;
Xem xét bảo tồn ở dạng hạt
Một số ý kiến đặt vấn đề, chương trình bảo tồn húng Láng được thực hiện đến năm 2015. Vậy sau 2015 có tiếp tục chương trình này? Và liệu đến khi đó, bà con nông dân có còn duy trì trồng húng Láng? Cần xem xét vấn đề này nếu không, chúng ta mất tiền mà cuối cùng không đem lại kết quả.
Giáo sư-Viện sĩ Trần Đình Long
Giáo sư-Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Cây trồng Việt Nam cho rằng, trong nhiều phương án bảo tồn húng Láng, quan trọng nhất là bảo tồn tại chỗ. Như vậy mới giữ được tính chất đặc trưng của húng Láng.
Nhưng phương án bảo tồn tại chỗ, tức trồng húng tại làng Láng, hiện rất khó khăn bởi không còn đất. Khu đất trồng húng Láng hiện nay do 8 hộ dân đảm nhiệm, thực tế đã nằm trong quy hoạch. Bà con trồng húng Láng bây giờ chỉ sử dụng được lúc nào hay lúc ấy. Đất có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào.
GS. Long quả quyết: “Nhất định phải có, dù chỉ 100m2 đất, mới có thể bảo tồn tại chỗ được. Nếu đem húng Láng trồng trong chậu đặt tại làng Láng, hay chuyển ra vùng gần đó đều không thể gọi là bảo tồn tại chỗ”.
Viện sĩ này đề xuất thêm, cần nghiên cứu kỹ hơn để có phương án bảo quản bằng hạt. Hơn nữa, cần đánh giá đầy đủ về chất lượng, mùi vị của húng Láng.
PGS.TS Trần Khắc Thi (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Trưởng bộ môn Rau và cây gia vị) đồng quan điểm cần nghiên cứu liệu có thể bảo quản rau húng ở dạng hạt. “Hiện chưa có nghiên cứu nào cụ thể về cây húng Láng. Kể cả nghiên cứu điều kiện tự nhiên, tính chất đất, nước ở làng Láng…”, Tiến sĩ Thi nói.
PGS.TS Trần Khắc Thi
Đưa lên chùa
Trong khi đó, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, cần xem xét phương án bảo tồn tại chỗ. Bởi cây rau húng cần có đủ điều kiện ánh sáng, đất, nguồn nước... Vị đại diện này đặt câu hỏi: “Với 100 hay 500m2 đất, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, xung quanh toàn nhà cao tầng, nước thải đổ ra, có đảm bảo cho việc bảo tồn tại chỗ hiệu quả?”.
Đào Duy Tâm - Phó GĐ sở NN&PTNT
Đại diện phường Láng Thượng (quận Đống Đa) khẳng định, húng tại làng Láng đang được một số hộ trồng trong khuôn viên gia đình. Còn khu đất rộng nằm bên phố chùa Láng thực chất đã nằm trong quy hoạch. Cho nên việc giữ lại 500 hay 100m2 đất đều là việc khó khả thi.
Tuy nhiên, vị đại diện này cho hay, chùa Láng có diện tích 17.000m2. Với vành đai rất rộng, có khuôn viên để trồng cây xanh, nên xem xét để bảo tồn húng Láng ở trong chùa. Vị này cho biết thêm, khu vực đất chùa đều thuộc làng Láng và cũng là nơi trồng húng Láng từ ngày xưa. Nếu trồng húng Láng trong chùa, vẫn giữ được đúng tính chất vốn có.
Từ đó, hội thảo thống nhất đề xuất phương án chuyển húng Láng vào trồng trong chùa Láng để bảo tồn.
Dẫu vậy ông Đào Duy Tâm - Phó GĐ sở NN&PTNT vẫn băn khoăn, bởi chùa là nơi thanh tịnh, tôn nghiêm. Việc đưa húng Láng vào trồng trong khuôn viên chùa là không dễ. Phải xét xem có phù hợp mỹ quan chùa hay không? Cần có sự đồng thuận của Ban quản lý cũng như sư trụ trì của chùa và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho phép. Theo ông Tâm, cần có sự vận động, tham khảo ý kiến và xin phép từ các cơ quan này. Nếu được, sẽ xin phần đất khoảng 1.000m2 trong khuôn viên chùa để bảo tồn húng Láng.
Theo kế hoạch dự thảo của Sở NN&PTNT Hà Nội, chương trình bảo tồn húng Láng sẽ được thực hiện theo 4 phương pháp gồm:
- Thiết lập điểm bảo tồn cây húng Láng tại làng Láng thuộc phường Láng Thượng – quận Đống Đa – Hà Nội. Diện tích đất để thực hiện bảo tồn khoảng 1.000m2.
- Kết hợp bảo tồn kép nguồn gene cây húng Láng tại Ngân hàng gene cây trồng của Bộ NN&PTNT.
- Xác định dấu chuẩn phân tử đặc trưng cho giống húng Láng và đăng ký ở ngân hàng gene thế giới.
- Mở rộng vùng trồng húng Láng tại một số địa bàn của Hà Nội
tinmoi.vn