;
Vậy “Bát Chánh đạo” là gì? Đó là con đường dẫn đến Thánh quả giải thoát được tạo nên trên tám phương diện chính xác và đích thực. Nhìn lại lịch sử thành lập như ta đã biết cốt lõi của “Tứ Diệu đế” vẫn là bài pháp “Bát Chánh đạo” nằm trong phần “Đạo đế” thuộc 37 phẩm trợ đạo.
Đạo Phật từ xưa cho đến bây giờ, trải qua hàng bao thế kỷ cho dù lá hết xanh, mặt trời không mọc, mặt trăng đã rụng, nhưng chân lý “Tứ đế” vẫn mãi bất diệt, không chết theo thời gian. Điều này cũng thật dễ hiểu, Đức Phật thị hiện giữa cõi đời này chỉ vì một tình thương cao cả, muốn tất cả mọi chúng sanh đều “Ngộ nhập Phật tri kiến” để thoát khỏi cái nô lệ cho dục vọng khổ đau mà chính Ngài đã sống và chứng nghiệm được. Phật giáo vượt tất cả mọi tôn giáo khác cũng chính vì điều này. Hơn thế nữa, chúng sanh vì vô minh không thấy khổ, Ngài chỉ cho khổ, chỉ cho vì sao có khổ, và chính yếu là con đường đi đến diệt khổ. Nếu giả rằng vị lương y, chỉ cho họ biết có bệnh, nguyên nhân vì sao có bệnh mà thiếu cái quan trọng là không cho thuốc thì làm sao bệnh lành. Cũng vậy, thấy có giặc và hiện nó đang núp ở đó, mà không có gươm, súng… thì làm sao bắt và diệt nó được. Cho nên vấn đề muốn giải quyết khổ đau thì tất nhiên con đường chân chánh để đi đến đích mà không sai lạc đó là pháp “Bát Chánh đạo”
Thử hỏi tại sao Đức Phật không thuyết các bài pháp như: “Thập nhị nhân duyên, Luân hồi Nghiệp báo, Nhân quả” trước mà lại thuyết về “Bát Chánh đạo” vì nó được xem như nền móng của tòa lâu đài Phật giáo đồ sộ, tất cả các pháp cũng đều bắt nguồn từ đó. Hơn nữa đây là ngưỡng cửa đầu tiên, cơ bản cho tiểu thừa và đại thừa, và “Bát Chánh đạo” ra đời như trái bom nổ giữa vườn Lộc Uyển phá vỡ hai thành trì kiên cố chấp ngã.
Thứ nhất: Quá khổ hạnh, ép xác.
Thứ hai: Sự lợi dưỡng dễ duôi.
Mở ra một con đường Trung đạo, đem lại nhãn quan tri kiến mà năm anh em Kiều Trần Như đã giác ngộ chứng quả A La Hán.
Nếu nói rằng: Thang thuốc bổ chữa lành thân bệnh thì phái thuốc “Bát Chánh đạo” sẽ giải thoát những phiền não khổ đau cho con người (tâm bệnh) như ngọn đuốc giữa đêm trường mờ mịt, tợ ánh trăng soi chiếu khắp không gian, là tấm gương phản chiếu vào mặt thật của “Tứ Đế”, thập nhị nhân duyên, luân hồi nhân quả, để thấy rõ mặt mày chân tướng của các pháp đâu là thật, đâu là giả, nhằm dẫn dắt những ai muốn và đang thao thức tìm niềm vui chân thật, thoát ra cuộc đời bể khổ sâu dày đang ràng buộc không lối thoát. Muốn vậy hãy thật sự đi theo, làm theo, sống theo con đường “Chánh kiến”, con đường đúng đắn không sai lệch, hiểu chân xác thấu đáo tất cả mọi sự hiện hữu. Nói theo truyền thống A Hàm, thì chánh kiến là thấy rõ “Tứ đế,” 12 duyên khởi, thấy rõ mọi cực đoan sai lầm “Ép xác khổ hạnh và buông lung trong trong dục vọng, đứng trên phương tiện đại thừa, chánh kiến là thấy rõ tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, và có khả năng thành Phật. Hiểu chánh kiến là thấy rõ tự thân của tất cả mọi vấn đề một cách đích thực, một cách chính xác. Khi đã có chánh kiến như vậy thì tự tư duy chiêm nghiệm rằng khổ đau của Lão và Tử là do đâu mà có, và làm thế nào để đoạn tận chúng. Hai bước đầu tiên Chánh kiến và Chánh tư duy là hệ trọng nhất vì chính hai pháp ấy như đầu tàu của những toa “Xe lửa”, nó hướng dẫn người tu tập đi trên đường chánh, tránh những cảm giác và nhận thức sai lầm, thường ngày ở thế gian. Con người sẵn sàng dẫm đạp lên nhau, vì chút danh lợi, mà quên hết bao nhiêu đạo nghĩa, làm cho cha không tin con, vợ không hiểu chồng, anh em ngăn cách nhau. Xa đến hàng xóm không thân cận, mối quan hệ bị cắt đứt chỉ vì một lời nói không chân thật, không “Chánh ngữ”, cho nên ca dao thường có câu “Một lần thất tín, vạn lần thất tin”. Vì vậy sao tránh khỏi sự đau khổ, sống trong cảnh “Oán tắng hội khổ” mà không biết, lại còn đùa cợt với chút phù phiếm bên ngoài có được, mà sự mất mát lớn lao bị bỏ rơi, không làm sao hàn gắn được. Mà sự điên vì nhận giả làm thật, bỏ thật chạy theo giả mà không biết, vẫn còn vui đùa “trong nhà lửa”. Thật là “Bồ Tát sợ nhân chúng sanh sợ quả”. Thử hỏi người xuất gia đã sống đúng “Chánh ngữ” chưa, hằng ngày tụng niệm kinh Phật mà sống chưa đúng với lời kinh, đó cũng là hình thức chưa Chánh ngữ. Ngày nay miệng thì tụng Bát Nhã mà tâm còn chấp thủ, còn thị phi tốt xấu, thật là “Khẩu hành tương vi”, lúc nào cũng “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” mà vọng tưởng bên trong, cho nên nếu trở về với Chánh ngữ đó là lời nói, cách nói đúng sự thật, có khả năng đưa mình và người thành tựu hạnh phúc an lạc. Đối với “Chánh mạng” không xa rời với cuộc sống của người xuất gia. Vào thời Đức Phật và vị Tỷ theo có một đời sống thanh tịnh được dựa trên 4 Thánh chủng.
- Thực hành pháp khất thực.
- Mặc y phấn tảo.
- Ngủ dưới gốc cây không quá 3 đêm.
- Chữa bệnh bằng dược thảo.
Bốn Thánh chủng nhằm hướng đến một đời sống ly dục, một đời sống không chấp trước, không chấp thủ, đó lá điều cốt yếu, căn bản của người xuất gia. Bên cạnh đó ta thấy xã hội ngày nay không ít những cảnh buôn gian bán lận, nuôi thân mình trên mồ hôi xương máu của bao nhiêu người, bằng những nghề bất lương như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, thậm chí còn buôn bán con người với con người. thử hỏi cuộc sống ngày mai của họ như thế nào, mà cam tâm chịu làm như vậy. Trước mắt họ cảnh nhà tù lao ngục có chịu tha không, tòa án nhân quả có thờ ơ được không. Cho nên trở lại cuộc thiện, tránh làm những nghề bất lương. Tại nơi đây không có nhà tù nào hay địa ngục đâu còn đối với người sống chân chánh, ngay nơi đó niềm an lạc hiển hiện thật sự trước mắt. Lẽ vậy hãy luôn luôn dũng mãnh tinh tấn nổ lực hành trì đối với các pháp vô lậu, trái lại ngăn chận các lậu hoặc không cho trổi dậy. người có Chánh tinh tấn là thường xuyên thực hiện Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh niệm và Chánh định.
Nếu chúng sanh đang ngủ triền miên trong giấc mộng của cuộc đời thì “Chánh niệm” là thang thuốc thức tỉnh họ dậy trở về sống với cuộc sống thực tại đó là cuộc sống tỉnh thức. Tỉnh thức để biết rõ tất cả mọi động tác của mình đang làm gì, nghĩa là khi đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng phải ý thức rõ đối với chúng, cho nên không có động tác nào của tự thân mà người có Chánh niệm về thân không có ý thức rõ đối với chúng, lại nữa Chánh niệm không có vật gì là thanh tịnh cả, luôn luôn thấy rõ sắc uẩn là vô thường, là sinh động, là không có tự thể thật hữu. Chánh niệm về Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như vậy, và biết rằng tự ngã này là không có thật chỉ do nhân duyên đối với các cảm thọ thì luôn luôn tỉnh giác khi đau đớn, khó chịu phải ý thức rất rõ về khổ thọ, trái lại thân tâm đang có những cảm giác dễ chịu thì phải ý thức rằng ta đang lạc thọ, khi thân đang ở trong trạng thái dửng dưng thì phải biết đó là phi khổ, phi lạc. tóm lại mọi cảm giác xảy ra là gì trên thân thể thì vị ấy có Chánh niệm đều thấy chúng đang là gì?
Chánh niệm đối với tâm lý là phải luôn luôn quán niệm và tỉnh giác để nhớ và biết rõ mọi trạng thái xảy ra của tâm lý, nghĩa là tự tâm đang có Tham, đang có Sân, đang có Si, thì phải nhớ một cách rõ ràng tự tâm đang có những thứ ấy và khi tâm không có Tham, Sân, Si thì cũng phải biết rằng là tâm đang không có những thứ ấy, những gì đang xảy ra hay không xảy ra ở trong mọi sinh hoạt tâm lý thì phải biết rất rõ về chúng là đang xảy ra hay không xảy ra. Đối với mọi sắc pháp luôn luôn quán niệm về 4 đại chủng gồm: Địa, Thủy, Hỏa, Phong và mọi sự hiện hữu có tính cách vật chất không thể tách rời khỏi 4 đại chủng này, do 4 đại chủng này tập hợp với nhau mà phơi bày ra muôn sự, muôn vật và luôn luôn nhớ rằng cái gì có tập hợp thì cái đó không có tự thể, cái đó là duyên sinh, là vô thường. Chánh niệm đối với Tâm pháp là luôn luôn quán niệm và tỉnh giác rằng, đây là tâm, đây là tập khởi của tâm, nếu tâm chấp thủ về khát ái, chấp thủ về kiến, chấp thủ về tưởng, thì nhất định sẽ đưa đến kết quả trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Đời sống giải thoát nên biết các pháp lệ thuộc vào nội tâm như thế nào thì phải biết rõ về chúng đang là như thế ấy, đó là Chánh niệm đối với tâm pháp.
Khi tất cả mọi sự vật bên ngoài không thể nào chi phối tâm trí được thì đó là Chánh định. Theo ngài Huệ Năng gọi là “Ngoại ly tướng, nội bất động” Chánh định đúng đắn sẽ đem lại cho hành giả một đời sống Chánh trí và Chánh giải thoát.
Nền tảng của Phật học là Giới - Định - Tuệ. Giới Định Tuệ được xây dựng trên pháp “Bát Chánh đạo” hay còn gọi là tam vô lậu học, sở dĩ gọi vô lậu vì nó không còn lậu lọt ra ngoài, đầy đủ viên mãn, hay nói cách khác là không còn sinh tử, không còn trở lại luân hồi nữa. Nói ra tưởng chừng như đơn giản, chúng ta thường lầm nhận, ngôn ngữ bị ngôn ngữ đánh lừa. Nhưng ngôn ngữ vẫn nằm nơi phạm trù tương đối nếu người học Phật không chịu nương nơi ngôn ngữ mà thực hành, rồi nghe pháp “Bát Chánh đạo” đều cho là hay, ai cũng thích an lạc giải thoát, nhưng điều đó có thực sự hay không, cho nên học Phật để thấu triệt lời dạy của Phật. Lời dạy chỉ có giá trị thực sự, hiệu quả chắc chắn. Khi nó được đem ra hành trì từ thân, khẩu, ý của mỗi con người. Giáo lý Phật thuyết minh chân lý an vui đó, vì vĩnh cửu và chỉ rõ biện pháp cụ thể ngay ở dòng tâm thức mỗi người. Nó là một phương dược trị bệnh tâm lý chúng sanh… mà những ai tha thiết với chí nguyện bừng khai tri kiến mà có nhiều phương dược khác nhau. Giáo pháp Phật nổi bật một giá trị đó là đối trị tâm bệnh của chúng sanh. Như thế nó đòi hỏi hai động tác “Tri” và “Hành” phải khít khao, hợp nhất. Ba món Giới, Định, Tuệ là ba tiến trình có sự ràng buộc nhân quả tác động khắn khít nhau trong việc tu tập giải thoát. Nó là định thức tóm tắt của “Bát Chánh đạo” Chánh mạng, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn là Giới, Chánh niệm, Chánh định là Định; Chánh tư duy, Chánh kiến là Tuệ. Trong luật Sa di có dạy “Nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Tuệ”, người tu học đến giác ngộ. Nó có ý nghĩa là giải trừ, điều ngự không cho tâm ý phóng túng theo bản năng, thói quen của trần tục, ý nghĩa cao cả rực sáng của giới là “Tự tịnh kỳ ý”, thanh lọc, cạo sạch hết mọi mống khởi u mê của vọng thức, vọng tình điên đảo, mê hoặc đối với ngũ trần, ngũ dục. Đặt thân ý vào kỷ luật khuôn khổ của giải thoát là Giới. Hạt nhân tối sơ của Giới là thanh tịnh, là phạm hạnh, tinh hạnh toàn vẹn đưa thân khẩu ý vào một định hướng tu tập là Định. Giới vững chắn là có Định, Giới là bóng đèn chụp xuống, gió đời bị cản ở ngoài không xao động ngọn đèn lòng là trụ tâm, ánh sáng chói tỏa ra cũng như tâm lắng sâu trong chánh pháp mãi mãi lâu bền như mặt hồ nước yên lắng trong suốt, thì sẽ thấy rõ tận đáy của bản nguyên đó là Tuệ.
Tự tâm hành trì giáo pháp thì Giới, Định, Tuệ tự có - tự tánh Giới, tự tánh Định,tự tánh Tuệ chính là tự tại giải thoát. Người học Phật chính là làm phát động cái tự tánh đó, an trụ trong tự tánh Giới, Định, Tuệ là đã siêu xuất tam giới, đạt quả vô lậu giải thoát. Ba món vô lậu học này chi phối toàn bộ giáo pháp của Đức Thế Tôn, nó luôn luôn đòi hỏi ở năng lực hành trì thâm hậu ở nơi tất cả pháp tử Như Lai.
Chúng ta nghĩ nếu một xã hội mà mọi người đều ý thức được từng việc làm của minh đều đưa nếp suy tư nhận thức của chúng ta trở về nẻo chính trí…Nếu người xây nhà bưng từng viên gạch để xây thành một cai nhà đồng thời người ấy cũng nghĩ rằng mỗi ngày mình nên đem đến cho mình những nhận thức đúng, đem đến cho mình những đức tánh tốt như viên gạch kia vậy, để xây cho mình một tòa nhà nhân phẩm. nếu người cuốc đất, lượm cỏ, gieo hạt, trồng cây đồng thời họ cũng suy tư rằng lâu nay ta sống và gieo vào đó một hạt giống của nếp sống giải thoát thì mai kia hoa màu nhất định sẽ gặt được, lẽ vậy “Bát chánh đạo” vẫn là ánh đuốc soi đường, ở nơi đó không phân biệt, đẳng cấp giàu nghèo một giáo lý hoàn toàn ngoài nghi lễ, thờ phụng, khiến cho ai muốn tìm an lạc chơn chánh, một lý tưởng mới, một nền giáo dục mà ai cũng có thể tu trì và quả vị lại hiện tiền trực tiếp, một giáo lý duy nhất trong lịch sử Tôn giáo, nó đã phá những thành trì chấp ngã kiên cố nhất, của những tư tưởng cực đoan, nó như chiếc cầu bắc ngang. Ở nơi đó nếu ai đang thao thức cái chân lý cuối cùng, ngày mai an lạc của đời mình, thì nguyện rằng xin thực hành đúng như bản đồ đã chỉ dạy thì quả vị tất sẽ đạt được chánh giải thoát, chánh an lạc và Niết bàn chân như hiển hiện.
T.H.Đ
T.H.Đ - Lieuquanhue