;
Bài 2: CHÁNH TƯ DUY
Sau đây là sự giải thích cô đọng, trực chỉ (dựa vào lời dạy của Thế Tôn từ tạng kinh
Pali và kinh nghiệm từ sự thực hành của bút giả, hy vọng sẽ giúp quý Pháp hữu, thiện hữu hiểu về Chánh Tư Duy một cách khá rõ ràng và hệ thống.
Thế nào là Chánh Tư Duy? Đức Phật phân chia Chánh Tư Duy thành 3 loại: Tư Duy về ly dục, Tư Duy về vô sân, Tư Duy về bất hại, được ghi lại trong bài kinh 22. Đại Niệm Xứ, Trường Bộ Kinh.
1. Như thế nào Chánh Tư Duy về Ly Dục
1.1 Đoạn diệt, diệt trừ, từ bỏ bất thiện pháp, ác pháp: chẳng hạn: từ bỏ dục tham ăn thịt bằng cách giết hại chúng sanh, từ bỏ dục tham chơi cờ bạc, từ bỏ nói lời thô ác vv (thường liên quan đến Chánh Nghiệp, Cháng Mạng, Chánh Ngữ).
1.2 Ít muốn biết đủ: liên quan đến ăn, uống, ngủ nghỉ, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp: không tham đắm ăn uống, mùi vị vv, chẳng hạn không tham đắm những thức ăn ngon, và khi thọ thức ăn, thức uống với Chánh Tư Duy: việc thọ dụng thức ăn để nuôi thân, duy trì mạng sống để tu phạm hạnh, lợi mình, lợi người chứ không vì tham đắm mùi vị thức ăn.. v..v
1.3 Thủ hộ các căn: khi mắt thấy sắc khả ý, không có tham trước, không có hoan hỷ, tâm không tham cảm thọ, không xâm nhập an trú, từ bỏ, không tích lũy..., Khi mắt thấy sắc không khả ý, không có tuyệt vọng, tâm không dao động, ý không có chán nãn, tâm không có tức tối (Chẳng hạn: Khi đi làm về nhà, thấy nhà cửa nhếch nhác, ngỗn ngang, dơ bẩn, chớ để tâm bực tức, dao động vv). Tương tự như vậy tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm súc, ý biết pháp cũng lại như thế)...
2. Như thế nào là Chánh Tư Duy về Vô Sân
Để rõ biết vô sân, thì phải rõ biết nguyên nhân của sân: Sân sinh khởi là do Thủ (chấp thủ) vào những gì từ mắt thấy, tai nghe, lưỡi nếm vị, mũi ngửi hương, thân xúc chạm, ý biết pháp bất khả ý, bất khả ái, bất khả hỷ, bất khả lạc.
Thủ là sự nắm giữ chặc, chấp chặc, dính mắc, không buông bỏ, là duyên do ái sinh khởi. Trong Tương Ưng Bộ, Tương Ưng Đạo, Đức Phật dạy có 4 chấp thủ như sau: Dục Thủ, Kiến Thủ, Giới Cấm Thủ và Ngã Luận Thủ: do nắm chặc, giữ chặc 4 chấp thủ này là nguyên nhân dẫn đến khổ đau, sân giận.
2.1 Dục Thủ (sự chấp chặc về sự ham muốn ngũ dục (của loài người và của chư thiên) gồm: Sắc dục thủ, Thanh dục thủ, Hương dục thủ, Vị dục thủ và Xúc dục thủ) khi tai nghe âm thanh bất khả ý, chẳng hạn nghe tiếng đùa giỡn của những đứa trẻ trong khi mình đang làm việc, hoặc hành thiền, tụng kinh vv trong không gian yên tĩnh, khiến tâm ý dao động, bực mình, sân giận sinh khởi...
Tương tự với Sắc, Hương, Vị và Xúc bất khả ý...: Chẳng hạn, một người có tánh sạch sẽ, gọn gàng khi mắt thấy nhà cửa (sắc) dơ bẩn, nhếch nhác, bừa bãi, thì sân dễ sinh khởi, tức là bực tức sinh khởi khi thấy sắc (nhà) như vậy). Phương pháp hóa giải sân giận: Buông bỏ theo sở thích, ý muốn của mình, hoan hỷ chấp nhận sự việc hiện tại, sống tùy duyên thuận pháp, thủ hộ các căn (như đã được chia sẻ về Chánh Tư Duy về Ly Dục)
2.2 Kiến Thủ: Sự nắm giữ, chấp chặc những quan điểm, ý thức, những gì được thấy biết qua sáu giác quan): có rất nhiều loại kiến chấp, trong Kinh Phạm Võng (Trường Bộ Kinh), Đức Phật phân ra 62 loại tà kiến. Thật ra thế giới chúng ta đang sống là thế giới kiến trược. Từ những cá nhân trong gia đình cho đến xã hội tồn tại những quan kiến, ý kiến khác nhau về một vấn đề nào đó, và nếu không biết dung hòa, chấp nhận trong sự nhu thuận, thì xảy ra những bất hòa, tranh đấu và có những trường hợp đưa đến xung đột, hận thù vv. Phương pháp hóa giải sân giận và hận thù: Hiểu và Thương, tùy duyên thuận pháp, như lời Phật dạy trong kinh Pháp Cú sau:
2.3 Giới Cấm Thủ:
2.3.1 Đối với ngoại đạo: đó là sự chấp chặc, dính mắc, chấp thủ những lễ nghi, nghi thức, phong tục, tập quán. Chẳng hạn, chấp chặc vào việc đốt vàng mã của người Việt trong việc tang lễ, cúng ma chay, dịp giỗ ông bà, dịp Tết vv. Nếu ngay trong nhà,
có người không theo tập tục này và phản đối, thì bất hòa sẽ xảy ra, sân giận sinh khởi vv Phương Pháp Hóa Giải: Hiểu và Thương, chấp nhận, tôn trọng, và tùy duyên bất biến...
2.3.2 Người giữ giới vì sợ, và vì ham muốn Chẳng hạn khi nghe Pháp sư giảng pháp và hiểu rằng sát sinh, hậu vận sẽ không tốt, chết tái sanh vào địa ngục. Ngược lại, giữ giới không sát sinh, thì sẽ có hậu vận tốt, chết được sinh thiên. Có thể tham khảo bài này trong bài kinh số 16 Trung Bộ Kinh như đoạn kinh dưới đây: "Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào sống phạm hạnh với mong cầu được sanh thiên giới với ý nghĩ: "Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này sẽ được sanh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác"
Đặc biệt trong Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 3 Pháp, Đức Phật xác quyết nhờ 3 pháp này sẽ được sinh thiên: 1) Không sát sinh, 2) Hoan hỷ không sát sinh, 3) Khuyên người từ bỏ sát sinh. Khi nghe như vậy, những thiện hữu nào, Phật tử nào sinh tâm ham muốn (do Tham Sân Si chi phối), phát nguyện giữ giới và hành theo. Hành động giữ giới do Tham Sân Si chi phối, không phải Giới Luật trong Bậc Thánh, nên được xem như là Giới Cấm Thủ.
2.3.3 Thế nào là Giới Luật Trong Bậc Thánh: Phát tâm giữ giới vì cầu giải thoát (giải thoát tham sân si), thì đó là Giới Luật Trong Bậc Thánh (để đoạn trừ Tham Sân Si), hoặc giữ giới vì lòng từ bi, vì lòng bi mẫn chúng sanh cầu Nhất Thiết Trí (thành Phật), thì đó là giới luật trong bậc thánh.
2.3.4 Ngã Luận Thủ là giữ chặt tự ngã (cái tôi) tức là có một tự ngã đang tồn tại. Đây là sự chấp có cái ngã của tự thân của những hành giả ngoại đạo, đặc biệt là những người tu thiền: Hiện Tại Lạc Trú Thiền: từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền (18 tầng trời sắc giới), và Tịch Tịnh Trú Thiền (4 tầng trời vô sắc): tùy theo ngã luận thủ, mà họ theo đó tu tập để về cảnh giới họ chấp thủ (Có thể tham khảo Kinh Phạm Võng, Trường Bộ Kinh).
3. Thế nào là Chánh Tư Duy về Bất Hại (Vô Hại)
Trước khi làm việc gì, nói điều gì, thì với Chánh Tư Duy, chúng ta thường luôn quán sát xem thử liệu điều mình sắp hành động hoặc sắp nói có hại hay vô hại với mình; có hại hay vô hại với người; và có hại hay vô hại cho cả hai. Nếu gây hại, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo xấu, cho mình và cho người, thì chúng ta nên từ bỏ. Ngược lại, vô hại cho cả hai, đưa đến thiện nghiệp, đưa đến an lạc, thì chúng ta nên làm, nên nói. Lời giáo giới La-hầu-la (Rahula) của Thế Tôn, được ghi lại trong Trung Bộ Kinh số 61 cho thấy lý sự này, một bài học mà quý pháp hữu cần phải tư duy và áp dụng.
“Này Rahula, khi Ông muốn làm một thân nghiệp gì, hãy phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau (với Chánh Tư Duy): “Thân nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”…Một thân nghiệp như vậy, này Rahula, Ông nhất định chớ có làm.
Này Rahula, nếu sau khi phản tỉnh (Chánh Tư Duy), ông biết: “Thân nghiệp này ta muốn làm. Thân nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, không có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc”. Một thân nghiệp như vậy, này Rahula, Ông nên làm. (Kinh 61: Giáo giới La-hầu-la ở rừng Ambala Trung Bộ Kinh)
Quý Pháp hữu có thể theo link sau https://nguoiphattu.com/tin-tuc/y-vui-niem-bat-hai.d-13879.aspx, và chú tâm đọc kỹ với ý tư duy, thời sẽ có cái nhìn Chánh Kiến và Chánh Tư Duy về Ý bất hại (được Thế Tôn, Cha Lành chung bốn loài từ mẫn giảng dạy chi tiết và rõ ràng trong nhiều bài kinh (Pali tạng) về Ý vui niềm bất hại, khiến những ai tín thọ, pháp thọ, tâm hân hoan với Chánh Pháp, sẽ được hỷ lạc, vui mừng như hạn hán lâu ngày gặp mưa (Pháp) chơn chánh vi diệu. Như vậy, với những bài chia sẻ về Chánh Tư Duy về Ly Dục, Chánh Tư Duy về Vô Sân, Chánh Tư Duy về Bất Hại,tin rằng quý Pháp hữu, thiện hữu có thể hiếu rõ về chi nhánh này của Bát Chánh Đạo.
Tâm Tịnh cẩn lược