;
Trong số đó, với mối giao hữu thân tình, một vài ca sĩ và nhạc sĩ ( xin lưu ý không phải ca sĩ, nhạc sĩ Phật giáo thậm xưng) đã không ngần ngại thực hiện đề tài âm nhạc Phật giáo mà mới nhất là nói về Mùa Xuân Di Lạc, để cùng nhau rút tỉa kinh nghiệm hầu có thể giảm thiểu bớt sai sót, nếu có. Anh em cho rằng đó là động tác cần thiết đối với âm nhạc chuyên đề Phật giáo mà những ca sĩ, nhạc sĩ chưa biết gì nhiều về Phật giáo rất cần phải lưu tâm. Với tấm chân tình và ý tưởng nghiêm túc đó thiết nghĩ mình không có lý do gì phải tránh né để xa lánh anh em, nhất là xa cách một cơ hội để cùng anh em tránh vết xe đổ đã không ít lần xảy ra hiện nay trên mặt bằng âm nhạc Phật giáo.
Lần này, trước thềm xuân Ất Mùi 2015, một bài hát anh em vừa thử nghiệm ở dạng mộc mang tựa đề “Mùa xuân Nở Hoa Di Lặc” anh em chờ đợi ba câu trả lời. Đó là lời bài hát- giai điệu và cách thể hiện. Dù mới chỉ là bản demo được nghe qua nhưng quả thật đúng là phong cách chuyên nghiệp, không nặng về kỷ thuật thu âm và lạm dụng nhạc khí điện tử. Tuy nhiên, để tròn hơn nữa tâm nguyện của anh em, tôi đã trả lời ba điều mà anh em đang rất muốn nghe. Qua bài viết này để đáp lại sự tin tưởng của anh em, tôi xin nói thêm cho đầy đủ hơn. Đó là,
Thứ nhất: Lời bài hát tuy ca ngợi sự khánh đản trong niềm hân hoan và mang hàm ý nhiều nghĩa của một viễn cảnh tươi sáng trong cuộc sống, nhưng cần nên nhớ rằng Đức Phật Đương Lai hạ sanh Di Lạc Tôn Phật không phải là một thiên sứ vâng lệnh một ai giáng trần để ban phép cho nhân gian. Có thể các bạn gởi gắm vào đấy những mong cầu tự cõi lòng mình, điều đó không có gì sai trái, nhưng đó phải là thứ mong cầu cho tha nhân, cho chính cuộc sống mà mình chỉ là một nhân tố bé bỏng đang hòa quyện trong đó. Đã có một hai bài hát cùng đề tài viết nhiều câu hết sức ngô nghê như “Ông mang túi phép “ – “ là ông Phật linh” – “gia đình nào không đầm ấm, rước ông về sẽ thuận hòa vui”…v…v…, cần nên gỉảm bớt. Có như vậy mới tôn cao vị trí nội tại tiến tu của một thành tố ngưỡng mộ đức Phật Di Lạc. Và tuyệt nhiên không thể có sự van xin hay ca ngợi thái quá trong đó. Đây chính là diểm khác biệt và có khoảng cách rất lớn của âm nhạc Phật giáo với các tôn giáo khác.
Thứ hai: Giai điệu. Cần nên nói lại rằng trong tất cả các giai điệu mà các bạn muốn hoặc có khả năng – sở trường thực hiện cho một ca khúc mang tư tưởng Phật giáo, thì hãy cứ mạnh dạn thể nghiệm. Đó là một cơ hội điểm tô cho vườn hoa âm nhạc Phật giáo thêm màu sắc. Tư duy sáng tạo nghệ thuật vẫn luôn được trân trọng, mỗi cách thể hiện, mỗi làn điệu âm nhạc không hề có biên độ ngăn cách. Tuy nhiên phải sáng tạo mà không lạc dòng mới là điều đáng nói. Ngay cả khi đọc RAP nhưng biết vận dụng vào khuôn mẫu cho một chủ đề, cho một thành phần thưởng thức thì điều đó không ai cấm kỵ. Sự kiện ca sĩ Ưng Hoàng Phúc thất bại trong việc dùng Rap chuyển tải Chú Đại Bi vừa qua là một ví dụ. Ưng Hoàng Phúc không sai nhưng cái sai là ở chổ anh ta không khéo linh hoạt biến loại Rap thô mộc và khô khan đó trở thành một làn điệu biến tấu có thể . Lời Chú Đại Bi vốn dĩ không được dịch nghĩa, còn ở dạng phiên âm nên khi đọc trên nền Rap thì đúng là rất khó nghe. Rất tiếc cho tâm nguyện và sự cố gắng của Ưng Hoàng Phúc.
Đới với thể loại Rock (mà rock metal nữa mới đáng nói), có ai dám nói rằng nó không phù hợp với âm nhạc Phật giáo? Tất cả đều có thể. Nhưng để làm được điều đó đòi hỏi nhạc sĩ, ca sĩ phải rất tâm huyết và có lòng thiết tha với Phật đạo. Muốn như vậy tổ chức văn hóa Phật giáo phải là nơi chốn đáng tin cậy để các bạn nương vào đó để phát huy khả năng và để phụng sự. Vấn đề là ở chổ thể loại nhạc ồn ào mạnh mẽ này chuyển thể tư tưởng Phật giáo bằng cách nào? Bằng cách khéo chọn cho mình một đề tài phù hợp. Trong một buổi tổng dợt ngày hội nhạc Rock ở Phú Mỹ Hưng gần đây, trong lúc nghỉ giải lao, tôi đã được anh em một ban nhạc roock chơi một bài mới sáng tác nói vế mười hai vị thần Kim Cang hộ pháp, trấn áp ma binh rất hùng hồn. Tôi hoàn toàn bị chinh phục va rất ngỡ ngàng! Tất nhiên trong bài đó anh em hạn chế “hét” quá…metal! Sau đó tôi đề nghị anh em nên thêm một vài tác phẩm nữa nhưng nhẹ hơn và gần gủi hơn tuy cũng chung motip hộ pháp hùng hồn, đó là Ông Thiện Ông Ác (thưởng thiện phạt ác) mà ai cũng biết qua. Hoặc như cảnh đoàn quân bách chiến bách thắng của hoàng đế Asoka ầm ào dấy binh tán sát kinh hoàng nhưng khi trên lưng chừng ngọn đồi Kalinga nhìn xuống thấy thây chết phơi trắng đồng…Chỉ một viễn cảnh đó thôi cũng có nhạc rồi đấy! Như vậy là không có gì là không thể nếu tư duy sáng tạo và cống hiến thiệt tâm của mình được phát huy đúng lúc, không bị tiền tài, chức vụ khuynh loát. Đã nghe có một vài cán bộ văn hóa PG đăng đàn phát biểu chắc nịch rằng “ Âm nhạc Phật giáo sẽ phát triển, sẽ biến tấu không ngừng, nhưng theo tôi nghĩ thời điểm này chưa hợp lý”. Tư duy sáng tạo và tâm nguyện không có không gian thời gian, vấn đề là anh có vận dụng hợp lý giữa nghệ thuật và cái tâm nguyện đó trờ thành điểm son để cống hiến cho công chúng hay không. Ưng Hoàng Phúc thất bại vì lẽ này chứ không phải là không đúng thời điểm. Một tay trống đồng thời cũng là trưởng nhóm ban nhạc Rock ấy nói rằng trước đây tụi em nghĩ nghệ thuật sáng tạo cho phép tụi em thực hiện rất nhiểu ước mơ, nhưng đối với Phật giáo thì ban đầu đó là cánh cổng sắt cao vòi vợi bất khả xâm phạm. Thật là buồn khi để anh em nhìn PG chúng ta như thế.
Thứ ba, Giọng ca (và cách thực hiện); Trong phạm trù giai điệu còn cần phải xét đến khía cạnh thực hiện bởi vì giai điệu chính là thành tố quyết định cho sự thành công hay thất bại của bài hát. Cùng một giai điệu nhưng cách thực hiện khác nhau sẽ có kết quả cũng khác nhau. Giai điêu không có xấu tốt. Với Chú Đại Bi nếu Ưng Hoáng Phúc thực hiện lại, trong đó có phần phối âm chắc chắn rằng kết quả sẽ khác biệt. Tương tự, nghe một bản nhạc có tựa rất lủng củng “Thường Niệm Phật Quan Thế Âm Bồ Tát” của Cao Tâm, ca sĩ Mỹ Phương thể hiện trên nền nhạc chậm êm, nhưng khi nghe ca sĩ Dương Quốc Hưng cũng hát bài này trên nền nhạc phối âm khác, rất rộn rã, phù hợp giới trẻ ngày nay thì hiệu ứng lại khác ngay. Đó là giai điệu Cha Cha Cha (trong giới nhạc sĩ cỏn cho là Cha Cha Cha theo phong cách Thái Lan).
Còn lại, khi cho ra đời một ác phẩm và thực hiện nó, anh phải xác định được vị trí và chổ đứng cho nó. Thí dụ như anh sáng tác để phục vụ cho tuyên truyền, cổ động hay cho thưởng thức (xem-nghe) và hay phổ cập được trong quần chúng, chính điều này quyết định sự tồn tại của tác phẩm trong lòng khán thính giả. Những thể loại âm nhạc như R&B, rock Ballad và nhất là trào lưu ảnh hưởng Hàn Quốc ngày nay với thể loại K.Pop ( giới âm nhạc VN cũng hối hả muốn tạo ra phong cách đối kháng là V. Pop nhưng thực chất cũng lai Hàn Quốc tự bao giờ rồi). Phần lớn thể lọai âm nhạc này se không tồn tại lâu dài vì thực chất nó chỉ là để người ta thưởng thức, mua vui chứ không thể mang theo để trở thánh kỷ niệm như các dòng nhạc truyền thống trước đây. Nếu như những bài “Lạy Phật Quan Âm “, “Chắp Tay Niệm Phật”. “Mẹ Từ Bi” v…v…được công chúng đón nhận nhanh chóng và thuộc lời, thậm chí ca theo thường khi, thì những loại bài như “Hoa Từ Bi” (không phải “Hoa Từ Bi” mượt mà, sâu lắng và có chiều sâu dấu ấn của ngày Phật Thành Đạo của nhạc sĩ Thiện Hoài đã ghi khắc vào tâm khảm biết bao nhiêu thế hệ qua) do ca sĩ Quang Hà thể hiện, không thể nào phổ cập trong quần chúng được và lâu nay bài hát này vẫn chỉ nằm khiêm nhường trong một góc khuất của âm nhạc PG (có lẽ chưa hợp lý thời điểm này chăng?). Cũng giọng ca của ca sĩ Quang Hà nếu chúng ta nghe anh hát bài “Nam Mo A Di Đà Phật “ của Vũ Cầm thì sẽ muốn nghe lại hoài bởi tính chất sâu lắng và dễ biểu cảm của từng nốt nhạc qua giọng ca của anh.
Chính vì những điều này mà bài hát “Mùa Xuân Nở Hoa Di Lạc”của các bạn đành gác lại để chờ bổ sung và chỉnh sửa cho hoàn hảo hơn nữa. Đây có thể nói là một quyết định đứng đắn, biết lắng nghe để công trình của tâm nguyện mình không bị uổng phí bởi sự tự tin quá đáng và ỷ lại không cần thiết.
Nhìn lại mặt bằng âm nhạc những ngày xuân, ngoài các bài xuân thế gian thường khi thì với một ngày kỷ niệm trọng đại về một vị Phật đương lai sanh thần vào đúng giờ khắc giao thừa của Phật giáo lại thiếu vắng rất đáng tiếc dù rằng người đời thừa hiểu cụm từ “Mừng Xuân Di Lạc” mỗi dịp xuân về tết đến. Những bản nhạc cùng tựa đề “Nụ Cười Di Lạc” (zing mp3 ghi tác giả là Trúc Linh (?) và một của Phi Bằng) rất tiếc với nội dung còn cần phải xem lại. Duy chỉ có bài cũng mang tựa “Nụ Cười Di Lạc” do bé Bảo Ngư ca thì đúng là hay cả nội dung lẫn phong cách thiếu nhi. Và còn đó với truyền thống GĐPT VN với bài “Bố Đại Bồ Tát” vẫn đứng nơi cao nhất trong lòng tuổi trẻ PGVN mà không co cơ hội để bàn tới.
Khi chưa có cơ chế hỗ trợ anh em, dẫu biết rằng có lẽ anh em cũng không quan tâm nhưng việc tự bỏ tiền ra đầu tư cho một tác phẩm từ nhạc sĩ đến phới âm, phối khí và thu âm, chưa kể quảng bá..vv..thì thú thật chỉ ngần ấy tâm nguyện thôi, chắc chắn chư Long Thần Hộ Pháp sẽ chứng minh cho tấm lòng ấy của anh em, những người không phải là nhạc sĩ, ca sĩ Phật giáo.
Xin chúc những ngày xuân mới VẠN CÁT TƯỜNG.