;
BÀI 4 CHÁNH NGHIỆP
Trên cơ sở Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Giới được tu tập bằng cách từ bỏ những hành động bất thiện, mà chuyên tâm thực hiện những hành động chơn thiện, đưa
đến quả báo thiện, được an lạc và hạnh phúc. Trong Kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật dạy về Chánh Nghiệp như sau: Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà dâm.
1. KHÔNG SÁT SANH: Từ bỏ sát sanh ngay cả những hữu tình bé nhỏ, không cố ý đoạt mạng sống của bất kể hữu tình nào. Việc từ bỏ sát sanh là đại bố thí, công đức bất khả tư nghì, như đã được ghi lại trong Thánh Kinh
1.1 Sẽ được sinh thiên giới như lời xác quyết của Thế Tôn trong Tăng Chị Bộ Kinh khi hành giả thực hành 3 pháp này: Tự mình từ bỏ sát sinh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sinh, hoan hỷ không sát sinh.
1.2 Không những đời sau, hành giả sẽ được sanh về Thiên Giới, sinh về Thế Giới An Lạc mà ngay trong đời này, hành giả sẽ được an lạc, vô úy vì họ đã đoạn tận sát sanh, tức là cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, và ngược lại người ấy được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. (Tăng Chi Bộ, Chương Tám Pháp, Phẩm Bố Thí, phần (XI) số 39 Nguồn nước công đức).
1.3 Một khi trí rõ biết thân hành nghiệp không sát sinh của mình thanh tịnh, với công đức chơn thật này, hành giả có thể nguyện cầu cho cha mẹ, cho người thân, hoặc bất kể hữu tình nào tai qua, nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ. Sức mạnh vi diệu của nguyện lực chân thật này đã được ghi lại trong những bài kinh Nikàya (Pali, Phật Giáo Nguyên Thủy), đặc biệt bài kinh số 86 Angulimàla (Vô Não) thuộc Trung Bộ Kinh kể về sức mạnh của nguyện cầu của Tỷ Kheo Angulimàla xin cho người phụ nữ đang chịu khổ vì cơn đau đẻ, được sinh con vẹn toàn liên hệ đến công đức chân thật về việc không sát sanh của ngài kể từ khi gia nhập Tăng đoàn của Thế Tôn. Bài kinh 86 này đã trở thành một trong 11 Hộ Kinh Paritta của Phật Giáo Nam Truyền (cầu an, cầu tai qua nạn khỏi).
Có một số tích truyện trong Tiểu Bộ Kinh Nikàya kể về nguyện lực chân thật với công đức không sát sinh mà giúp tai qua nạn khỏi, chẳng hạn Chuyện Tiền Thân số 463 kể về một thuyền trưởng mù với công đức không sát sinh 'thân nghiệp thanh tịnh như lưu ly' của ngài, Thuyền Trưởng nhất tâm nguyện cầu cho con thuyền lớn với 700 gia đình thương gia đang khóc lóc chờ chết vì bị rơi vào dòng biển xoáy, thoát khỏi nạn, trở về bến an toàn...
Vì thế, quý Pháp hữu, thiện hữu có thể dùng công đức chơn thật này, nhất tâm nguyện cầu an, cầu cho cha mẹ, con cái, người thân hay bất kể ai để họ vượt qua bệnh tật, vượt qua khổ nạn, được bình an, và xa hơn nữa với công đức chân thật này, quý Pháp hữu, thiện hữu có thể nguyện cầu cho nhân loại, cho tất cả các loài hữu tình vv.
Có thể nói rằng việc thành tâm nguyện cầu như thế cũng là một cách chân thật để trưởng dưỡng tâm từ bi, (Quý Pháp hữu, thiện hữu có thể theo link nếu có thời gian, tham khảo 10 câu chuyện về nguyện lực chân thật mà Tâm Tịnh có duyên lành kết tập: https://thuvienhoasen.org/a30652/muoi-cau-chuyen-suc-manh-cua-chan-that-va-nguyen-cau-chan-ly)
1.4 Giữ giới Không Sát Sinh xuất phát từ tâm từ bi, Tâm Bồ Đề vì tôn trọng sự sống của muôn loài, đặc biệt thương tưởng hết thảy hữu tình khắp pháp giới, thì công đức trùm khắp cả hư không. Thực hành như vậy, tâm từ bi trùm khắp, không hận thù với bất kể ai, thời hết thảy chúng sinh đều là thân hữu ngay cả những kẻ hại ta, ngay cả Ma Vương.
Tức là, hết thảy hữu tình trong tất cả pháp giới đều là anh chị em, đều là bạn hữu. Nếu chánh tinh tấn liên tục hành trì như thế cho đến sung mãn, tác thành căn cứ địa, và an trú, thì thử hỏi còn có ngôn từ nào để nói, để biểu thị....Có thể nói, đây là cách tuyệt vời, kỳ đặc, thâm diệu để tu tâm đại từ đại bi.
Chuyện Tiền thân 440, Tiểu Bộ Kinh là một thí dụ điển hình về Tấm Lòng Đại Từ Đại Bi của Bồ Tát (tiền thân của Đức Phật Thíc Ca Mâu Ni). Với lòng bi mẫn tất cả chúng sanh khi còn là Bồ Tát, tu khổ hạnh, chỉ ăn ngủ dưới gốc cây bầu, khi không còn gì để ăn, ngài chỉ ăn cỏ mà lòng thương quý tất cả chúng sanh vẫn không gì lay chuyển.
Do công hạnh của Ngài, khiến cho ghế ngồi của Thiên Chủ nóng lên, và Thiên Đế Thích hiện ra nghe ngài thuyết Pháp, rồi ban cho ngài một điều ước, nhưng ngài không ước gì cho ngài cả, mà chỉ mong sao chúng sinh không bị hại, bị giết. Đây là tâm nguyện của Bồ Tát, của hết thảy Bồ Tát và của hết thảy chư Phật vì thương yêu chúng sinh, không nghĩ đến mình, mặc dù có lúc cây bầu không ra quả, và có khi không ra lá, ngài chỉ ăn cỏ để sống.
Tuy ngài ước vậy, Thiên Đế Thích Sakka vẫn hóa phép làm cho cây bầu trổ quả quanh năm suốt tháng để Bồ Tát thọ dụng tu phạm hạnh. Vì vậy, ngày nay khi quý Phật tử hay thiện hữu tham gia phóng sanh là tương ưng với tâm nguyện của Ngài, của chư Bồ Tát, chư Phật.
2. KHÔNG TRỘM CẮP
Từ bỏ lấy của không cho, không lấy bất kể vật gì mà người ta không cho dù vật nhỏ bé. Công đức của việc giữ giới "Lấy của không cho" là rất lớn, và ngược lại, quả báo xấu của việc ăn trộm, lấy của không cho cũng không hề nhỏ. Những thí dụ từ trong Tạng Kinh Pali, Nikàya, Phật Giáo Nguyên Thủy cho chúng ta thấy điều này.
2.1 Một nữ thần tuyệt đẹp, bị trần truồng trong nhiều kiếp sống trong Tòa Lâu Đài bằng vàng ở một vùng biển xanh, do ăn trộm vài bộ áo quần treo lủng lẳng của những người say rượu ngủ mê khi nữ thần còn là một nữ nhân tại nhân gian.
Nhờ các thương gia tình cờ gặp nữ thần khi thuyền họ bị trôi dạt đến tòa lâu đài của nàng vì bão tố, đã thành tâm cúng dường áo quần cho một vị cư sỹ (đầy đủ lòng tin Như Lai) cùng đi trên thuyền này, và hồi hướng công đức này cho nữ thần, và nàng được tràn đầy niềm hạnh phúc với những trang phục lộng lẫy mỹ diệu, khiến nàng đẹp rực rỡ và đoan chánh (Tiểu Bộ Kinh. Tập II 2.2 Ngạ Quỷ Sự. Chuyện số 10 Nữ Nhân Soái Đầu) (Xem tập sách: Lợi Lạc cho Ông Bà tổ tiên và người ở lại-Tâm Tịnh cẩn tập)
2.2 Một phán quán do lừa dối, ăn hối lộ bị tái sinh thành ngạ quỷ tự ăn thịt mình: Chuyện số 34, Ngạ Quỷ Sự cho thấy trong thời Đức Phật, Vua Tần-bà-sa-la có một phán quan lừa dối, bất lương, thường nhận hối lộ, và khi chết, do nghiệp bất thiện này, ban ngày ông tái sinh thành một ngạ quỷ với thân hình như cây thốt nốt, tự tay móc thịt trên lưng mình và xé ra ăn (trả cái nghiệp lừa đảo ăn hối lộ khi còn ở nhân gian), nhưng vào chiều tối ông hưởng sự vinh quang phú quý của một thiên nhân cùng với một đoàn tỳ tùng với 10 ngàn tiên nữ hầu hạ nhờ nửa ngày trai giới bằng cách giữ giới không ăn phi thời như đoạn trích sau:
Ngay sau khi chết, y tái sanh làm một quỷ thần trong lâu đài ở vực sâu dưới núi. Dù y chỉ giữ nửa ngày trai giới trong một đêm thôi, y vẫn được phước báo với một đoàn tùy tùng gồm mười ngàn tiên nữ hộ tống và hưởng lạc thú thần tiên, nhưng do quả báo từ các phán quyết gian dối và nói láo kia, y tự lấy tay móc thịt trên lưng mình và xé ra ăn. (Tiểu Bộ Kinh, Ngạ Quỷ Sự. Chuyện số 34. Những quán quyết gian dối)
2.3 Không cho mà lấy mè ăn bị Sư Trưởng cho các đệ tử đánh 3 gậy (bị quả báo, bị phạt 3 gậy thật mạnh) nhờ đó, người bị phạt (thái tử con vua Ba-la-nại) trở thành vi vua anh minh trong chuyện tiền thân số 252, Tiểu Bộ Kinh Nikàya. Bài học rút ra từ đây là có những lúc cần phải dùng biện pháp mạnh để nhiếp phục hạnh bất thiện (không cho mà lấy). Như bài kệ sau:
Bậc thánh dùng gậy đánh,
Nhiếp phục hạnh không lành,
Như vậy đúng giáo lý,
Ðây không phải hận thù,
Tất cả bậc hiền trí
Ðều biết rõ như vậy.
3. KHÔNG TÀ DÂM
Tự chế không tà dâm, từ bỏ tà dâm: chỉ một vợ một chồng mực lòng chung thủy đối với các cư sỹ, không chạy theo vợ hoặc chồng người khác, không chạy theo bất kỳ ai khác để thỏa mãn tình ái ân của mình.
Việc giữ giới như thế này (bất kể giới nào) cũng là phương cách tập buông xả tham dục, tức là với tâm ý đoạn diệt Tham Sân Si thì đó là Giới Luật Trong Bậc Thánh vì liên hệ đến viễn ly, ly tham, đoạn diệt, thắng trí, giải thoát, niết bàn. Công đức của việc kiên tâm giữ Giới Chung Thủy, Giới Không Tà Dâm là bất khả tư nghì, không những được loài người thương quý mà còn khiến cho chư thiên ca thán, chư hiền trí, Bồ Tát và chư Phật đồng khen ngợi, như được hiển bày dưới đây:
3.1 Lòng chung thủy sắt son của nàng Sambulà làm cho cung đình của Vua Trời Đế Thích (Vua Trời Ba Mươi Ba, Vua Trời Đao Lợi) rung động
Chuyện tiền thân số 519 kể rằng nàng Sambulà (tiền thân của hoàng hậu Mạt-lợi) theo chồng (phó vương của Brahmadatta) bị bệnh phong cùi vào rừng sâu để chăm sóc bệnh cho chàng bằng cả tấm lòng yêu thương chân khiết. Một ngày nọ khi nàng tắm gội trong một con suối, xong xuôi nàng trèo lên mặc áo quần bằng vỏ cây và đứng trên bờ suối.
Cả khu rừng sáng rực lên vì dung sắc rực rỡ tỏa ra từ thân thể nàng. Lúc ấy có một con ác quỷ dạ-xoa đi tìm mồi, thoạt trông thấy nàng liền mê mẫn dụ nàng làm vợ và được 400 nữ dọa xoa theo hầu, nhưng nàng một mực từ chối vì nghĩ đến chồng đang bị bệnh héo mòn đang đợi nàng.
Ác quỷ dạ xoa dùng vũ lực để bắt nàng, và do đức hạnh thủy chung của nàng khiến cho cung điện của Đế Thích rung lên, và Vua Trời Đế Thích xuất hiện dùng dây thần trói ác quỷ dạ xoa trên đỉnh núi bên kia.
3.2 Công đức của giới chung thủy, không tà dâm có thể dùng để nguyện cầu chân lý khiến bệnh tật tiêu trừ, tai qua nạn khỏi
Do bị ác quỷ dạ xoa bắt giữ nên nàng Sambulà về nhà trễ khiến chồng nàng nghi ngờ về đức hạnh thủy chung của nàng. Để phá tan mối nghi ngờ này của chàng, nàng Sambulà dùng đức hạnh thủy chung để nguyện cầu chân lý: Nhân danh về sự thủy chung, nàng nguyện cho bình nước nàng mang từ suối về biến thành linh dược, biến thành cam lồ chữa lành bệnh phong cùi cho chồng nàng.
Và điều kỳ diệu đã xảy ra ngay khi vừa tưới nước trên đầu chồng với lời nguyện thiên, bệnh phong cùi của chàng lành ngay tức khắc, và chàng cùng nàng trở về vương quốc nối nghiệp vua cha, cai trị đất nước.
Sau đây là vần kệ bút giả cảm tác để đúc kết về sức mạnh thủy chung của nàng Sambulà từ tích chuyện tiền thân số 519, Tiểu Bộ Kinh Nikàya (Pali, Phật Giáo Nguyên Thủy) như là một bài học chân khiết cho quý Phật tử hành theo, và có thể ứng dụng để nguyện cầu chân lý, hướng đến giải thoát (tham sân si), niết bàn.
Rằng xưa ở Thành Bra-tta
Có nàng tố nữ tên là Sambu
Dung nhan sáng rực tuyệt trần
Một lòng chung thủy Phó Vương So-thì
Lang quân lở loét phong cùi
Hôi tanh đau nhức ngự y lắc đầu
Vào rừng chờ chết cho xong
Sambu theo gót chăm non chân tình
Miếng ăn, giấc ngủ của chàng
Lâu khô máu mủ đắp thang thuốc rừng
Lo xong mới nghĩ đến mình
Sở hành như thế mà nàng thấy vui
Một hôm tắm gội suối vàng
Sau khi hái quả lượm hoa lá rừng
Dung nhan sáng rực cả vùng
Khiến cho thần quỷ say tình ngất ngay
Bắt nàng làm vợ liền ngay
Bốn trăm thần nữ Dạ Xoa theo hầu
Hống lên tiếng nói chung lòng
Lang quân đau ôm héo mòn chờ mong
Ngai vàng Đế Thích nóng rang
Vì công hạnh của Sambu chân hiền
Vua trời Đao Lợi đến liền
Vung dây thần bắt Dạ Xoa si tình
Phu quân ngóng đợi bên song
Thử nàng liền trách quá giờ đêm hôm
Phải chăng vấp phải tình lang
Nàng về quá muộn đêm khuya thế này?
Thiếp đây chung thủy một lòng
Nguyện cầu chân lý chứng cho lòng này
Sự thật chân lý nhiệm mầu
Nước đây chữa hết bệnh phong cho chàng
Nước nguyện vừa tưới lên chàng
Như cam lồ thủy hết ngay bệnh cùi.
(Quý Pháp hữu, thiện hữu có thể theo link sau: https://thuvienhoasen.org/a30652/muoi-cau-chuyen-suc-manh-cua-chan-that-va-nguyen-cau-chan-ly để tham khảo 10 câu chuyện về sức mạnh của nguyện cầu chân lý mà Tâm Tịnh có duyên lành kết tập từ Tiểu Bộ Kinh Nikàya).
Như vậy, với Chánh Nghiệp trên cơ sở Chánh Tri Kiến, và Chánh Tư Duy, quý Pháp hữu sẽ học buông giết hại chúng sinh, trưởng dưỡng tâm từ bi, tâm không hận thù; học cách từ bỏ lấy những gì không cho; từ bỏ tà dâm, và đối với các cư sỹ thực hành cách sống chung thủy với bạn đời, hướng đến buông bỏ dâm dục.
Nói một cách khác, với Chánh Nghiệp, quý Pháp hữu, thiện hữu học cách ly dục, ly bất thiện pháp, sống chân chánh trong chánh pháp, được thể hiện qua thân hành nghiệp chơn chánh trên cơ sở của Chánh Tri Kiến và Chánh Tư Duy.
Trong tâm từ