance tại Paris ấn hành lần đầu tiên năm 2001, và sau đó đã được tái bản nhiều lần và cũng đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Quyển sách này cũng có nhiều ấn bản khác nhau, mang nhiều tựa khác nhau, trong số này có nhiều ấn bản đã được tóm lược. Một trong số các ấn bản rút ngắn này - gồm 53 câu thay vì 365 câu - cũng đã được dịch sang tiếng Việt và đã được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo ấn hành tại Việt Nam năm 2009, và sau đó cũng đã được Nhà Xuất Bản Phương Đông tái bản năm 2011 ("Những lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-lai Lạt-ma", Hoang Phong chuyển ngữ, nguyên bản tiếng Pháp là "Dalai Lama - Conseils du coeur", Pocket, 2003). Lần tái bản bằng tiếng Pháp gần đây nhất và cũng đầy đủ nhất gồm toàn bộ 365 câu, là vào năm 2017. Bản chuyển ngữ tiếng Việt dưới đây được dựa vào ấn bản mới này. Người đọc cũng có thể tham khảo bản tiếng Anh của quyển sách này: "365 Dalai-Lama: Daily Advice From The Heart" (Hampton Roads Publishing Company, 2012).
Các câu "suy tư" trong quyển sách này chính thật là những "lời khuyên", giúp chúng ta biến cải chính mình hầu đối phó hay thích nghi với mọi cảnh huống trong cuộc sống, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ trên thân xác đến bên trong nội tâm mình. Những lời khuyên rất thiết thực nhưng cũng thật thâm sâu này của Đức Đạt-lai Lạt-ma đã được nhà sư Matthieu Ricard trực tiếp ghi chép bằng tiếng Tây Tạng, và sau đó đã được học giả Christian Bruyat dịch sang tiếng Pháp.
Nếu nhìn Phật giáo như là một tín ngưỡng thì tín ngưỡng đó không hề bị ám ảnh bởi cái chết và những lời hứa hẹn phía sau cái chết, bởi vì đối với Phật giáo thì cái chết cũng chỉ là một thành phần của sự sống mà thôi. Những lời khuyên trong quyển sách này nhất thiết chỉ nói lên sự sống đó với tất cả các khía cạnh khó khăn cũng như thuận lợi của nó. Thật ra thì đấy cũng là những gì hiện lên bên trong tâm thức mình và trên thân xác mình trong từng ngày. Do đó chúng ta có thể xem quyển sách này như là một quyển sách "gối đầu giường", hoặc một người bạn đồng hành trong cuộc sống của mình. Mỗi khi cần phải đối phó với một nghịch cảnh hay gặp phải một vấn đề nan giải thì biết đâu chúng ta cũng có thể tìm được một vài lời khuyên trong sách để suy ngẫm hầu tìm một giải pháp thích nghi.
Quyển sách gồm tất cả năm phần:
I. Suy tư về sự sống (câu 1 đến 48)
- Sự sống nói chung (1 - 16)
- Tuổi trẻ (17 - 35)
- Tuổi trưởng thành (36 - 42)
- Tuổi già (43 - 48)
II. Suy tư về các cảnh huống trong cuộc sống (câu 49 đến 129)
- Đàn ông và đàn bà (49 - 53)
- Cuộc sống trong gia đình (54 - 70)
- Cuộc sống độc thân (71 - 74)
- Cuộc sống tập thể (75 - 79)
- Cuộc sống sung túc (80 - 92)
- Cuộc sống trong cảnh nghèo khó (93 - 97)
- Bệnh tật (98 - 101)
- Những Kẻ tật nguyền và những người chăm sóc họ (102 - 105)
- Người sắp lìa đời và những người thân chung quanh (106 - 118)
- Công ăn việc làm và tình trạng thiếu giải trí (119 đến 120)
- Nhà giam và các tù nhân (121 - 129)
- Đồng tính luyến ái (130 - 132)
III. Suy tư về cuộc sống tập thể trong xã hội (câu 133 đến 181)
- Chính trị (133 - 139)
- Công lý (140 - 144)
- Tương lai thế giới (145 - 147)
- Giáo dục (148 - 150)
- Khoa học và kỹ thuật (151 - 153)
- Thương mại và kinh doanh (154 - 156)
- Nghệ thuật viết lách và nghề làm báo (157 - 161)
- Canh nông và môi trường (162 - 167)
- Chiến tranh (168 - 175)
- Dấn thân vì kẻ khác (176 - 181)
IV. Suy tư về các khó khăn trong cuộc sống (câu 182 đến 304)
- Hạnh phúc (182 - 188)
- Bất hạnh (189 - 198)
- Yếm thế (199 - 210)
- Sợ hãi (211 - 215)
- Tự tử (216 - 219)
- Cô đơn và sự cô lập (220 - 229)
- Giận dữ (230 - 241)
- Kiềm tỏa dục vọng (242 - 247)
- Ganh tị và chứng ghen tuông (248 - 253)
- Kiêu hãnh (254 - 257)
- Khổ đau (258 - 267)
- Rụt rè (268 - 271)
- Do dự (272)
- Thù ghét chính mình (273 - 276)
- Nghiện rượu và ma túy (277 - 280)
- Đam mê tình ái (281 - 285)
- Thiếu suy nghĩ (286 - 289)
- Tính hay nói xấu (290 - 294)
- Tính độc ác (295 - 303)
- Thờ ơ (304 308)
V. Suy tư về cuộc sống tâm linh (309 -365)
- Người có đức tin (309 - 315)
- Người vô thần (316 - 327)
- Người tu sĩ và cuộc sống nơi tu viện. (328 - 339)
- Người hành thiền (340)
- Đức tin (341 - 344)
- Các giáo phái (345 - 347)
- Người muốn bước theo con đường Phật giáo (348 - 356)
- Việc Tu tập Phật giáo (357 - 365).
II SUY TƯ VỀ CÁC CẢNH HUỐNG TRONG CUỘC SỐNG
Suy tư về công ăn việc làm và tình trạng thiếu giải trí
119
Tôi có đôi lời nhắn gửi một số bạn hữu của tôi "những kẻ nô lệ cho đồng tiền". Họ chẳng hề biết nghỉ ngơi là gì, hết chạy ngược lại chạy xuôi, phờ phạc cả người. Lúc thì đi Nhật, đi Mỹ, lúc thì Hàn quốc, không dám nghỉ ngơi ngày nào.
Tất nhiên nếu sống lối đó là để mang lại lợi ích cho kẻ khác hoặc để phát triển xứ sở thì chúng ta hẳn sẽ vui mừng. Những người hằng ôm ấp một hoài bão cao quý, ngày đêm ra sức thực hiện, thì quả xứng đáng cho chúng ta thán phục. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đó, thiết nghĩ đôi khi họ cũng nên nghỉ ngơi đôi chút để giữ gìn sức khỏe. Đeo đuổi một công trình tốt đẹp trong lâu dài, dù chỉ ở một mức độ vừa phải, thì vẫn tốt hơn là phát huy một sự cố gắng vượt bực nhưng chỉ là phù du.
120
Thế nhưng nếu sự hoạt động cuồng nhiệt đó là chỉ để thỏa mãn tham vọng cá nhân của mình, và sau cùng nếu lối sống đó khiến mình phờ phạc, sức khỏe sa sút, thì đấy cũng chỉ là cách tàn phá chính mình một cách vô ích mà thôi.
Suy tư về nhà giam và các tù nhân
121
Thông thường trên nguyên tắc thì những kẻ phạm tội phải bị nhốt vào tù, tách ra khỏi xã hội. Họ bị xem là các thành phần xấu xa mà tập thể xã hội không còn muốn trông thấy nữa. Họ không còn một hy vọng nào để trở thành những con người tốt hơn, hầu tạo cho mình một cuộc sống mới. Họ cư xử hung bạo với các tù nhân khác, ức hiếp kẻ yếu đuối. Trong bối cảnh đó họ sẽ không còn một cơ may nào để tự biến cải mình nữa.
122
Đôi khi tôi nghĩ đến trường hợp một vị tướng lãnh giết hàng ngàn người và được tôn vinh là anh hùng. Người ta xem sự sát hại đó là một thành tích tuyệt vời và không ngớt ngợi khen. Thế nhưng nếu là một kẻ cùng quẫn giết người thì hắn quả đúng là một tên sát nhân không chối cãi được, người ta bỏ tù hắn hoặc cũng có thể mang hắn ra xử tử.
123
Một số người tạo được một tài sản khổng lồ nhưng không hề bị truy tố. Một số khác đánh cắp được một ít tiền lẻ trong lúc cùng quẫn thì bị còng tay và nhốt vào tù.
124
Thật vậy, tất cả chúng ta đều tiềm tàng bên trong chính mình các xu hướng biến mình thành kẻ bất lương, và những kẻ mà chúng ta đem nhốt vào tù thì từ nơi sâu kín bên trong họ, chính họ cũng không đến nỗi nào xấu xa hơn bất cứ một ai trong chúng ta. Họ chỉ là những người không cưỡng lại đưọc các sự u mê, thèm khát và giận dữ, là các thứ bệnh mà tất cả chúng ta đều mắc phải, chỉ khác nhau ở mức độ trầm trọng mà thôi. Bổn phận của chúng ta là phải giúp họ điều trị các căn bệnh ấy của họ.
125
Xã hội qua vai trò của mình, không có quyền loại bỏ bất cứ ai vi phạm lỗi lầm và bị xem là một tội phạm. Họ hoàn toàn là một con người với tất cả danh nghĩa của nó và cũng là thành phần của xã hội không khác gì như mỗi người trong chúng ta, họ cũng có quyền được thay đổi để trở nên khác hơn. Tuyệt đối phải trả lại cho họ niềm hy vọng và lòng mong cầu được bước theo một con đường khác trong cuộc đời mình.
126
Tôi có dịp viếng thăm nhà tù Dehli Tihar tại Ấn độ, nơi này có một nữ nhân viên cảnh sát đối xử rất nhân từ với tù nhân. Bà giảng cho họ nhiều điều không khác gì mấy với giáo lý của một tín ngưỡng. Bà dạy họ tập thiền định để tạo ra một sự an bình thật sâu bên trong nội tâm, giúp họ loại bỏ các cảm tính tội lỗi của mình. Họ rất sung sướng mỗi khi thấy có người thương yêu mình, quan tâm đến mình. Sau một thời gian, ngay cả trước khi được trả tự do, họ cũng đã cảm thấy mãn nguyện và vững tin hơn vào các giá trị nhân bản nơi con người họ, điều đó sẽ giúp họ tái lập lại cuộc sống của mình trong xã hội. Đối với tôi, cách cư xử của người nữ cảnh sát viên trên đây là cả một tấm gương.
127
Tình trạng phạm pháp của trẻ vị thành niên quả là một điều đáng buồn. Trước hết là vì các kiếp người ấy vừa chớm bước vào đời đã hư hỏng cả. Sau đó sở dĩ thảm trạng ấy xảy ra cũng chỉ vì tình trạng thiếu kinh nghiệm sống của tuổi trẻ trong một môi trường xã hội đầy rẫy khó khăn, trong khi chưa kịp hiểu là mình phải làm gì để tự đứng vững trên đôi chân của chính mình.
128
Lời khuyên chủ yếu nhất mà tôi muốn gửi đến lớp trẻ phạm pháp và tất cả những ai bị giam cầm là không bao giờ tuyệt vọng và đánh mất niềm tin tự biến cải mình để trở thành tốt hơn. Hãy tự nhủ: "Tôi nhận lỗi lầm đó là do tôi gây ra, thế nhưng tôi sẽ tự sửa đổi để trở thành tốt hơn, tôi sẽ làm những điều phải và sẽ trở thành một con người hữu ích". Tất cả chúng ta đều có khả năng tự biến cải chính mình. Chúng ta có một bộ não giống nhau, một tiềm năng ngang nhau. Chúng ta không bao giờ được phép thốt lên rằng sẽ chẳng còn một chút hy vọng nào cho mình nữa, trừ trường hợp khi mình vẫn còn bị chi phối bởi sự u mê và các thứ tư duy nhất thời (khi rơi vào sự tuyệt vọng thì mình sẽ mất hết sự sáng suốt và trở nên yếm thế).
129
Thương thay cho những kẻ bị tù tội! Sở dĩ họ phạm vào lỗi lầm chỉ vì bất chợt rơi vào sự kiềm tỏa của các thứ xúc cảm tiêu cực, thế rồi xã hội ruồng bỏ họ và chẳng còn một chút gì để mà ước mơ trong kiếp sống này của mình nữa.
Suy tư về đồng tính luyến ái
130
Có nhiều người hỏi tôi nghĩ gì về đồng tính luyến ái. Đối với những người có lòng tin thì tốt hơn nên tuân theo những gì nên hoặc không nên làm, đúng theo đức tin đó của mình. Một số người theo Ki-tô giáo cho rằng đồng tính luyến ái là một lỗi lầm nghiêm trọng, nhưng cũng có một số khác không nghĩ như vậy. Một số người Phật giáo chấp nhận thực trạng đó, một số khác lại nghĩ rằng phạm vào điều đó sẽ không còn là người Phật giáo nữa.
Kinh sách nòng cốt của giáo huấn Phật giáo (tức là Tam Tạng Kinh, đặc biệt là Tạng Luật) có nêu lên mười hành vi tệ hại phải tránh, một trong số đó là dâm dục bất chánh (chín hành vi khác là: sát nhân, trộm cắp, vu khống, nối dối, phỉ báng, ăn nói ba hoa vô bổ, thèm khát, ác ý và các quan điểm sai lầm - gcts). Điều này có nghĩa là không được gian dâm với người phối ngẫu của kẻ khác, thế nhưng cũng gồm chung cả sự kiện đồng tính luyến ái, giao cấu bằng miệng hay hậu môn, và cả thủ dâm (dường như các giới luật khắt khe và chi tiết trên đây là chỉ để áp dụng cho những người mới xuất gia, còn gọi là những người "mới bước vào dòng chảy". Một khi đã vượt thoát các xung năng truyền giống thì đối với người tu hành cũng như kẻ thế tục, các sự thúc dục bản năng đều đã khô cạn, các nhu cầu và đòi hỏi của các cơ quan giác cảm không còn khuấy động được họ nữa). Thế nhưng phạm vào các chuyện đó không có nghĩa là không còn là người Phật giáo. Ngoại trừ các quan điểm sai lầm - chẳng hạn như nghĩ rằng Đức Phật hay quy luật nguyên-nhân-hậu-quả không hề có - thì trong số mười hành vi trên đây, kể cả sát nhân, không có một hành vi nào có thể khiến chúng ta không còn phải là một người Phật giáo nữa (đối với Phật giáo thì một kẻ hung ác, một người đần độn, một người keo kiệt, một kẻ từ tâm, một nhà thông thái, một vị xuất gia..., tất cả đều có thể và có quyền bước theo con đường Giải Thoát. Sự khác biệt giữa họ chỉ là tình trạng u mê của tâm thức mình mà thôi. Trên Con Đường đó có những người bước thật nhanh, nhưng cũng có những người khập khiễng, những người phải chống gậy... Dù là với những bước chân vững chắc hay xiêu vẹo, một khi đã bước đi trên Con Đường đưa mình đến Giác Ngộ thì tất cả đều là những con người đáng thương như nhau. Con Đường có thể thênh thang đối với một số người hay đầy chông gai đối với một số khác. Trên Con Đường đó Phật giáo không phân biệt và ưu đãi ai cả, cũng không xem bất cứ ai là kẻ thù - gccncntV).
Không có ai cho phép, cấm đoán, phân loại hay đánh giá một người nào đó là Phật giáo hay không Phật giáo. Điều này thật hết sức ngây thơ và thô thiển. Thế nhưng trên một mặt khác thì người ấy không sao tránh khỏi các hậu quả mang lại bởi các hành động do mình tạo ra. Đồng tính luyến ái và chuyển đổi giới tính (transgender) là các vấn để gây ra nhiều đổ vỡ, hiềm khích, kể cả mặc cảm tội lỗi, nhất là trong các xã hội ảnh hưởng nặng nề bởi các tôn giáo độc thần. Lỗi lầm không phải là do nạn nhân mà là vị Sáng Tạo, bởi vì nguyên nhân đưa đến các sự kiện đó bắt nguồn rất sâu bên trong nội tâm của mỗi cá thể, có nghĩa là trực tiếp liên hệ đến "phần hồn" méo mó của cá thể ấy. Các xu hướng tâm lý và các đòi hỏi của các cơ quan giác cảm chỉ là hậu quả phát lộ từ cái "linh hồn" ấy mà thôi.
Đối với y học, đồng tính luyến ái hay chuyển đổi giới tính phát sinh từ sự vận hành xáo trộn hay bất quân bình của tâm thức cùng các kích thích tố/hormon trong cơ thể; cá thể chỉ là nạn nhân của những thứ ấy. Phật giáo nghĩ đến những nguyên nhân sâu xâu xa hơn, đó là nghiệp/karma tồn lưu trên dòng tri thức của một cá thể đã thúc đẩy cá thể ấy thực thi các hành vi được xem là "méo mó" trước mắt của một số người khác tự xem mình là sáng suốt và bình thường..
Cảm tính luyến ái, sự thích thú phát sinh trong tâm thức cũng như các cảm giác phát sinh từ các giác quan, trên căn bản không khác gì nhau giữa nam và nữ, kể cả những người đồng tính luyến ái hay chuyển đổi giới tính. Các cảm nhận như vóc dáng, màu sắc của da, tóc, mùi vị, giọng nói, sự đụng chạm, cọ sát, sờ mó... là những gì phát sinh từ năm cơ quan cảm giác, tức chỉ liên hệ đến thân xác mà thôi, trong khi đó sự mê say và thèm khát những thứ ấy bắt nguồn từ những động cơ thúc đẩy thật sâu kín bên trong tâm thức, tức là những gì phát sinh từ nghiệp. Người tu tập Phật giáo nhờ vào các sự suy nghiệm và thiền định đó có thể nhận biết và theo dõi được các xung năng dưới mọi hình thức hiện lên từ bên trong tâm thức mình để sớm chận đứng chúng, nói một cách khác thì đấy là cách hóa giải nghiệp của chính mình - gccncntV).
131
Nếu các bạn không theo một tôn giáo nào cả và thích giao du tính dục với người cùng giới tính với mình, với sự đồng thuận của đôi bên, tức không phải là một sự hãm hiếp hay lạm dụng nào cả, và nếu trong sự đồng thuận đó các bạn tìm thấy một sự thích thú phi-bạo-lực thì tôi cũng chẳng có gì để mà nói thêm. Hơn thế nữa tôi còn cho rằng - và đây cũng là một điều thật quan trọng - quả hết sức bất công đối với những người đồng tính luyến ái bị gạt ra bên lề xã hội, bị trừng phạt hoặc mất việc làm. Người ta không thể nào xem họ như là những người phạm pháp được (họ chỉ là nạn nhân của các sự biến dạng lệch lạc của bản năng truyền giống mà thôi - gccncntV).
132
Theo tôi nghĩ, đối với Phật giáo trên bình diện tổng quát thì sự kiện đồng tính luyến ái cũng có thể là một lỗi lầm đối với một vài giới luật nào đó mà thôi. Dầu sao tự chính nó, đồng tính luyến ái không phải là một hành vi gây ra tai hại (sự tai hại là do những người tự xem mình là "bình thường" gây ra cho những người mà họ cho rằng "bất bình thường"? Đó là thái độ đi ngược lại quyền tự do cá nhân của kẻ khác, bắt kẻ khác phải làm những "chuyện ấy" giống như mình làm), không như hãm hiếp, sát nhân hay các hành động gây khổ đau cho kẻ khác. Đối với việc thủ dâm thì cũng vậy (không làm hại ai cả). Vì thế nên không có lý do gì để kỳ thị hay gạt bỏ những người đồng tính luyến ái ra bên lề xã hội.
Ngoài ra tôi cũng xin nói thêm một lời là quả thật không chính đáng lắm khi chê bai một cách máy móc các tôn giáo cấm đoán các hành vi tính dục bất chánh, đơn giản chỉ vì các hành vi đó không phù hợp với quan điểm và các cách mà mình thường làm. Trước khi chỉ trích một giới luật thì trước hết nên cố gắng tìm hiểu xem nguyên nhân thúc đẩy đích thật nào đã đưa đến sự thiết lập giới luật đó.
(còn tiếp)
Thiệp chúc cuối năm của Tổng Hội Phật Giáo Pháp
Tấm hình rất ý nghĩa trên đây được kèm theo những lời chúc trong các dịp lễ cuối năm mà Tổng Hội Phật giáo Pháp đã gửi đến các thành viên ngày 21.12.18. Bên dưới tấm hình với các lời chúc, Tổng hội cũng nêu lên mục tiêu và phương châm sinh hoạt của Tổng Hội, đồng thời kêu gọi các thành viên mua dài hạn tập san "Trí Tuệ Phật Giáo" (Sagesses Bouddhistes) để làm quà gửi đến các tù nhân đang bị giam giữ, Tổng hội sẽ đảm đang việc phân phối. Đây là một nhu cầu rất lớn mà Tổng Hội không thể đảm đang được hết.
Người chuyển ngữ các lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trên đây cũng xin mạn phép mượn tấm hình này kèm theo những lời chúc tốt lành để gửi đến độc giả bốn phương vào các ngày lễ cuối năm
Đức Đạt-lai Lạt-ma
Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc
Bures-Sur-Yvette, 22.12.18
Hoang Phong chuyển ngữ