;
“Thái sư Trần Thủ Độ” là một bộ phim truyện truyền hình Việt Nam, 34 tập, do Hãng phim truyện I sản xuất năm 2010, kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Đào Duy Phúc, vừa được trình chiếu trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam (1/2014).
Bối cảnh của phim là cuối đời nhà Lý, đầu nhà Trần. Trong giai đoạn lịch sử này của nước Đại Việt, Phật giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, xã hội, chính trị của đất nước, mà có nhiều ý kiến xem là quốc giáo.
Vì vậy, là một khán giả theo đạo Phật, tôi quan tâm đến khía cạnh đạo Phật của bộ phim, xem tác giả kịch bản và đạo diễn đã thể hiện đạo Phật trong phim như thế nào.
Quả thực, tác giả kịch bản và đạo diễn phim “Thái sư Trần Thủ Độ” có chú ý thể hiện sự có mặt của Phật giáo khi xây dựng bộ phim cổ trang về thời Lý mạt này. Tuy nhiên, cách hiểu của các tác giả bộ phim về Phật giáo được thể hiện qua bộ phim này khá lệch lạc. Vì vậy, Phật giáo hiện lên trong bộ phim là một Phật giáo méo mó, yếm thế, bi quan, suy thoái, thậm chí có phần tiêu cực.
Trong phim có một số hình ảnh chùa chiền, tượng Phật, nhà sư, cho thấy không khí Phật giáo. Các tác giả bộ phim chỉ được ở chỗ này, rồi thôi.
Phật giáo trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ” chỉ hiện lên ở mức độ bối cảnh, không khí, như là một tôn giáo quan trọng nhất thời bấy giờ. Còn lại, cái hồn cốt Phật giáo thì không thấy, đôi chỗ có phảng phất, nhưng trong vai trò tiêu cực, thậm chí phản diện.
Trong lịch sử, Phật giáo là hệ tư tưởng chính thống, có ảnh hưởng lớn đến hai triều Lý – Trần, chi phối suy nghĩ, hành động của giới cầm quyền và người dân ở 2 vương triều. Thế nhưng, trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ”, thì nhân vật chính của bộ phim, Trần Thủ Độ, lại không hề có dáng dấp gì tư tưởng Phật giáo. Các quan lại trong phe nhà Trần cũng thế. Phần nào, họ lại tách biệt, xa lạ với Phật giáo. Đó là về mặt tư tưởng, còn ảnh hưởng về mặt học thuật, giáo dục, đời sống cũng hết sức mờ nhạt. Phật giáo, đối với người nhà Trần, có vẻ tách biệt, xa cách, thậm chí phần nào đối lập, vì một số nhân vật trong phe nhà Lý tỏ ra chịu ảnh hưởng nhiều của Phật giáo, nhưng ở phần tiêu cực nhất.
Nhân vật Đàm Thái Hậu được xây dựng như một người sùng đạo Phật. Nhiều lần Đàm Thái Hậu xuất hiện trong hành động tụng kinh, niệm Phật. Nhưng đạo Phật ở Đàm Thái Hậu được diễn đạt như là một lực lượng siêu nhiên tiêu cực.
Đàm Thái Hậu mộ đạo Phật, đạo từ bi, hỷ xả, bao dung, nhân ái, nhưng bà này lại là một con người hẹp hòi, nhỏ nhen, ganh tỵ, ác tâm, hiểm độc, đến mức có thể nghĩ đến việc giết con mình là Lý Huệ Tông. Còn đối với Nguyên phi Trần Thị Dung, thì bà ta luôn rắp tâm hạ độc thủ. Trong chính sự, thì nhân vật Đàm Thái Hậu được xây dựng như một con người bán nước vì quyền lợi ích kỷ của dòng họ Lý. Người có vẻ theo đạo Phật sùng tín nhất trong phim lại là một nhân vật “khẩu Phật tâm xà”! Khán giả Phật tử như tôi xem phim thật là thất vọng.
Cứ ở mỗi trường đoạn có không gian hương khói, tượng Phật, nhà sư, kinh kệ, niệm Phật, gõ mõ… thì y như là Đàm Thái Hậu hiện ra, dĩ nhiên, là trong tính cách độc ác, mưu mô, sâu hiểm, tiểu tâm. Những lúc Đàm Thái Hậu tìm đến đạo Phật hầu hết là những lúc bà ta thất bại trong chính sự. Đạo Phật là chỗ mà bà này bám víu vào để an ủi, nuôi chí phục thù, rửa hận. Những giá trị chân chính, đích thực của đạo Phật không hề có một chút mảy may ở nhân vật Đàm Thái Hậu trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ”. Ngược lại, đạo Phật trong quan hệ với nhân vật Đàm Thái Hậu được thể hiện ở khía cạnh tiêu cực nhất, có thể nói là điểm tựa tinh thần, đồng minh tâm linh của cái ác. Mỗi lần thua cuộc Đàm Thái Hậu chạy về nương náu dưới chân Phật đài, rồi sau đó lại bày keo khác độc ác, thâm hiểm, nhẫn tâm hơn.
Dù đang tụng kinh Phật, khi nhân vật Trần Hoàng Hậu đến dâng thuốc, Đàm Thái Hậu từ chiếu tụng kinh lại nhìn thấy (trong mơ tưởng) việc hoàng hậu và thuộc hạ chết vì thử chính thần dược của mình dâng. Những kiểu thể hiện như vậy của đạo diễn và tác giả kịch bản đã không tránh khỏi việc làm hoen ố hình ảnh Phật giáo trong phim. Những “sáng tạo” kiểu như thế tất nhiên là hư cấu, trên tinh thần thể hiện ảnh hưởng của đạo Phật đối với hoàng thất nhà Lý. Nhưng chỉ toàn là chuyện tiêu cực, mặt trái đạo Phật ở con người nhân vật Đàm Thái Hậu, một nhân vật phản diện. Cũng biến dạng trong hư cấu của các tác giả phim, đạo Phật của phía tôn thất nhà Lý trở thành một đạo Phật phản diện, nơi cái ác tìm sự đồng lõa, phù trợ, liên kết.
Chúng ta thấy ở tác giả kịch bản và đạo diễn của bộ phim một non yếu trong tìm hiểu và thể hiện yếu tố đạo Phật ở vương triều Lý. Trong đó gồm cả sự khiên cưỡng muốn làm sao thể hiện yếu tố Phật giáo, sự lệch lạc trong thái độ đối với Phật giáo. Nên Phật giáo trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ” cứ hiện lên một cách trái khoáy, lệch lạc, méo mó, tất nhiên là thiếu trung thực như thế.
Để hiểu tinh thần Phật giáo nhà Lý, các tác giả phim có lẽ nên tìm đọc lại phần các tác giả triều Lý trong “Thơ văn Lý Trần”.
Đạo Phật mà người xem phim thấy ở nhân vật Đàm Thái Hậu trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ” là một đạo Phật thần quyền, hủ tục, cặn bã và suy thoái kiểu thế kỷ XIX, hoàn toàn khác xa với đạo Phật triết lý thâm sâu, ý nhị ảnh hưởng trong học thuật, tư tưởng giáo dục, chính sự thế kỷ X-XI; một đạo Phật sáng suốt nhân ái, từ bi, bao dung, quảng đại làm nên tinh hoa của hai triều Lý – Trần.
Sẽ xa lạ, chệch hướng với lịch sử, khi thể hiện như đạo diễn và tác giả kịch bản phim “Thái sư Trần Thủ Độ”, với một bên nhà Lý, đại diện là Đàm Thái Hậu và Lý Huệ Tông u mê bám víu trong một kiểu Phật giáo thần quyền lệch lạc, méo mó, có phần bị xuyên tạc, và một bên là họ Trần, thực tế, lão luyện, già dặn trong chính sự, đại diện là Trần Thủ Độ.
Đúng ra, ở một tầm cao sáng tạo, Phật giáo đều nên được thể hiện với ảnh hưởng ở cả hai dòng họ, trong tư tưởng từ bi, trí tuệ, khoan dung mà quang minh, nhân từ mà hùng lực…, vốn là một đạo Phật tư tưởng hơn là một đạo Phật cúng bái, cầu khấn.
Bên cạnh một kiểu đạo Phật thần quyền ở nhân vật Đàm Thái Hậu, đạo diễn và tác giả bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” còn tỏ ra lúng túng và kém cõi khi thể hiện đạo Phật ở nhân vật Lý Huệ Tông.
Trong suốt gần hết bộ phim, nhân vật Lý Huệ Tông tỏ ra tách biệt, xa lạ với Phật giáo, chẳng chịu một chút ảnh hưởng gì Phật giáo trong lời nói, hành động.
Quyết định đi tu của Lý Huệ Tông đột ngột xuất hiện ở tập cuối, rõ ràng không được chuẩn bị đầy đủ và lý giải về mặt nghệ thuật. Do đó, bước ngoặt đi tu ở nhân vật Lý Huệ Tông trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ” đã hết sức gượng ép, chông chênh, thiếu thuyết phục đối với khán giả. Quyết định đó của nhân vật Lý Huệ Tông không phải được xây dựng từ một bước phát triển hợp lý mà như bỗng dưng rơi xuống. Yếu tố Phật giáo không được bố trí ở nhân vật này để ông ta trở thành một nhà sư. Phật giáo ở nhân vật Lý Huệ Tông trong phim chợt đến như một yếu tố lắp dán, gán ghép vụng về vào nhân vật.
Có lẽ, cũng nhờ vào việc một số khán giả đã biết đến việc Lý Huệ Tông đi tu qua việc đã đọc chính sử, nên có thể tiếp nhận sự việc như diễn biến trong phim. Nếu không thì đến hành động đi tu, bước phát triển của hành động như thế ở nhân vật sẽ có một vết đứt gãy lớn. Phim “Thái sư Trần Thủ Độ” cũng không hẳn miêu tả việc đi tu như một cuộc lẫn trốn tuyệt vọng. Hành động đi tu chông chênh kéo theo yếu tố Phật giáo ở Lý Huệ Tông chông chênh.
Quãng đời đi tu ngắn ngủi của Lý Huệ Tông trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ” trở thành một bi kịch mới của nhân vật này. Cách thể hiện như đạo diễn và tác giả kịch bản làm người xem có cảm giác là đạo Phật có một phần trách nhiệm trong đoạn kết bi thảm và tiêu cực của Lý Huệ Tông: tự tử!
Cái lúng túng của tác giả kịch bản và tiếp theo của đạo diễn là ở chỗ này. Người ta muốn tránh cho Trần Thủ Độ hành động tàn ác là truy sát Lý Huệ Tông đến đường cùng, nhưng cũng vẫn muốn giữ chi tiết lời khuyến cáo “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc” của Trần Thủ Độ trong lịch sử. Vì vậy, việc nhân vật Lý Huệ Tông trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ” tự vẫn không được thể hiện bằng biện pháp nghệ thuật như một hành động chính trị phản kháng cuối cùng. Sự lửng lơ, luống cuống đó đã đẩy người xem tới chỗ lý giải bằng sự uy hiếp của nhân vật tướng quân Lý Hà, một hư cấu kém thuyết phục của đạo diễn. Vì do hư cấu này kém thuyết phục, sự tiêu cực của nhân vật nhà vua được lý giải bằng lựa chọn cửa Phật.
Một đạo Phật bi quan, yếm thế, bế tắc, tiêu cực dẫn đến tự sát trong bộ phim truyện sẽ không hiện lên nếu các tác giả phim trung thực hơn với lịch sử, để Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông gián tiếp. Khi đó, đi tu không phải là một lựa chọn tôn giáo, mà là một lựa chọn chính trị. Không có một nhà sư tự sát mà chỉ có một ông vua bị truy sát, bức tử. Vì các tác giả bộ phim mâu thuẫn với lịch sử, nên đã tạo ra sự ngộ nhận hoen ố cho Phật giáo, nó kết nối các vòng tình -> tu -> tự tử ở nhân vật Lý Huệ Tông trong phim.
Như vậy, trong bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” Phật giáo thể hiện trong 3 trạng thái:
- Bối cảnh lịch sử (chùa chiền, tượng Phật, nhà sư, cúng bái, chạy đàn, khói hương, tụng kinh, gõ mõ…).
- Đạo Phật yếm thế, bi quan ở nhân vật Lý Huệ Tông.
Kết lại, đó là do cái nhìn nông cạn, hời hợt về mặt nhận thức, non tay về mặt nghệ thuật thể hiện của tác giả kịch bản và đạo diễn phim truyện “Thái sư Trần Thủ Độ”. Những nhà làm phim đã không thâm nhập vào được cái hồn cốt Phật giáo của giai đoạn lịch sử này, mà chỉ thấy một Phật giáo bề ngoài, Phật giáo trong tình trạng suy thoái.
Đòi hỏi tầm vóc triết học và nghệ thuật như thế đối với tác giả kịch bản và đạo diễn phim “Thái sư Trần Thủ Độ” là có quá cao không?
MT