;
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải tiếp xúc với rất nhiều người. Có những người mang đến cho ta niềm hỷ lạc, an lành, khiến ta
cảm thấy quý mến và gần gũi, bởi vì thân, khẩu, ý của họ rất trang nghiêm, thanh tịnh. Lòng từ bi có thể chiêu cảm đến tất cả mọi người; và thẳm sâu trong tâm họ, các ác pháp như: tham dục, sân hận và si mê đã giảm đi bớt phần nào. Ngược lại, có những người mang đến cho ta sự bực bội, khó chịu, khiến ta không muốn đến gần.Trong bài kinh Tư Lượng (Anumana Sutta) thuộc Trung Bộ, Tôn giả Mục Kiền Liên đã thuyết giảng cho các thầy Tỳ-kheo về mười sáu ác pháp:
1. Có ái dục, bị ái dục chi phối; 2. Khen mình chê người; 3. Có phẫn nộ, bị phẫn nộ chi phối; 4. Phẫn nộ, vì phẫn nộ làm nhân trở thành người có hiềm hận; 5. Phẫn nộ, vì phẫn nộ làm nhân trở thành cố chấp; 6. Phẫn nộ, thốt ra những lời liên hệ đến phẫn nộ; 7. Bị buộc tội, trở lại chống đối vị đã buộc tội mình; 8. Bị buộc tội, trở lại chỉ trích vị đã buộc tội mình; 9. Bị buộc tội, trở lại chất vấn vị đã buộc tội mình; 10. Bị buộc tội, tránh vấn đề với một vấn đề khác; 11. Bị buộc tội, không giải thích thỏa mãn hành động của mình cho người buộc tội; 12. Gièm pha và não hại; 13. Tật đố và xan tham; 14. Man trá và lừa đảo; 15. Ngoan cố và quá mạn; 16. Chấp trước thế tục, cố chấp tri kiến, tánh khó hành xả”.
Đây là bài kinh rất quan trọng cho cả người xuất gia và tại gia bởi vì người tu học Phật pháp cần biết các pháp nào là ác pháp và cố gắng tu tập hằng ngày để loại trừ chúng. Tôn giả đã khuyên các thầy Tỳ-kheo phải luôn quan sát tự ngã với tự ngã, tinh tấn đoạn trừ các ác pháp. Trong bài này, người viết chỉ nêu ra một số ác pháp mà chúng ta cần nhận biết và loại trừ, có những câu chuyện có thật, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân và cố gắng nỗ lực tu tập để chuyển hóa từ ác pháp sang thiện pháp, đem lại niềm an vui, hạnh phúc cho mình và cho người.
Trong mười sáu ác pháp, nguy hại nhất chính là ái dục. Đức Phật dạy, ái dục là gốc rễ của vòng sanh tử luân hồi khổ đau. Muốn có được sự an lạc, giải thoát trong đời sống hiện tại, chúng ta phải đoạn trừ ái dục. Mỗi người sinh ra vì ái, sống cùng ái và chết trong ái, không những ở đời này mà còn nhiều đời khác. Ái dục luôn hiện hữu trong tâm thức, biến hiện thay đổi liên tục, chập chờn khó thấy, không nắm bắt được, ví như người mù cầm ngọn đuốc đi trong đêm tối.
Thử tưởng tượng, trong lúc chúng ta thực hành chánh niệm bằng cách đi thiền hành với từng bước chân nhẹ nhàng khoan thai, niềm hỷ lạc đang có mặt trong từng hơi thở vào ra, mây trắng bay lơ lửng trên bầu trời trong xanh. Tĩnh lặng. Mọi thứ đang trở về với giây phút hiện tại, ta đang hạnh phúc trong giây phút tuyệt vời này. Bỗng nhiên, có một cô gái rất tươi sáng và dễ thương đi ngang qua, đôi mắt lung linh như sương sớm, nụ cười hồn nhiên như trẻ thơ. Những hình ảnh kiều diễm ấy lập tức trở thành một đề tài để tâm chụp bắt thay vì bước chân hay hơi thở. Sau thời thiền hành, thỉnh thoảng tâm ta lại nhớ tưởng nhớ tới nụ cười và ánh mắt giai nhân. Ta ý thức được điều này là không tốt và muốn xua đuổi nó bằng cách niệm Phật, ngồi thiền, nhưng dường như càng muốn trốn chạy, càng muốn an trú vào sự tĩnh lặng thì tâm lại càng loạn động, hình ảnh ấy càng hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật có dạy cho các thầy Tỳ-kheo một bài kinh về nữ sắc. Đại ý của bài kinh là: “Vạn pháp duyên sinh vượt ngoài ý niệm đẹp và xấu. Đẹp và xấu là những tư kiến do tri giác tạo ra và được nhận thức một cách dung thường. Về mặt tục đế, ta thấy có đẹp, xấu, đúng, sai, người, vật,... Nhưng bản chất rốt của tất cả những điều đó chỉ là thiện, ác, khổ, lạc. Mọi cấu trúc của vạn hữu không nằm ngoài danh-sắc, ngũ uẩn, mười hai xứ, mười tám giới. Đẹp và xấu tùy thuộc rất nhiều vào nhiều yếu tố. Đối với con mắt của người nghệ sĩ, cái gì cũng có thể đẹp và cái gì cũng có thể xấu: một dòng sông, một đám mây, một chiếc lá, một bông hoa, tia nắng sớm, buổi chiều vàng, bụi tre đầu làng, chậu hoa lan, cây xương rồng… tất cả đều có thể có nét đẹp riêng của nó. Nhưng những nét đẹp đó không trói buộc và làm tiêu tan chí khí của kẻ nam nhi, chỉ có nữ sắc mới làm chùng chân người quân tử. Tham đắm vào nữ sắc rồi thì chí nguyện có lớn lao đến mấy và sự nghiệp có lẫy lừng đến đâu cũng có thể bị tàn hoại. Vì vậy, các thầy phải rất cẩn thận đối với nữ sắc. Chỉ có một vẻ đẹp không bao giờ tàn hoại và không gây khổ đau: đó là lòng từ bi và tâm giải thoát”.
Ngôi chùa nơi người viết đang nương náu thường tổ chức nhiều khóa tu dành cho mọi đối tượng. Bên cạnh đó, người viết còn có phước duyên đi phụ giúp các khóa tu ở một số chùa ngoài miền Bắc. Trong những lúc làm Phật sự tại chùa cũng như bên ngoài, không sao tránh khỏi việc tiếp xúc với Phật tử, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ dính mắc vào: lợi dưỡng, sự cung kính…, đặc biệt là ái dục. Vì thấy bản thân tu tập còn yếu, người viết luôn luôn cố gắng giữ chánh niệm, hạn chế tiếp xúc, trừ khi có việc quan trọng. Đặc biệt, trong các khóa tu sinh viên, khóa tu mùa hè, có nhiều bạn nữ rất dễ thương, nói lời ái ngữ, thiện cảm tốt. Khi tiếp xúc với họ, bản thân luôn phải lấy lý do bận việc và xin phép đi ngay để cắt duyên, đồng thời, tự nhắc nhở chính mình lúc tiếp xúc với ai chỉ nắm tướng chung, không nắm tướng riêng, luôn chánh niệm phòng hộ sáu căn khi tiếp xúc sáu trần.
Cuộc sống là vô thường, mong manh, giả tạm, nếu chúng ta không nỗ lực tinh tấn tu tập, nhìn sâu để thấy được sự nguy hại của tham ái mà nhờm gớm tránh xa thì dễ nguy hại cho hành trình giác ngộ. Mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, người viết luôn dành chút ít thời gian ngồi để nhìn lại chính mình sau một ngày tu học và làm việc. Đấy cũng chính là hàng rào kiên cố giúp người viết phòng hộ trước các ác pháp, để đời sống tu tập của mình ngày càng tốt hơn.
Đôi lúc, đời sống tu tập cũng có những biến cố. Chẳng hạn, hai huynh đệ không hiểu ý nhau sẽ dẫn đến xung đột, bất hòa tạo nên nội kết, thậm chí có trường hợp không nhìn mặt nhau. Còn nỗi đau nào hơn khi hai người bạn đạo trở thành xa lạ, vì chút hiểu lầm mà cả hai cùng khổ đau và bế tắc. Tốt nhất, lúc đó chúng ta nên học cách im lặng và lắng nghe: lắng nghe một cách chăm chú với tâm không phán xét, không thành kiến, rải tâm từ bi đến người đối diện, để bất cứ lúc nào cũng có thể chia sẻ những nỗi khổ đau đã chất chứa trong lòng người đó biết bao ngày mà chưa thể nào nói ra. Bồ Tát Quán Thế Âm có hạnh lắng nghe, luôn nghe tiếng chúng sanh đang đau khổ, kêu gào, khóc lóc. Đôi khi, chỉ cần lắng nghe mọi người chia sẻ thôi là chúng ta đã giúp cho họ vơi đi phần nào nỗi khổ. Muốn làm được như Bồ-tát, mỗi chúng ta cần phải tu tập để có thể hiểu được họ và có tình thương đủ lớn để có thể sẻ chia với họ.
Có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời là nói cho vừa lòng nhau”, hoặc “Một câu nhịn, chín câu lành”. Chúng ta nên nói với nhau những lời hòa nhã, nhẹ nhàng, êm dịu, không nên nói dối, nói lớn tiếng, nói lời thô lỗ, mắng nhiếc, gây ra sự bất an, đau khổ cho người khác. Đức Phật dạy chúng ta 3 cách nói: Nói như mật, nói như hoa và nói như phân. Nói như mật là khi nói ra người nghe cảm giác như nuốt mật ngọt. Nói như hoa là khi nói ra người nghe cảm thấy như ngửi mùi hương dễ chịu. Nói như phân là khi nói ra người nghe cảm thấy khó chịu như ngửi mùi phân hôi thối.
Điều quan trọng nhất đối với những người học Phật là phải thấy sự thật về khổ và con đường diệt khổ. Học tập các đức tính cao quý của bậc Đạo sư, sống hạnh viễn ly, quyết tâm từ bỏ những thứ cần phải bỏ, cố gắng điều phục ngũ dục, làm chủ lục căn. Thực hành đời sống phạm hạnh của người trí, hướng tới con đường giải thoát cao thượng, cởi bỏ sợi dây ái dục, thoát khỏi những trói buộc trong vòng sinh tử luân hồi.
Tịnh Trường