;
Bố thí, cúng dường là một trong những hạnh tu căn bản và phổ biến của hàng Phật tử. Tuy nhiên, để công đức bố thí cúng dường được trọn vẹn và đủ đầy thì người thực hành hạnh thí xả cần phát huy tuệ giác, bố thí đúng thời. Dâng, cho, trao tặng những thứ mà người nhận thật sự cần, ngay thời điểm ấy.
Ông cha ta cũng đã đúc kết kinh nghiệm bố thí đúng thời bằng câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Dĩ nhiên đã bố thí thì có phước nhưng nếu biết bố thí đúng lúc, đúng thời thì sẽ giá trị hơn, phước báo nhiều hơn.
Theo Thế Tôn, bố thí đúng thời có năm việc, thể hiện có sự cân nhắc và chọn lọc trong quyết định bố thí. Ngoài tấm lòng thí xả, người thí cần có tuệ giác, sự tôn kính và nhất là tâm nguyện thí xả không thối chuyển, ngay cả trong những lúc nghèo thiếu.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Bố thí đúng thời có năm việc: Bố thí cho người từ xa lại; bố thí cho người đi xa; bố thí cho người bệnh; lúc thiếu mà bố thí; nếu lúc được cây trái mới, hoặc ngũ cốc mới thì trước đem cho người trì giới tinh tấn, sau đó mình mới ăn. Ðó là, này Tỳ-kheo! Bố thí đúng thời có năm việc này.
Thế Tôn liền nói kệ:
Người trí ứng thời thí
Lòng tin không đoạn dứt
Ở đây chóng hưởng vui
Sanh trời, các đức đủ.
Tùy thời, nhớ bố thí
Thọ phước như vang ứng
Trọn đã không nghèo thiếu
Nơi sanh thường phú quý.
Thí là đủ mọi hạnh
Ðược đến vị vô thượng
Nhớ thí không khởi tưởng
Hoan hỷ bèn tăng thêm.
Trong tâm sanh niệm này
Ý loạn trọn không còn
Biết rằng thân an lạc
Tâm liền được giải thoát.
Thế nên người có trí
Chẳng kể nam hay nữ
Nên hành năm thí này
Không mất phương tiện đúng.
Thế nên, các Tỳ-kheo! Nếu có thiện nam, tín nữ, muốn hành năm việc này thì hãy nhớ tùy thời thí. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Thiện tụ, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.246)
Thường thì người mới đến họ rất cần các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống, người đi xa thì cần chuẩn bị đầy đủ hành trang để lên đường. Nhất là đối với đời sống du hành của các vị xuất gia thì đây là thời điểm chư vị rất cần sự ngoại hộ của hàng cư sĩ.
Với người bệnh thì sự giúp đỡ càng cần thiết hơn. Họ rất cần thuốc men, ăn uống, săn sóc, và nhất là sự động viên chia sẻ về tinh thần. Khi khỏe mạnh, dù khó khăn hay trở ngại đến mấy cũng có thể kham nhẫn được. Nhưng khi bệnh tật thì thân đau tâm khổ, nếu khó khăn chật vật không có phương tiện chữa trị lại càng khổ hơn. Nên mọi sự giúp đỡ của chúng ta, từ vật chất cho đến tinh thần, đều có ý nghĩa rất lớn đối với người bệnh.
Khi mới thu hoạch mùa màng, đem những nông sản đầu mùa tinh khôi nhất dâng cúng lên chư Tăng để tỏ lòng tôn kính hoặc mang biếu mời bà con làng xóm dùng lấy thảo trước, sau đó mới thọ dụng nhằm thể hiện sự tri ân. Đây cũng là một nét văn hóa thảo thơm lâu đời trong các cộng đồng cư dân nông nghiệp. Cái ân tình thơm thảo qua lại này đã gắn kết tình làng nghĩa xóm và cộng đồng an hòa, bền vững.
Đặc biệt gặp lúc khó khăn như dịch bệnh hiện nay nhưng nếu thấy cần thiết thì vẫn phát tâm bố thí, sẻ chia trong tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Điều này vốn không dễ làm nhưng vẫn có người làm được. Bố thí trong thời điểm khó khăn thể hiện tâm nguyện người thí mạnh mẽ, trí tuệ người thí đã thông tỏ lẽ thịnh suy, tạm bợ của con người và cuộc đời nên được phước vô lượng.