Với đức tin, Bồ Tát Thường Bất Khinh tin tưởng
tuyệt đối vào khả năng thành Phật ở nơi chính mình và mọi người. Ngài tin như
thế, nên Ngài sống như thế, Ngài nói như thế và Ngài làm như thế, chứ không thể
nào sống khác, nói khác và làm khác. Với tấm lòng chân thực, Bồ Tát Thường Bất Khinh đã
thiết lập tấm lòng này trên căn bản của đức tin Phật thừa. Do tin như vậy, nên
Ngài sống như vậy và trải tấm lòng như vậy, với mọi người bất cứ lúc nào, và
bất cứ ở đâu.
Với sự kiên trì nhẫn nhục, Bồ Tát Thường Bất Khinh
cũng đã thiết lập chất liệu này trên nền tảng của đức tin Phật thừa, với sự soi
rọi của tuệ giác và từ bi. Nên, sự kiên trì, nhẫn nhục của Ngài không phải là
một kẻ bất lực, hèn yếu và thua cuộc. Trái lại, sự kiên trì, nhẫn nhục ấy là
sức mạnh của tuệ giác và năng lượng của từ bi.
Nhẫn nhục mà có nội dung của sự chịu đựng khổ đau,
sự nhẫn nhục ấy không phải là sự nhẫn nhục của Bồ Tát Thường Bất Khinh. Vì sao?
Vì sự nhẫn nhục như vậy, chứng tỏ rằng, những khổ đau của mình đang bị đàn áp.
Hễ có đàn áp tức là có phản ứng. Như vậy, mình đang chiến tranh với chính mình
dưới một tác dụng khác âm ỉ và sẽ khốc liệt hơn khi có cơ hội.
Trái lại, nhẫn nhục mà có nội dung của tuệ giác và
tình thương, thì sự nhẫn nhục ấy sẽ tạo nên chất liệu an lạc và hạnh phúc, tạo
nên chất liệu vững chãi và hùng tráng. Thực hiện hạnh nhẫn nhục tức là phải biết mở to
đôi mắt ra để nhìn sâu rộng vào mọi vấn đề, chứ không phải nhẫn nhục là co lại
không dám nhìn bất cứ một cái gì.
Sự hiểu biết sâu và rộng, thì không còn có bất cứ
một sự đối kháng nào về mặt kiến thức, tri thức và tranh luận. Ví như, sự sâu rộng của biển là làm chỗ cho mọi
con sông đổ về, dù bao nhiêu con sông có đổ về, thì biển cũng dung chứa mà
không hề phản ứng, giận dữ hay tranh cãi gì với chúng.
Nên, thực hành hạnh nhẫn nhục là mở to đôi mắt để
nhìn sâu và rộng vào mọi vấn đề, để mỗi khi mọi vấn đề khúc mắc của bản thân và
xã hội đi vào trong đời sống của ta, thì chúng đều bị sự hiểu biết sâu rộng ở
trong ta chuyển hóa. Và thực hành hạnh nhẫn nhục, không nên hiểu là sự
chịu đựng, khi bị con dao đâm vào trái tim, theo ngôn ngữ biểu tượng của Hán,
mà thực hành hạnh nhẫn nhục là phải mở tung trái tim ra, mở tung cõi lòng ra.
Cõi lòng càng khép lại, khi gặp sự đối kháng, thì tiếng nổ và tiếng vang dội
càng lớn.
Bởi vậy, người càng ích kỷ bao nhiêu, thì sự sân
si và giận dữ của họ, lại càng bén nhạy bấy nhiêu và họ là đối tượng cho mọi
con dao thế gian đâm vào. Thực hành hạnh nhẫn nhục là sống với đôi bàn tay
và tấm lòng chân thực mở rộng. Nên, nhẫn nhục là hạnh khó làm bậc nhất.
Hạnh ấy là một trong những hạnh căn bản của sự
thực tập, để thành tựu tuệ giác vô thượng và làm lợi ích cho đời. Hạnh ấy là
phép lạ của mọi sự thành công. Nhưng, nhẫn nhục thành công là nhờ luôn luôn có
mặt của hạnh Bất Khinh, nên với hạnh Bất Khinh, Bồ Tát Thường Bất Khinh đã biểu
lộ sự cẩn trọng tuyệt đối của mình, ngay trong từng giây phút của sự sống,
nghĩa là Bồ Tát không khinh suất, bất cứ ai, dù người đó đã từng hủy báng mình,
đã từng ném đá vào mình. Và quan trọng hơn hết là Bồ Tát không khinh suất bất
cứ một động tác nào của mình, nên bất cứ động tác nào của Bồ Tát cũng là động
tác của sự cẩn trọng.
Đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng hành xử, kính lễ đều an trú
một trăm phần trăm trong sự cẩn trọng. Do thực hành hạnh bất khinh hay hạnh cẩn
trọng, mà Bồ Tát đã thành tựu về các mặt Tín, Tấn, Niệm, Định và Tuệ, và cũng
do thực hành hạnh bất khinh và cẩn trọng, mà Bồ Tát đã không làm cho ai bị khổ
đau bởi một cử chỉ nhỏ nhặt của Ngài.
Nên, Bồ Tát xuất hiện giữa cuộc đời để giúp đời
bằng chất liệu bất khinh và sự cẩn trọng của chính mình. Bất khinh là bố thí
cho đời bằng sự cẩn trọng và sự khiêm tốn, nên bất khinh là thực hành Bố thí
độ; bất khinh thì không có điều ác nào là không nhiếp phục, không có điều thiện
nào là không khởi sinh, nên bất khinh là thực hành Trì giới độ; bất khinh thì
không có gì để sơ suất giận dữ, để oán ghét và chịu đựng, nên bất khinh là thực
hành Nhẫn nhục độ; bất khinh thì chỉ có đi tới, không còn có sự thối lui, nên
bất khinh là thực hành Tinh tấn độ; bất khinh thì không mất chánh niệm, không
mất định tĩnh khi tiếp xúc với mọi đối tượng thuận nghịch, nên bất khinh là
thực hành Thiền định độ và bất khinh thì không còn ngộ nhận, không còn thiếu
sót, không còn sân hận, không còn sai lầm, nên bất khinh là thực hành Trí tuệ
độ.
Bất khinh thì không còn kiêu mạn. Kiêu mạn không
còn là ngã chấp đã đoạn. Bất khinh thì sự phân biệt kỳ thị không còn. Sự phân
biệt và kỳ thị không còn là pháp chấp đã đoạn. Chấp ngã và chấp pháp không còn, là ta đã thể nhập
vào thực tại vô biên của sự sống, đó là đời sống hay thọ mạng của Như Lai.\
Nên, bất khinh là khởi đầu cho hạnh thực tập và
thường bất khinh là kết quả viên mãn của sự thực tập. Thường bất khinh là Phật
tính, thực tập hạnh bất khinh là đi về và sống với Phật tính. Nói rõ hơn, thực tập hạnh bất khinh là thực tập
hạnh Pháp Hoa và Thường Bất Khinh chính là đời sống của Pháp Hoa vậy. Hạnh ấy là phép lạ của mọi sự hoàn thiện, và đời
sống ấy là đời sống diệu thường giữa những sinh hoạt bình thường của thế gian
và của con người.
Bồ Tát Thường Bất Khinh đã có đức tin tuyệt đối
vào khả năng thành Phật của chính mình và khả năng thành Phật của mọi người,
nên đem hết tấm lòng chân thật mà kính lễ, ca ngợi đức tính ấy của mọi người và
dập tắt lòng kiêu mạn ở nơi chính mình bằng hạnh bất khinh. Nên, hạnh Thường Bất Khinh là con đường chuyển
hóa, khiến cho đời sống của Bồ Tát ấy sáng rực Pháp Hoa, và Ngài đã chuyển vận
ánh sáng ấy xuyên suốt mọi thời kỳ và đến nay vẫn còn bất diệt, vẫn tiếp tục
dẫn lối đưa đường cho mỗi chúng ta và là hướng đi cho mọi thời đại.
Thời đại ngày nay của chúng ta có nhiều sự kỳ thị
và bất công là do trong thời đại của chúng ta có quá nhiều người ích kỷ và cao
ngạo. Cao ngạo về giàu có, cao ngạo về khoa học kỹ thuật, cao ngạo về vũ khí,
cao ngạo về trí thức, cao ngạo về chủ thuyết, cao ngạo về văn hóa, cao ngạo về
tôn giáo. Do những cao ngạo ấy, mà trong thế giới của chúng ta ngày nay có
nhiều kỳ thị, bất công và bạo động, và đã có nhiều người, nhiều quốc gia hành
xử với con người, với thế giới bằng sự ích kỷ và cao ngạo như vậy, nên sông hận
sôi mãi, lửa hận cháy mãi, khói hận bốc mãi.
Nên, ta hãy biến Bồ Tát Thường Bất Khinh ở trong
kinh Pháp Hoa, thành Bồ Tát Thường Bất Khinh ở trong đời sống của mỗi chúng ta,
cũng như trong thời đại của chúng ta, để cho chúng ta không bị lung lay về đức
tin, nghèo nàn về tuệ giác, bạc nhược về ý chí, cạn cợt về thương yêu, sơ suất
trong hành xử và để cho đời sống của chúng ta, cũng như thời đại của chúng ta,
sông hận lắng yên, lửa hận tắt ngúm, khói hận trở thành mây lành, mọi hành xử
của chúng ta không bị rơi vào ngõ cụt, mà cùng nhau sống trong tính thể bất khinh,
hòa điệu và sáng đẹp vô cùng.