;
Chỉ do giác ngộ thấy lẽ thực, sống bằng lẽ thực; không sống dựa “cầu xin” hay ỷ lại vào một ai cả, tự nhiên hết khổ. Hết khổ, ắt là vui. Đạo Phật nói rõ lẽ thực rằng: có giác ngộ mới giải thoát được.
Ví như người biết bệnh, thấy được bệnh của mình (giác ngộ) rồi sau đó dùng thuốc để chữa trị, tức là giải thoát được bệnh. Có vậy thôi, nhưng khi chạm vào thực tế mới biết được sự nan giải khó lường…
Trong Bát chánh đạo (con đường của tám sự hành trì chân chính) bài học của Phật dẫn đến thực chứng chúng ta thấy: Chính tri kiến là bước đầu tiên, sau đó mới đến Chính tư duy. Vì thế “thấy” đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong nhận thức luận của Phật giáo.
Trong hầu hết các bộ kinh Đại thừa, thì câu mở đầu luôn là: “Như thị ngã văn… “ -Tôi nghe được Phật nói như thế này…” đó là lời của Tôn giả A-Nan, một trong 10 đệ tử lớn của Phật, từng được Phật khen ngợi là “đa văn cường ký” tức là người có văn tài và trí nhớ lâu bền. Tất cả rõ ràng như thực. Vì thế, khi mở cuốn kinh đọc tụng những lời đầu tiên là ta đã có ngay niềm tin trong sạch, từ đó mà hoan hỷ lĩnh hội ý kinh.
Trở lại cái nhìn “như thị” của đạo Phật. Muốn có cái nhìn như thực ấy thật không dễ, bởi thấy được lẽ thật đồng thời cũng biết được những cái không thật, cho nên phải có trí tuệ. Muốn có trí tuệ thì phải “lấy sự nghe, sự suy nghĩ, sự tu tập để phát triển trí tuệ” (kinh Di giáo).
Và đó là tự thân của mỗi người nên chỉ có tự mình nỗ lực học và tu, không ai có thể làm thay mình được. Cho nên “ngộ” là tự ngộ, không ai thay cho ai được cả. Đó cũng là một lẽ thật, cần phải biết. Quá trình “ngộ” trong Phật giáo là quá trình bài trừ những quấy nhiễu không cần thiết gọi là bài trừ mọi phiền não. Trí tuệ để diệt trừ phiền não của nhà Phật được gọi là trí tuệ Vô lậu. Nó là một trong ba môn học rất căn bản trong hệ thống giáo dục Phật giáo được gọi là: “Tam vô lậu học”- ba môn học để diệt trừ phiền não. Tam vô lậu học ấy là “Giới-Định-Tuệ”.
Ba môn học về (giới, định, tuệ) này thì chỉ có Tuệ học là sở hữu riêng của Phật giáo. Bởi lẽ, các tôn giáo khác cũng có Giới học, là môn học về giới luật của tôn giáo họ. Còn giới Định, hay thường gọi là thiền định cũng là một môn học rất căn bản của các đạo bạn. Các cha cố hàng ngày họ cũng có những giờ công phu thiền định nhằm “liên kết con người với đấng tối cao”.
Như vậy trong ba giới, thì hai giới đầu ta thấy một số tôn giáo khác cũng có. Còn Tuệ học, là môn học nhằm khai mở trí tuệ để có một cái nhìn “như thị” tức để thấy “thật tướng” của muôn sự, muôn vật, thì Tuệ học của Phật giáo gọi là Tuệ vô lậu. Nó khác với sự thông minh của người đời. Sự thông minh của người đời gọi là “thế trí biện thông”, tức giỏi giang việc thế gian đời thường; thông minh giỏi giang này, nếu mà lầm đường thì dễ trở thành đại ác.
Trí tuệ, hay Tuệ vô lậu của đạo Phật là phương thức tư duy bản thể, hay nói một cách khác, đó là phương pháp nhận thức về “Ngộ”. Trí tuệ ấy tuy là hai từ ghép nhưng cũng có sự khác biệt đôi chút:
1- Đạt tới sự tướng hữu vi là Trí (tức chỉ sự tướng hữu vi là hết thảy mọi sự, mọi việc hiện bày rõ ràng, có sự phân biệt tính đếm…).
2- Đạt tới sự lý vô vi gọi là Tuệ (tức chỉ sự lý vô vi là sự thông tỏ, không còn phân biệt, tính đếm…).
Do vậy, Trí tạo tác dụng cho Tuệ; tuệ bao hàm thông đạt tác dụng của trí
Để kiến giải vấn đề này, Đạo đức Kinh của Lão Tử có câu: “Theo học (tức học thế gian) ngày càng thêm, theo đạo ngày càng bớt” (vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn) là dụng ý nói về sự đối lập giữa nghiên cứu, suy luận, tưởng tượng của thế gian trí và thiền Thanh tịnh (tức Như Lai thanh tịnh thiền) với Chân nghĩa bản thể của Tuệ vô lậu…?
Trong hầu hết các kinh điển Phật giáo, trí tuệ luôn được đề cao và được xem là “tối thắng nhất trên đời”. Các từ ngữ xem là danh xưng Phật cũng đều có gốc nghĩa của trí tuệ như: Phật, Nhất thiết trí, Giác ngộ, Bồ đề, Chính đẳng chính giác…và ta thấy trong những giây phút cuối cùng trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật đã nói lời khẩn thiết với các đệ tử là phải luôn luôn trau dồi trí tuệ và coi “Trí tuệ là chiếc thuyền kiên cố chở qua khỏi biển già, bệnh, chết; là ngọn đèn lớn chiếu phá vô minh hắc ám, là liều thuốc hay cho hết thảy bệnh tật, là chiếc búa sắt chặt gẫy cây phiền não…” (kinh Di giáo). Và ta lại thấy trong kinh Bát đại nhân giác có câu: “Duy tuệ thị nghiệp” - có nghĩa là lấy trí tuệ làm sự nghiệp, hoặc “Muốn làm nên sự nghiệp thì phải có trí tuệ”.
Với cái nhìn “như thị” mới có được Tuệ vô lậu, mới thấy rõ được nhân sinh vũ trụ như thật, với bản chất của chúng là duyên sinh tính, vô thường tính và vô ngã tính theo giáo lý Từ diệu đế và Duyên khởi.
Một tôn giáo coi trọng lẽ thực, với cái nhìn “như thị” để có “như thị tri kiến” luôn đề cao trí tuệ và duy nhất tin vào sự sáng suốt vốn có với sự nỗ lực của bản thân con người và coi con người là tối thượng (nhân vi tối thắng) thì đương nhiên tôn giáo ấy đã không công nhận có một đấng quyền năng nào cầm cân thưởng phạt, định đoạt số phận của con người, đồng thời cũng không công nhận thế giới này là do Thượng đế tạo ra.
Từ lẽ thật này, mà đức Thích Ca Văn (giáo chủ) cõi Ta bà khi thành đạo đã nói lời chân thực rằng: “Ta không hề nhận được một thiên khải nào từ bất cứ một vị Thần linh nào!”. Và con đường tìm Đạo cũng như chứng Đạo của Ngài là từ sự hy sinh quên mình của Ngài cho một mục đích tối thượng đó là tìm lẽ sinh tử của con người. Với lý tưởng ấy, đức Phật khi còn là Thái tử đã từ bỏ mọi thú vui trần thế và quyền uy của bậc đế vương.
Rồi trải qua 5 năm tìm đạo, 6 năm khổ hạnh, trải qua biết bao gian khổ, vượt núi băng rừng hy vọng tìm được minh sư giúp mình thoát khỏi luân hồi sinh tử. Ngài đã theo học với nhiều vị ẩn tu danh tiếng, am tường 62 kiến chấp của ngoại đạo, hiểu rõ tư tưởng của Lục sư và Lục Đại học phái. Thâm ngộ sự chân truyền của đạo sư Kalama và Ramaputta. Và trong thời gian tìm cầu đạo vô thượng, đức Phật đã thực hành công phu khổ hạnh.
Thế rồi (vì không hiệu quả pháp tu này) Ngài liền từ bỏ lối tu ấy, giã từ khổ hạnh và sau đó Ngài chợt tỉnh cơn đại mộng, nhận ra lẽ thật, bằng con đường riêng của Ngài, đó là phải “tự thắp đuốc lên mà đi” - có nghĩa là tự mình khơi dậy ngọn đèn trí tuệ, khơi dậy “Phật tính” là khả năng giác ngộ vốn có của mỗi con người.
Các kinh Đại thừa diễn tả, khi đức Phật thoát nhiên đại ngộ dưới cội Bồ đề, Ngài đã thốt lên rằng: “Lạ thay! Tất cả chúng sinh đều có bản tâm thanh tịnh thường nhiên cớ sao cứ mãi đắm chìm trong sinh tử!”. Do thấy chúng sinh có Phật tính bình đẳng cùng mười phương chư Phật, nên sau khi thành đạo, đức Phật đã đi khắp nơi giáo hóa suốt 45 năm ròng, những mong ai ai cũng được giác ngộ, được giải thoát như Ngài. Và Ngài đã gửi gắm niềm tin của mình đến với tất cả chúng sinh bằng câu nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành!”. Thế nên, ta phải học, phải tu. Muốn học, muốn tu đúng phải có được cái nhìn “như thị” mà Phật từng chỉ dạy.
Vậy, lễ Phật, cúng Phật là khởi cái hạnh biết ơn thâm ân Ngài đã chỉ đường vạch lối cho ta thấy lẽ thực ở đời, không mê muội, đừng ảo tưởng, vượt qua lợi dưỡng - giữ gìn Chánh Pháp bằng sự tìm hiểu sâu giáo lý vi diệu của Ngài; đừng mê lầm tín ngưỡng Thần quyền với tìn ngưỡng đạo Phật mà “cầu độ thứ này thứ kia” nhằm thỏa mãn những ham muốn riêng tư của mình là mê tín dị đoan, trái với giáo lý nhân quả của đạo Phật.
Nếu là Phật tử không cứ (xuất gia hay tại gia) mà mê lầm cúng kiến van xin lạy lục (chỉ trông vào tha lực) là chúng ta đã làm hại đạo Phật. Điều này, Phật đã nói rõ lẽ thật trong giáo lý nhân quả rằng: “Chúng ta là kết quả của những gì chúng ta tạo ra, và chúng ta cũng là kết quả của những gì chúng ta đang làm!”. Có nghĩa là ta phải chụi trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Cũng vẫn nội dung này, trước khi nhập Niết- bàn đức Thế Tôn đã căn dặn và dạy chúng đệ tử như thế này: “Sau khi ta tịch diệt, Đạo Pháp thay ta làm vị thầy.
Biết noi theo Đạo Pháp, ấy chính là cách các con tỏ lòng trung thành với ta. Trong bốn mươi lăm năm (45) sau cùng trong cuộc đời giáo hóa của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch”
Lai nữa, chúng ta cùng suy ngẫm lời Thế Tôn chỉ dạy: “Những lời giáo huấn ta ban cho các con là do nơi kinh nghiệm của chính ta, và chính ta đã noi theo con đường đó. Các con nên tuân theo những lời giáo huấn ấy và giữ dúng như thế dù phải gặp hoàn cảnh khó khăn nào. Nếu các con xao lãng, có nghĩa là các con chưa hề gặp được ta, cho dù trong lúc này đây các con đang ngồi bên cạnh ta vậy. Nhưng nếu ngược lại, các con thấu hiểu và đem ra thực hành những lời giáo huấn của ta, thì dù cho các con ở thật xa trong một chốn tận cùng của thế giới, nhưng cũng giống như các con đang ở bên cạnh ta trong lúc này.” Đây có phải là lời giáo lý “như thị” mà đức Thế Tôn đã để lại cho chúng ta chăng? Hãy cùng nhau chính niệm và suy ngẫm những lời dạy thâm áo này của đức Phật vào hoàn cảnh tu hành của Phật giáo hôm nay. Đây là cái nhìn “như thị”.
Mặc dù là Giáo chủ, nhưng đức Phật luôn nhấn mạnh tính bình đẳng giữa con người với nhau và cũng không áp đặt một quyền lực nào lên trên con người. Một tôn giáo không hề có giáo quyền. “Chân lý mà đức Phật đã chứng ngộ trong đêm Thành đạo không có gì khác hơn là chân lý về những quy luật vận hành của vũ trụ, nhân sinh với Lý duyên khởi, nó tồn tại khách quan, mà đức Phật dù xuất hiện hay không xuất hiện ở đời thì nó vẫn luôn vận hành như vậy (theo Tương ưng Bộ kinh II chương I, phẩm II tr 51). Ý nghĩa này cho thấy: Đức Phật không hề tạo dựng ra chân lý mà chỉ là người “thầy” được chân lý từ kinh nghiệm tu chứng của bản thân.
Qua lịch sử đức Phật hiện thế chúng ta thấy, Ngài đã cực lực phản đối luận điệu sai lầm của Tỳ kheo Sunakkhatta khi nói rằng: Giáo lý của Ngài là do quá trình suy tư, phán đoán, suy luận hay mường tượng…”. Giáo lý của Phật càng không phải là một học thuyết. Bởi giáo lý khi mà được nhận thức thành chủ thuyết thì không còn là giáo lý nữa. Những hệ thống giáo lý Phật giáo cần được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn tu tập, là ngón tay chỉ trăng của hướng đạo sư - Đức Thích Tôn mà thôi.
Nhờ ngón tay chỉ mà ta đón nhận được ánh ngời của vầng trăng. Cũng như nhờ giáo lý mà chúng ta tiến dần đến chân lý. Giáo lý chỉ là phương tiện như ngón tay chỉ trăng (nhất thiết tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ).
Với cái nhìn “như thị” của đạo Phật cũng có nghĩa là Phật giáo không bao giờ “giành phần chân lý” cho riêng mình, bởi có rất nhiều con đường khác nữa cũng dẫn đến cái đích của chân lý tối hậu. Câu chuyện tu sĩ Lepali tham ngộ giáo pháp đạo Phật bèn từ bỏ thầy cũ của mình xin quy y. Đức Phật đã khuyên vị ấy hãy bình tâm suy nghĩ cho kỹ đã; là bởi, đạo Phật chỉ xác quyết lòng tin bằng “cái thấy” sau khi đã trắc đạt và thực nghiệm.
Và ngay cả khi quy y, đức Phật vẫn còn khuyến cáo với các đệ tử của Ngài rằng: “Đừng vội tin theo bất kỳ truyền thuyết nào, truyền thống, lời đồn đại, uy quyền, kinh điển hay thuần lý luận, hoặc do suy diễn, hoặc xem xét bề ngoài, do thích thú những quan điểm, uy tín của người nào hoặc vì tôn kính bậc Đạo sư…”. Ấy là Phật giáo dục lòng tự tin; bởi con người không có tinh thần tự tin thì không bao giờ đạt đến giác ngộ và giải thoát. Và trước khi tin một điều gì thì phải tìm hiểu, suy xét, nhận thức cho chín chắn, thấy rõ sự chân thật rồi hãy tin. Đức Phật cũng nói lời chân thật để cảnh tỉnh mọi người rằng: “Ai tin ta mà không hiểu ta là hủy báng ta!”.
Như thế, chúng ta tin vào đức Phật không như tin vào một vị Thần linh có thể dùng phép nhiệm mầu đưa chúng ta ra khỏi trầm luân bể khổ được; mà phải tin vào đức Phật với giáo lý nhân quả rồi làm theo để có sự an lạc, hạnh phúc do chính mình tạo dựng, chứ không phải sự nương tựa, cho dù là nương tựa vào chính đức Phật!
Để có cái nhìn “như thị”, ngoài trí tuệ để nhận biết như thực (tri kiến) phải cần cái “dũng” nữa. Ví như đã thấy được bệnh thì phải dũng cảm chữa trị cho khỏi cái bệnh tứ chướng nan y ấy…nếu quyết tâm bền chí chữa trị cho khỏi bệnh thì đó, gọi là giải thoát. Giáo pháp Tứ diệu đế (bốn chân lý cao cả) đó là bài pháp thoại đầu tiên của đức Phật sau khi Ngài giác ngộ. Bài pháp này chứa đựng những nội dung căn bản của giáo lý Phật giáo, mà chân lý thứ nhất Phật đã xác định rõ tình trạng làm người là Dukkha, đó là sự khổ, hay nỗi thất vọng.
Thoạt nghe (tức mới tiếp cận) Phật giáo khi nói đến (Dukkha) tức là khổ đau thì không ít người cho rằng Phật giáo là tiêu cực, bi quan. Vậy thì đầu tiên phải khởi lòng “dũng” để tìm cho ra manh mối nguyên nhân “cái bệnh” khổ này. Nhắm vào cái khổ căn bản của con người, đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta rõ đó là Tam độc (tham-sân-si) và vọng tưởng dẫn đến “vô minh” tức thiếu sáng suốt. Và sự khổ ấy là do khả năng của con người sai lầm không có được cái nhìn “như thị”, không thấy được đời sống là hữu hạn và giả tạm nên đã tham ái kỳ vọng, để rồi thất vọng khổ đau! Bởi lẽ, “tất cả mọi sự đều đang hình thành và hoại diệt”.
Đó là nguyên lý trong giáo pháp vô thường (Anitya) của đạo Phật - nghĩa là không hằng còn, không lâu dài của vạn sự, vạn vật. Giáo lý này được coi là “Bản chất đích thực của cuộc sống”. Chứng minh điều này đức Phật nói: “Trong tất cả các dấu chân, dấu chân voi là dấu chân lớn nhất, tư tưởng vô thường là ý niệm quan trọng nhất mà người Phật tử có thể suy tư”. Huyền sử Phật giáo kể, ngày thị hiện Đản sinh, sau 7 bước đi trên sen báu, đức Phật đã thuyết bốn câu kệ:
Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Nhất thiết thế gian
Sinh - Lão -Bệnh-Tử.
Trong bốn câu kệ này thì hai câu đầu thường được phân tích kỹ và được nhiều người biết tới, không dám thêm lời và ở đây chỉ xin nói tới hai câu cuối. Hai câu cuối của bài kệ chính là chân nghĩa của giáo lý vô thường. Bởi trong thế giới này có ai qua được cái chu trình của (sinh-lão-bệnh-tử). Và tuy bài kệ ấy chỉ được xem là huyền sử, nhưng nó đã trải qua hơn 25 thế kỷ với cái nhìn “như thị” hôm nay, khi mà Phật lịch đã là năm 2563 - qua kiểm chứng giữa huyền sử và chính sử cho ta thấy nhiều lẽ thực. Vậy giáo lý Vô thường là một “chân lý hiển nhiên” đó là Thành-Trụ-Hoại-Không là sự vận hành của biến dịch âm dương trong hiện tượng giới, tức tam giới.
Với thực tế trên, đến nay các khoa học gia trên thế giới đã có nhiều xác tín chứng minh về Nguyên lý vô thường, nhưng vẫn có không ít người hiểu lầm về lẽ Vô thường, và cho rằng vô thường là đoạn diệt, là tiến trình của cái chết, là khổ…
Vậy vô thường chỉ là dấu chấm than (!) thôi sao? Thực ra vô thường không hẳn như thế, cho dù vô thường là tiến trình của cái chết, nhưng đồng thời cũng là chìa khóa của sự tái sinh (pháp Duyên sinh) và nguyên lý pháp này, rất cần thiết cho sự hành đạo. Nhờ quán vô thường mà Thái tử Sĩ Đạt Đa khai mở được trí tuệ Vô thượng, trở thành bậc toàn giác, và là đạo sư của hàng Trời - Người.
Tổ Đạt Ma khai thị lý vô thường bằng câu: “Phiền não là hạt giống của Bồ-đề”. Bồ-tát Long Thọ từng nói lời sấm sét: “Nhờ vô thường, vô ngã…nên tất cả có thể thành tựu”. Lịch sử tiến hóa của nhân loại qua các nền văn minh đều trải qua chân lý vô thường. Chân lý ấy là quá trình vận động để luôn phủ định mình, để trở thành cái mới, cho nên nó “phi thời gian tính” được gọi là Akalika. Một giáo lý “không thời gian” đã từng hiện hữu trong nhiều thế kỷ mà vẫn còn nguyên giá trị tươi mới “như nó đang có”, bởi nó luôn phù hợp và có thể áp dụng một cách hữu ích với mọi thời đại, cùng các nền văn minh khác nhau.
Giáo lý vô thường ấy là chân lý của cuộc sống, cho nên đứng về phương diện ý niệm mà xét ta thấy vô thường là tính thay đổi (về phương diện thời gian). Và về tính không đồng nhất, gọi là vô ngã (không có cái ta tồn tại); về phương diện không gian và khoảng thời gian (cực ngắn) đạo Phật gọi là sát na. Sự biến đổi không ngừng ấy không chỉ diễn ra ở thế giới này mà cả tại các thế giới khác. Từ hạt vật chất cực nhỏ như nguyên tử cho đến thế giới tâm thức là con người, hết thảy là các tập hợp duyên sinh nên nhất thiết phải chịu sự tác động của vô thường.
Và chỉ với khái niệm vô thường ấy, đạo Phật xem thế giới như một dòng lưu động vô lượng, vô biên của những sự kiện và xu thế năng động tương quan, tương liên tác động lẫn nhau không ngừng. Giáo lý ấy, đã tồn tại trên 25 thế kỷ giờ lại là mối song hành, là đối tượng nghiên cứu của nền vật lý học hiện đại. Bằng những tư duy khoa học xuất sắc, dựa trên những thí nghiệm chính xác, phức tạp và một lý luận logic chặt chẽ của toán học, người ta đã xác quyết những kết luận chuẩn xác của “những nhà đạo học” xưa, và họ nghĩ không hiểu sao những bậc Thánh (thời đó) đã khám phá chân lý ấy (vô thường-vô ngã) chỉ bằng trực giác mà thôi!
Thí dụ, giáo lý vô thường với khái niệm “trống rỗng” hoặc khái nhiệm “không” trong đạo Phật, chúng ta cũng cần có cái nhìn “như thị” để có “tri kiến” thật về nó. Nếu không thấy lẽ thật này, dễ có cảm nhận về thức cực đoan. Đề cập về nội dung này, Thiền sư Nhất Hạnh trong cuốn “không diệt không sinh đừng sợ hãi” (xuất bản mới đây) cũng cho rằng: “Trong sinh tử chia lìa, chúng ta sợ chết và sợ trở thành hư vô. Người Tây phương rất sợ trở thành hư vô. Khi họ nghe nói về sự trống rỗng thì họ cũng rất sợ.
Nhưng trống rỗng chỉ là sự vắng mặt các ý niệm. Không, hay trống rỗng, không có nghĩa trái ngược với sự sinh tồn. Nó không có nghĩa là hư vô, không có nghĩa là không còn gì hết. Cần phải loại bỏ ý niệm hiện hữu và không hiện hữu. Trống rỗng là một công cụ giúp ích cho chúng ta”.
Khái niệm “trống rỗng” hay là “không” của nhà Phật không có nghĩa là “không có gì”. Sự “trống rỗng” hay “không” ở đây là không có tồn tại tự thân nó (tức vô ngã - không có cái ta tồn tại). Bởi không sự vật nào tự bản thân có thể tồn tại, nó không có thuộc tính riêng biệt. Ví dụ: Một bông hoa đang hiện hữu, nhưng nó cũng có cả nước trong đó, có không khí (thời tiết, nhiệt độ)…cùng tồn tại và đồng thời nó cũng hiện hữu trong cái “không” thì ta mới thấy có nó…Con người, theo giáo lý đạo Phật cũng do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp duyên lại mà thành. Khi hết duyên, tứ đại tan rã, ấy là sự chết.
Vậy, chân lý rốt ráo của Phật giáo là sao? Theo HT. Thích Thánh Nghiêm “Tức là chân lý ngã không, và pháp không - Không phải là pháp thế gian, nên không thể mô tả bằng lời nói, chân lý đó “xa lìa tướng danh ngôn, tâm tư cũng không nghĩ bàn được”. Đó là chân lý rốt ráo, mà tính Phật miễn cưỡng gọi là “chân pháp giới” là “lý chân như”. Thế nhưng, chân lý rốt ráo đó của Phật giáo, tuy là không đặt tên được, không nghĩ bàn được, nhưng nó vẫn không tách rời muôn vàn hiện tượng thế gian, và mỗi hiện tượng thế gian là một bộ phận của chân lý rốt ráo đó”
Vì vậy, Tổ Huệ Năng của Thiền tông nói rằng: “Phật pháp là ở thế gian, không tách rời thế gian mà giác ngộ được; nếu tách khỏi thế gian đi tìm đạo Bồ đề, cũng không khác gì đi tìm sừng thỏ vậy”. Thế nên, Phẩm “Du già chân thực nghĩa” gọi Chân lý là chân thực (tức “như thị” và chia làm 4 loại lớn, gọi là bốn loại chân thực).
Xin được tóm gọn: 1/ Thế gian cực thành chân thực, 2/ Đạo lý cực thành chân thực, 3/ Chân thực do trí tuệ thanh tịnh đã đoạn trừ phiền não chướng, chứng đắc, 4/ Chân thực do trí tuệ thanh tịnh đã đoạn trừ sở tri chướng, chứng được. Như vậy, Phật giáo chấp nhận 4 loại chân thực, tức là chân lý, chúng chỉ có sự phân biệt theo nặng nhẹ, cao thấp mà thôi. Dưới đây là kiền giải của HT. Thánh Nghiêm về bốn loại chân lý kể trên:
“Sự thực, cái gọi là chân lý thế gian, chân lý thường thức, thường thì không chịu đựng nổi khảo nghiệm. Chân lý thường thức thời cổ đại, sang tới các đời sau, trở thành câu chuyện bông đùa. Chân lý thưởng thức (mang tính khu vực) ví thử ở xứ A đến xứ B chỉ là chuyện suông tình! Còn cái chân lý do các học giả phát minh ra, thì hoặc là do hóa nghiệm mà có, hoặc là do suy lý mà được, hoặc là do cảm ứng thần linh, hay là do rèn luyện thân tâm, ngồi thiền điều hòa hơi thở mà chứng đắc. Đây là những chân lý bộ phận, tạm thời, huyễn giả, cục bộ, giả thiết chứ không phải là chân lý vĩnh hằng bất biến”.
Căn cứ Chân lý rốt ráo của đạo Phật, và những chân lý mang tính bộ phận giả hợp lập thành không bền chắc đã nêu trên; nếu phải so sánh chúng ta thấy Trí huệ Chánh biến tri, hay còn gọi là Tuệ Chánh đẳng chánh giác của Chư Phật ta thấy hoàn toàn hoàn khác biệt. Vậy cái nhìn “như thị” trong giáo lý đạo Phật là chỉ cái “như như” bất biến. Vậy xét về phạm trù khoa học nói chung, trong đó có ngành vật lý để chúng ta so sánh xác lập chân lý thì cái nhìn như thị của Phật giáo luôn tương quan dung thông vô ngại, nhưng bất biến.
Như chúng ta đã biết, đặc trưng của nền vật lý học hiện đại thế kỷ 20 là tìm kiếm nguồn gốc khởi thủy của vật chất, gọi là hạt cơ bản của vật chất, để từ đó khẳng định sự hiện diện của nguyên tử cũng như những hạt cấu thành nó. Nhưng đến khi cánh cửa cuối cùng mở ra, bộ mặt thật của vật chất được phơi bày thì người ta mới phát hiện: Vật chất không phải là những hạt cứng chắc tạo thành, mà nó chỉ là dạng xuất hiện của một thực tại khác.
Vật chất mang những tính chất hầu như đối nghịch nhau, nó vừa liên tục vừa phi liên tục. Nhà vật lý học người Đức, ông Haisenberg (1901- 1976) người khai sinh ra thuyết cơ học lượng tử, giải Nobel 1932, sau khi đề cập đến nguyên tử, điện tử đã xác nhận: “Nó không phải vật thể đích thực với các thuộc tính được xác định nữa”.
Và từ những tính chất lạ lùng đó đã đưa ngành vật lý hiện đại vào thẳng cửa ngõ của triết học; nó đã và đang lý giải nhiều khái niệm cơ bản của các nhà Đạo học xưa đã tổng kết. Ngành Thiên văn học hiện đại cũng chấp nhận sự biến động liên tục (vô thường) phổ biến trong đạo Phật; và coi đây là lẽ thật của vạn hữu.
Như thế, Phật giáo cũng như khoa học đều có chung một cái nhìn “như thị”, và cùng là đại biểu cho sự tìm cầu chân lý mà tiêu chuẩn là tính đích thực, và tính chặt chẽ logic.
Vượt qua sự khảo nghiệm của thời gian trên 25 thế kỷ, đạo Phật vẫn vẹn nguyên những giá trị và ứng dụng. Trong thời đại ngày nay, thời đại với những tiến bộ vượt bậc của nhiều ngành khoa học, thì sự có mặt không thể thiếu của Đạo Phật vẫn luôn là sự tạo ra những luồng sinh khí mới. Bởi những văn minh vật chất bây giờ xem ra còn tiềm ẩn quá nhiều những mặt trái tiêu cực, khiến con người vẫn chồng chất âu lo, sợ hãi.
Âu lo về tâm lý-đạo đức xã hội suy thoái (lệch chuẩn, xuống cấp), về áp lực cạnh tranh kinh tế và cả sức mạnh bạo lực nữa. Thời đại mà trí tuệ con người đã tạo được “phôi người nhân bản”, còn gọi là sinh sản vô tính đang là vấn đề tranh luận với nhiều chiều hướng, và nó đang là “vấn nạn” của cả nhân loại tiến bộ hôm nay cần có câu trả lời như thị.
Vào những thập niên cuối của thế kỷ 20, và đầu thế kỷ này, các nhà khoa học và những nhà tôn giáo nói chung đều cho rằng: “Nếu thế kỷ 20 là thế kỷ của khoa học, thì thế kỷ 21 là thế kỷ của tôn giáo”. Nhìn vào sự vận hành (tạm gọi) là hai lĩnh vực khoa học và tôn giáo ta thấy đã tích hợp chạm nhau.
Trong bài viết của cư sĩ Truyền Bình với tiêu đề: “Khoa học hiện đại hướng tới Phật giáo” tác giả viết, “Vũ trụ quan của khoa học và vũ trụ quan của Phật giáo ngày nay đã tiếp cận. Các khoa học gia hàng đầu thế giới ngày nay không còn coi thế giới là duy vật khách quan nữa mà đã bắt đầu hiểu tâm ý con người có ảnh hưởng quyết định đến vật chất”.
Cùng với loạt bài của tác giả Truyền Bình trên trang (phatgiao.org.vn) đề cập sâu về khoa học và Phật giáo, các bài viết: “Sự bất tử của tâm thức và cơ học lượng tử” của Dajiyuan, “Hạt của chúa và chủng tử Phật” (Nhụy Nguyên), “Nghiên cứu Phật giáo hiểu biết gì về thế giới?”, “Đối chiếu khoa học với Phật giáo” TB) đã cho thấy khoa học cùng đồng hành với Phật giáo trên con đường tìm chân lý về sự khổ và cứu khổ đối với con người và muôn loài mà giáo lý “Tứ diệu đế” đức Phật dạy. Con đường cứu khổ đưa đến an vui đã mở ra trong tâm thức mỗi người.
Giá trị này đã được khẳng định trong nội dung Thông điệp của Liên hợp quốc (tháng 5 năm 2000) đó là (LHQ) đã chính thức công nhận ngày Phật đản, ngày Thành đạo và ngày nhập Niết-bàn của Phật Thích Ca. Thông điệp nhấn mạnh đến vấn đề: “…Giáo lý của đức Phật được căn cứ trên nền tảng của quy luật giải thoát con người khỏi khổ đau, đưa đến sự chứng đắc về tâm linh, cũng như việc từ bỏ bạo lực, cưỡng chế và hành quyền”.
Nội dung Thông điệp của Liên hợp quốc đã nói lên ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng đạo Phật để dẫn dắt nhân loại trong thế kỷ 21 được coi là “thế kỷ tôn giáo”. Nhất quán với nội dung căn bản nói trên của Liên hợp quốc. Vesak-2019 vừa kết thúc tại Việt Nam. Tuyên bố chung Nam Hà cũng đã nêu ngắn gọn nhưng hàm súc ôm chứa cả 9 điều mà Vesak- 2019 đề cập là: “Cách tiếp cận của Phật giáo và sự lãnh đạo toàn cầu và tránh nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Phật giáo nhập thế hay còn gọi là Phật giáo dấn thân đã hướng tới các hoạt động mang tính toàn cầu, bởi đó là một tôn giáo coi trọng con người và muôn loài; có một triết thuyết uyên thâm, sâu sắc, phổ quát và không bị chướng ngại. Một tôn giáo với giáo lý luôn đề cao trí tuệ, coi trọng sự thật với cái nhìn “như thị”: Và một tôn giáo với giáo lý của mình vượt qua sự khảo nghiệm của thời gian trên 25 thế kỷ đến nay vẫn luôn luôn tương thích với khoa học và đóng góp hữu vào đời sống con người đang đồng hành cùng nhân loại.
Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh
Số: 18, Tổ 29c, khu 8, P. Quang Trung Tp. Uông Bí – Quảng Ninh.
Tài liệu tham khảo:
-Kinh Di giáo; Kinh Đại Viên giác; Tương Ưng Bộ kinh.
-Bài: Những lời dạy cuối cùng của Phật - Khôi Trân (ĐPNN) 28/7/2013).
-Bài: Chân lý của Phật giáo là gi? Thích Thánh Nghiêm- (phatgiao.org.vn -8/9.2019)
-Bài: Khoa học hiện đại hướng tới Phật giáo - Truyền Bình (PGVN) phatgiao.org.vn 30/9/2916).
-Bài: Đối chiếu khoa học với Phật giáo –Truền Bình – (ĐPNN) 11/8/2015).
-Bài: Sự bất tử của tâm thức và cơ học lượng tử - Dajiyuan – Kỷ tiểu Minh - dịch giả Việt Nguyên (phatgiao.org.vn 13/4/2016)