;
Ba cõi lăng xăng đều từ một tâm. Phật trước Phật sau đều chỉ dùng tâm truyền tâm, chẳng lập văn tự.
Có người hỏi: Nếu không lập văn tự, vậy lấy gì là tâm?
Đáp: Ông nói tôi tức là tâm của ông, tôi trả lời với ông tức là tâm của tôi. Nếu tôi không có tâm thì lấy đâu biết để trả lời với ông; ông nếu không có tâm thì làm sao ông biết hỏi tôi. Cho nên biết: Hỏi tôi tức là tâm của ông đó.
Từ lũy kiếp đến giờ, nhẫn đến hành tung hoạt động bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào đều là cái tâm vốn có của ông, đều là Phật vốn có của ông. Cái nghĩa “chính tâm là Phật” là như thế. Ngoài tâm này rốt ráo không có Phật nào khác có thể được. Nếu lìa tâm này mà tìm Bồ-đề, Niết-Bàn, thì thật là không tưởng. Tánh chơn thật của mình không phải pháp nhân pháp quả, đó là nghĩa của tâm. Tự tâm là Niết-Bàn. Nếu nói ngoài tâm có Phật và Bồ-Đề có thể được thì thật là không tưởng.
Phật và Bồ-Đề ở chỗ nào? Ví như có người dang tay bắt hư-không có được gì không? Vì sao thế? Vì hư-không chỉ có tên chớ nào có hình tướng! Bắt đã chẳng được, bỏ cũng chẳng được. Thế là hư-không không thể bắt được. Trừ tâm này ra mà tìm Phật rốt rồi không được cũng giống như vậy.
Phật là tự tâm làm ra. Tại sao lìa tâm mà tìm Phật? Phật trước Phật sau chỉ nói về tâm. Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm; ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm. Nếu nói ngoài tâm có Phật vậy Phật ở đâu? Ngoài tâm đã không Phật sao lại còn làm ra cái thấy có Phật để mà dối gạt lẫn nhau, rồi không thể rõ được cái tâm vốn có của mình, lại bị vật vô tình nó nhiếp mất tự do; nếu không tin hiểu như thế, để tự dối gạt thật là vô ích. Phật không lỗi lầm, chúng sanh điên đảo chẳng biết giác ngộ tâm mình là Phật. Nếu biết tự tâm là Phật chớ nên tìm cầu Phật ngoài tâm.
Phật chẳng độ Phật, nếu đem tâm tìm Phật là chẳng biết Phật là chỉ tự tâm
Những người đi tìm Phật, hết thẩy đều chẳng biết tự tâm là Phật. Cũng chớ nên đem Phật lễ Phật, đem tâm niệm Phật. Phật chẳng tụng kinh, chẳng giữ giới, chẳng phạm giới. Phật không có giữ và phạm, cũng chẳng tạo thiện tạo ác. Nếu chẳng thấy tánh; niệm Phật, tụng kinh, ăn chay, giữ giới cũng không ích lợi gì. Niệm Phật chẳng qua được nhân quả, tụng kinh chẳng qua được thông minh, giữ giới chẳng qua được sanh lên cõi trời, bố thí chẳng qua được phước báo. Tìm Phật quyết định không thể được.
Nếu tự mình không thấu suốt, thì phải nên tìm tham học với thiện tri thức nào đã dứt khoát nguồn cội sanh tử. Nếu chẳng thấy tánh thì không được gọi là thiện tri thức. Nếu không như thế dẫu cho có giảng được hết cả kinh Phật cũng chẳng khỏi sanh tử luân hồi, vẫn ở trong ba cõi chịu khổ mãi mãi.
Xưa có Tỳ-kheo Thiện Tinh giảng được hết cả kinh Phật nhưng vẫn chẳng chịu khỏi luân hồi, cũng chỉ vì chẳng thấy tánh. Thiện Tinh đã như thế, người nay bất quá giảng được năm ba bốn kinh luận rồi vội cho là mình thực hành pháp Phật, đó là thuộc về hạng người mê. Nếu chẳng biết tự tâm, chỉ tụng theo suông mặt chữ của kinh đều là vô dụng. Nếu muốn tìm Phật phải nên thấy tánh. Tánh tức là Phật, Phật tức là người tự tại rảnh rang vô sự. Nếu chẳng thấy tánh, suốt ngày chật vật rong ruổi ra ngoài mà tìm, tìm làm sao được? Tuy không một vật có thể được, nhưng nếu muốn cầu tỏ ngộ cũng phải nên tham học với thiện tri thức. Phải thiết tha cần khổ mà cầu đến bao giờ được tỏ ngộ bổn tâm.
Sanh tử việc lớn, không được phép để luống trôi qua, tự dối gạt vô ích. Dẫu có của quí như non, quyến thuộc như cát sông Hằng, mở mắt thấy đó, khi nhắm mắt rồi ra sao? Phải biết các pháp hữu vi đều như giấc mơ, như huyễn hoá.
Nếu chẳng gấp tìm thầy học đạo, luống uổng một kiếp trôi qua.
Tuy rằng tánh Phật ai cũng vốn tự có, nhưng nếu chẳng nhờ Thầy chỉ giáo rốt không thể tỏ ngộ. Những bật chẳng nhờ Thầy mà tỏ ngộ chỉ là hy hữu trong muôn một mà thôi. Nếu tự mình được nhân duyên hợp ý Thánh thì không cần phải tham học với thiện tri thức; trường hợp này gọi là sanh ra đã biết còn hơn vậy.
Nếu chưa được tỏ ngộ phải nên cần khổ tham học, nương nơi giác mới được ngộ. Nếu đã ngộ rồi chẳng học chẳng sao, không đồng với người mê.
Nếu chưa minh bạch được đen trắng mà kỳ vọng nói tuyên bày giáo pháp của Phật, chê Phật kỵ Pháp. Những bọn như thế, thuyết pháp như thế, hết thảy đều là ma nói, không phải Phật nói, tức là ma vương, đệ tử của họ là ma dân. Người mê chịu cho chúng nó chỉ huy chẳng được giác ngộ, đoạ vào biển sanh tử chỉ vì chẳng thấy tánh, vọng xưng là Phật. Bọn chúng sanh như thế là đại ma vương, gạt gẫm tất cả chúng sanh cho vào cõi ma.
Nếu chẳng thấy tánh, dẫu cho giảng được hết cả kinh Phật đi nữa cũng chẳng qua là ma nói, là quyến thuộc nhà ma, chẳng phải đệ tử của Phật. Đã chẳng biện được đen trắng thì căn cứ nơi đâu mà khỏi sanh tử.
Nếu đã thấy tánh tức là Phật chẳng thấy tánh tức là chúng sanh. Nếu lìa tánh chúng sanh mà riêng có tánh Phật có thể được, vậy Phật hiện ở chỗ nào? Như thế, tánh chúng sanh là tánh Phật. Ngoài tánh không Phật, Phật tức là tánh, ngoài tánh này không có Phật nào có thể được. Ngoài Phật cũng không có tánh nào có thể được.
Hỏi: Nếu chẳng thấy tánh, niệm Phật, tụng kinh, bố thí, giữ giới, tinh tiến, mở rộng phúc duyên, có được thành Phật không?
Đáp: Không !
Hỏi: Vì sao không được?
Đáp: Nếu có chút pháp nào có thể được là pháp hữu vi, là pháp nhân quả, là pháp thọ báo, là pháp luân hồi, không khỏi sanh tử, biết chừng nào mà thành Phật!
Muốn thành Phật phải thấy tánh. Nếu chẳng giác ngộ bổn tánh thì nói những nào nhân, nào quả đều là pháp ngoại đạo. Nếu là Phật thì chẳng tập theo pháp ngoại đạo.
Phật là người không nghiệp, không nhân quả, nếu nói có chút pháp có thể được đều là chê bai Phật đó! Căn cứ nơi đâu mà được thành Phật? Dẫu cho chỉ trụ chấp một tâm, một năng, một giải, một thấy cũng đều bị Phật chẳng thừa nhận. Phật không giữ và phạm. Tâm tánh vốn không, cũng không phải các pháp dơ sạch, không tu không chứng, không nhân không quả. Phật chẳng giữ giới, chẳng tu thiện, chẳng tạo ác, chẳng tinh tiến, chẳng giải đãi. Phật là người vô tác, nếu có tâm đắm chấp để thấy Phật là bị không thừa nhận rồi! Phật chẳng phải Phật, đừng làm ra hiểu Phật, nếu chẳng thấy nghĩa này thì luôn luôn ở đâu cũng đều là mê muội bổn tâm, nếu chẳng thấy tánh mà luôn tưởng tượng ra làm cái rảnh rang (vô tác), đó là tội nhân lớn, là người si, rơi vào ngoan không vô ký, ngây ngây như người say, chẳng phân được tốt xấu.
Nếu muốn tu theo pháp vô tác trước phải thấy tánh, rồi sau dứt các duyên lự nơi tâm. Nếu chẳng thấy tánh mà được thành Phật, thì thật là chuyện tưởng tượng.
Có người bác cho rằng không nhân quả, tha hồ mà tạo nghiệp ác, vọng nói vốn không, làm ác không tội, con người như thế sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián tối tăm mãi mãi. Nếu là người trí không nên hiểu như thế
Hỏi: Đã nói dầu cho làm lụng, hoạt động, lúc nào cũng đều là bổn tâm. Vậy khi vô thường đến với sắc thân sao lại chẳng thấy bổn tâm?
Đáp: Bổn tâm lúc nào cũng hiện bày, chỉ tại ông chẳng thấy.
Hỏi: Lúc nào cũng hiện bày, vì sao chẳng thấy?
Tổ sư nói: “Ông có từng nằm mơ lần nào không?”
Đáp: Có.
Hỏi: Khi ông nằm mơ có phải là bổn thân của ông không?
Đáp: Phải.
Lại hỏi: Ông nói năng hoạt động với ông là một hay khác?
Đáp: Không khác.
Nói: Nếu đã chẳng khác thì thân của ông đây cũng chính là pháp thân vốn có của ông đó. Chính ngay pháp thân này là bổn tâm của ông đó. Tâm này từ lũy kiếp đến giờ vẫn y nguyên như thế, chưa từng có sanh tử. Chẳng sanh chẳng diệt; chẳng thêm chẳng bớt; chẳng dơ chẳng sạch; chẳng tốt chẳng xấu; chẳng đến chẳng đi; chẳng phải chẳng quấy; chẳng tướng nam tướng nữ; cũng không phải tướng tục tướng tăng; không già không trẻ; không thánh không phàm; không Phật không chúng sanh; không tu không chứng; không nhân quả; không gân lực, không tướng mạo cũng như hư không, bắt chẳng được, bỏ chẳng được, núi sông gành đá không chướng ngại được, hiện ẩn qua lại tự tại thần thông, suốt năm uẩn, vượt sanh tử, tất cả nghiệp chướng đối với pháp thân cũng đều không thể trói buộc được. Tâm này rất vi diệu khó thấy, chẳng đồng với cái tâm nghiệp chướng do trần cảnh tạo nên.
Cái pháp thân, tâm tánh này ai ai cũng sẵn có. Trong tâm ấy động tay máy chân nhất nhất đều không lìa, nhưng khi hỏi đến đều không thể nói được, giống như người gỗ. Hết thảy đều tự mình thọ dụng nhưng sao lại không biết?
Phật nói: Tất cả chúng sanh đều là mê muội, vì thế nên tạo nghiệp đọa vào sanh tử, muốn ra rồi lại vào, chỉ vì chẳng thấy tánh. Chúng sanh nếu chẳng mê tại sao khi hỏi đến việc trong tâm tánh thì lại không có một người biết được? Tự mình động tay máy chân sao mình không biết? Cho nên biết Thánh nhân nói không lầm, vì người tự mê muội. Nên biết tánh này rất khó tỏ, chỉ có Phật mới được tỏ ngộ thôi; hết thảy người, trời, chúng sanh đều không tỏ suốt.
Nếu có trí tuệ tỏ suốt được tâm này thì gọi là pháp tánh, cũng gọi là giải thoát, sanh tử không trói buộc được, tất cả pháp không chướng ngại được, thế gọi là Đại Tự Đại Vương Như Lai. Cũng gọi là không thể nghĩ bàn, cũng gọi là Thánh thể, cũng gọi là trường sanh bất tử, cũng gọi là đại tiên. Danh tuy chẳng đồng, thể vẫn là một, bực Thánh nhơn nói ra dẫu có muôn bàn phân biệt cũng đều chẳng lìa tự tâm. Tâm lượng rộng lớn ứng dụng vô cùng, ứng ra mắt thấy sắc, ra tai nghe tiếng, ra mũi biết mùi, ra lưỡi biết vị, cho đến hết thảy hành tung hoạt động cũng đều là tự tâm. Bất cứ lúc nào, chỉ có bặt đường ngôn ngữ tức là tự tâm.
Nên nói sắc Như Lai vô tận, trí huệ cũng vô tận. Sắc vô tận là tự tâm, tâm khéo hay phân biệt tất cả pháp, nhẫn đến tất cả hành tung hoạt động cũng đều là trí huệ. Tâm không hình tướng nên trí huệ cũng vô tận. Nên nói sắc Như Lai vô tận, trí huệ cũng như thế. Còn cái thân tứ đại tức là cái thân phiền não thân sanh diệt. Pháp thân thường trụ không chỗ trụ; Pháp thân của Như Lai thường chẳng thay đổi nên kinh nói: Chúng sanh nên biết tánh Phật vốn tự có; ngài Ca Diếp chỉ ngộ được bổn tánh mà thành Phật. Bổn tánh tức là tâm; tâm tức là tánh, tánh với tâm chư Phật không hai, Phật trước Phật sau chỉ truyền tâm này, ngoài tâm này không có Phật nào cả, chúng sanh điên đảo chẳng biết tự tâm là Phật, dong ruỗi ra ngoài mà tìm, suốt ngày chật vật niệm Phật, lễ Phật, vậy Phật ở đâu? Chớ nên hiểu như thế, làm như thế. Chỉ biết bổn tâm, ngoài tâm không có Phật nào khác. Kinh nói: Phàm cái gì có tướng điều là hư vọng.
Lại nói: Phật ở đâu? Chỗ nào không Phật? Tự Tâm là Phật; Chẳng nên đem Phật lễ Phật, dẫu có tướng Phật hoặc tướng Bồ-Tát hiện tiền cũng quyết định chớ nên lễ kỉnh. Tâm ta vắng lặng vốn không có tướng như thế. Nếu chấp tướng tức là ma, đều rơi vào tà đạo, nếu là huyễn từ tâm khởi, lại càng không nên lễ, lễ là không biết, biết thì chẳng lễ. Nếu lễ là bị ma nhiếp.
Sợ hậu học chẳng biết nên phải biện bạch như thế này. Các Phật, Như Lai, trên bổn tánh đều không có tướng như thế; phải nên chú ý. Khi thấy cảnh giới lạ, quyết định không nên chấp, cũng đừng sanh sợ hãi, chẳng cần nghi hoặc. Tâm ta bổn lai thanh tịnh, đâu có tướng như thế! Nhẫn đến tướng Thiên Long, Dạ xoa, quỷ thần, Đế Thích, Phạm Vương v.v… đi nữa, cũng chẳng nên sanh tâm kỉnh trọng, cũng đừng sợ hãi. Tâm ta bổn lai vắng lặng, tất cả tướng đều là tướng hư vọng, chỉ đừng chấp tướng là hơn.
Nếu khởi tâm thấy Phật thấy pháp và thấy các tướng Bồ-Tát mà sanh kỉnh trọng, tức là tự đọa vào trong chúng sanh. Nếu muốn liền được tỏ ngộ, chỉ đừng nhận một pháp nào là được. Không cần nói gì thêm.
Nên kinh nói: Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng, đều không có thật. Huyễn không có tướng nhất định, là pháp vô thường. Chỉ đừng chấp tướng là hợp với ý thánh. Nên kinh nói: Lìa tất cả tướng là danh hiệu chư Phật.
Hỏi: Tại sao không được lễ Phật, Bồ-Tát?
Đáp: Thiên ma Ba-Tuần. A-tu-la cũng hiện thần thông làm được tướng Bồ Tát và nhiều cách biến hóa. Đó là ngoại đạo chớ không phải Phật. Phật là tự tâm, đừng lầm lễ lạy. Chữ Phật là tiếng Ấn Độ, theo xứ ta gọi là tánh giác. Giác nghĩa là linh giác, ứng cơ tiếp vật, nhướng mày, liếc mắt, động tay máy chân đều là tánh linh giác của mình. Tánh tức là tâm. Tâm tức là Phật. Phật tức là Đạo. Đạo tức là Thiền.
Nội một chữ Thiền, phàm thánh cũng khó luờng được. Nếu chẳng thấy tánh là không phải Thiền, dẫu cho giảng được thiên kinh vạn luận, nếu chẳng thấy tánh cũng chỉ là phàm phu. Đạo cả sâu mầu không thể dùng lời mà tỏ được hết. Vậy kinh điển căn cứ nơi đâu mà có thể đến được?
Chỉ thấy bổn tánh, dầu cho không biết một chữ cũng là thấy tánh, tức là thánh thể.
Vốn nó là thanh tịnh, không tạp không nhơ. Có nói năng điều gì đều là thánh nhơn từ tâm mà khởi dụng. Dụng và thể bổn lai là không. Danh ngôn còn chẳng đến được, vậy mười hai bộ kinh bằng cứ nơi đâu mà đến được?
Đạo vốn viên thành, chẳng phải tu chứng. Đạo không phải sắc thinh, vi diệu khó thấy. Chỉ như người uống nước, lạnh ấm tự biết mà thôi, không thể nói cho người khác nghe được. Chỉ có Như Lai biết được, ngoài ra người, trời các loại đều không hay biết. Vì trí phàm phu không đến được nên mới chấp tướng, chẳng rõ tự tâm vốn vắng lặng rỗng rang, nên vọng chấp tướng và tất cả pháp mới đọa ngoại đạo. Nếu biết đều từ tâm sanh thì chẳng nên chấp, chấp là chẳng biết. Nếu thấy bổn tánh thì mười hai bộ kinh chẳng qua chỉ là văn tự rỗng, ngàn kinh muôn luận cốt để tỏ tâm; nếu nói ra liền khế hợp thì kinh giáo dùng được vào đâu? Chí lý hết nói năng, kinh giáo chỉ là từ ngữ, thiệt chẳng phải Đạo. Đạo vốn không nói năng, nói năng là vọng.
Người tu đêm đến có nằm mơ thấy lâu đài, cung điện, voi ngựa hoặc cây cối, rừng ao v.v… chớ nên mống lòng tham đắm, vì hết thảy chảnh ấy đều là chỗ để thác sanh, điều này phải hết sức chú ý. Lại nữa, khi lâm chung chẳng nên chấp tướng thì chướng liền trừ. Nếu tâm nghi phát khởi là bị ma nhiếp.
Pháp thân bổn lai thanh tịnh không thọ lãnh một điều gì, chỉ vì mê muội không hay biết nên vọng thọ báo, vì có tham đắm nên mất tự do, nếu ngộ được bổn tâm thì chẳng đắm nhiễm.
Nếu là từ thánh vào phàm thị hiện bao nhiêu tạp loại tự làm chúng sanh đó là một việc khác. Nên thánh nhơn làm nghịch làm thuận đều được tự tại, tất cả nghiệp chướng không trói buộc được, đối với bực ấy có đại oai đức đã lâu cho nên tất cả nghiệp chướng đều bị chuyển hết, thiên đường, điạ ngục hết thành vấn đề.
Còn phàm phu thần thức mê muội, chớ không phải trong ngoài sáng suốt như Thánh nhơn. Nếu có chỗ nghi thì chớ nên làm, làm là bị trôi lăn theo sanh tử, khi ăn năn đã muộn,. Nghèo cùng khốn khó đều từ vọng tưởng sanh, nếu ai tỏ được tâm nầy thì nên lần lượt khuyên bảo lẫn nhau, chỉ làm mà không trụ không chấp, là vào được tri kiến Như Lai.
Người mới phát tâm thần thức chưa định, nếu khi nằm mơ thấy cảnh lạ hiện đều là tự tâm khởi, quyết định chớ nghi, không phải ngoài tâm có cảnh. Nếu mơ thấy ánh sáng như mặt trời, tức là tập nghiệp còn thừa sắp hết, tánh pháp giới hiện. Đó là điềm sẽ thành Đạo, chỉ tự mình biết chẳng nên nói cho ai nghe. Hoặc khi rong chơi trong vườn vắng lặng, đi đứng nằm ngồi mắt thấy ánh sáng; hoặc trong đêm tối cũng thấy ánh sáng như ban ngày, đừng có lấy làm lạ, đều là tự tâm muốn hiển hiện. Hoặc nằm mơ thấy trăng sao tỏ sáng, đó cũng là điềm các duyên muốn dứt, cũng chớ nên nói cho ai nghe. Còn như nằm mơ thấy đi trong tối tăm u ám, đó cũng là tự tâm phiền não chướng nặng cũng chỉ nên tự biết.
Nếu đã thấy tánh, chẳng cần phải đọc kinh niệm Phật, học rộng hiểu nhiều vô ích, còn làm cho thần thức lại tối thêm. Kính giáo chỉ để nêu tâm, nếu rõ được tâm đâu cần phải xem kinh giáo! Nếu là từ phàm vào thánh phải nên ngừng nghiệp dưỡng thần, tùy phận qua ngày. Nếu là người nhiều sân nhuế làm cho tánh sanh chướng đạo, tự gạt gẫm vô ích.
Thánh nhơn ở trong sanh tử tự tại hiện ẩn ra vào chẳng định, tất cả nghiệp chướng hết thành vấn đề. Hết thảy chúng sanh chỉ cần thấy bổn tánh là tập nghiệp liền dứt, thần thức không bị mê; nhưng phải là “tức thì liền nhận”.
Nếu muốn thật ngộ đạo thì đừng chấp tất cả pháp, ngừng nghiệp dưỡng thần thì dư tập cũng hết, tự nhiên minh bạch không cần dụng công. Ngoại đạo chẳng rõ ý Phật, dụng công rất nhiều mà vẫn trái với ý thánh. Suốt ngày bo bo niệm Phật tụng kinh mà vẫn mê muội bốn tánh, chẳng khỏi luân hồi.
Phật là người rảnh rang, đâu cần chật vật rộng cầu danh lợi. chỉ có người chẳng thấy tánh mới đọc kinh niệm Phật, siêng học, sau thời hành đạo; ngồi hòa chẳng nằm, học rộng nghe nhiều và cho đó là pháp Phật. Chúng sanh như thế đều là người khinh pháp. Phật trước Phật sau chỉ nói thấy tánh, các hành động đều là vô thường.
Nếu chẳng thấy tánh mà vội cho rằng mình đã được đạo Vô thượng Bồ-Đề, đó là hạng tội nhơn lớn. Mười vị đệ tử lớn của Phật, ngài A-nan là người học rộng bực nhất mà với Phật còn không biết, chí học rộng nghe nhiều. Hết thảy Nhị thừa ngoại đạo đều không biết Phật, chỉ biết dếm theo pháp tu chứng, bị đọa vào trong nhân quả, đó là chúng sanh nghiệp báo chẳng khỏi sanh tử trái với ý Phật rất xa, là kẻ khinh Phật đó! Trong kinh có nói: Hạng chúng sanh ấy thuộc Nhứt-xiển-đề chẳng có lòng tin; nếu có lòng tin thì người ấy là một vị Phật.
Nếu chẳng thấy tánh, chớ nên bắt chước chê bai những người lương thiện, tự dối gạt vô ích. Thiện ác rõ ràng, nhân quả phân minh, thiên đường địa ngục chỉ ở trước mắt, người ngu chẳng biết hiện đọa vào địa ngục tối tăm cũng không hay.
Chỉ vì nghiệp nặng nên không thể tin, ví như người mù chẳng tin người ta nói có ánh sáng, dầu có cắt nghĩa thế nào cũng không tin được, vì đã mù lấy đâu mà phân biệt được sáng tối! Người ngu cũng thế. Hiện tiền đã bị đọa vào súc sanh tạp loại, chỗ ở trong nghèo cùng hạ tiện, cầu sống chẳng được, cầu chết cũng chẳng được. Tuy thọ khổ như thế nhưng dẫu có ai hỏi họ cũng tự gọi mình được yên vui. Nên biết tất cả chúng sanh dẫu sanh vào chỗ vui thật cũng không hay biết. Hạng người ác như thế, chỉ vì nghiệp chướng quá nặng nên không thể phát lòng tin, không tự do được. Nếu thấy được tự tâm là Phật chớ không phải ở tướng bên ngoài, thì dẫu bạch y cư sĩ cũng vẫn là Phật. Nếu chẳng thấy tánh dù có đầu tròn vai vuông cũng là ngoai đạo.
Hỏi: Cư sĩ còn vợ con, dâm dục làm sao thành Phật được?
Đáp: Chỉ nói thấy tánh; chẳng bàn đến dâm dục. Chỉ vì chẳng thấy tánh. Miễn được thấy tánh thì dâm dục vốn tự rỗng lặng, tự nhiên dứt trừ, không còn tham đắm nữa. Dẫu cho dư tập hãy còn cũng chẳng làm hại được. Vì sao thế? Vì tự tánh vốn nó tự thanh tịnh. Tuy ở trong sắc thân năm uẩn, tánh nó cũng vốn thanh tịnh không ô nhiễm. Pháp thân bổn lai không thọ, không đói, không khát, không lạnh nóng, không bịnh hoạn, không ân ái, không quyến thuộc, không khổ vui tốt xấu, không vắn dài mạnh yếu, vốn không một vật có thể được. chỉ vì cố chấp cái thân này nên mới có các tướng đói khát, lạnh nóng, bịnh chướng v.v… Nếu chẳng chấp là được tự tại. Nếu trong sanh tử mà được tự tại, chuyển trở lại các pháp, đừng để các pháp chuyển, cũng như Thánh nhơn, thì ở đâu lại không yên? Nếu tâm có chỗ nghi, quyết định không thể tự tại, không khỏi sanh tử luân hồi. Nếu thấy tánh thì dẫu bần cùng hạ tiện, đồ tể sát sanh cũng vẫn thành Phật.
Hỏi: Đồ tể làm nghiệp sát sanh làm sao thành Phật được?
Đáp: Chỉ nói thấy tánh, chẳng nói tạo nghiệp. Dẫu sao có tạp nghiệp thế nào, nghiệp cũng không thể trói buộc được. Từ lũy kiếp đến giờ, chỉ vì chẳng thấy tánh nên mới có trôi lăn sau đọa vào địa ngục, sanh tử; khi ngộ được bổn tánh sẽ không tạo nghiệp nữa. Nếu chẳng thấy tánh, niệm Phật để khỏi nhân quả cũng không thể được, không luận là sát sanh.
Nếu được thấy tánh, tâm sát liền trừ, nghiệp sau cũng không thể trói buộc được. Cho nên 27 vị tổ ở Tây Trúc chỉ truyền nhau tâm ấn. Nay ta đến cõi nầy cũng chỉ truyền Đốn giáo Đại Thừa chính tâm mình là Phật, chớ chẳng nói đến giữ giới, tinh tiến, khổ hạnh. Nhẫn đến vào nước vào lửa, leo lên gươm đao, ăn một ngày một bữa, ngồi hoài chẳng nằm, hết thảy những cái ấy đều là pháp hữu vi ngoại đạo.
Nếu rõ được cái tánh linh giác chính là tánh Phật, Phật trước Phật sau chỉ nói truyền tâm chớ không có pháp nào khác. Nếu rõ được tâm này dầu phàm phu không biết một chữ cũng vẫn là Phật. Nếu chẳng rõ tự tánh linh giác của mình, dẫu cho đem thân này tán ra tro bụi để tìm Phật rốt cũng chẳng được gì.
Phật cũng gọi là pháp thân, cũng gọi là bổn tâm. Tâm nầy không hình tướng, không nhân quả, không gân cốt. Vốn như hư không, bắt chẳng được; chớ không phải như vật chất, không phải như ngoại đạo nói. Tâm này chỉ trừ Như Lai ra, hết thảy chúng sanh đều mê muội, đều chẳng tỏ ngộ. Nhưng tâm này không phải lìa cái thân vật chất nầy. Nếu thân tứ đại nầy mà lìa tâm là không có sự sống, làm sao có biết! Nhẫn đến nói năng vận động, thấy nghe hay biết đều là cái động dụng của tâm.
Động là tâm động, dụng là tâm dụng. Ngoài động dụng không tâm, ngoài tâm không động dụng. Động chẳng lìa tâm, tâm chẳng lìa động. Lìa động không tâm, lìa tâm không động. Động là tâm dụng, dụng là tâm động. Động tức tâm dụng, dụng tức tâm động. Chẳng động chẳng dụng, dụng và thể vốn không, không vốn không động. Động dụng do tâm tâm vốn không động.
Nên kinh nói: “Động nhưng không chỗ động. Suốt ngày đi đến nhưng chưa từng đi đến, suốt ngày thấy nhưng chưa từng thấy, suốt ngày cười nhưng chưa từng cười, suốt ngày nghe nhưng chưa từng nghe, suốt ngày biết nhưng chưa từng biết, suốt ngày mừng nhưng chưa từng mừng, suốt ngày đi nhưng chưa từng đi, suốt ngày đứng nhưng chưa từng đứng.” Nên kinh nói: “bặt đường nói năng dứt hết nơi chỗ, thấy nghe hay biết vốn tự tròn vắng, nhẫn đến giận mừng, đau ngứa nào khác người gỗ, chỉ vì suy tìm cái đau ngứa không thể được”.
Nên kinh nói “nghiệp ác thì được báo khổ, nghiệp thiện thì được báo vui”; chớ không phải chỉ sân bị đọa địa ngục, mừng được sanh thiên. Nếu rõ được cái tánh mừng giận vốn không, chỉ đừng chấp nghiệp là giải thoát. Nếu chẳng thấy tánh, giảng kinh quyết không bằng cứ.
Nói không sao cho hết, chỉ đại lược tà chánh đôi điều mà thôi.
[Tụng rằng:]
Tâm tâm tâm không thể tìm
Rộng cùng khắp pháp giới,
Hẹp chẳng chứa đầu kim
Ta vốn cầu tâm chẳng cầu Phật,
Biết rõ ba cõi rỗng không vật.
Nếu muốn cầu Phật chỉ cầu tâm
Chỉ tâm nầy, tâm nầy mới là Phật.
***
Ta vốn cầu tâm, tâm tự trì.
Cầu tâm chẳng được, tự tâm hay.
Tánh Phật chẳng từ ngoài tâm được
Tâm sanh là lúc tội sanh rồi.
[Kệ rằng:]
Ta vốn đến cõi nầy,
Truyền pháp cứu mê tình,
Một hoa nở năm cánh
Kết quả tự nhiên thành.
[ Luận Huyết Mạch của Tổ Đạt-Ma đến đây là hết. ]
Vả chăng, Đạo là lấy vắng lặng làm thể. Tu là lấy lìa tướng làm tông. Nên kinh nói: Vắng lặng là Bồ-Đề, vì dứt hết các tướng. Phật có nghĩa là giác. Người có tâm giác được Đạo Bồ-Đề nên gọi là Phật.
Kinh nói: Lìa tất cả các tướng là danh hiệu chư Phật. Thế mới biết: Có tướng là tướng mà không tướng. Không thể dùng mắt thấy, chỉ có thể dùng trí biết.
Ai nghe pháp này mà sanh một niệm lòng tin, phải biết người đó đã phát tâm đại thừa, siêu ba cõi. Ba cõi tức là tham, sân, si. Đổi tham sân si ra thành giới, định, huệ tức gọi là siêu ba cõi.
Nhưng tánh của tham, sân, si cũng không thật, chỉ tùy thuận chúng sanh mà nói vậy thôi. Nếu ai có thể soi trở vào trong thì thấy rõ tánh của tham, sân, si tức là tánh Phật. Ngoài tham, sân, si không có tánh Phật nào khác. Kinh nói: Chư Phật từ xưa đến nay thường ở trong ba độc để nuôi lớn pháp giải thoát mà thành Thế Tôn. Ba độc là tham, sân, si đó.
Nói đại thừa, Tối thượng thừa đều là nói chỗ sở hành của Bồ-Tát. Không chỗ thừa, không chỗ chẳng thừa. Suốt ngày thừa, mà chưa từng thừa, đó là Phật thừa. Kinh nói: "Không thừa là Phật thừa đó".
Nếu ai biết được sáu căn không thật, năm uẩn giả danh, khắp thân tìm cầu hết thảy đều không có chỗ nhất định. Phải biết người đó rõ được nghĩa Phật nói. Kinh nói: Hang ổ của năm uẩn là Thiền viện. Soi trở vào trong được tỏ ngộ là môn đại Thừa, há chẳng rõ lắm sao! Chẳng chứa tất cả pháp gọi là Thiền định. Nếu rõ được câu này thì đi đứng nằm ngồi đều là Thiền định.
Biết tâm là không, gọi là thấy Phật. Vì sao thế? Vì mười phương chư Phật đều là vô tâm.
Chẳng thấy tâm gọi là thấy Phật.
Lìa chấp thân chẳng tiếc gọi là đại bố thí.
Lìa các động tịnh gọi là đại toạ thiền.
Vì sao thế? Vì phàm phu một niềm chấp động, Tiểu thừa một niềm chấp định. Nếu vượt khỏi cái tọa thiền của Tiểu thừa và phàm phu thì gọi là đại tọa thiền. Nếu nhận được như thế thì tất cả các tướng chẳng tìm cũng tự rõ, tất cả các bịnh chẳng trị cũng tự khỏi. Đó là nhờ sức đại thiền định.
Phàm ai đem tâm mà cầu pháp đều là mê, chẳng đem tâm cầu pháp là ngộ. Chẳng đắm chấp văn tự gọi là giải thoát. Chẳng nhiễm sáu trần gọi là hộ pháp. Lìa khỏi sanh tử gọi là xuất gia. Chẳng thọ báo sau này gọi là đắc Đạo. Chẳng sanh vọng tưởng gọi là Niết Bàn. Chẳng kẹt trong vô minh gọi là đại trí huệ. Ðến chỗ không phiền não gọi là Bát Niết Bàn. Đến chỗ không có tướng tâm gọi là qua bờ bên kia.
Khi mê thì có bờ bên đây. Khi ngộ rồi thì bờ bên đây cũng không có. Vì sao thế? Vì phàm phu một niềm chấp bên đây, nếu tỏ ngộ được pháp Tối thượng thừa thì tâm chẳng trụ bên đây cũng chẳng trụ bên kia, nên lìa được cả đây kia vậy. Nếu thấy bờ bên kia chẳng khác hơn bờ bên đây, cái tâm của người ấy đã được cái định vô thiền.
Phiền não gọi là chúng sanh, tỏ ngộ gọi là Bồ Ðề, cũng chẳng một chẳng khác, chỉ khác nhau ở mê ngộ.
Khi mê có thế gian để ra khỏi, khi ngộ không có thế gian để ra.
Trong pháp bình đẳng chẳng thấy phàm phu khác với thánh nhơn.
Kinh nói: Pháp bình đẳng nghĩa là phàm phu không thể nhập, Nhị thừa không thể hành. Chỉ có bực đại Bồ-Tát và chư Phật Như Lai có thể hành mà thôi. Nếu thấy sanh khác với tử, động khác với tĩnh, đều gọi là chẳng bình đẳng. Chẳng thấy phiền não khác với Niết Bàn, thế mới gọi là bình đẳng. Vì sao thế? Vì phiền não và Niết Bàn cùng một tánh không. Cho nên người Nhị thừa vọng dứt trừ phiền não, vọng nhập Niết Bàn, tự tạo Niết Bàn để trói buộc. Còn Bồ-Tát biết được tánh phiền não vốn không, nên chẳng lìa không, thường ở Niết Bàn.
Niết Bàn nghĩa là khơi mà chẳng sanh, tịch mà chẳng chết, vượt khỏi sanh tử là Bát Niết Bàn. Tâm không có đi và đến là nhập Niết Bàn. Thế mới biết Niết Bàn tức là tâm không.
Chư Phật nhập Niết Bàn là ở chỗ không vọng tưởng, Bồ-Tát vào đạo tràng là không tham sân si vậy. Tham là cõi Dục, sân là cõi Sắc, si là cõi Vô sắc.
Nếu một niệm tâm sanh liền vào ba cõi, một niệm tâm diệt là ra ba cõi. Thế mới biết: Ba cõi sanh diệt, vạn pháp có không đều do một tâm. Phàm nói một pháp là cũng giống như đập ngói gạch, chẻ tre vô tình.
Nếu biết được tâm chỉ là giả danh, tạm gọi chớ không có tướng, thì liền biết cái tâm của tự mình cũng không phải có, không phải không. Vì sao thế? Vì phàm phu một niềm sanh tâm gọi là có, Tiểu thừa một niềm diệt tâm gọi là không. Còn Bồ-Tát và Phật chưa từng sanh tâm cũng chưa từng diệt tâm, cho nên gọi là không phải có không phải không. Chỗ này cũng gọi là Trung Đạo.
Thế mới biết: Chấp tâm học pháp thì cả tâm lẫn pháp đều mê. Đừng chấp tâm mà học pháp thì cả tâm và pháp đều ngộ. Phàm mê nghĩa là mê ở trong ngộ, ngộ là ngộ ở trong mê.
Con người chánh kiến biết được tâm vốn rỗng không liền siêu mê ngộ. Như thế mới gọi là thấy biết đúng.
Sắc chẳng tự sắc, do tâm nên có sắc.
Tâm chẳng tự tâm, do sắc nên có tâm.
Thế mới biết tâm và sắc, cả hai cùng nương nhau sanh diệt.
Có là có ở trong không.
Không là không ở trong có.
Thế gọi là thấy đúng.
Vả chăng, nếu thật thấy là không chỗ chẳng thấy, cũng không chỗ thấy.
Tuy thấy khắp mười phương, nhưng chưa từng có thấy.
Vì sao thế? Vì không chỗ thấy, vì thấy được cái không thấy, vì thấy không phải thấy. Cái mà phàm phu gọi là thấy ấy đều là vọng tưởng cả.
Nếu vắng lặng không chỗ thấy mới gọi là thấy thật.
Tâm và cảnh đối nhau, cái thấy trong đó phát sanh.
Nếu trong chẳng khởi tâm thì ngoài chẳng sanh cảnh, cảnh và tâm đều vắng lặng, như thế ấy mới gọi là thấy thật.
Chẳng thấy tất cả các pháp mới gọi là được Đạo. Chẳng biết tất cả các pháp mới gọi là tỏ pháp.
Vì sao thế ? Vì thấy cùng chẳng thấy đều là chẳng thấy.
Hiểu cùng chẳng hiểu đều là chẳng hiểu. Cái thấy không phải thấy mới gọi là thật thấy. Cái hiểu không hiểu mới gọi là hiểu rộng lớn.
Vả chăng, thấy đúng nghĩa là không phải cái thấy có thấy, mà là cái thấy trong không thấy. Thật hiểu nghĩa là không phải cái hiểu trong có tướng, mà là cái hiểu trong không có tướng. Phàm hễ có cái bị biết đều là gọi là chẳng biết. Không có cái bị biết mới gọi là thật biết. Kinh nói: Chẳng bỏ trí huệ gọi là ngu si. Nếu tâm là không, hiểu cùng chẳng hiểu đều là thật cả. Nếu tâm là có, hiểu cùng chẳng hiểu đều là vọng.
Nếu tỏ ngộ thì pháp theo người.
Nếu chẳng tỏ ngộ thì người theo pháp.
Nếu pháp theo người thì phi pháp trở thành pháp, hết thảy pháp đều chơn.
Nếu người theo pháp thì pháp trở thành phi pháp, hết thảy pháp đều trở thành vọng.
Cho nên thánh nhơn chẳng đem tâm mà cầu pháp, cũng chẳng đem pháp mà cầu tâm, cũng chẳng đem tâm mà cầu tâm, đem pháp cầu pháp. Cho nên tâm chẳng sanh pháp, pháp chẳng sanh tâm. Tâm pháp thường vắng lặng nên thường ở trong định.
Tâm chúng sanh sanh thì pháp Phật diệt. Tâm chúng sanh diệt thành pháp Phật sanh.
Nếu đã biết tất cả pháp đều chẳng có tự tánh riêng, thế gọi là người có Đạo. Biết tâm chẳng thuộc về của riêng của các pháp. Đó là người thường ở Đạo tràng.
Khi mê có tội, ngộ rồi không tội. Vì sao thế ? Vì thể tánh tội vốn không?
Kinh nói: Các pháp không có tự tánh riêng, thật dụng chớ nghi, nghi liền thành tội.
Vì sao thế? Vì tội do nghi hoặc mà sanh.
Nếu rõ được như vậy thì tội nghiệp đời trước liền tiêu diệt.
Khi mê thì sáu thức năm ấm đều là pháp phiền não sanh tử. Khi ngộ thì sáu thức năm ấm đều là pháp Niết Bàn không sanh tử.
Người học đạo chớ nên tìm Đạo ở ngoài. Vì sao thế? Vì biết tâm là Đạo.
Nếu khi được tâm, không có tâm có thể được.
Nếu khi được Đạo, không có Đạo có thể được.
Nếu nói đem tâm cầu đạo mà được, thì gọi là tà kiến.
Khi mê có Phật có pháp.
Khi ngộ không Phật không pháp.
Vì sao thế? Vì ngộ tức là Phật, là pháp. Vả chăng tu nghĩa là diệt cái thấy có thân riêng thì Đạo thành. Cũng như hột giống nứt vỏ thì cây nẩy mầm.
Cái thân sanh tử nghiệp báo luôn luôn vô thường; là pháp không nhất định, chỉ tùy niệm mà tu, cũng không nên chán sanh tử hay thích sanh tử. Chỉ làm sao trong tâm đừng vọng tưởng, thì khi sống nhập được Hữu-Dư Niết Bàn, khi chết vào được Vô Sanh Pháp nhẫn.
Khi mắt thấy sắc chẳng nhiễm sắc, tai nghe tiếng chẳng nhiễm tiếng thì đều là giải thoát. Mắt chẳng đắm sắc thì mắt là cửa lễ, tai cũng vậy.
Nói tóm lại, khi thấy sắc mà thấy được đến tánh của sắc thì không nhiễm, thường giải thoát. Nếu mắc kẹt ở tướng của sắc là thường bị trói buộc. Nếu chẳng bị phiền não bị trói buộc thì gọi là giải thoát, chớ không có giải thoát nào khác hơn.
Người khéo quán sắc, sắc chẳng sanh tâm, tâm chẳng sanh sắc, thì sắc và tâm đều thanh tịnh.
Khi không vọng tưởng
thì một tâm là một cõi Phật. Khi vọng tưởng
khởi thì một tâm là một cõi địa ngục.
TIN LIÊN QUAN