;
Đức Phật đã từng nhắc nhở rằng hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật. Trên nền tảng coi trọng hiếu đễ như vậy, ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên được Đức Phật xếp vào một trong bốn trọng ơn mà hàng đệ tử phải luôn ghi nhớ và thể hiện trong nếp sống tu tập.
Như vậy, có thể khẳng định đạo Phật là đạo hiếu thảo, không phải như nhiều người hiểu lầm, nghĩ rằng người xuất gia lìa bỏ gia đình là bất hiếu. Ý nghĩ sai lầm này bắt nguồn từ ảnh hưởng Nho giáo, theo đó chủ trương sanh con nối dõi tông đường, chống giặc, hết lòng phò vua, giúp nước mới là có hiếu.
Tôn giả Mục Kiền Liên chọn cách chấm dứt sinh mạng
để hóa giải hận thù của ngoại đạo - Tranh vẽ Phật giáo Lào
Đạo Phật là đạo giác ngộ, tức sử dụng sự hiểu biết sáng suốt để thấy được nên báo hiếu bằng cách nào mới thực sự trả được ơn nặng của cha mẹ, tổ tiên, thấy được nên phò vua giúp nước như thế nào cho có ý nghĩa, đạt hiệu quả tốt cho mình và người.
Thật vậy, nếu làm công việc nối nghiệp tổ tông mà sản sanh toàn những đứa con hư hỏng, phá làng hại nước thì chẳng báo hiếu được gì, còn làm tổn thương danh dự của cả dòng họ. Hoặc nếu ngu muội phò giúp ông vua tàn ác, ăn chơi sa đọa, chỉ làm khổ dân thì đắc tội hơn là có công. Hoặc hy sinh thân mình cho một cuộc chiến tranh vô nghĩa cũng không thể coi là giúp nước.
Đức Phật tuy bỏ ngôi vua, xuất gia hành đạo, không nối nghiệp vua cha Tịnh Phạn, nhưng phải khẳng định rằng Đức Phật là bậc đại hiếu. Thật vậy, với chí hướng thượng, xả thân tu hành, Ngài đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác, trở thành bậc Đạo sư của nhân loại khắp năm châu, được người người cung kính cúng dường, thờ phượng, đảnh lễ suốt thời gian dài hơn hai mươi lăm thế kỷ.
Nhắc đến tôn danh Phật, ôn lại cuộc đời Ngài thì người ta phải nhắc đến vua Tịnh Phạn, đến tổ tiên dòng họ Sakya. Đức Phật đã làm sáng danh vua Tịnh Phạn, làm cho người nhớ đến công ơn của dòng họ Ngài. Nếu không xuất gia tu hành đạt thành Chánh giác, không là bậc Thầy của trời người, mà cũng sống cuộc đời bình thường như bao nhiêu người khác, để tiếp nối ngôi vị đế vương thì ngày nay còn mấy ai biết đến mà nhắc nhở, khen ngợi dòng họ Sakya.
Hàng đệ tử xuất gia nối chí Phật tất yếu cũng mang trọng trách đền đáp ơn nghĩa. Ơn lớn cần báo đáp không chỉ giới hạn trong tình thâm cốt nhục, vì theo nhãn quan của Phật giáo soi sáng bằng trí tuệ, thấy được sự hiện hữu của mỗi người trên cuộc đời đều có mối tương quan mật thiết với cá nhân khác, với gia đình, với cộng đồng xã hội. Vì vậy, hạnh báo hiếu báo ơn của đệ tử Phật thường được diễn tả là “Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ”. Đó là hạnh nguyện báo hiếu cao độ, rộng lớn, thể hiện thành hạnh báo đáp bốn ơn trong mùa Vu lan là ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn xã hội và ơn Tam bảo.
Bên cạnh trách nhiệm đền đáp bốn ơn ấy, trên bước đường tu, đệ tử Phật còn cứu khổ chúng sanh trong ba đường ác. Nổi bật nhất là gương đại hiếu của Đức Mục Kiền Liên hết lòng cứu mẹ ra khỏi khổ nạn ngạ quỷ, được ghi lại trong kinh Vu lan bồn. Và hơn thế nữa, ngài còn làm rạng danh Phật pháp, tuẫn tiết như một Thánh giả.
Mục Kiền Liên là một trong mười Đại đệ tử của Phật, chỉ một tuần sau khi quy y Phật, Ngài đã đắc quả A-la-hán và nổi tiếng thần thông bậc nhất. Ngài trợ thủ đắc lực cho Đức Phật trong công việc hoằng hóa độ sanh. Nhưng một hôm, trên đường hành đạo, Tôn giả Mục Kiền Liên bị sát hại bởi bọn lõa hình ngoại đạo xô đá từ trên núi xuống. Không ít người thắc mắc tại sao Tôn giả không dùng thần thông để đối chọi lại với ngoại đạo mà lại để cho họ thảm sát như vậy.
Thiết nghĩ Tôn giả Mục Kiền Liên với tư cách của vị Thánh A-la-hán, Ngài đã thấu suốt ba đời nhân quả của kiếp sống mình và người. Từ sự thấy biết chính xác ấy, thấy được việc đáng làm, làm rồi sẽ kết thành quả tốt đẹp như thế nào, kể cả kết cuộc là chấm dứt mạng sống của chính mình, thì ngài cũng thanh thản chấp nhận.
Đức Phật cho biết Tôn giả Mục Kiền Liên đã biết lựa chọn cái chết có ý nghĩa, tác động cho nhiều người phát tâm trước Thánh hạnh cao cả ấy. Ngoài ra, cái chết của Ngài còn là bài pháp sống minh chứng sâu sắc tinh thần nhân quả, cốt lõi của giáo lý mà Đức Phật thường nhắc nhở.
Kinh điển đã ghi lại không ít trường hợp Tôn giả Mục Kiền Liên sử dụng thần thông để hàng phục ngoại đạo, như bắc cầu thất bảo sang sông hay chặn núi lại không cho ngoại đạo dời đi... Vậy mà cuối cùng ngài lại chấp nhận cho ngoại đạo xô đá đè chết một cách dễ dàng.
Phải chăng với trí tuệ của bậc Thánh giả, Mục Kiền Liên quán sát mối tương quan nhân quả nhiều đời, thấy rõ oan nghiệp của ngài từng gieo trồng với bọn ngoại đạo lõa thể. Vì vậy, Tôn giả lựa chọn phương cách trả túc nghiệp ấy bằng cách tự để yên cho họ giết. Điều này nói lên ý nghĩa Phật dạy khi nghiệp đã thành, tức quả đã chín thì thần thông cũng không còn hiệu lực.
Thần thông là sự kết hợp trọn vẹn sức mạnh của trí lực, thể lực mà người tu sử dụng được. Nhưng khi sức khỏe không tốt, đầu óc không còn minh mẫn, tâm trí không định tĩnh, thấy vật không còn chính xác, tức những yếu tố tạo nên thần thông bị hư hoại thì tự nhiên thần thông cũng không còn.
Vì vậy, đối với hàng đệ tử tiến tu giải thoát, Đức Phật vẫn thường ngăn cấm việc luyện tập hay sử dụng thần thông. Thấy biết nghiệp quả đã thành, Tôn giả Mục Kiền Liên lựa chọn cái chết như vậy để trợ duyên cho Phật nói lên pháp giải thoát của người tu hành mới là điều chính yếu, không phải tu để luyện tập sức mạnh nhằm thủ thân hay hại người như mục tiêu của ngoại đạo bấy giờ. Trên bước đường tu, sống hành thiện, giúp người, không tạo việc ác, không gây oan nghiệp, chắc chắn không gặp quả báo xấu.
Mục Kiền Liên là bậc Thánh giả, dĩ nhiên đời sống của ngài rất tốt. Tuy nhiên, việc làm thánh thiện của ngài vẫn gây khó khăn cho hàng ngoại đạo. Họ sống vì tham vọng, vì quyền lợi, nên việc tốt của ngài tự động ảnh hưởng tác hại đến họ, khiến họ để tâm trả thù, giết hại.
Theo tôi, đó là phản ứng phụ mà chúng ta cần cân nhắc trên bước đường tu. Bất cứ việc làm nào cũng có phản ứng phụ, giống như quạt máy quay cho gió mát thì cũng phát sinh phản ứng phụ là thải ra nhiệt mà ta sờ vào đầu quạt thường thấy nóng. Tùy theo máy tốt hay xấu mà phản ứng phụ có nhiều hay ít.
Đối với người hành Bồ-tát đạo cũng vậy, nếu việc làm mang đến lợi lạc cho nhiều người, làm sáng danh đạo pháp, mà thiệt hại cho một số ít người, tức phản ứng phụ nhỏ, thì họ sẵn sàng chấp nhận hậu quả không tốt của phản ứng phụ. Điển hình là Tôn giả Mục Kiền Liên đã biết trước phản ứng của ngoại đạo, nên chuẩn bị trước cái chết để giải oan khiên, nêu cao tấm gương sáng vì đạo pháp, bất chấp phải hy sinh cả thân mạng.
Quan sát thực tế, chúng ta cũng hiểu rõ được cái chết của Mục Kiền Liên. Ngài là giáo chủ của ngoại đạo mà lại từ bỏ họ, theo Phật, xiển dương Chánh pháp một cách nhiệt tình, vô điều kiện. Hẳn nhiên việc làm ấy gây bất bình, khổ đau, thù hận cho hàng ngoại đạo không ít. Vì ngoại đạo sống với tham vọng, ảo giác, họ muốn đưa Mục Kiền Liên lên làm tấm chắn của vị Thánh lớn, để dựa theo ngài mà họ làm những ông Thánh nhỏ hưởng lợi. Vậy mà Tôn giả Mục Kiền Liên lại dứt khoát bỏ họ, về với Phật đạo, sống bình dị với đại chúng theo tinh thần bình đẳng, không cần được ca tụng, thần thánh hóa. Việc ấy tất đã làm thiệt hại quyền lợi của ngoại đạo không ít.
Tôn giả Mục Kiền Liên thấy biết tham vọng của ngoại đạo đã biến thành thù hận, ngài tìm cách hóa giải, cho họ cơ hội trả hận bằng cách thản nhiên một mình đi ngang ngọn núi mà họ mai phục, để họ giết chết dễ dàng.
Theo tôi, ngài sắp đặt cách chết ấy nhẹ nhàng như người đánh cờ giả vờ thua để khỏi phải chơi nữa. Thay vì sống đến già bệnh cũng chết thì Tôn giả chọn cách đứng yên cho người lăn đá đè chết để kẻ thù nguôi giận, giải trừ oan trái túc nghiệp đời trước, đồng thời tác động cho người thương kính hành động cao thượng ấy mà phát tâm hướng về Phật đạo. Quả thực, Tôn giả Mục Kiền Liên làm Phật sự không biết mệt mỏi, sử dụng cả đến cái chết của mình như một phương tiện làm đạo để xiển dương Chánh pháp.
Trong mùa Vu lan, thường mưa dầm gió bấc, gợi chúng ta nhớ nghĩ đến cha mẹ, ông bà, thân bằng quyến thuộc đã qua đời, hoặc người sống không nơi nương tựa. Chạnh lòng nhớ đến người quá cố và khởi tâm muốn báo hiếu báo ân, chúng ta thường tụng kinh, cầu nguyện, bố thí, cúng dường để hồi hướng cho tất cả được tái sanh về cảnh giới an lành.
Bên cạnh những việc làm phước thiện ấy, thiết nghĩ Tăng Ni, Phật tử cần nỗ lực tu hành, phát huy trí tuệ, tăng trưởng phước đức, mới có thể báo hiếu báo ân theo đúng tinh thần Phật dạy: “Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ”.