;
A/- Ba Tự Tánh giải thích theo Duy Thức Tam Thập Tụng
Mục đích của Duy Thức Học là tìm hiểu thực thể của vạn sự vạn vật. Tìm hiểu thể tính của các pháp ấy là gì? Tự tính của các sự vật ấy là gì? Theo Duy Thức Học mà Alya là Thức Căn Bản thì mỗi sự vật đều có ba loại tự tính. Ðó là Biến Kế Sở Chấp Tự Tánh, Y Tha Khởi Tự Tánh, Viên Thành Thật Tự Tánh.
1/ Biến Kế sở chấp tự tánh:
Trong Duy Thức Tam Thập Tụng có 4 câu về tự tánh nầy như sau :
Do bỉ bỉ biến kế. |
Biến kế chủng chủng vật. |
Thử biến kế sở chấp |
/Tự tánh vô sở hửu. |
(Yena yena vikalpena |
Yad yad vastu vikalpyate |
Parikalpita eva asau |
Svabhãvo na sa vidyate) |
Dịch:
Do tánh biến kế đó |
Chấp trước tất cả vật. |
Biến kế sở chấp đó |
Tự tánh không thật có |
(Như Tạng dịch từ Hán văn ra tiếng Việt)
Biến nghĩa là phổ biến. Kế nghĩa là xét nghiệm, so đo. Tự tánh nầy không phụ thuộc vào bản chất các pháp. Nó không phải là tự tánh của các pháp. Tự tánh ấy chỉ do sự so đo xét nghiệm của Ý Thức mà có. Một là cho rằng mỗi pháp đều có đặc tính riệng của nó. Hai là cho rằng tất cả các đặc tính đều có bản thể. Ví dụ nghe đồn nhà bên cạnh có con quỉ đêm đêm hiện về khuấy phá. Khi nhe như vậy người nầy tưởng tượng ra hình thù con quỉ mặt xanh nanh vàng. Người khác tưởng tượng ra con quỉ mặt đỏ nanh trắng v.v… Thực ra những hình ảnh đó là do Ý Thức tưởng tượng ra mà có chứ thực thể không có thật. Nên bài tụng nói tánh biến kế nầy không có tự tánh là nghĩa như vậy.
Ta có thể suy luận ra 4 loại biến kế như sau: Biến mà không kế, kế mà không biến, có biến và có kế, không biến cũng không kế.
(1)- Biến mà không kế:
Nghĩa là khi hành giả tu tập đã chuyễn Thức thành Trí rồi thì thấu rõ vạn pháp không ngăn ngại. Sự thông suốt là do Trí Giác mà biết chứ không do kế đạt phân biệt mà biết nên gọi là tri giác phổ biến mà không do kế đạt phân biệt. Do đó nên gọi là biến mà không kế.
(2)- Kế mà không biến:
Nghĩa là hành tướng của Mạt Na Thức. Thức Mạt Na chấp ngã là cái ngã kiến hư vọng. Ðối tượng của nó chỉ là phần tri kiến của Thức Alya. Còn những đối tượng nhận thức khác như về vũ trụ, nhân sinh , sự lý đều thoát ra ngoài sự so đo suy nghiệm của nó nên gọi là Mạt Na có kế mà không biến.
(3)- Có biến và có kế :
Đó là chỉ cho hành tướng của Ý Thức. Ðối tượng của Ý Thức là 3 cảnh , tất cả những sắc trần, thinh, hương, vị, mừng giận… đều là đối tượng của thức nầy nên gọi là Biến. Ý thức luôn luôn suy nghiệm so đo nên gọi là Kế. Vì kiến chấp của Ý Thức là do những tác động từ bên ngoài mà có nên gọi là Y Tha Khởi. Nhưng vì các pháp bên ngoài không có thật thể nghĩa là không có tự tánh nên Ý Thức dựa vào đó mà phát sinh nhận thức nên tự tánh của nó cũng không thật có.
Không Biến, không Kế: Ðó là chỉ cho các Thức Nhãn, Nhĩ , Tỷ , Thiệt, Thân. Các Thức nầy chỉ phân biệt dối tượng riêng biệt của chúng nên không phải là Biến. Và những phân biệt theo trực giác chứ không phải theo lối so đo suy niệm nên không gọi là Kế.
Nói chung tại sao gọi là Biến Kế Sở Chấp Tự Tánh? Vì sự nhận thức so đo của Ý Thức chấp trước tất cả sự vật theo cách nhìn thiển kiến của Ý Thức về sự vật dễ đưa đến tình trạng thiên lệch kiến chấp sai lầm , phát khởi từ những nguyên nhân sai lầm trùng trùng duyên khởi từ bên ngoài đã thành thói quen mà mọi người thường cho đó là tự tánh là thể tính. Nhưng thực ra những chuổi dài nhân duyên đó vốn không có thực thể thì làm gì có tự tính được. Do đó mà trường họp nầy không có tự tính thật.
2/- Y Tha Khởi Tự Tánh
Trong Duy Thức Tam Thập Tụng có 2 câu tụng nói về tự tánh như sau :
Y Tha Khởi tự tánh. Phân biệt duyên sở sanh.
(Paratantrasvabhãvastu. Vikalpah pratyaya udbhavah)
Dịch:
Tự tánh Y Tha Khởi. Từ duyên phân biệt sinh .
( Như Tạng Việt dịch)
“Y” nghĩa là dựa vào. “Tha” là các vật khác. Y Tha Khởi là dựa vào những vật khác mà sinh ra. Nương vào những hiện tượng khác mà phát sinh ra hiện tượng nầy. Ðó là tự tánh của các Pháp. Nói cho cùng thì vật nào cũng phải từ cái khác liên hệ sinh khởi. Không vật nào hay hiện tượng nào tự nó có thể sinh khởi mà không nhờ đến các duyên khác. Một vật được sinh ra là do kết hợp nhiều nguyên nhân và nhiều trợ duyên mới thành. Ðó là nguyên lý nhân duyên sinh của các pháp. Ðó là tính Y Tha Khởi của các Pháp.
Nhưng Tự Tính Y Tha Khở nầy cũng không thật có vì mọi vật nếu hội đủ nhân duyên thì đuợc sinh ra nếu nhân duyên tan rã thì vật ấy không còn tồn tại. Do đó mà Tự Tính nầy không thật có. Do đó tuy gọi là Tự Tính nhưng vì nó không thật có nên không phải là tự tính nữa.
3/- Viên Thành Thật Tự Tánh
Cũng trong Duy Thức Tam Thập Tụng có những câu như sau:
Viên Thành Thật ư bỉ. Thường viễn ly tiền tánh.
Cố thử dữ Y Tha. Phi di phi bất dị.
Như vô thường đẵng tánh. Phi bất kiến thử bỉ.
(Nispannastsya pũrvena. Sadã rahitatã tu yã.
Ata eva sa na eva anyo. Na ananyah paratantratah.
Anityatã ãdivad vãcyo. Na adrste ‘smin sa drsyate)
Dịch :
Viên Thành Thật và Y Tha (ư bỉ). Thường xa lìa tánh trước (biến kế sở chấp).
Vì Tánh đó ( Viên Thành Thật) với Y Tha. Cũng giống và cũng khác.
Như vô thường chủng tánh . Chẵng thấy đây (viên thành thật) với kia (y tha khởi).
(Như Tạng Việt dịch và ghi chú)
Tự tánh viên mãn chân thật nầy mới là chân như. Vì chân như là thể tính cọng thông của tất cả sự lý chân thực.
Tánh Viên Thành Thật nầy thường xa rời với tánh Biến Kế Sở Chấp đã nói trước. Nếu nhận rỏ được Biến kế là hư vọng sẽ hiểu được tánh Y Tha. Khi hiểu được Y Tha thì mới thấu đạt tánh Viên Thành Thật. Nếu rời Y Tha thì sẽ không nhận chân được tánh Viên Thành Thật. Do đó tụng nói Y Tha và Viên Thành Thật “cũng khác, củng chẵng khác” là như vậy. Y Tha được ví như SÓNG còn Viên Thành Thật ví như nước. Vì có gío nên nước mới nổi sóng, thế nên sóng với nước không phải “hai” mà cũng không phải “một”.
Bát Nhã Tông chủ trương thể tính của các Pháp là Không. Chữ không phải được hiểu là tất cả các Pháp đều do Alya biến hiện trong ý nghĩa là vạn pháp Duy Thức do đó thể tính của các pháp là Không. Không là “không phải là biến kế sở chấp”.
Ðứng về Pháp Tướng Tông thì vạn sự vạn vật sở dĩ có là do Y Tha Khởi, cái có tương đối giả huyễn cái bản chất của các hiện tượng giả huyển ắt là không có thực thể. Ðứng về bản chất pháp tánh mà nói thì các pháp vẫn có bản tính chân thực của nó. Do đó tất cả những biến tướng của Thức đều là pháp tướng của Y Tha Khởi. Nhận chân được điều đó thì tánh Viên Thành Thật của các Pháp sẽ được hiểu là tự tánh chân thật của các Pháp vậy.
B/- Ba Tự Tánh giải thích theo Thành Duy Thức Luận
1/ Tự Tánh của Năng Biến Kế
Có ý kiến cho rằng Tám Thức và các Tâm Sở hửu lậu đều là Năng Biến Kế. Vì tự tánh nó là hư vọng phân biệt , hiện ra tương tợ như kiến phần Năng Thủ và Tướng Phần Sở Thủ. A Lại Da Thức lấy chủng tử vọng chấp về tự tánh biến kế sở chấp làm sở duyên.
Lại có ý kiến cho rằng Tâm Phẩm thức thứ sáu , thức thứ bảy chấp ngã và chấp pháp đó mới là năng biến kế. Nhưng trong Kinh chỉ nói Ý Thức là năng biến kế. Vì Ý và Thức chung lại gọi là Ý Thức; kế đạt và phân biệt là Năng Biến Kế. Vì chấp Ngã và Pháp là Tuệ Tâm Sở ; do chấp Ngã và Pháp tất cùng khởi với vô minh Tâm Sở nên không nơi nào nói vô minh có thiện tánh cả. Vì chấp Có và chấp Không không thể cùng khởi lên được. Tâm hửu lậu không chứng thật lý được nên tất cả đều gọi là hư vọng phân biệt , không thể gọi là năng biến kế.
Khế Kinh nói : “Trí Hậu Đắc của Phật hiện ra các ảnh tượng thân, và tợ như tấm gương”, nếu không có tác dụng năng duyên , sở duyên thì không phải là trí. Tuy trong Kinh nói : “Tạng thức duyên chủng tử của Biến Kế” , nhưng không nói “Duy chỉ duyên Biến Kế” do đó không phải là lời biện giải hợp lý.
Vì thế nên chỉ có tâm phẩm thứ sáu và thứ bảy là có tánh Năng Biến Kế .
2/- Tự Tánh của Sở Biến Kế
Luận Nhiếp Đại Thừa nói : “Đó là Y Tha Khởi , nó là sở duyên duyên của tâm Biến Kế”.
Có người hỏi Tánh Viên Thành Thật tại sao không phải là cảnh sở duyên của Biến kế?
Vì Tánh Viên Thành Thật là chơn tánh nên không thể là cảnh sở duyên của vọng chấp được. Biến kế sở chấp ngã pháp tuy là cảnh của tâm năng biến kế nhưng không phải là sở duyên duyên, vì ngã pháp không thật , nó chỉ làm sở duyên, giống như mặt trăng thứ hai, do đó Viên Thành Thật Tánh không phải là Sở biến kế.
3/ Tướng của Biến Kế Sở Chấp và sự khác biệt với Y Tha Khởi
“Nhiều luận sư có ý kiến rằng Tâm và Tâm Sở hửu lậu trong ba cõi do sự huân tập hư vọng sanh ra tợ như hai là Kiến Phần và Tướng Phần tức là Năng Thủ và Sở Thủ. Tướng hai thứ đó gọi là Biến Kế Sở Chấp. Thức thể Tự Chứng Phần làm chổ nương cho kiến tướng , thức thể thật nương duyên sanh, tánh nó chẳng phải không, nên gọi là Y Tha Khởi, vì do duyên hư vọng phân biệt mà sanh ra.
“Vì trong Kinh nói : “Hư vọng phân biệt là Y Tha Khởi” ; còn hai thủ thì gọi là Biến Kế sở chấp.
Lại có những ý kiến khác cho rằng hết thảy Tâm và Tâm sở do sức huân tập mà biến ra hai phần là Kiến và Tướng. Hai phần nầy là do duyên sanh, cũng là Y Tha Khởi. Biến Kế y vào đó vọng chấp cho rằng nhất định có thật Ngã và Pháp v.v.. đó mới gọi là Biến Kế Sở Chấp.
“Vì trong các Kinh nói rằng chỉ có Duy Lượng (thức) , duy hai (kiến , tướng), duy các thứ đó đều được gọi là Y Tha Khởi. Trong luận nói bốn pháp là tướng, kiến, tự chứng và chứng tự chứng đều là Y Tha Khởi. Nếu Kiến và Tướng mà không phải là Y Tha Khởi thì hai phần Kiến và Tướng của Hậu Đắc Trí vô lậu được gọi là Biến Kế sở chấp. Nếu chấp nhận đó là Biến Kế thì Thánh Trí không phải duyên hai phần kiến và tướng sanh, hoặc Thánh Trí duyên hai phần đó không phải thuộc Đạo đế. Nếu không chấp nhận Kiến và Tướng của Hậu Đắc Trí là Biến Kế Sở Chấp thì hai phần kiến tướng của tâm hửu lậu cũng vậy.
“Lại nếu nói hai phần Kiến và Tướng là Biến Kế Sở Chấp thì có thể nói như sừng thỏ, không phải là Sở Duyên Duyên. Vì thể của Biến Kế Sở Chấp không thật có.
Hai phần Kiến và Tướng đã không thật thì không huân thành chủng tử , như vậy thức sau sinh ra không có hai phần.
Các Tập khí là tướng phần của Thức Thứ Tám , vả lại là pháp không thật có mà có thể làm nhân duyên sanh ra Tám Thức hiện hành sao?
“Lại nếu hai phần Kiến và Tướng trong nội thức do duyên sanh mà không phải là Y Tha Khởi thì Thức Thể (tự chứng phần) làm chổ nương cho Kiến Phần và Tướng Phần đó cũng thế , vì nguyên nhân hai bên không khác nhau.
Vì lẽ đó mà hết thảy tự thể Tâm, Tâm sở và Tướng, Kiến phần do duyên sanh , dù hửu lậu, vô lậu đều là Y Tha Khởi, tức là y nơi duyên khác mà được sanh khởi.
“Viên Thành Thật nầy với Y Tha Khởi kia chẳng phải khác chẳng phải không khác. Khác thì hoá ra chơn như không phải là thật tánh của Y Tha còn không khác thì thật tánh chơn như nầy hóa ra là vô thường như Y Tha. Y Tha kia , Chơn Như nầy nếu đều là cảnh tịnh cả hoặc là phi tịnh cả thời trí căn bản và trí hậu đắc không có công dụng khác nhau (chơn như thì thuần tịnh còn y tha thì thông cả tịnh và phi tịnh , nên hai trí duyên hai cảnh có khác nhau. Căn Bản Trí duyên chơn như, hậu đắc trí duyên Y Tha ).”
4/ Tánh của Viên Thành Thật và Tánh của Y Tha Khởi chẳng phải một , chẳng phải khác
Trong các pháp vô thường, vô ngã, tánh vô thường với các pháp nếu là khác , thì các pháp kia chẳng phải vô thường. Nếu là không khác thì vô thường nầy không phải là cọng tướng của các pháp kia. Từ đó suy ra Viên Thành Thật nầy với Y Tha Khởi kia chẳng phải một, chẳng phải khác.
Trong luận có bài tụng như sau :
Phi chẳng thấy chơn như
Mà rỏ được các hành
Đều như các sự huyễn
Tuy có mà chẳng thật
Ý bài tụng nói rằng ba thứ tự tánh đều không lìa Tâm và Tâm sở Pháp. Tâm, Tâm Sở Pháp và tất cả các pháp được biến hiện đều do duyên sanh. Giống như những sự huyễn hóa , chẵng phải có thật mà trông như có thật. Tất cả những sự vật ấy đều gọi là Y Tha Khởi tánh. Người không thấu đáo sự việc như thế đối với các thứ Y Tha Khởi kia vọng chấp ngã và pháp, chấp có, không, một, khác, câu và bất câu, như hoa đóm giữa hư không , Tánh lẫn Tướng đều không. Tất cả những thứ chấp đó đều gọi là Biến Kế Sở Chấp.
Ngã và Pháp vọng chấp dựa trên Y Tha Khởi đó đều là không thật có, Chơn Tánh của Thức được hiển lộ từ cái không đó gọi là Viên Thành Thật. Do đó ba tánh nầy đều không lìa Tâm.
Còn về ba món Hư Không Vô Vi , Trạch Diệt Vô Vi , Phi Trạch Diệt Vô Vi , Nhiếp về tánh nào?
Cả ba tánh đều dung nhiếp. Tâm và tâm sở biến ra tợ như tướng hư không v.v… Đó là tùy tâm sanh nên thuộc về tánh Y Tha Khởi. Người không hiểu đối với tướng đó vọng chấp cho là thật có , đó chính là Biến Kế Sở Chấp. Nếu từ chơn như giả đặt ra có Hư Không, Trạch Diệt, Phi Trạch Diệt, Vô Vi thì thuộc về tánh Viên Thành Thật.
Do tâm Hửu Lậu duyên Vô Vi thì Vô Vi đó thuộc về Y Tha Khởi. Tâm Vô Lậu duyên Vô Vi thì Vô Vi đó thuộc về hai tánh. Vì do duyên sanh nên nó thuộc về Y Tha ; do tâm không điên đảo nên nó thuộc về Viên Thành Thật.
Có người hỏi ba tánh cùng với bảy chơn như nhiếp vào nhau như thế nào? Bảy chơn như là những món nào?
Bảy chơn như là :
1/ Lưu Chuyễn Chơn Như : Thật tánh của pháp hửu vi.
2/ Thật Tướng Chơn Như : Thật tánh được hiển lộ bởi hai vô ngã.
3/ Duy Thức Chơn Như : Thật tánh của Pháp Nhiễm và Tịnh chính là Duy Thức.
4/ An Lâp Chơn Như : Thật Tánh của Khổ Đế.
5/ Tà Hạnh Chơn Như : Thật tánh của Tập Đế.
6/ Thanh Tịnh Chơn Như : Thật Tánh của Diệt Đế.
7/ Chánh Hạnh Chơn Như: Thật Tánh của Đạo Đế.
Vì là cảnh giới của Căn Bản Trí và Hậu Đắc Trí nên bảy tánh đó nhiếp về Viên Thành Thật.
Vì là vọng chấp tạp nhiễm nên ba thứ Lưu Chuyễn, Khổ , Tập Chơn Như thuộc về Biến Kế và Y Tha.
Bốn món còn lại thuộc về Viên Thành Thật.
Trong Thành Duy Thức Luận ngài Hộ Pháp có trích dẫn đoạn Kinh như sau : “Bốn chân thật (thế gian chơn thật, đạo lý chơn thật, phiền não chướng tịnh chơn thật, sở tri chướng tịnh chơn thật) nó với ba tánh nhiếp thuộc nhau như thế nào?
Trong đó Thế gian chân thật và Đạo lý chân thật nhiếp thuộc về Y Tha Khởi và nhiếp về ba sự là Danh, Tướng và Phân Biệt.
Hai chân thật còn lại được nhận biết do trí thanh tịnh ngoài hai chướng phiền não và sở tri thì nhiếp thuộc về Viên Thành Thật và nhiếp vào hai sự là chánh trí và chân như.
Luận Biện Trung Biên nói : “Thứ chân thật theo thế gian chỉ nhiếp thuộc về tánh Biến kế sở chấp” vì đó là những điều của thế gian cùng chấp nhận. Thứ đạo lý chân thật thứ hai thì nhiếp thuộc cả ba tánh, vì đạo lý thông cả có chấp , không chấp, tạp nhiễm , thanh tịnh. Hai thứ chân thật sau cùng chỉ nhiếp thuộc về Viên Thành Thật.
Cũng trong Thành Duy Thức Luận Ngài Hộ Pháp nói về Ba Tánh và Bốn Đế nhiếp thuộc nhau như sau :
Trong mỗi Đế đều có đủ ba tánh.
Trong Khổ Đế , tánh Vô Thường, Vô Ngã v.v… mỗi mỗi có đủ ba tánh.
Vô Thường có 3:
(a) Vô Tánh Vô Thường, vì là tánh thường không.
(b) Khởi tận vô thường, vì có sanh có diệt.
(c) Cấu tịnh vô thường, vì địa vị chuyễn biến khi cấu khi tịnh.
“Khổ” có 3 :
(a) Sở Thủ Khổ , chổ nương tựa , chấp thủ của hai chấp ngã và pháp.
(b) Sự Tướng Khổ, là tướng ba khổ .
(c) Hòa Hợp Khổ, khổ hợp với khổ.
“Không” có ba :
(a) Vô Tánh Không, vì tánh chẳng phải có.
(b) Dị tánh không, vì “Không” với “Vọng Chấp” hai tánh khác nhau.
(c) Tự tánh không , dùng chổ hiển lộ của hai không làm tự tánh.
“Vô Ngã” có ba :
(a) Vô tướng vô ngã , là ngã tướng không có.
(b) Dị Tướng vô ngã , vô ngã với tướng ngã chấp hư vọng khác nhau.
(c) Tự Tướng vô ngã, là tự tướng do vô ngã hiển lộ.
“Tập Đế” có ba :
(a) Tập khí tập, tức là chấp tập khí của Biến Kế Sở Chấp Tự Tánh. Chấp vào tập khí đó, giả lập là tập khí tập.
(b) Đẳng khởi tập, tức là Nghiệp và phiền não.
(c) Chưa ly hệ tập, tức Chơn Như chưa lìa chướng.
“Diệt Đế” có ba :
(a) Tự tánh diệt , tức là tự tánh không sanh.
(b) Nhị thủ diệt , tức là trạch diệt, hai thủ không còn sanh.
(c) Bản tánh diệt , tức là Chơn như.
“Đạo Đế” có ba:
(a) Biến tri đạo, là có thể biết tánh Biến Kế Sở Chấp.
(b) Vĩnh đoạn đạo, là có thể đoạn nhiễm phần Y Tha Khởi.
(c) Tác chứng đạo, là có thể chứng Viên Thành Thật.
Biến Tri Đạo có thể thông cả Vĩnh Đoạn Đạo và Tác Chứng Đạo.
Theo như trên đã kể ta thấy Khổ Đế có 4 lần 3, Tập Đế có 1 lần 3, Đạo Đế có 1 lần 3. Bốn đế cọng lại có 7 lần 3 , theo thứ lớp mà phối hợp với 3 tánh hoặc giả hoặc thật.
Cảnh giới của bai giải thóat môn (Không, Vô Nguyện, Vô Tướng) nhiếp thuộc nhau như thế nào?
Sự thật thì ba Môn đều thông cả ba Tánh. Còn theo Tướng thì mỗi môn thông mỗi tánh. Như thứ lớp nên biết, do tanh Biến Kế Sở Chấp mà lập Không Môn. Do tanh Y Tha Khởi mà lập Vô Nguyện Môn. Do tanh Viên Thành Thật mà lập Vô Tướng Môn.
Từ đây lại sinh ra ba Vô Sanh Nhẫn :
(a) Bản tánh Vô Sanh Nhẫn.
(b) Tự nhiên Vô Sanh Nhẫn.
( c ) Hoặc khổ Vô Sanh Nhẫn.
Thứ lớp của ba tánh nầy là đối cảnh của ba nhẫn kia.
Còn về ba tánh nầy đối với ba đế nhiếp thuộc nhau như thế nào?
Về Thế Tục Đế có đủ cả ba tánh nầy. Thắng Nghĩa Đế chỉ nhiếp tánh Viên Thành Thật mà thôi.
Thế Tục Đế chia làm ba loại như sau :
Giả Thế Tục , tương ưng với Tánh Biến Kế.
Hành Thế Tục, tương ưng với Y Tha.
Hiển Liễu Thế Tục , tương ưng với Viên Thành Thật.
Thắng Nghĩa Đế có ba loại là :
Nghĩa Thắng Nghĩa, tức là chơn như.
Đức thắng nghĩa, tức là Niết Bàn.
Hành tháng nghĩa, Tức là thánh đạo.
Thắng nghĩa có nghĩa là hơn hẳn, không điên đảo, không biến đổi, nhiếp vào Viên Thành Thật.
Biến Kế sở chấp an lập hư vọng nên gọi là giả; vì nó không có thể thật tướng nên có thể nói chẳng phải giả, chẳng phải thật.
Tánh Y Tha khởi có thật có giả.
Nếu là tụ tập (khí giới, căn thân), tương tục (tướng chuyễn dịch của Tâm, Tâm Sở) , phận vị (hai mươi bốn bất tương ưng), được gọi là giả có ; nhưng Tâm, Tâm Sở và Đắc thì tùy duyên sanh nên nói là thật có. Trường hợp nếu không có giả pháp thì thật pháp cũng không có. Vì giả từ nơi thật mà phát sinh ra.
Tánh Viên Thành Thật chỉ là thật có vì không sinh ra từ tha duyên.
Tóm lại ba tánh đó không phải một vì vọng chấp nên có Biến Kế, vì duyên vói cái khác mới khở lên nên có Y Tha, và cả hai đều từ chơn nghĩa thật tánh nên có Viên Thành Thật. Thế nhưng cả ba không phải khác vì cùng từ Căn Bản Thức tức Thức Thứ Tám mà phát sinh ra nên không phải khác.
C/- Ba Tự Tánh trong kinh Giải Thâm Mật (Sandhi-nirmocara)
(Hòa Thượng Thích Trí Quang dịch từ Hán Văn và chú giải)
“Đức Bản, tánh của các pháp đại lược có ba mặt: một là Biến Kế Chấp Tánh, hai là Y Tha Khởi Tánh, ba là Viên Thành Thật Tánh. Biến kế chấp tánh là thế nào , là tự tánh và sai biệt của các pháp , được giả thiết bởi danh từ, cho đến làm cho theo đó mà phát sinh ngôn ngữ.
Y tha khởi tánh là thế nào, là đặc tính duyên sinh của các pháp, cái nầy có thì cái kia có, cái nầy sinh thì cái kia sinh, vô minh duyên sinh hành, cho lớn lao.
Viên Thành thật tánh là thế nào, là chân như nhất quán của các pháp, chân như mà Bồ Tát phải do các duyên tố tinh tiến dũng mãnh, tác ý đúng lý và tư duy không ngược mới thông đạt, bằng vào sự thông đạt nầy mà tuần tự tu tập, cho đến vô thượng chánh biến giác mới chứng ngộ viên mãn.”
“Đức Bản, như người bị bịnh màng mắt, cái màng mắt ấy Biến Kế chấp tánh cũng vậy. Như người bị bịnh màng mắt thấy những ảo ảnh tóc lông ong ruồi lá diếp giây sắn hay xanh vàng đỏ trắng , những ảo tượng ấy Y Tha khởi tánh cũng vậy. Như người mắt đã trong sáng, hết hẳn màng mắt , bản tính con mắt trong sáng nhìn thấy cảnh vật không thác loạn, cảnh vật không thác loạn ấy Viên Thành thật tánh cũng vậy.
“Lại tựa như ngọc bạch châu trong suốt , nếu nhuộm màu xanh thì thấy như ngoc đế thanh, do ngộ nhận là ngọc đế thanh mà làm cho người lầm lẫn thác loạn; nếu nhuộm màu đỏ thì thấy như ngọc hổ phách, do ngộ nhận là ngọc hổ phách mà làm cho người lẫm lẫn thác loạn; nếu nhuộm màu lục thì thấy như ngọc sát sắc, do ngộ nhận là ngọc sát sắc mà làm cho người lầm lẫn thác loạn; nếu nhuộm màu vàng thì thấy như hoàng kim, do ngộ nhận là hoàng kim mà làm cho người lầm lẫn thác loạn.
“Tương tự nơi ngọc bạch châu trong suốt mà có màu sắc, nơi Y Tha khởi tánh mà có tập khí ngôn từ của Kiến Kế chấp tánh thì cũng như vậy; tương tự nơi ngọc bạch châu trong suốt mà có những ngộ nhận đế thanh hổ phách sát sắc hoàng kim, nơi Y Tha khởi tánh mà có Biến Kế chấp tánh thì cũng như vậy ; tương tự ngọc bạch châu trong suốt , Y Tha khởi tánh thì cũng như vậy; tương tự nơi bạch ngọc châu trong suốt, đế thanh hổ phách sát sắc hoàng kim luôn luôn và vĩnh viễn không thật có và không đặc tính, nơi Y Tha khởi tánh, Viên Thành thật tánh mà Biến Kế chấp tánh luôn luôn và vĩnh viễn không thật có và không đặc tính thì cũng như vậy.”
Lược giải đoạn trên (của dịch giả) :
Đoạn nầy nói về 3 tánh bằng 2 ví dụ. Tổng quang nghĩa lý ở kinh nầy cũng như ở các kinh luận khác , có thể nói 3 tính như sau. A Lại Da mặt ẩn là chủng tử của các pháp , mặt hiện là hiện hành của các pháp, các pháp ấy là Y Tha khởi tánh. Ngộ nhận các pháp như vậy là ngã pháp ấy là Biến Kế chấp tánh. Giác ngộ A Lại Da như vậy vẫn là chân như , chân như ấy là Viên Thành Thật Tánh. Như ngọc trong hiện ra đủ màu là Y Tha, lầm màu ấy là thật là Biến Kế, biết ngọc vẫn trong là Viên thành thật (nói cách khác theo chánh văn, biết màu ấy không thật là Viên Thành thật).
Chính văn kinh:
“Đức Bản, biết do tướng và danh tương ứng làm duyên tố thì biết được Biến Kế Chấp tánh; nơi Y Tha khởi tánh, biết cái chấp của Biến Kế Chấp tánh làm duyên tố thì biết Y Tha khởi tánh; nơi y tha khởi tánh , biết không có cái chấp của biến kế chấp tánh làm duyên tố thì biết viên thành thật tánh.
“Lại nửa, nếu Bồ Tát có thể nơi y tha khởi tánh của các pháp mà đúng như sự thật biết biến kế chấp tánh, thì thế là đúng như sự thật biết sự vô tướng của các pháp. Nếu Bồ Tát đúng như sự thật biết y tha khởi tánh , thì thế là đúng như sự thật biết sự tạp nhiễm của các pháp. Nếu Bồ Tát đúng như sự thật biết viên thành thật tánh, thì thế là đúng như sự thật biết sự thanh tịnh của các pháp. Bồ Tát nếu nơi y tha khởi tánh mà đúng như sự thật nhận biết sự vô tướng thì có thể hủy diệt sự tạp nhiễm. Nếu có thể hủy diệt sự tạp nhiễm thì có thể chứng đắc sự thanh tịnh.
“Đức Bản, Bồ Tát do đúng như sự thật mà biết biến kế chấp tánh, y tha khởi tánh và viên thành thật tánh, nên cũng đúng như sự thật mà nhận biết sự vô tướng, sự tạp nhiễm và sự thanh tịnh. Đúng như sự thật mà nhận biết sự vô tướng nên hủy diệt sự tạp nhiễm , hủy diệt sự tạp nhiễm nên chứng đắc sự thanh tịnh. Ngang đây gọi là vị Bồ Tát khéo biết tánh của các pháp, và cũng ngang đây Như Lai qui định vị Bồ Tát ấy là Bồ Tát khéo biết tánh của các pháp.
“Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn muốn nói lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
Nếu không biết rõ về sự vô tướng
Thì sự tạp nhiễm không thể hủy diệt
Nếu sự tạp nhiễm không thể hủy diệt
Thì sự thanh tịnh không thể chứng đắc
Không hề quán sát lỗi lầm các hành
Sự phóng dật nầy làm hại chúng sinh
Nên trong hai mặt trú pháp động pháp
Sự nhác làm cho đã không lại có
Mất hỏng đến thế thật đáng xót thương.”
Đọc qua những đoạn kinh trên cho chúng ta thấy từ những lời dạy của Đức Phật mà Tổ Thế Thân đã đúc kết bằng những lời kệ ngắn gọn để nói lên 3 tánh trong Duy Thức Ba Mươi Bài Tụng. Sau đó ngài Hộ Pháp v.v. đã giải rộng trong Thành Duy Thức Luận. Mục đích chính của Đức Phật là chỉ ra ba tánh cũng chỉ là một vì do vọng chấp mà có ba , nhưng người thực hành phải hướng đến mục đích thanh tịnh giải thoát nên phải quán chiếu ba tánh đều không mới đạt đến chân như thanh tịnh.
D/- Ba Tự Tánh trong kinh Lăng Già Tâm Ấn (Lankâvatâra-Sutra)
“Đại Huệ, Đại Bồ Tát phải rành về ba tự tánh. Thế nào là ba tự tánh? Nghĩa là vọng tưởng tự tánh, duyên khởi tự tánh, thành tự tánh.
“Đại Huệ, Vọng tưởng tự tánh từ tướng sanh. Đại Huệ bạch Phật : Bạch Đức Thế Tôn, tại sao vọng tưởng tự tánh từ tướng sanh? Phật bảo Đại Huệ, tướng duyên khởi tự tánh sự tướng, tướng hành hiển hiện sự tướng, chấp trước có hai thứ vọng tưởng tự tánh. Như Lai ứng cúng đẳng chánh giác kiến lập. Danh tướng chấp trước tướng, sự tướng chấp trước tướng. Danh tướng chấp trước tướng là nói chấp trước các pháp trong ngoài. Sự tướng chấp trước tướng tức là , kia chấp trước tự tướng cộng tướng trong ngoài như thế. Ấy gọi là hai thứ tướng vọng tưởng tự tánh. Hoặc y hoặc duyên sanh, ấy là duyên khởi.”
Đoạn trên nói về Biến Kế Sở Chấp (trong kinh gọi là vọng tưởng tự tánh) tự tánh và Y Tha Khởi (trong kinh gọi là duyên khởi tự tánh).
“Thế nào là Thành tự tánh? Nghĩa là lìa vọng tưởng danh, tướng và sự tướng, thánh trí đã được và tự giác thánh trí thú cảnh giới sở hành. Ấy gọi là Thành tự tánh Như Lai Tàng Tâm.”
Đoạn trên là nói về Viên Thành Thật Tự Tánh.
“Khi ấy Đức Thế Tôn muốn nhắc lại nghĩa nầy nên nói bài kệ như sau :
Danh tướng giác tưởng Tự tánh hai tướng
Chánh trí như như Ấy là thành tướng
Đại Huệ! Ấy gọi là quán sát ngủ pháp tự tánh tướng kinh, tự giác thánh trí đến cảnh giới sở hành. Các ông những Đại Bồ Tát nên phải tu học.”
TS Lâm Như Tạng