;
XƯỚNG là cách đọc chậm rãi những bài kệ, đoạn kinh ca ngợi Tam bảo bằng giọng trang nghiêm thành kính.
HÔ là một điệu ngâm mạnh mẽ đầy hùng lực với mục đích “chuyển mê khai ngộ” đưa hành giả vào sự định tâm.
Ví dụ : Hô thiền hay hô canh được thục hiện vào trước các buổi tọa thiền sáng sớm hay chiều tối.
KỆ Cũng là một điệu ngâm với âm điệu dịu dàng ngân nga để phát triển lòng từ bi và trí tuệ.Kệ đại hồng chung mỗi sáng và tối cũng như kệ trống vào lúc sáng tinh sương để thức tỉnh người nghe.
THÁN là một điệu ngâm sử dụng làn hơi dài và có tính chất”ai” (bi ai) để diễn tả cảnh vô thường, sớm còn tối mất. Hơi “ai” ở đây cũng chừng mực không bi lụy, âm điệu có hơi buồn để giúp người phản tỉnh đi vào nội quán.
ÐỘC hay tuyên đọc là cách đọc chậm rải, rõ ràng, ngân nga ở những chỗ cuối câu như đọc sớ, đọc văn tế......Năm điệu trên chỉ do một người thực hiện, còn các thể điệu dưới đây do đại chúng hành trì: Tán, tụng, trì, niệm.
TÁN là một điệu hát ca ngợi Phật pháp, âm hưởng nhiều của dân nhạc từng miền. Ðiệu tán các miền Trung, Nam, Bắc khác nhau: Tại miền Bắc chịu ảnh hưởng sâu đậm dân nhạc địa phương như hát chèo, quan họ.v.v...Tại miền Nam cũng thế, chúng ta tìm thấy hơi hướng các điệu hò, điệu ru của dân nhạc đồng bằng sông Cửu long. Còn ở miền Trung chịu ảnh hưởng sâu đậm dân nhạc của xứ Huế pha lẫn ít nhiều nhạc cung đình nên có rất nhiều điệu tán:
---TÁN RƠI là điệu hát dùng hơi dài với nhịp lơi, ngân nga trầm bổng để diễn tả các bài kệ hay một đoạn kinh.
---TÁN XẤP là dùng làn hơi ngắn hơn, xử dụng nhịp ngắn để diễn tả các bài tán thán chư Phật.
---TÁN TRẠO cũng dùng làn hơi ngắn như tán xấp nhưng nhịp mõ đánh trường canh, đều đặng. Âm điệu có hơi “ai” và chịu ảnh hưởng sâu đậm của các điệu hò Huế.
TỤNG là cách đọc lớn tiếng, trang nghiêm, thành kính, âm điệu trầm thấp, nhịp điệu đều đặng theo sự hướng dẫn của tiếng mõ, có thể tụng theo hai cách:
---Tụng theo hơi thiền: là tụng đều đặng, không lên xuống trầm bổng, âm điệu hùng mạnh nhịp mõ đánh đều và hơi nhanh, khiến hành giả chú tâm vào lời kinh tiếng kệ,
tập trung tư tưởng vào dòng âm thanh liên tục để phát triển tuệ giác.
---Tụng theo hơi “ai”: là tụng lên xuống trầm bổng, ngân nga chậm rải, hành giả quán tưởng đến vô thường, khổ, vô ngã để phát triển tâm từ bi cứu độ. Ở đây chúng ta cần phân biệt giữa tụng và đọc.
Tụng kinh là phương pháp thiền dùng âm thanh để phát triển trí tuệ giải thoát. còn đọc kinh để nghiên cứu nghĩa lý thâm diệu của Phật pháp. Do đó trong khi tụng kinh, việc hiểu kinh không phải là vấn đề quan trọng, nhưng vấn đề chính yếu là ở tâm thành, tập trung hết tư tưởng vào lời kinh tiếng kệ, qua những âm điệu trầm bổng giúp chúng ta tìm được sự định tâm là nguồn an lạc giải thoát. Các bản kinh chúng ta sử dụng phần nhiều chữ Hán. Các bản dịch này do các Ðại sư uyên thâm Phật pháp và văn tài quán thế chuyển âm, do đó lời kinh trang trọng, âm điệu dồi dào, ý tứ sâu sắc. Các bản văn này cũng được viết theo thể biền văn, tuy là văn vần, nhưng khi đọc lên có âm điệu trầm bỗng. Nên người ta đọc kinh bằng Hán văn dễ cảm mến hơn. Còn các bản dịch ra quốc ngữ phần lớn thì dễ đọc dễ hiểu, nhưng không giữ được âm điệu của nguyên văn. Nếu chúng ta có được một bản dịch không những lời hay, nghĩa đúng mà còn giữ được âm vận của nguyên tác, thì đó là một sự chuyển âm hoàn hảo.
TRÌ là cách đọc liên tục đều đặng các câu thần chú. Có khi đọc ra tiếng, nhưng cũng có lúc đọc thầm. Các câu thần chú là các danh hiệu của các vị Phật, Bồ tát. Do đó vấn đề dịch nghĩa là điều không cần thiết. Trì chú là phương pháp trực giác để cảm nhận các thanh âm linh thiêng của nội tâm và của vũ trụ, con đường này vượt qua lý trí; tâm tư chỉ tập trung vào các thanh âm mà không cần đến ngữ nghĩa. Các câu chú này kết hợp kỳ diệu các âm lại với nhau để khi đọc lên, âm ba của các thanh âm này tác động vào các huyệt chính trên đầu mang lại cho hành giả những cảm giác sảng khoái, sự kính tín và sự định tâm. Những âm ba này như tiếng sóng dạt dào, miên man bất tận, hết đợt sóng này đến đợt sóng khác tiếp tục vổ mạnh vào tâm thức của hành giả,cho đến lúc tâm thức si ám vỡ ra để ánh dương quang của sự giác ngộ chói sáng như chú gà con phá vỡ vỏ trứng để bước vào thế giới mênh mông của sự sống.
Uy lực của thần chú vô cùng lớn lao, có thể dứt trừ chướng nghiệp, tiêu tai giải nạn, tăng trưởng khả năng giác ngộ giải thoát.
NIỆM có nhiều cách niệm khác nhau:
---Tụng niệm: là đọc danh hiệu của các vị Phật, Bồ tát thành tiếng hoặc niệm thầm.
---Niệm tưởng: là đọc danh hiệu lên đồng thời quáng tưởng đến hình tướng của vị Phật hay Bồ tát đó.
---Trì danh niệm Phật: các chùa Việt nam thường hành trì phương pháp này, tụng niệm danh hiệu, có khi niệm với âm điệu trầm hùng, nhưng cũng có khi niệm với âm điệu trầm bỗng.
---Ngũ hội niệm Phật: các chùa Trung quốc có lối niệm này rất hay. Cách niệm khi nhanh khi chậm, lúc trầm lúc bổng...âm thanh ngân nga, dìu dặt,khiến người nghe tưởng chừng như đang thưởng thức thiên nhạc tại thế giới cực lạc. Sự hành trì của niệm Phật cũng gần như lối trì chú, nghĩa là trì niệm đến chỗ”nhất tâm bất loạn”, Các thanh âm của danh hiệu Phật, Bồ tát vang lên cùng với sự hiển hiện của các ngài trước mắt. Hành giả không còn thấy người niệm cũng như đối tượng được niệm, tất cả hòa tan vào nhau trong một nguồn sáng vô biên, những âm thanh trầm hùng bất diệt như tiếng sóng biển, vang dội đến tận cùng tâm thức,phá tan đi những vọng tưởng điên đảo để hiển lộ mặt trời giác ngộ./.
MT sưu tầm